Robben - Sneijder: Mãnh hổ Hà Lan và những kẻ bỏ đi tại thành Madrid

Tác giả CG - Thứ Ba 02/01/2018 16:18(GMT+7)

Trong một thời đại của những thứ mập mờ thiếu căn cứ – được tạo ra bởi sự phát triển chóng mặt của truyền thông – nó đã trở thành tiêu chuẩn chính để xác định những điều gì không đem lại cái lợi ngay tức khắc. Điểm trừ này được thể hiện rõ nét qua lăng kính soi chiếu vào đời sống bóng đá.

 
Đây là một thời kỳ mà bóng đá được định nghĩa bằng những con số 0 trong tài khoản ngân hàng thay vì sự khéo léo và trí tuệ cảm xúc. Do đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi việc rèn luyện và phát triển những tài năng ưu tú của các câu lạc bộ hàng đầu thường bị đóng một vai trò thứ yếu để nhường chỗ cho công cuộc săn lùng cầu thủ ngôi sao trên thị trường.
 
Real Madrid – một câu lạc bộ điển hình cho thứ văn hóa này – đã tự đưa họ lên một đẳng cấp mới khi tạo ra đội hình Galácticos đầy tính biểu tượng trong suốt giai đoạn đầu những năm 2000. Với những cầu thủ mang tính thương mại nhiều hơn các đồng nghiệp khác, việc sử dụng họ làm vật tế thần khi đối mặt với kết quả không như ý muốn trở thành một “bản chất”. Chúng ta chẳng thể nào tưởng tượng được các cầu thủ sẽ cảm thấy áp lực hay cần thời gian để thích nghi với môi trường mới đầy lạ lẫm ra sao. Trong mắt các “siêu đội bóng” và những cổ động viên khó tính, chẳng có lý do gì để bào chữa cho những “cỗ máy” được trả lương tới 250 nghìn euro/tuần.
 
Bộ đôi người Hà Lan, Arjen Robben và Wesley Sneijder, chính là hai người đã phải nhận kết cục cay đắng tại Real Madrid vì chính điều này. Họ đã có một khởi đầu đầy hứa hẹn tại Hà Lan và được đảm bảo bằng những bản hợp đồng mà cả hai tin rằng sẽ đưa họ trở thành ngôi sao bóng đá.
 
Robben sinh ra ở Bedum, Groningen. Anh chính là sản phẩm điển hình của phương pháp Coerver nổi tiếng và bắt đầu thể hiện khả năng kỹ thuật của mình từ khi còn nhỏ. Trưởng thành qua các đội trẻ của FC Groningen, Robben ra mắt đội một vào năm 2000. Cái chân trái tài hoa cùng khả năng đóng góp vào các bàn thắng giúp anh trở thành một mắt xích không thể thiếu trong cách vận hành chiến thuật của huấn luyện viên Jan van Dijk. Được bố trí bên cánh phải, cầu thủ này bắt đầu trau dồi những kỹ năng băng cắt vào trong và tung những cú dứt điểm hiểm hóc bằng chân trái.
 
Trong 3 mùa giải ở đội bóng quê hương, anh có 8 bàn thắng cùng danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm của Groningen mùa giải 2000/2001. Tài năng của anh đang dần phát triển. PSV Eindhoven là đội bóng lớn đầu tiên của Hà Lan bày tỏ sự quan tâm và nhanh chóng đạt được thỏa thuận 3,9 triệu euro để có được tài năng trẻ này.
 
Thời điểm ấy, Sneijder cũng đang khẳng định bản thân theo cách riêng của mình. Là một sản phẩm được đánh giá cao từ lò đào tạo của Ajax Amsterdam, anh thi đấu xuất sắc dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên đội trẻ Danny Blind trước khi có cơ hội lên đội một làm việc cùng Ronald Koeman. Được đặt vào vị trí của một số 10, anh ngay lập tức thể hiện khả năng chuyền bóng tinh tế cùng những cú dứt điểm chính xác mà phần lớn trong đó đến từ các tình huống bóng chết.
 
