Là Peru chứ không phải những gã khổng lồ Nam Mỹ như Argentina, Uruguay, Chile hay Colombia có mặt ở chung kết Copa America 2019 sau 2 lần liên tiếp cán đích ở vị trí thứ 3. Gareca, một người đàn ông Argentina với ngoại hình và mái tóc như một ca sĩ của thập niên 80, là người hùng của cả đất nước Peru. Nói điều này không hề ngoa chút nào.
Ricardo Gareca: Điệu tango mê đắm cùng những chiến binh Inca
Đây là những dòng kết trong bài viết trên tờ Independent mà ký giả Jonathan Liew viết ra sau khi đội tuyển Peru vượt qua trận play-off liên lục địa để góp mặt ở World Cup 2018. Đóng góp công lớn giúp Los Incas (“Những người Inca”, biệt danh của đội tuyển Peru) làm nên thành tích lịch sử này chính là người đã dẫn dắt họ, HLV Ricardo Gareca.
Nhưng Gareca và các cộng sự chưa chịu dừng lại, Peru tiếp tục khiến tất cả phải ngỡ ngàng. Là họ chứ không phải những gã khổng lồ Nam Mỹ như Argentina, Uruguay, Chile hay Colombia có mặt ở chung kết Copa America 2019 sau 2 lần liên tiếp cán đích ở vị trí thứ 3. Gareca, một người đàn ông Argentina với ngoại hình và mái tóc như một ca sĩ của thập niên 80, là người hùng của cả đất nước Peru. Nói điều này không hề ngoa chút nào.
Sau khi World Cup 2018 khép lại, Gareca trở thành ứng cử viên hàng đầu ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Argentina mà ông Jorge Sampaoli để lại. Một cổ động viên giấu tên (mà có lẽ là người Peru) đã chi 1.130 USD mua một ô quảng cáo trên tờ nhật báo Clarin của Argentina nhằm kêu gọi nhà cầm quân có biệt danh El Tigre ở lại với Peru. “GARECA, hãy trở về nhà ở Peru nơi có 32 triệu cổ động viên vô điều kiện đang đợi ông đưa chúng tôi tới Qatar [Vòng chung kết World Cup 2022]”, nội dung trên ô quảng cáo có đoạn.
Và sau đó, Gareca đã lựa chọn tiếp tục đồng hành với đội bóng ấy bằng bản hợp đồng mới có thời hạn thêm 3 năm nữa. Tình yêu vô điều kiện từ phía người hâm mộ là hoàn toàn dễ hiểu bởi ông đã giúp đội tuyển quốc gia nước này giành quyền lọt vào vòng chung kết World Cup 2018 tại Nga sau 36 năm đằng đẵng chờ đợi.
Dù vậy, có một điều khá trớ trêu khi chính Gareca cũng góp phần kéo dài quãng thời gian chờ đợi của Los Incas lâu đến như vậy. Ngày 30/6/1985, Argentina và Peru bước vào trận đấu quyết định của vòng loại thứ nhất World Cup 1986 khu vực Nam Mỹ, đội chiến thắng chắc chắn sẽ có được ngôi đầu bảng 1 và giành vé trực tiếp tới Mexico. Đội thua cuộc sẽ xếp thứ 2 và cùng đội đứng thứ 3 (sau đó được xác định là Colombia) tham dự các trận play-off khu vực với các đối thủ của bảng khác.
Cho đến phút 80, Peru đã lội ngược dòng để vươn lên dẫn trước 2-1. Tuy nhiên, định mệnh nghiệt ngã đã xảy ra với họ. Phút 81, từ đường treo bóng vào vòng cấm của đồng đội, Daniel Passarella đỡ bằng ngực và tung cú dứt điểm ở góc hẹp. Thủ thành Eusebio Acasuzo bất lực, bóng đập cột dọc. Trong tình huống ập vào, Ricardo Gareca nhanh chóng đưa bóng đi qua vạch vôi. Kết quả hòa được ấn định và nó đủ để Albiceleste giành tấm vé trực tiếp tới World Cup 1986 (và sau đó, như chúng ta đã biết, họ trở thành nhà vô địch). Còn với Peru, họ để thua Chile với tổng tỷ số 2-5 sau 2 lượt trận play-off.
Nhiều năm về sau, khi nhớ về khoảnh khắc quyết định trong buổi tối tháng 6 trên sân Monumental tại Buenos Aires hôm đó, Diego Maradona vẫn cảm thấy biết ơn Gareca.
“Tôi thậm chí không biết ai đã ghi bàn, tuy nhiên Pedrito Pasculli đứng gần đó và tôi đã ôm anh ấy, tôi ôm tất cả những người đứng xung quanh”, số 10 huyền thoại của Argentina hồi tưởng. “Nhưng chính Gareca, chính El Flaco đã ghi bàn. Nếu không có anh ấy, bóng sẽ đi ra ngoài. Chúng tôi đã giành quyền tới World Cup ở Mexico ngay thời điểm đó, tôi thề có mẹ mình là tôi đã nói với El Flaco Gareca rằng: ‘Chúng ta sẽ kết thúc ở trận chung kết World Cup giống như thế này… đau khổ nhưng rồi giành chiến thắng”.
