Riccardo Pecini: Tuyển trạch viên từng phát hiện Luka Modric và Anthony Martial

Tác giả KDNX - Thứ Bảy 05/03/2022 10:44(GMT+7)

Đến từ một gia đình được mệnh danh là "Dòng họ Maldini của giới tuyển trạch viên", vậy nên không có gì lạ khi nhìn vào bảng thành tích của Riccardo Pecini tuyển trạch viên đến từ Italia từng phát hiện ra tài năng của Luka Modric và Anthony Martial

 
"Dòng họ Maldini của giới tuyển trạch viên"
 

Riccardo Pecini với tay lấy điếu vape rồi ngả lưng vào ghế văn phòng của mình. Điện thoại trên bàn của ông rung lên, nhưng ông từ chối cuộc gọi đó một cách lịch sự. Có thể nói, ông là người có kinh nghiệm nhất trong giới tuyển trạch ở Spezia, bởi lẽ, Riccardo tới từ một dòng họ nổi tiếng với danh nghĩa "nhà Maldini của giới tuyển trạch viên". Bản thân Pecini cũng cảm thấy như thế: "Thực sự mà nói, tôi lớn lên trong cái thế giới này."
 
Bố của ông, Aldo, vẫn đang làm đối tác tuyển trạch cho Modena. Nhưng trước đó, ông được tin tưởng giao phó nhiệm vụ tuyển trạch cho các CLB hàng đầu Serie A cũng như Manchester City dưới thời HLV Roberto Mancini. "Tôi thường đi với bố khi mới 12 hay 13 tuổi gì đó. Không hề có GPS, không hề có sóng điện thoại. Bố tôi là một nhà tiên phong," Pecini chia sẻ kèm một nụ cười. "Tôi nhớ mãi một chuyến đi tới Slovakia để theo dõi giải VĐQG U18 Slovakia. 10 tiếng lái xe, mãi không kiếm được sân vận động, không định vị. Bọn tôi chỉ đọc bản đồ mà thôi.
 
Những năm kiến tạo sự nghiệp của Riccardo đều xoay quanh những đội bóng tới từ những vùng đất hẻo lánh khó đọc tên, theo dõi những trận đấu mà chỉ có người địa phương biết. "Tôi học được rằng bạn có thể tìm ra cầu thủ ở mọi trận đấu," Pecini chia sẻ. "Không cần biết ở đâu hay giải nào. Bạn có thể tìm ra cầu thủ ở khắp mọi nơi." Đó là bài học Aldo dạy con trai mình, một bài học đã giúp Riccardo rất nhiều. Đó cũng là lý do vì sao Damien Comolli quyết định đem ông về để làm công việc tuyển trạch cho Tottenham ở Italia và Trung Âu.
 
"Tuyển trạch bao giờ cũng phải trực diện," Pecini chia sẻ. "Có video và dữ liệu đấy, nhưng phải chứng kiến bằng mắt thường cầu thủ đó thi đấu. Một phần công việc của tôi dựa vào cảm  giác. Khó giải thích lắm." Chính vì cái cảm xúc đó mà Pecini đã phải ngược xuôi vùng Balkan vì Spurs, chỉ khác là lần này ông có sự trợ giúp của đồng hồ thông minh và định vị toàn cầu, những thứ mà "ông cụ" nhà ông chưa từng dùng bao giờ.

"Trong một tuần lái xe loanh quanh vùng Balkan, tôi có thể theo dõi 20 trận," Pecini chia sẻ. "Tôi theo dõi Luka Modric khi cậu ấy được đem cho mượn ở Bosnia trong màu áo Zrinjski Mosta khi còn là một cậu nhóc 17 tuổi. Trước khi ký kết với cậu ấy, tôi nghĩ mình đã theo dõi cậu ấy 20 trận. Tôi thúc đẩy việc ký kết Modric liên tục. Khi đó, mọi người luôn cho rằng cậu ấy quá nhỏ hoặc quá yếu, nhưng Damien rất dũng cảm và tuyệt vời. Chúng tôi đã sớm nhận ra tài năng của cậu ấy rồi. Thực sự, não bộ của cậu ấy vận hành theo cách rất riêng, một bộ não của người giành QBV đấy." Pecini chia sẻ.
 

Những bản hợp đồng đắt giá
 

Ở phần sau sự nghiệp tuyển trạch ở Monaco, nơi Pecini làm giám đốc kỹ thuật dưới trướng nhà Rybolovlev, đối thủ hàng đầu của gia đình hoàng gia Qatar của PSG, ông đã đem về một cầu thủ đang trên đường trở thành chủ nhân tương lai của danh hiệu QBV, đó là Kylian Mbappe. Tuy nhiên, Pecini tỏ ra khiêm tốn về thương vụ này: "Đúng ra đó là bản hợp đồng của học viện," ông vừa nói vừa cười. "Tôi chỉ phải nói đúng một chữ "có". Dễ lắm ! Bộ phận tuyển trạch của học viện thời gian đó tuyệt vời lắm." Pecini cũng biết ơn một cái tên đã giúp ông tìm ra Mbappe, đó là Souleymane Camara. "Giờ anh ấy là giám đốc ở Red Star Paris rồi."
 