“Tôi luôn cảm thấy có lỗi nếu chúng tôi thất bại. Nếu chúng tôi thua cuộc tức là tôi đã thi đấu không tốt, bạn hiểu không? Chơi tốt tức là phải giành chiến thắng.” Tinh thần chiến thắng đã ngấm vào trong chàng tiền vệ tấn công này từ khi còn rất nhỏ và trở thành một chất xúc tác, một động lực để anh còn thi đấu xuất sắc hơn nữa trong tương lai.
 
Hai mùa giải tiếp theo là cuộc cạnh tranh danh hiệu giữa Eindhoven và Amsterdam. PSV giành chức vô địch trước, Robben đóng vai trò quan trọng với 12 bàn thắng và nhận danh hiệu cầu thủ của năm của PSV. Khả năng của anh tiếp tục được thừa nhận với danh hiệu Johan Cruiff Prijs (Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm của Hà Lan). Ajax ngay trong mùa giải sau đã phục hận bằng chức vô địch Eredivisie. Sneijder đóng góp 9 pha lập công đồng thời cũng nhận được Johan Cruiff Prijs. Thật không may, đó cũng là lần cuối cùng anh được nếm trải chức vô địch quốc gia khi PSV bước vào một thời kỳ thống trị với 4 chức vô địch liên tiếp.
 
Và Robben bắt đầu được các đội bóng Premier League để ý tới. Huấn luyện viên Sir Alex Ferguson của Manchester United thường xuyên tới sân Philips Stadion để quan sát cầu thủ chạy cánh này thi đấu. Thế nhưng cuộc chuyển nhượng này đã không bao giờ diễn ra. Roman Abramovich khi đó đã bắt đầu kỷ nguyên mới ở Chelsea với ý định tạo ra một Galácticos của riêng mình. Robben được đưa về Stamford Bridge bên cạnh rất nhiều những bản hợp đồng mới với khát vọng vươn lên đỉnh cao bóng đá Anh của Chelsea. 3 năm trong màu áo The Blues, anh giành được rất nhiều danh hiệu trong đó có 2 chức vô địch quốc gia, 2 League Cup và 1 FA Cup. 
 
Thế nhưng, thành công mới chỉ là một nửa câu chuyện. Anh thường xuyên bị các đồng nghiệp cũng như phương tiện truyền thông gắn cho biệt danh “kịch sĩ” vì những tình huống ngã xuống ăn vạ. Tại đây, những chấn thương cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn và sau này nó trở thành một điều ám ảnh sự nghiệp của Robben. Cả hai lý do trên gộp lại khiến người hâm mộ sau cùng đi đến một kết luận rằng Robben không phù hợp với cường độ thể lực lớn của bóng đá Anh. Và ông chủ Abramovich quyết định bán cầu thủ có biệt danh “người thủy tinh” ấy cho Real Madrid để thu về 35 triệu euro.
 
Trong khi đó vào thời điểm ấy, Sneijder đã trưởng thành vượt bậc tại đội bóng thưở ấu thơ của mình. Tuy nhiên, thành tích 18 bàn thắng trong một mùa giải cho Ajax vẫn không thể nào xua tan đi nỗi thất vọng xếp sau PSV tại giải vô địch quốc gia. Sức hấp dẫn của việc được thi đấu trong một đội bóng nhiều tiền bạc là không thể kháng cự và mùa hè năm 2007, anh cùng Robben trở thành những tân binh của Real Madrid.
 
Cả hai cầu thủ đều đã có kinh nghiệm trải qua áp lực tại giải vô địch quốc gia cũng như đấu trường châu Âu, tuy nhiên lúc này họ lại bị cuốn vào một cỗ máy mang tên Los Blancos. 
 
Huấn luyện viên Fabio Capello có lẽ người hiểu rõ được sự “tàn khốc” ấy nhất. Dẫn dắt Real từ mùa giải trước đó, thế nhưng chiến lược gia người Italia đã bị sa thải một cách đầy cay đắng vì áp dụng lối chơi quá thiên về phòng thủ dù đã đưa câu lạc bộ đến với chức vô địch quốc gia đầu tiên sau 3 năm.
 
