Chất đường phố vẫn luôn có trong Riyad Mahrez, nhưng anh không còn là cậu bé chẳng biết gì về ý thức chiến thuật như hơn 10 năm trước nữa. Và sự nghiệp của anh sẽ bước sang một trang khác, nếu Manchester City lên ngôi tại sân Dragao vào ngày mai.
Ảnh: Getty Images
Ở Sarcelles, Riyad Mahrez thực sự là một thần tượng. Nassim Coiffure là một thợ cắt tóc người Algeria tại Sarcelles, khi còn nhỏ Mahrez thường xuyên tìm đến Nassim. Bây giờ, tuy không thường xuyên cắt tóc cho Mahrez nữa, nhưng hình ảnh của anh thì vẫn hiện diện trong tiệm. Anh thường xuyên nhận được yêu cầu từ các cậu nhóc 5-6 tuổi là cắt kiểu tóc của Mahrez.
Nassim chia sẻ với BBC: “Rất nhiều khách hàng của tôi hiện tại đến đây vì Riyad. Họ đến từ Lille, Bỉ và khắp mọi nơi. Tôi biết mọi kiểu tóc của cậu ấy. Cậu ấy hay đổi tóc lắm, lúc đó mọi người lại bắt chước kiểu tóc đó. Nếu cậu ấy kẻ vạch trên tóc, mọi người cũng kẻ vạch theo. Riyad ấy giống như Cristiano Ronaldo của Sarcelles. Nếu cậu ấy làm điều gì, mọi người lại bắt chước làm theo”.
Sarcelles là thành phố nằm ở ngoại ô Paris, cách trung tâm thủ đô nước Pháp 16,3 cây số. Tại đây, Riyad Mahrez đã cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình có cha là người Algeria và mẹ là người Morocco. Nhiều năm về sau ngày đó, sân vận động của Sarcelles đã được đặt theo tên của anh. Năm 2019, anh được trao huy chương của thành phố. Ông Patrick Haddad, thị trưởng Sarcelles chia sẻ: “Riyad được yêu mến vì thể chất mẫu mực và sự kỷ luật. Cậu ấy là nguồn cảm hứng cho người dân Sarcelles”.
Nhưng không chỉ là tại thành phố nằm ở ngoại ô Paris này, Mahrez còn là nguồn cảm hứng lẫn niềm tự hào ở Alegria. Hiện tại, anh là đội trưởng đội tuyển quốc gia. Nhà báo Maher Mezahi người Algeria chia sẻ với The Guardian về trận bán kết lượt về chiến thắng của Man City trước Paris Saint-Germain ở lượt về Champions League, trận đấu mà Mahrez ghi cả 2 bàn thắng: “Ở Algeria đó thực sự là tin tức lớn. Tôi chưa từng chứng kiến người dân ở đây phấn khích về một cầu thủ ở một CLB nước ngoài như vậy. Sự phấn khích đó tỏa khắp mạng xã hội và ở khắp nơi mọi người đều chỉ muốn nói về anh ấy. Trong suốt lễ Eid vừa qua, Mahrez là chủ đề chính trong các cuộc trò chuyện của các gia đình”.
Cú đúp bàn thắng của tuyển thủ Algeria ở trận bán kết lượt về thực sự quan trọng, song bàn thắng của anh ở lượt đi của đáng nói không kém. Đó là một cú đá phạt đưa bóng xuyên thẳng qua một khe rất hẹp ở hàng rào. Mahrez đã đề nghị Kevin De Bruyne được thực hiện cú đá phạt ấy. “Ừ, nếu cậu tin là mình làm được”, là câu trả lời của tiền vệ người Bỉ với đồng đội. Và Mahrez ghi bàn thật. Một bàn thắng chứng minh rõ ràng sự tinh quái và khó lường của một cầu thủ đường phố vẫn chưa hề mai một bên trong cựu cầu thủ Leicester.
Ảnh: Getty Images
Mahrez trưởng thành từ những trận bóng đường phố. Các bạn bè từ nhỏ của Mahrez miêu tả anh là một người “cuồng bóng đá”. Cầu thủ người Algeria mài giũa kỹ thuật trên những con phố ở Sarcelles, anh chơi bóng ngay cả khi “không có ánh sáng” như lời của ông Hayel Mbemba, HLV của đội AAS Sarcellas, chia sẻ với AFP. Cậu bé Mahrez khi đó nhỏ con và nhút nhát nhưng khát khao chơi bóng thì luôn cháy bỏng và không ai có thể ngăn anh lại.
Năm 2009, cậu thanh niên 18 tuổi tới thử việc ở Quimper, một CLB nghiệp dư ở hạng 4 của Pháp. Cuộc thử việc của Mahrez cùng các cầu thủ khác kéo dài 1 tháng trước khi kết quả được công bố. Quimper quyết định không lựa chọn anh vì họ cho rằng anh chưa chắc xứng đáng với bản hợp đồng mà họ sẽ đưa ra. Những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt của Mahrez, trong một khoảnh khắc, ước mơ của anh có nguy cơ tan thành mây khói.
“Tôi đã tập với bọn họ một tháng và tôi không hiểu sao họ có thể nói thế. Sao họ không nói thế ngay từ đầu”, sau này trong cuộc trò chuyện với FourFourTwo, Mahrez nhớ lại cảm xúc của mình khi nhận được thông tin ấy. Ta thấy trong suy nghĩ đó là những ấm ức và buồn tủi.
