Richarlison: Mũi tên hướng về bầu trời

Tác giả CG - Thứ Ba 18/06/2019 16:12(GMT+7)

Giờ đây, Richarlison đã là một tuyển thủ Brazil và khoác áo một đội bóng không phải dạng vừa của Premier League. Mùa giải vừa qua, anh cùng Gylfi Sigurdsson là hai chân sút xuất sắc nhất Everton với cùng 14 pha lập công trên mọi đấu trường, trong đó 13 bàn thắng được thực hiện ở Premier League.

Không còn khẩu súng nào chĩa vào đầu như những ngày bé thơ nữa, cuộc đời hiện tại của Richarlison đã khác. Giờ đây, cầu thủ người Brazil là mũi tên hướng về những mục tiêu cao xa nơi chân trời.

Richarlison: Mũi tên hướng về bầu trời
1.
Brazil đã và vẫn đang là một trong những đất nước có tỷ lệ tội phạm cao hàng đầu thế giới. Những favela (khu ổ chuột) luôn là khu vực nguy hiểm, được cai trị bởi các băng đảng tội phạm, nơi luật rừng thậm chí đôi khi cao hơn cả luật pháp quốc gia. Theo thống kê đánh giá của Numbeo – trang thu thập cơ sở dữ liệu toàn cầu về giá cả, tỷ lệ tội phạm, chất lượng chăm sóc sức khỏe – hiện tại Brazil xếp thứ 9 trong danh sách các quốc gia có chỉ số an toàn thấp nhất thế giới.
Rất nhiều cầu thủ bóng đá (cả thành danh lẫn chưa có tên tuổi) của quốc gia này xuất thân từ những khu vực nghèo, nhiều đe dọa tiềm ẩn. Trường hợp của Richarlison cũng không phải ngoại lệ. Cầu thủ người Brazil chào đời tại Nova Venécia thuộc bang Espírito Santo, những cạm bẫy vẫn luôn tồn tại xung quanh cuộc sống của anh từ ngày nhỏ.
“Cuộc đời tôi có thể đã chấm dứt nhiều lần vào những thời điểm không đúng, ở những nơi không đúng. Có lần, một người đã chĩa súng vào đầu tôi. Gã tưởng tôi là người buôn ma túy đang lén hoạt động tại điểm phân phối của gã. Tôi nghĩ rằng: ‘Nếu hắn bóp cò, mình sẽ chết’ – thế nhưng tôi vẫn sống và bước tiếp đến ngày hôm nay”, Richarlison chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với FourFourTwo.
Nhưng ở Nova Venécia đâu chỉ có mình Richarlison mà còn rất nhiều đứa trẻ đồng trang lứa với anh. Họ không thoát được con đường lầm lạc, họ dùng ma túy, cần sa, sử dụng súng như một món đồ chơi. Nhiều bạn bè hiện tại của Richarlison vẫn đang sống trong tù còn anh may mắn khi được những người thầy và gia đình đưa ra lời khuyên để tránh xa những cạm bẫy chết người.
Một trong những lời khuyên đó là hãy tập trung vào bóng đá, tấm vé có thể đưa anh tới những chân trời mới tươi sáng hơn hoặc chí ít là sống một cuộc đời tử tế.
2. Từ nhỏ, Richarlison đã không được sống gần đủ cả bố lẫn mẹ khi họ ly dị nhau, ban đầu anh định theo mẹ rời Nova Venécia. Nhưng sau đó, khi chiếc xe chuẩn bị lăn bánh, Richarlison lựa chọn ở lại cùng bố vì biết mẹ sẽ cấm mình chơi bóng. 
Đến năm 10 tuổi, Richarlison trở về sống với mẹ khi bố chuyển nhà để làm việc. Cuộc sống khó khăn buộc cậu bé sinh năm 1997 ngày ấy phải làm đủ thứ việc, từ rửa xe ô tô, bán kẹo, làm socola,… nhưng chẳng có thứ gì khiến Richarlison vui ngoài bóng đá, thứ ma lực thôi thúc anh chạy 9 km đến sân tập bất kể trời nắng hay mưa. Và đó là lúc anh bắt đầu một giấc mơ.
“Một số bạn bè bảo tôi sẽ chẳng có tương lai gì với bóng đá cả, một vài người trong nhà cũng nói tôi thế. Nhưng tôi vẫn tin vào khả năng của bản thân. Mẹ bảo tôi cần tìm một công việc thích hợp nhưng tôi không muốn làm gì khác ngoài cầu thủ. Điều đó dẫn tới một vài sự căng thẳng giữa hai mẹ con. Đó là giấc mơ và tôi sẽ chiến đấu vì nó đến những ngày cuối cùng”, Richarlison bộc bạch trong cuộc phỏng vấn với ký giả Andy Hunter trên The Guardian vào tháng 9/2018, thời điểm khi anh đã có màn ra mắt đội tuyển quốc gia Brazil.
“Không chỉ mẹ mà những người khác cũng khuyên như vậy. Chỉ có bố tôi, ông là người đã đăng ký cho tôi vào ngôi trường bóng đá đầu tiên và tin tưởng tôi hơn bất kỳ ai”.
Những nghi ngờ đó là có lý do. Một số đội bóng từng gọi Richarlison đến thử việc ở đội trẻ nhưng họ nhanh chóng từ chối anh. Được bố và người thầy ở trường động viên, Richarlison vững tin để không từ bỏ và được América Mineiro – cái nôi đào tạo ra danh thủ Gilberto Silva – mời thử việc khi anh lọt vào mắt xanh sau một giải đấu ở địa phương.