Phát triển một dự án giàu tiềm năng như Monaco ở thời gian đó chính là thứ đã giúp tạo nên danh tiếng của Pecini. "Đó là lần đầu tiên tôi được "chạy" một dự án của riêng mình," ông hồi tưởng lại. "Đáng lẽ ra mọi thứ phải đơn giản vì chúng tôi lúc đó giàu sụ, nhưng giành chiến thắng đâu phải chuyện dễ dàng. Việc có được cầu thủ phù hợp ở thời điểm phù hợp không hề dễ đâu." Ở thời điểm đó, Monaco vừa trở lại Ligue 1 bằng tài năng của Claudio Ranieri và những thương vụ tuyệt vời tới từ người tiền nhiệm của Pecini, Tor-Kristian Karlsen, người tìm ra Yannick Ferreira Carrasco cũng như đem về Lucas Ocampos từ River Plate, nơi anh trở thành cái tên sáng giá của bóng đá Argentina. Trong quãng thời gian đó, Geoffrey Moncada, vị trưởng bộ phận tuyển trạch góp công lớn cho thành công của AC Milan thời điểm hiện tại, đang là chuyên gia phân tích đội hình chính của Monaco ở thời điểm họ bắt đầu đổ tiền vào TTCN như một CLB hàng đầu.

 
Trong năm đầu tiên Pecini làm việc với Monaco, họ tiêu tốn 160 triệu Euro trên thị trường chuyển nhượng. "Chúng tôi ký kết với những cầu thủ tuyệt vời như Radamel Falcao, Joao Moutinho và James Rodriguez," ông chia sẻ. "Chúng tôi cũng ký kết với những  cầu thủ già như Ricardo Carvalho." Pecini bắt đầu nhớ lại một cái tên cũ thời còn làm việc ở Tottenham, đó là Dimitar Berbatov, khi đó đang là cầu thủ tự do sau khi rời khỏi Fulham. "Berbatov có lẽ là cầu thủ tài năng và thông minh nhất tôi từng gặp," ông chia sẻ. "Thực sự tuyệt vời khi được nói nhiều chuyện hơn bóng đá với anh ấy. Anh ấy rất thích hội họa. Anh ấy thích mấy bức tranh lắm, trong khi tôi lại "mù tịt" về nghệ thuật, vì vậy tôi chỉ nghe ý kiến của người biết rõ về điều này hơn tôi mà thôi."
 
Không sai khi nói rằng những bản hợp đồng đắt giá của Monaco đã chính thức đưa danh tiếng đội bóng này đi lên, nhưng Pecini lại có hướng đi khác cho Monaco trong vòng một thập kỷ tới, một hướng đi khá giống với Borussia Dortmund và Ajax, đó là tìm ra những tài năng trẻ rồi phát triển họ. "Tôi thích làm việc với những cầu thủ có tiềm năng, vì vậy, sẽ dễ dàng hơn nếu làm việc với các CLB cần tìm kiếm tài năng trẻ," Pecini khẳng định. Có thể nói, đây chính là đam mê của ông. "Ở Monaco, chúng tôi đem về Fabino, Geoffrey Kondogbia và Anthony Martial. Ngoài ra, còn có Aymen Abdennour nữa. Hồi ấy cậu ấy còn trẻ lắm." Thời điểm họ được đem về, bộ tứ này chỉ đáng giá 44 triệu Euro. Thế nhưng, khi Monaco bán họ đi, đội bóng xứ Công Quốc đã đem về số tiền 164 triệu Euro, số tiền gần với mức giá PSG mua Mbappe, cầu thủ đã từng giúp Monaco vô địch Ligue 1 và vào tới bán kết Champions League mùa giải 2016-2017.
 
Có thể nói, thương vụ đáng nhớ nhất của Monaco đó là thương vụ bán Anthony Martial cho Man United với giá 54 triệu Euro, dù trước đó, anh được đem về với mức giá bằng 1/10 mức giá mà Man United trả cho đội bóng xứ Công Quốc. "Hồi đó chúng tôi dễ dàng mua được cầu thủ giá rẻ vì Lyon cần tiền sau khi không được tham dự Champions League mùa sau," ông chia sẻ. "Tôi nhớ mình đã gọi đại diện của cậu ấy vào thứ 6. CLB cần tiền vào ngày thứ 2. Chúng tôi ký kết với cậu ấy vào ngày thứ 7. May mắn, Ranieri đã theo dõi cậu ấy thi đấu ở đội dự bị, vì vậy, mọi người rất tự tin vào bản hợp đồng này."

