“Robbery” rời Bayern Munich: Tạm biệt một kỷ nguyên bay bổng

Tác giả CG - Thứ Bảy 18/05/2019 12:27(GMT+7)

Sau trận đấu với Eintracht Franfurt ở vòng 34 Bundesliga này, các khán giả của sân Allianz Arena sẽ nói lời chào tạm biệt với cả Franck Ribery lẫn Arjen Robben, chính thức khép lại một kỷ nguyên của Bayern Munich.

Sau trận đấu với Eintracht Franfurt ở vòng 34 Bundesliga này, các khán giả của sân Allianz Arena sẽ nói lời chào tạm biệt với cả Franck Ribery lẫn Arjen Robben, chính thức khép lại một kỷ nguyên của Bayern Munich.
Robben và Ribery
Khi phải chia tay một ai đó gắn bó đậm sâu, thường chúng ta sẽ điểm thời gian đã ở bên nhau, nhắc lại những kỷ niệm đã qua và nhớ về ngày đầu tiên. Cổ động viên Bayern Munich hẳn không quên thứ Bảy 29/8/2009, đó là ngày đầu tiên Franck Ribery và Arjen Robben chạy trên cùng một thảm cỏ, khoác cùng một màu áo. Robben vào sân từ phút 46, Ribery thay thế Ivica Olic ở phút 63 và “khẩu thần công” đáng sợ của Bayern Munich suốt một thập kỷ chuẩn bị lên đạn. 
 
Robben ghi liền 2 bàn từ phút 68 đến phút 80 với người kiến tạo đều là Ribery, Bayern giành chiến thắng 3-0 trước Wolfsburg (trước đó Mario Gomez mở tỷ số phút 28). Và đó là ngày một huyền thoại ra đời. Robben và Ribery, hai con người khác nhau, xuất thân từ những quốc gia khác nhau và họ cũng đến Munich với tâm thế khác nhau. 
 
Sau 2 mùa giải thành công tại Marseille, Ribery trở thành một trong những ngôi sao sáng giá nhất Ligue 1 và việc chuyển ra nước ngoài thi đấu, tới một đội bóng mạnh hơn ở giải vô địch quốc gia lớn hơn là điều không thể tránh khỏi. Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2007, đội bóng xứ Bavaria chi ra 25 triệu euro để đưa “gã mặt sẹo” về sân Allianz Arena. 
Franck Ribery: 12 năm trọn vẹn một tình yêu
Các khán giả lập tức yêu mến gã cầu thủ nhỏ con có khuôn mặt hơi bặm trợn ấy. Ngay từ lúc mới đến, vị trí hành lang cánh trái đã được “dọn sẵn” dành cho gã bởi cái chân phải nhanh nhẹn và biến ảo có thể làm khổ mọi hàng phòng ngự. Kế thúc mùa giải 2007/2008, Franck Ribery ghi tổng cộng 11 bàn ở Bundesliga đồng thời ẵm luôn 2 danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm 2008 ở cả Pháp lẫn Đức.
 
Còn Robben, anh gia nhập Bayern Munich với tâm thế chẳng khác nào của một người tìm quên những thất bại. Sau quãng thời gian khoác áo Chelsea tương đối thành công, anh đến Real Madrid vào tháng 8/2007 trong bối cảnh Chủ tịch Ramon Calderon của Los Blancos khi ấy thực hiện cuộc cách mạng “Hà Lan hóa”  tại sân Santiago Bernabeu. Robben giành La Liga ngay mùa giải đầu tiên chơi cho Real Madrid. 
 