“Khi tôi lựa chọn rời thành phố nhỏ bé của mình ở Espírito Santo và đến tập thử ở Belo Horizonte, tôi chỉ có đủ tiền mua vé một chiều. Tôi phải dùng tiền mua vé khứ hồi để mua đồ ăn và nước uống trong thời gian ở đó. Tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi phải gây được ấn tượng với họ, đó là tình thế tôi buộc phải thành công”, Richarlison nhớ lại quãng thời gian khó khăn của bản thân.
Và quả thật anh đã làm được.
3. Giờ đây, Richarlison đã là một tuyển thủ Brazil và khoác áo một đội bóng không phải dạng vừa của Premier League. Mùa giải vừa qua, anh cùng Gylfi Sigurdsson là hai chân sút xuất sắc nhất Everton với cùng 14 pha lập công trên mọi đấu trường, trong đó 13 bàn thắng được thực hiện ở Premier League.
Richarlison mất 1 năm để làm quen môi trường bóng đá nói riêng và cuộc sống nói chung ở Anh trong màu áo Watford dưới sự dẫn dắt của Marco Silva (và sau đó là Javi Garcia, người kế nhiệm HLV người Bồ Đào Nha bị sa thải). Hành trình thích nghi đó không hề dễ dàng. “Tôi không thích đồ ăn và bị sụt 5 kg vì phải ở khách sạn và chỉ ăn được hamburger – thứ gần gũi nhất mà tôi có thể tìm thấy về đồ ăn Brazil”, Richarlison tiết lộ những khó khăn ban đầu ở xứ sở sương mù.
“Sau đó tôi tìm được nhà, người đại diện và vợ ông ấy tới ở cùng tôi. Tôi cũng bắt đầu ăn được nhiều gạo và đậu hơn. Dần dần, tôi đã giải quyết được mọi thứ. Chúng tôi cũng tìm thấy một người bán thịt người Brazil ở khu Radlett, ông ấy nhập thịt lợn từ miền Nam Brazil, thứ mà bạn hay thấy ở một bữa tiệc nướng”.
Khi Richarlison đã ổn định cuộc sống, các hàng phòng ngự ở Premier League dần phải chú ý tới anh. Ngay khi vừa nhậm chức ở Everton, bản hợp  đồng đầu tiên mà ông đưa về sân Goodison Park chính là Richarlison. Vừa có thể đá cả cánh trái lẫn cánh phải cũng như vị trí tiền đạo mũi nhọn trên hàng công, Richarlison như một mũi tên nguy hiểm với độ sát thương cực lớn có thể xuyên thủng bất cứ manh giáp nào của các hàng phòng ngự.  Cổ động viên Manchester United có lẽ hiểu cảm giác này với pha ngả người sút bóng của cầu thủ Brazil giữa vòng vây cầu thủ “Quỷ đỏ” làm tung lưới David de Gea ở vòng 35 Premier League mùa giải vừa qua.
HLV Tite của Brazil cũng nhận ra khả năng của cậu học trò. Sau khi có màn ra mắt từ ghế dự bị trong trận giao hữu gặp đội tuyển Mỹ vào ngày 8/9/2018, từ đó tới nay Richarlison luôn có tên trong danh sách triệu tập của Tite. 4 ngày sau trận đấu với Mỹ, anh được xếp đá chính lần đầu tiên trong màu áo Brazil và lập tức ghi một cú đúp trong chiến thắng 5-0 trước El Salvador. Sau trận đấu, Richarlison đã nhận được món quà từ Neymar. Đó là chiếc áo thi đấu của số 10 Brazil kèm lời viết tặng: “Chúa sẽ che chở cho cậu, chàng trai vàng”. 
Từng chỉ thấy hình ảnh những Neymar hay Coutinho trên những video trò chơi, từng thần tượng Neymar tới nỗi để kiểu tóc mohawk giống cựu cầu thủ Santos thì nay Richarlison đã được ở chung phòng thay đồ với họ. Và hơn thế, anh còn đang đại diện cho màu cờ sắc áo Tổ quốc ở Copa America. 
Khi nhìn lại những gì đã qua, Richarlison có thể tự hào về hành trình của mình vì đã luôn hướng về phía trước.
CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.