Raymond Kopa: Thế giới có lãng quên một huyền thoại?

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Năm 09/03/2017 17:18(GMT+7)

Ngày 7/1/2017, trong ánh nắng ấm áp đầu xuân chiếu rọi mặt cỏ Santiago Bernabeu, 4 Quả bóng Vàng được xếp ngay ngắn chờ Cristiano Ronaldo giương cao.
Raymond Kopa Vi nhan o Santiago Bernabeu hinh anh
Raymond Kopa: Vĩ nhân ở Santiago Bernabeu
Cầu thủ người Bồ Đào Nha sẽ ăn mừng danh hiệu cao quý này trước toàn bộ người hâm mộ Real Madrid trên khán đài cùng những huyền thoại khác của CLB. Luis Figo, Michael Owen, Ronaldo và Zinedine Zidane, những chủ nhân khác nhau của Quả bóng Vàng từng khoác lên mình màu áo trắng đều đã tề tựu hôm nay để chúc mừng người đàn em. Fabio Cannavaro không đến nhưng vẫn gửi lời chúc qua màn hình lớn. 
Đứng xen giữa bốn Quả bóng Vàng chói lóa và bốn huyền thoại lẫy lừng kia lại là một người đàn ông đã già. Trong đám cổ động viên trẻ tuổi ngồi trên khán đài kia, không phải ai cũng biết tới ông. Phải rồi, ngay cả người đàn ông này cũng thừa nhận, khi dạo bước trên những con phố cổ tại quê nhà Reims, chỉ những người già mới nhận ra ông. Nhưng nếu những người trẻ chịu khó tìm hiểu, họ sẽ biết được, ông cũng là một huyền thoại, nhân chứng sống hiếm hoi còn lại cho thời kì huy hoàng của Real Madrid trong thập niên 50. Ông là Raymond Kopa.
Calais ngày nay nổi tiếng với danh hiệu thị trấn của những người nhập cư, nhưng ngược dòng thời gian trở về khoảng 70-80 năm trước, đây là vùng đất của những mỏ than.  Khi Raymond Kopa ra đời vào tháng 10/1931 tại Noeux-les-Mines, tứ phía ngôi làng nhỏ bé bị bao phủ bầu không khí đặc quánh bụi than. 
Raymond Kopa và Quả bóng Vàng
Là con trai trong gia đình nhập cư đến từ Ba Lan, họ thật của ông là Kopaszewski, một cái tên quá khó để phát âm, vậy nên khi lớn lên, ông được đặt cho một cái tên mới, dễ đọc và dễ hiểu cho những người bản địa, Kopa. Tên tuổi có thể dễ thay đổi, nhưng số phận của ông lại không được trôi chảy như vậy. Phải đến khi một biến cố lớn xảy ra, cuộc đời Kopa mới rẽ sang một ngả hoàn toàn mới.
Người nhập cư vốn không khá giả gì, Kopa sớm nối gót truyền thống gia đình để vào làm việc trong các mỏ than khi mới 14 tuổi. Than đá nuôi sống tạm thời gia đình của ông, nhưng đem lại những mất mát không thể bù đắp. Cha ông mất khi mới 56 tuổi vì bệnh viêm phổi do thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường độc hại của bụi than. Anh trai ông qua đời vài năm sau đó vì lí do tương tự. Dẫu vậy, phải cho đến khi Kopa mất đi một ngón tay trong một lần vào lò, ông mới quyết định sẽ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.
Sở hữu kĩ thuật chơi bóng điêu luyện và khéo léo ngay từ khi còn nhỏ, Raymond Kopa sớm gây được sự chú ý qua những kì thi tuyển cầu thủ cho các CLB chuyên nghiệp. Nhưng lối đá đó lại gây ra sóng gió trong lòng chính nước Pháp khi giới mộ điệu cho rằng, ông chơi… quá kĩ thuật. Pháp, một quốc gia bị chia rẽ bởi hai trường phái chính trị đối lập, tả-hữu, lại bị chia rẽ bởi một nhân vật trong giới bóng đá. Cánh hữu chỉ trích thứ “bóng đá lãng mạn” của Kopa là không hiệu quả. Cánh tả thì lại đề cao tính chất giải trí và chơi bóng vì niềm vui của ông. Rốt cuộc, phải sau hai năm mài giũa trong màu áo CLB hạng 2 Angers, tháng 10/1951, ông mới chính thức được CLB hùng mạnh nhất nước Pháp vào thời điểm đó, Stade de Reims chiêu mộ. Chỉ mất 1 năm trong màu áo mới, danh tiếng của Kopa đã bay lên tận trời xanh.
Raymond Kopa bước trên SVĐ Bernabeu
Họ đánh bại đội bóng số 1 nước Ý AC Milan tới 3-0 và cuối cùng chỉ thua Real Madrid trong trận chung kết đỉnh cao tại ECC Cup (tương đương Champions League ngày nay). Kĩ thuật của Raymond Kopa hoàn hảo tới mức, sau trận đối đầu với Đội tuyển Vương quốc Anh tại Belfast, báo chí Anh đã đặt cho ông biệt danh “Tiểu Napoleon”.
