Johan Cruyff thực sự vĩ đại. Nhưng để có một Cruyff xuất chúng đến vậy, không thể không nhắc đến người thầy của ông – Rinus Michels. Trong thời kỳ bóng đá Hà Lan vẫn còn tương đối hỗn mang, Michels đã đưa Ajax và sắc cam của ĐT Hà Lan lên bản đồ bóng đá thế giới.
Nói đến bóng đá Hà Lan, một cụm từ được nhắc đến nhiều nhất chính là “Bóng đá tổng lực”. Đôi khi nó được đề cập đến không hề đúng bối cảnh, nhất là ở thời hiện đại. Nhưng điều đó cho thấy khái niệm này quen thuộc và trở nên ăn sâu vào tiềm thức của cổ động viên bóng đá từ thế hệ này sang thế hệ khác, và mọi thứ xuất phát từ chính sự ưu việt của thứ bóng đá này trong thời cực thịnh của nó.
Và để có thứ bóng đá xuất chúng đó, chúng ta cần phải nhắc đến Rinus Michels, vị HLV đã dẫn dắt thế hệ Ajax Amsterdam và ĐT Hà Lan vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá. Nếu còn sống, ngày hôm nay vị danh sư của bóng đá Hà Lan nói riêng và thế giới nói chung bước sang tuổi 94, song, di sản vĩ đại mà ông để lại sẽ mãi được khắc ghi trong cuốn biên niên sử bóng đá.
Như Wim Rijsbergen – hậu vệ của ĐT Hà Lan tại World Cup 1974 và 1978 – nói về người thầy cũ của mình: “Ông ấy đã thay đổi bóng đá. Chúng tôi thực sự là Naranja Mecanica, Clockwork Orange. Ông ấy đã thay đổi tâm lý của toàn đội. Chúng tôi không chỉ di chuyển lên xuống mà còn gây áp lực lên đội khác, sẵn sàng mạo hiểm ở phía sau. Các hậu vệ dâng lên còn tiền đạo thì lùi về. Chúng tôi đã thực sự chơi bóng. Thậm chí ông ấy còn sử dụng thủ môn như một libero, dâng lên bên ngoài vòng cấm địa”.
Rinus Michels sinh ra và lớn lên ở Amsterdam. Năm 1946, ông gia nhập Ajax. Cây bút David Winner mô tả Michels với tư cách cầu thủ là một nghệ sĩ dễ tính cùng cá tính thích trêu đùa người khác. Michels thi đấu cho Ajax trong 12 năm. Thời điểm đó, bóng đá Hà Lan chưa thực sự chuyên nghiệp, và dưới sự dẫn dắt của hai vị HLV người Anh là Jack Reynolds và Vic Buckingham, ông đã tiếp thu những nền tảng chính để sau này mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử bóng đá.
Jack Reynolds là một người rất coi trọng kỷ luật và kỹ thuật trong bóng đá. Ông yêu cầu các cầu thủ phải tích cực tập luyện với bóng đồng thời đặt nền móng cho việc tạo một lối chơi nhất quán ở mọi cấp độ của Ajax. Reynolds khẳng định rằng tấn công là hình thức phòng ngự tốt nhất. Trong khi đó, Vic Buckingham thì khuyến khích lối chơi kiểm soát bóng thay vì bóng dài, như ông khẳng định trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1993: “Bóng dài quá mạo hiểm. Nếu có bóng thì hãy giữ bóng, đối phương sẽ không thể ghi bàn”. Trong quãng thời gian dẫn dắt Ajax, ông khiến các cầu thủ thấm nhuần tư duy kiểm soát bóng khi thấy các cầu thủ Hà Lan có đủ kỹ thuật để chơi thứ bóng đá mà ông mong muốn.
Năm 1965 – đúng 6 năm sau khi giải nghệ ở Ajax – Rinus Michels quay lại đội bóng cũ để đảm nhiệm cương vị HLV trưởng. Và trái ngược với quãng thời gian làm cầu thủ, HLV Rinus Michels là một người rất nghiêm khắc và trọng kỷ luật. Bobby Haarms – cựu trợ lý lâu năm ở Ajax – cho biết: “Điều quan trọng với ông ấy chính là kỷ luật. Ngay cả với các trợ lý HLV, ông ấy cũng như một người huấn luyện thú”. Chẳng phải vô cớ mà ông có biệt danh là “De Generaal” (Thống tướng).