Chủ tịch Ramón Calderón đã chấm dứt thời kỳ Galácticos của Florentino Pérez và xây dựng một đội hình theo ý tưởng của riêng mình. Sau sự ra đi của những  Ronaldo, David Beckham, Roberto Carlos và Zinedine Zidane, ông muốn tạo ra một thế hệ tài năng tiếp theo.
Calderón muốn thành công ngay lập tức. Ông là một tri thức giàu nhiệt huyết nhưng đôi khi lại bị khắc họa như một kẻ mưu mô xảo quyệt và chẳng bao lâu nữa sẽ bị vướng vào một vụ tranh cãi. Campesino – nghĩa là “người nhà quê” – là cách mà ông dùng để mô tả Barcelona, báo hiệu một điều rất đáng lo ngại chuẩn bị xảy đến khiến danh tiếng của ông bị hoen ố.
 
Những cam kết mang về Kaká và Cesc Fàbregas không thành hiện thực tuy nhiên ông đã thực hiện được lời hứa thứ ba và cũng là cuối cùng với việc chiêu mộ thành công Robben. Sneijder cùng bản hợp đồng 14 triệu bảng Royston Drenthe được hoàn tất để hợp thành bộ ba người Hà Lan.

Robben và Sneijder đã có những khởi đầu tương đối tích cực. Được sử dụng trong cả sơ đồ 4-2-2 và 4-2-3-1, bộ đôi này đã được thể hiện những kỹ năng điêu luyện của mình. Họ ghi 4 bàn trong 3 trận đầu tiên ở giải vô địch quốc trong đó bao gồm chiến thắng kịch tính trước kình địch Atlético Madrid. Phong độ của họ giúp đoàn quân của Bernd Schuster giành chức vô địch quốc gia tiếp theo. Dù vậy, sức nặng của sự kỳ vọng đã không được giải tỏa chỉ nhờ việc lật đổ đại kình địch Catalan bởi việc sớm phải dừng chân ở Champions League cũng như Copa del Rey đã bị là thất bại.
 
Mùa đông năm 2008, tình hình tại Madrid ngày càng nóng hơn. Calderón bị vướng vào bê bối trong quá trình bầu cử, sau đó phải từ chức và được thay thế bằng chủ tịch tạm thời Vicente Boluda. Những diễn biến trên sân cỏ cũng không khá khẩm hơn, Real một lần nữa thất bại ở cả đấu trường quốc nội lẫn châu Âu. Năm ấy, Barcelona trở thành nhà vô địch La Liga, một năm chứng kiến Blaugrana đạt được cú ăn sáu vô tiền khoáng hậu dưới dự dẫn dắt của tân huấn luyện viên Pep Guardiola.
 
Trong khi đó, Florentino Pérez tái đắc cử chức chủ tịch Real Madrid và ngay lập tức bắt tay vào xây dựng một đế chế Galácticos mới. Kết quả là Robben và Sneijder không còn là những cái tên nằm trong kế hoạch tại thành Madrid nữa. Họ là đại diện cho thời kỳ của một vị chủ tịch xảo trá cộng với thành tích của mùa giải không được như mong muốn.
 
Pérez là một người có máu chính trị. Và thông điệp của ông cũng rất rõ ràng: bất cứ ai đại diện cho người tiền nhiệm đều là thừa thãi. Vị chủ tịch ấy nhất quyết bằng mọi giá phải “trục xuất” bộ đôi Hà Lan khỏi câu lạc bộ.
 
Những siêu sao mới như Kaká và Cristiano Ronaldo chính là lời khẳng định cho sự trở lại của Pérez trong nhiệm kỳ thứ hai và cũng là dấu chấm hết cho quãng thời gian của Robben và Sneijder tại Tây Ban Nha. Dù vậy, cả hai ban đầu vẫn tỏ ra rất lạc quan sau những màn trình diễn của mình. Họ đã xây dựng cuộc sống ở Madrid và rõ ràng là không muốn ra đi.
 