Thực tế trước đó vài tháng, anh đã khăn gói đến tận Scotland để thử việc ở CLB St Mirren. Anh đã gây ấn tượng với David Longwell, giám đốc học viện của đội bóng đặt tại thành phố Paisley này.
“Riyad kém phát triển về thể chất, nhưng lại rất kỹ thuật. Tôi thấy điều đó qua cách cậu ấy rê trái bóng. Chúng tôi từng tập ở một sân trong nhà lạnh cóng, không quá hào nhoáng và Riyad hoàn toàn trên cơ các cầu thủ còn lại trong một trận bóng 5 người”.
Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với L’Equipe, ngôi sao của Man City tiết lộ thời tiết ở Paisley, khi đó thực sự khắc nghiệt, thậm chí anh giả vờ chấn thương để trốn tập. Và cuối cùng, anh quyết định lấy xe đạp ở học viện để đi tới sân bay, rời khỏi Scotland. Nhưng thực tế, chưa nói đến yếu tố thời tiết, việc anh trụ lại được St Mirren cũng rất khó. Quy định lúc đó là các cầu thủ học viện phải lên hệ thống đội một vào năm 18 tuổi mà khi ấy chỉ còn 1 tháng nữa Mahrez sẽ đến cột mốc này.
Riyad Mahrez và Matthias Pogba, anh trai của Paul Pogba. Ảnh: BBC
Chính vì thế, dù đã ghi 7 bàn trong 4 trận cho đội học viện, nhưng việc anh được ký hợp đồng cũng rất khó vì ban huấn luyện đội một cảm thấy thể chất của anh không đủ đáp ứng yêu cầu bóng đá Scotland.
Và như đã nói, Mahrez tới thử việc ở Quimper. Khi đứng trước viễn cảnh bị loại, cuối cùng anh đã thuyết phục được HLV trưởng Ronan Salaun. Và sau đó đến lượt Salaun thuyết phục thành công ban lãnh đạo đội bóng ký hợp đồng với Mahrez. Tại đây, Mahrrez là đồng đội của Mathias Pogba, anh trai của Paul Pogba.
Lúc này chất đường phố trở thành cả ưu lẫn nhược điểm của anh. HLV Mickael Pellen của Quimper nhớ lại: “Cậu ấy là cầu thủ đường phố, cậu ấy tự học bóng đá từ trên chính những con phố nơi mình sống. Đó vừa là ưu lẫn nhược điểm. Ưu điểm là cậu ấy rê bóng xuất sắc, chơi bóng bằng hai chân thoải mái và thực hiện các tình huống cố định rất giỏi. Nhưng nhược điểm là cậu ấy chẳng biết gì về chiến thuật cả”.
Ảnh: Ouest-France
Từ đó, Mahrez đã đi một con đường rất dài so với xuất phát điểm. Rời Quimper, anh gia nhập La Harve trước khi đến Leicester với giá 450.000 bảng. Trong màu áo Leicester, anh giúp đội bóng lên hạng và làm nên lịch sử với chức vô địch Premier League 2015/2016, được các đồng nghiệp bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất năm trong giải thưởng do Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Anh tổ chức. Năm 2018, anh gia nhập Manchester City và cùng dàn sao của Pep Guardiola trên hành trình chinh phục những danh hiệu.
Vòng 16 Premier League mùa giải này, trong chiến thắng 3-1 của Manchester City trước Everton, Riyad Mahrez đã ghi một bàn thắng đẹp. Nó đẹp không phải theo kiểu là cú sút xa ngoạn mục hay xe đạp chổng ngược, nó đẹp vì đến từ một pha di chuyển phối hợp đồng đội xuất sắc. Mahrez chạy chỗ ở biên để kéo giãn hàng thủ đối phương rồi bất ngờ xộc thẳng vào giữa, đón đường chuyền vừa nhịp của Bernardo Silva và ghi bàn.
Cựu cầu thủ Ally McCoist bình luận: "Bàn thắng quá tuyệt vời. Nhìn thì có vẻ là một đường chuyền đơn giản của Silva nhưng mọi thứ được thực hiện hoàn hảo. Mahrez chẳng cần phải giảm tốc. Trọng tâm quá xuất sắc còn về cú dứt điểm thì Pickford hoàn toàn không có cơ hội. Khi bóng đập cột dọc, nó lăn vào lưới trở thành bàn thắng".
Còn cựu danh thủ Michael Owen nhận định: "Không nhiều đội có thể ghi bàn thắng như vậy bởi các cầu thủ cần có nhãn quan và phán đoán được điều gì sẽ diễn ra. Đây là cách các cầu thủ hàng đầu chơi bóng, các cầu thủ bình thường không đá thế".
Chất đường phố vẫn luôn có trong Mahrez, nhưng anh không còn là cậu bé chẳng biết gì về ý thức chiến thuật như hơn 10 năm trước nữa. Và sự nghiệp của anh sẽ bước sang một trang khác, nếu Manchester City lên ngôi tại sân Dragao vào ngày mai. Từ giọt nước mắt tuổi 18 đến nguồn cảm hứng của quê hương, Riyad Mahrez đã đi một hành trình đáng nhớ.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.