Năm đầu tiên với cương vị HLV trưởng Ajax, mục tiêu của Michels chỉ là giúp đội bóng không phải xuống hạng. Khi đó người ta cũng chưa nói đến khái niệm bóng đá tổng lực. Điều mà Michels làm là thay đổi tinh thần đội bóng, yêu cầu các cầu thủ tập với bóng nhiều hơn, cải thiện kỹ thuật và đặc biệt là rèn thể lực gắt gao. Cựu cầu thủ Piet Kiezer nói: “Sự chuẩn bị thể lực của ông ấy là gắt gao nhất tôi từng biết. Đôi khi chúng tôi tập bốn buổi mỗi ngày. Chúng tôi bắt đầu tập vào buổi sáng cho đến tận tối. Ông ấy rất nghiêm khắc với các cầu thủ và có rất nhiều tranh cãi xoay quanh chuyện kỷ luật. Thông điệp rất rõ ràng: ai không thích sẽ phải ra đi”. Trong khi đó, cựu danh thủ Sjaak Swart thì nói một buổi tập dưới thời Michels giống như một trại lính.
Sau này, bóng đá Hà Lan gần như đóng khung với hệ thống 4-3-3. Song, trong quãng thời gian đầu Michels dẫn dắt Ajax, hệ thống mà đội bóng sử dụng là 4-2-4. Suốt giai đoạn đó, Ajax giành 4 chức vô địch quốc gia và 3 cúp quốc gia. Tuy nhiên, theo cây bút Jonathan Wilson, những thay đổi manh nha xuất hiện sau khi Ajax thua Arsenal ở bán kết Fairs Cup và Bertie Mee – HLV trưởng Arsenal thời điểm đó – nhận xét Ajax như một đội nghiệp dư.
Và một bước ngoặt nữa đến từ sau trận hoà 3-3 với Feyenoord cuối tháng đó. Khi ấy, Feyenoord được dẫn dắt bởi Ernst Happel – vị HLV người Áo sau đó dẫn dắt Hà Lan ở World Cup 1978 – và đội bóng thành phố cảng Hà Lan thi đấu với sơ đồ 4-3-3.
Trong cuốn Inverting The Pyramid, Wilson dẫn lại lời của Theo van Duivenbode – người thời điểm ấy thi đấu cho Feyenoord của Happel sau khi bị Michels bán đi: “Michels là chuyên gia trong việc lên kế hoạch chiến thuật trước trận đấu cũng như chuẩn bị thể lực, tinh thần cho các cầu thủ. Nhưng Happel lại rất giỏi trong việc phân tích trận đấu. Ông ấy nhanh chóng nhận ra rằng sẽ phải thay người chỉ sau vài phút thi đấu. Ở Feyenoord, Happel không có những cá nhân xuất chúng như Michels có ở Ajax, vì thế ông ấy đi sâu hơn vào chi tiết chiến thuật và tạo ra một đội bóng với lối chơi gắn kết tập thể. Họ không quá bay bổng nhưng thi đấu tập thể lại rất tuyệt vời”.
Trận hoà đó là bước ngoặt để Michels thay đổi Ajax từ hệ thống 4-2-4 sang 4-3-3, bớt đi một cầu thủ tấn công và bổ sung thêm một người ở trung lộ. Và bóng đá tổng lực bắt đầu được biết đến gắn liền với 4-3-3 từ đây, đặc biệt sau khi Ajax đoạt cúp C1 mùa giải 1970/1971. Điều mà Michels muốn cầu thủ thấm nhuần đó là phải mở rộng sân nhiều nhất có thể khi cầm bóng và thu hẹp sân nhất có thể khi mất bóng. Điều đó đòi hỏi cầu thủ cần phải rất nhạy bén về thời điểm, nhận thức không gian, di chuyển cũng như cực hiểu các đồng đội. Với bóng đá tổng lực, các cá nhân như những mắt xích hợp lại để cả cỗ máy vận hành trơn tru.
Jonathan Wilson nhận xét: “Điều mang tính cách mạng của Ajax dưới thời Michels là sự hoán đổi vị trí diễn ra theo chiều dọc thay vì chiều ngang. Ở Dinamo Moscow của Boris Arkadiev, các cầu thủ chạy cánh bó vào trung lộ, trong khi các tiền đạo thì dạt ra cánh, nhưng nói chung 3 tuyến phòng ngự, tiền vệ và tiền đạo vẫn giữ nguyên. Bằng cách rút tiền đạo trung tâm và giữ cầu thủ ‘left half’ đứng thấp cùng với sơ đồ 4-2-4, những người Hungary vĩ đại đã xoá nhoà các tuyến.
Tuy nhiên, Ajax của Michels là đội bóng đầu tiên khuyến khích sự thay đổi toàn diện, và điều cho phép họ làm điều đó chính là gây áp lực. Bỗng nhiên, việc bỏ trống 40yd (36,5m) phía sau cầu thủ đứng thấp nhất (không tính thủ môn) không còn là vấn đề nữa vì nếu đối thủ nhận bóng, anh ta sẽ bị truy lùng rất nhanh và gần như không thể tung ra đường chuyền chính xác”.
Từ Ajax, Barcelona cho đến ĐT Hà Lan, Rinus Michels đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong dòng chảy lịch sử bóng đá. Johan Cruyff từng nói Michels là người dạy ông nhiều điều nhất. Quả thực đó vừa là một người thầy, một HLV, một nhà cách mạng vĩ đại của bóng đá.