Tuy nhiên, Peréz vẫn rất cương quyết và nét lạc quan của hai cầu thủ Hà Lan nhanh chóng được thay bằng sự phẫn nộ. Điều này âu cũng là dễ hiểu bởi tầm ảnh hưởng mà họ đang tạo ra trong màu áo trắng của Los Merengues cũng như những đãi ngộ đang được hưởng. Nhưng sự chịu đựng của Pérez bắt đầu đi quá giới hạn.
 
Cơn ác mộng tại bán đảo Iberia kết thúc khi Robben chuyển tới Bayern Munich còn Sneijder chọn Inter Milan làm nơi cứu rỗi. Khi họ ra đi, tờ Marca của Tây Ban Nha đã chạy dòng title “Bienvendidos!” theo nghĩa đen là “Đã bán” dù rằng nó vẫn bớt phũ phàng hơn là viết “Tống tiễn”. Những ký ức mà bộ đôi Hà Lan để lại ở Madrid rõ ràng đã không được đáp trả.
 
Sneijder nhớ lại: “Tôi cố gắng kháng cự nhưng rõ ràng đó là một cuộc chiến mà tôi không thể giành chiến thắng. Pellegrini bảo ông ấy không muốn mất tôi nhưng chủ tịch lại nghĩ khác. Madrid đã đầu tư rất nhiều tiền và họ cần phải bán bớt cầu thủ.” Trong khi đó, Robben cũng khẳng định: “Ban đầu tôi không muốn ra đi. Mùa giải trước đó có lẽ tôi đã đạt phong độ cao nhất nhưng rồi tôi vẫn không có cơ hội ở lại. Thế nên tôi phải đưa ra quyết định của mình.”
 
Khi các ngôi sao mới của Real bị thất sủng, Die Roten và Nerazzurri đã nhảy vào cuộc chơi. Được giải phóng khỏi những áp lực, Robben và Sneijder ngay lập tức chứng minh cho Peréz thấy ông đã đánh mất điều gì. Cả hai cùng giành cú đúp tại giải quốc nội với câu lạc bộ của mình và gặp nhau trong trận chung kết Champions League, trớ trêu thay được tổ chức ngay tại Bernabéu. Sneijder là điểm tựa trong đội hình Inter Milan của José Mourinho. Về mặt chiến thuật Inter đã làm chủ trận đấu, họ chơi với hàng phòng ngự thép, những điều dường như đã không còn được nhìn thấy kể từ năm tháng hào hùng của Helenio Herrera. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha một lần nữa lại chứng minh mình chính là vua Midas chạm đâu cũng thấy vàng khi đưa Inter lên ngôi tại đấu trường châu Âu.
 
Và Sneijder đã thể hiện phong độ tuyệt vời trong trận chung kết ấy. Tất cả mọi đường tấn công bóng đều phải qua chân trequartista người Hà Lan. Đến phút 35, anh tung một cú chọc khe xuất sắc để loại bỏ hàng phòng ngự Munich và Diego Milito sau đó có pha bấm bóng qua đầu Hans-Jörg Butt, ghi bàn thắng duy nhất trong trận đấu. 
 
Các Madridista tiếp tục “đắng lòng” khi Robben và Sneijder thể hiện phong độ huỷ diệt tại World Cup 2010. Đóng vai trò quan trọng trong sơ đồ 4-2-3-1 của Bert van Marwijk, tương tự như khi còn thi đấu ở Los Blancos, bộ đôi này giúp Cơn lốc màu da cam cuốn phăng mọi đối thủ để tiến vào trận chung kết trên đất Nam Phi. Đáng tiếc, cái kết ngọt ngào cuối cùng đã không xảy đến. Hà Lan bị Tây Ban Nha đánh bại trong phút bù giờ với kết quả 0-1. Thành Madrid có một chút an ủi.
 
Thế nhưng sau đó, bộ đôi này lại rẽ lối theo hai con đường khác nhau. Trong khi Sneijder hoàn toàn sa sút phong độ thì Robben vẫn tiếp tục quỹ đạo ấn tượng của mình. Dù thất bại trong hai trận chung kết lớn liên tiếp nhưng đó chính là nền móng cho thành công sau đó.
 