Chỉ có điều, người hùng của Argentina đêm hôm ấy, sau đó không được HLV Carlos Bilardo lựa chọn vào danh sách tới Mexico 86. Nỗi buồn và sự tiếc nuối đó là thứ đeo bám mà ông cho rằng “khó khăn và khó chịu nhất từng xảy ra trong sự nghiệp”.
Gareca không được định mệnh lựa chọn để được đại chúng nhớ tới như một người hùng của Argentina dù ông góp phần tạo ra chức vô địch World Cup 1986 một cách gián tiếp. Nhưng ở một đất nước khác, sau hơn 30 năm sau, ông đã được tận hưởng cảm giác hạnh phúc một cách trọn vẹn. “Tôi có tất cả người dân Peru đứng phía sau ủng hộ”, chiến lược gia người Argentina nói trong men say ngất ngây sau khi đội bóng của ông đánh bại New Zealand trong trận play-off liên lục địa.
Không rõ người Peru bỏ qua hay họ đã lãng quên bàn thắng năm xưa của Gareca nhưng rõ ràng, tấm vé tham dự một vòng chung kết World Cup có thể xóa nhòa tất cả. Nhưng điều quan trọng không kém, ông giúp đội bóng ấy vượt qua một giai đoạn khó khăn và gieo mầm sự tích cực.
Pablo Escobar và Gareca
“Ricardo có một tinh thần tích cực mà tôi thấy ở rất ít người”, ông Juan Carlos Oblitas - Giám đốc Thể thao Liên đoàn bóng đá Peru – khẳng định. “Khi bạn động đến một chủ đề tiêu cực, ông ấy sẽ yêu cầu bạn phải đổi chủ đề ngay lập tức”.
Tiền vệ Yoshimar Yotun nói Gareca còn hơn cả một HLV mà đã thành một người bạn trong khi Christian Cueva – một trong những cầu thủ quan trọng nhất của Peru – thì thừa nhận: “Khi tôi lắng nghe những lời của ông, tôi thấy giống như thể cha hoặc mẹ đang nói với mình. Tôi sẽ luôn vô cùng biết ơn ông ấy. Ông chưa bao nhìn một cầu thủ mà trước tiên không nhìn khía cạnh con người của cầu thủ đó. Ông luôn luôn ở đó, thậm chí trong những thời điểm khó khăn nhất. Hơn cả một HLV, ông còn là nhà tâm lý”.
Với tinh thần đoàn kết và sự lạc quan như thế, ngay sau thất bại 0-5 trước Brazil ở lượt đấu cuối cùng vòng bảng Copa America 2019, Peru đã chơi một trận đấu lì lợm trước Uruguay và đánh bại Luis Suarez cùng các đồng đội trên chấm luân lưu. Cũng với đấu pháp hợp lý mà Gareca giăng ra, Chile đã sa lầy.
WhoScored chỉ ra rằng dù đội bóng của Alexis Sanchez đã tung ra tới 19 cú dứt điểm (so với 9 của Peru) và kiểm soát bóng vượt trội lên tới 65,3% nhưng vẫn hoàn toàn bất lực trong việc ghi bàn. Phải thừa nhận thủ thành Pedro Gallese đã có một trận đấu xuất sắc nhưng những đồng đội phía trên anh cũng thi đấu cực kỳ chắc chắn và an toàn. Và 3 nhát kiếm chí mạng của Peru được tung ra, đầu tiên là Edison Flores, sau đó là Yotun và đội trưởng Paolo Guerrero là người kết liễu. Chile như một con thú hiếu chiến bị hạ gục còn đoàn quân của Gareca là tay thợ săn khôn ngoan.
Nhìn những gì mà Gareca đang làm được, người Argentina hẳn lại càng khao khát có được ông hơn bao giờ hết. Nhưng giờ đây, nhà cầm quân 61 tuổi đang hạnh phúc ở Peru, nơi ông đang truyền điệu vũ tango mê đắm cho hậu duệ của những chiến binh Inca năm xưa. Và bất chấp kết quả trận đấu tới đây như thế nào, Los Incas có đòi được món nợ với người Brazil ở vòng bảng hay không, đó chưa phải điểm dừng. Trận chung kết Copa America sẽ không phải tất cả những gì mà người đàn ông có mái tóc vàng ấy khao khát cùng tập thể mà ông đang dẫn dắt.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…
Nguyễn Xuân Son đang tận hưởng thời khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của anh và chúng ta, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đang tận hưởng một trung phong có lẽ chưa từng có của ĐT Việt Nam.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.