 
Martial đáng lẽ ra phải trở thành cái tên vĩ đại tiếp theo của bóng đá Pháp, cầu thủ mà Mbappe sẽ noi gương. Ban đầu, mọi thứ diễn ra suôn sẻ với anh ở Old Trafford, thế nhưng, càng về sau, Martial càng khiến Man United thất vọng. Vì vậy, anh phải chuyển đến Sevilla dưới dạng cho mượn hồi tháng trước. Còn ở đội tuyển Pháp, Martial chỉ ra sân 30 lần. Dù vậy, Pecini tin rằng Martial là một cầu thủ hàng đầu. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sẽ rất khó có chuyện Martial sẽ tiến bộ một cách nhanh chóng khi rời khỏi Man United, dù trước đó, điều này đã đến với Falcao khi anh trở về Monaco sau khi được đem cho mượn ở sân Old Trafford hay Di Maria ngay sau khi anh chuyển đến PSG.
 
"Chắc người ta trông chờ một Messi mới hay sao ấy," Pecini chia sẻ. "Nhưng cậu ấy mới chỉ 26 tuổi thôi."
Hai bản hợp đồng khác vẫn thường được người ta nhắc tới khi nói về Pecini đó là Mauro Icardi, người sau đó trở thành Vua Phá Lưới không chỉ một, mà tới hai lần ở Serie A, một bản hợp đồng vẫn được nghiên cứu cho tới ngày nay bởi các tuyển trạch viên khi nói tới bản năng của Pecini, người còn lại là Patrik Schick, cầu thủ vừa có được một kỳ Euro tuyệt vời cùng đội tuyển Cộng Hòa Séc hồi năm ngoái.

 
Ngày Icardi đến, anh chỉ là một cầu thủ vô danh với mức giá 300.000 Euro. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm, Sampdoria đã bán anh cho Inter thành công với mức giá 13 triệu Euro, bản hợp đồng cuối cùng của chủ tịch Massimo Moratti trước khi rời khỏi sân Giuseppe Meazza. Đây có thể được xem là thương vụ "lợi cả đôi bên", vì vậy, khi Pecini trở lại từ Monaco, yêu cầu của Sampdoria với ông rất đơn giản: tìm nhiều hơn Icardi. "Chúng tôi không thể cạnh tranh với Juventus, Bayern Munich hay các CLB Anh," Pecini chia sẻ. "Vì vậy, để tránh sự cạnh tranh, chúng tôi quyết định nhắm đến những nơi có tài năng đang phát triển. Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm từ độ tuổi U15, U16 sau đó là U7 nhằm biết được các tài năng thường xuất hiện ở nhóm tuổi nào và ở đâu." Một trong số đó là thị trường Trung  u, nơi Pecini đã từng ngược xuôi cùng với bố trên chiếc xe hơi khi còn là cậu bé. "Thời ở Sampdoria, tôi có 5 cầu thủ tới từ Slovakia, sau đó chúng tôi chuyển đến Poland và cuối cùng là Scandinavia."
 
Khi nhắc tới Patrik Schick, cầu thủ từng được xem là đắt giá nhất lịch sử Roma với mức giá 42 triệu Euro, Pecini không giấu nổi vẻ tự hào sau giọng nói: "Khi chúng tôi ký kết với Schick, cậu ta mới chỉ thi đấu 11 trận cho Bohemians dưới dạng cho mượn. Đó là một bản hợp đồng mạo hiểm, nhưng cũng là cách duy nhất để mua cầu thủ trẻ." Pecini cũng nhấn mạnh rằng linh cảm bảo ông phải mạo hiểm ở lần này. "Patrik là dạng cầu thủ có lối đá mà người Anh gọi là "mượt như nhung." Cậu ta  rất khác biệt. Cậu ta có kỹ thuật tốt, cậu ta có sự tinh tế, cậu ta là một cầu thủ giàu cá tính. Hồi đến Sampdoria, cậu ấy mới 19, thế nhưng trông cậu ấy thi đấu, cảm tưởng như cậu ấy đã 32 tuổi rồi ấy."
 
Cuối buổi trò chuyện, khi được hỏi về việc ông có cảm giác tù túng không khi phải "ngồi chơi xơi nước" trong quãng thời gian thị trường chuyển nhượng đóng cửa, Riccardo Pecini, người con của dòng họ Pecini khét tiếng trong giới chuyển nhượng, đã cười xòa rồi chia sẻ: "Tôi nghĩ có lẽ chúng tôi xứng đáng được nghỉ ngơi."

Dịch từ bài viết của tác giả James Horncastle cho trang tin The Athletic.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

Estevao Willian và ước mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người giỏi nhất

Như một lời giời thiệu tổng quát về bản thân mình đến người hâm mộ bóng đá Anh, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Thiago Rabelo của tờ The Guardian (Anh), Estevao Willian, tài năng bóng đá 17 tuổi được đánh giá là triển vọng nhất của Brazil kể từ sau Neymar – người sẽ chính thức gia nhập Chelsea vào mùa hè năm sau – đã có những chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời lẫn sự nghiệp vẫn còn chưa đơm hoa của mình.