Cơ hội trả thù trực tiếp đã tới khi Die Roten gặp Real trong trận bán kết Champions League 2011/2012. Robben ghi một bàn thắng gây tranh cãi và giúp Bayern bước vào loạt sút luân lưu. Và nhờ sự xuất sắc của Manuel Neuer cùng cú sút “bắn chim” của Sergio Ramos, Bayern đã lọt vào trận chung kết thứ hai trong vòng ba năm. Pérez lại bị trừng phạt bởi người ông từng đẩy đi.
 
Một lần nữa Robben và các đồng đội bị từ chối chức vô địch, lần này là bởi Didier Drogba – nguồn cảm hứng của Chelsea. Nhưng dường như đó chỉ là tiền đề, là một chất xúc tác cho vinh quang lớn sau đó. Một năm sau, Bayern lại trong hoàn cảnh giống như năm 2010: Giành cú đúp gồm chức vô địch quốc gia và cúp quốc gia dưới sự dẫn dắt tài tình của Jupp Heynckes đồng thời thêm một lần lọt vào trận chung kết Champions League.
 
Trên sân Wembley huyền thoại, “Hùm xám” đối đầu với Borussia Dortmund, cũng là đại kình địch ở Đức. Robben là người kiến tạo bàn mở tỉ số với một pha đi bóng bên trong vòng cấm rồi căng ngang thuận lợi cho Mario Mandžukić dứt điểm. Thế nhưng lợi thế dẫn trước chỉ kéo dài trong 8 phút trước khi İlkay Gündoğan gỡ hoà trên chấm phạt đền.
 
Trận đấu kéo dài thế bế tắc cho đến phút 89 thì bất chợt, Robben có một pha đi bóng xộc thẳng vào vòng cấm địa, xé toang hàng phòng ngự Dortmund rồi đưa bóng vào lưới trong sự bất lực của thủ thành Roman Weidenfeller. 
 
Bayern đã xuất sắc bảo toàn tỉ số trong những phút ít ỏi còn lại của trận đấu để hoàn tất cú ăn ba vĩ đại của mình. Robben cuối cùng cũng có thể vứt bỏ những gánh nặng to lớn ra khỏi bản thân. Anh nói: “Tôi rất tự hào, tự hào vì là một phần của đội bóng này và cuối cùng cũng giành được chức vô địch Champions League. Giấc mơ đã thành sự thật”.
 
Anh – giống như Sneijder 3 năm trước – là trung tâm trong chức vô địch của đội bóng. Người ta sẽ mãi mãi tự hỏi “sẽ ra sao” nếu như cả hai vẫn được khoác áo Real Madrid. Họ có thể đã lỡ hẹn với những danh hiệu cá nhân danh giá của FIFA thế nhưng chẳng còn nghi ngờ gì nữa, hai cú ăn ba đã khắc tên Robben và Sneijder vào ngôi đền của những huyền thoại Hà Lan.
 
Như chúng ta đã biết, mức độ thành công trong bóng đá thật khó để có thể đong đếm nếu không xét đến số lượng những danh hiệu đã giành được. Thế nhưng, sự kiên trì vẫn luôn là phẩm chất vĩ đại nhất. 
 
Nếu phải sử dụng một hình ảnh so sánh thì có lẽ Arjen Robben và Wesley Sneijder chính là hai con sâu bướm trước khi trở thành những cái kén trong vòng xoáy khốc liệt của Real Madrid. Nếu đội bóng ấy có thể giải quyết tình trạng hỗn loạn chính trị của mình thì biết đâu đấy, họ đã có thể giành Décima sớm hơn chăng. Thế nhưng lịch sử thì đã ghi nhận Inter và Bayern là những đội bóng được hưởng trái ngọt vinh quang từ chính hai con mãnh hổ mà Real Madrid đuổi ra đường.
 
Lược dịch từ bài viết “From Real Madrid rejection to treble redemption: How Robben and Sneijder roared like unstoppable lions” của tác giả Charlie Carmichael trong ấn phẩm Netherlands của These Football Times.

CG
 (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.