Thế nhưng bước sang mùa giải thứ hai tại Tây Ban Nha, Robben cùng các đồng đội phải chứng kiến sức mạnh tuyệt đối của Barcelona dưới sự dẫn dắt của Barcelona. Đầu tháng 6/2009, Florentino Perez tái đắc cử Chủ tịch Real Madrid và cuộc thanh lọc lực lượng bắt đầu. Robben cùng Wesley Sneijder và Klaas-Jan Huntelaar phải ra đi để nhường chỗ cho Cristiano Ronaldo, Karim Benzema và Kaka. Với Robben, từ La Liga tới Bundesliga, từ Real Madrid đến Bayern Munich có khác gì sự thụt lùi. Những định kiến đầu tiên luôn đem tới cho chúng ta nhiều thử thách nhưng khi vượt qua nó thì mọi thứ sẽ ổn thỏa.
Robben - Sneijder: Mãnh hổ Hà Lan và những kẻ bỏ đi tại thành Madrid
Và 10 năm nay, hai con người ấy đã miệt mài cày ải cho Bayern Munich. Trong thời kỳ đỉnh cao, họ là “đôi cánh” số một trong thế giới bóng đá. Một người là “con ma tốc độ” bên cánh trái, một người là “phù thủy” bên cánh phải với tuyệt kỹ ngoặt bóng vào trung lộ và dứt điểm. Đã có những lúc họ bị khắc chế nhưng rồi như một cách chứng minh đẳng cấp thượng thừa, cả hai khiến đối phương bắt bài được đấy nhưng chẳng thể làm gì nổi. Giống như thứ rượu hảo hạng càng ủ lâu, men càng ngấm, uống càng ngon thì kỹ năng, đẳng cấp của Robben và Ribery theo thời gian cũng thế.
 
“Tôi rất hạnh phúc khi có đối tác để hỗ trợ mình ở cánh đối diện. Thật tuyệt vì các đối thủ không bao giờ biết chúng tôi định làm gì: tấn công ở bên trái hay tấn công bên phải”, Franck Ribery chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên trang chủ Bundesliga. Đỉnh cao của bóng đá chẳng phải là khiến người khác nhìn vào và nghĩ rằng rất dễ để thực hiện hay bắt bài nhưng kỳ thực thì ngược lại hay sao?
 
Suốt 10 mùa bóng, “Robbery” đã nếm trải rất nhiều vinh quang từ ở nước Đức ra đến châu Âu, họ giành tổng cộng 18 danh hiệu vô địch cùng nhau trong màu áo Bayern Munich, một bảng thành tích đồ sộ. Thế nhưng cũng có không ít những thời điểm đen tối bủa vây lấy cả hai. Đó là khi chấn thương dai dẳng đeo bám hết lần này tới lần khác, là hai lần lọt vào chung kết Champions League và đều thất bại. 
 
Mùa giải 2009/2010, là chân sút số một của Bayern Munich đưa đội bóng giành cú đúp Bundesliga và cúp Quốc gia, Robben mang trọng trách lớn để đưa đội bóng lên đỉnh cao châu Âu. Tuy nhiên trong trận chung kết, Die Roten để thua 0-2 trước Inter Milan. 2 năm sau, họ một lần nữa lại vào đến chung kết và lại thất bại, lần này trước Chelsea trong loạt luân lưu. 
 
Bi kịch thay, năm đó Bayern đều về nhì ở cả ba đấu trường quan trọng (Bundesliga, cúp Quốc gia, Champions League). Cổ động viên cần một vật tế thần và đó là Robben. Khoảnh khắc khi cầu thủ chạy cánh người Hà Lan không thể chiến thắng Petr Cech trong một quả phạt đền do chính Ribery mang về ở hiệp phụ dường như cũng là lúc mọi nỗi căm hờn, uất hận đã sẵn sàng đổ lên anh. Trước đó, hình ảnh của Robben và Ribery đã bị hoen ố sau một bất đồng nảy lửa ngay trên sân vì một quả đá phạt ở trận bán kết gặp Real Madrid.
 
Tuy nhiên, sau tất cả chỉ còn lại tình yêu. Một người Hà Lan, một người Pháp nhưng dành cả tuổi thanh xuân, những năm tháng đẹp nhất sự nghiệp ở nước Đức. Khi mới tới Munich, họ là những ngôi sao và cái ngày chia tay, họ ra đi với vị thế của những huyền thoại. Sẽ có những người thay thế hai anh ở Allianz Arena nhưng có lẽ sẽ rất lâu nữa để Bayern Munich nói riêng và  thế giới bóng đá nói chung tìm ra một “đôi cánh” đáng sợ, bền bỉ và ăn ý như “Robbery”.
 
Tạm biệt Arjen Robben, tạm biệt Franck Ribery, tạm biệt một kỷ nguyên bay bổng của Bayern Munich.

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.