Những cầu thủ số 1 luôn sẽ có điểm đến là những đội bóng số 1 và ở thời điểm đó, Real Madrid là số 1 thế giới. Trong đội hình đội chủ sân Bernabeu khi ấy đã có những tiền đạo cự phách như Alfredo di Stefano hay Ferenc Puskas, chân chạy cánh tốc độ trong hình dáng của Francisco Gento, họ chỉ thiếu một tiền vệ tấn công biến ảo ở khu vực trung lộ. Raymond Kopa phù hợp với mọi tiêu chí mà Real yêu cầu. Mức giá chuyển nhượng kỉ lục thời đó tương đương với 38,000 Bảng Anh được chi ra để mang Kopa về Madrid. Đáng chú ý hơn, sau khi nhận số tiền đó, Reims mua được 3 cầu thủ khác, trong đó có cả Vua phá lưới World Cup 1958 Just Fontaine.
Fontaine từng nói thành tích kỉ lục 13 bàn của ông trên đất Thụy Điển năm ấy sẽ không tài nào thành thật nếu không có một Kopa làm bóng xuất sắc phía sau. Tương tự là trường hợp của Alfredo di Stefano và Real Madrid. Không phải cho đến bây giờ văn hóa ngôi sao trong phòng thay đồ Bernabeu mới xuất hiện. Kopa đáng lẽ đã đến Madrid sớm hơn, nếu không bởi sự ngăn cản của… chính Di Stefano. Sự đố kị và nghi ngại rằng cái tên đáng lên đến từ Pháp sẽ cướp vị trí đá chính của mình đã khiến Di Stefano hành động ích kỉ. 
Dẫu vậy, sau khi chứng kiến màn trình diễn ấn tượng của cầu thủ gốc Ba Lan, Di Stefano, bản thân ông cũng là một người nhập cư, đã đích thân đề đạt nguyện vọng chiêu mộ bằng mọi giá Raymond Kopa về Bernabeu. Sau này, huyền thoại từng khoác áo lên mình áo đấu của 3 ĐTQG khác nhau đã phải thừa nhận: “Cách cậu ấy đi bóng thật hoàn hảo! Không chê vào đâu được, như thể cậu ấy được sinh ra tại Nam Mỹ vậy. Cậu ấy giàu thể lực lẫn kĩ thuật, đủ khả năng tạo ra những điều phi thường.”
Raymond Kopa trong lễ trao quả bóng Vàng
3 năm tại Tây Ban Nha là 3 năm phi thường của Raymond Kopa trong màu áo trắng. Họ thống trị đấu trường quốc nội, bành trướng thế lực tại châu Âu và vươn tầm ảnh hưởng ra cả thế giới với 2 chức vô địch Tây Ban Nha, 3 Cúp châu Âu và 1 Cúp Liên lục địa. Người ta gọi thế hệ ngôi sao Real Madrid năm 2000 và 2009 là Galacticos, nhưng Raymond Kopa cùng Di Stefano, Puskas, Gento hay Jose Santamaria mới xứng đáng là thế hệ Galacticos đầu tiên, đi đầu và thành công rực rỡ nhất, vượt trội hơn mọi thế hệ kế cận. Chính Kopa từng nói: “Đừng so sánh các đội hình khác với chúng tôi. Với một chân, chúng tôi cũng có thể giành chiến thắng.”
No say với danh hiệu, Raymond Kopa trở về đội bóng cũ Reims sau 3 năm chinh chiến nước ngoài. Là người con của một gia đình không mấy khá giả, tiền bạc luôn là vấn đề được Kopa coi trọng. Chính vì thế, từ rất sớm, ông đã suy tính tới sự nghiệp hậu bóng đá. Khi còn là cầu thủ, Kopa đã biết cách tận dụng tiếng tăm của bản thân để phát triển công việc kinh doanh. Tờ L’Equipe gọi Kopa là “cầu thủ-doanh nhân” đầu tiên của bóng đá. Năm 1954, ông sở hữu hẳn một thương hiệu riêng về giày thể thao khi hợp tác với một công ty sản xuất quần áo, dụng cụ thể thao. Kopa còn ra luôn cả sản phẩm nước ép trái cây, mà sau này cung ứng cho chính tuyển Pháp ở World Cup 1958. Cuối sự nghiệp, ông mở hẳn một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ thể thao mang tên “Kopa” và tham gia điều hành cho đến năm 1991.
Tuy vậy, bóng đá vẫn được coi là ưu tiên số 1 của ông. Kopa thi đấu chuyên nghiệp tới năm 1967 và chỉ giải nghệ khi bước sang tuổi 35 sau khi giúp Reims vượt qua thời kì khốn khó. Ông cũng là nhân vật tiên phong trong nỗ lực không biết mệt mỏi đấu tranh cho quyền lợi cầu thủ. Năm 1963, trong một cuộc phỏng vấn với France Dimanche, Kopa phát biểu: “Các cầu thủ là những nô lệ. Thế kỷ 20, cầu thủ là những người duy nhất bị mua bán mà không được thông qua ý kiến”. Phát ngôn này khiến Kopa bị cấm thi đấu 6 tháng, nhưng nhận được sự ủng hộ từ UNFP (Hiệu hội cầu thủ chuyên nghiệp Pháp – hiệp hội đầu tiên trên thế giới bảo vệ quyền lợi cầu thủ, ra đời và còn tồn tại đến ngày nay nhờ sự hợp sức của Kopa cùng Just Fontaine). Ông trở thành một trong những người đầu tiên phản đối chế độ hợp đồng trọn đời của cầu thủ với CLB, cũng như hệ thống chuyển nhượng bó buộc, mở đường cho phán quyết Bosman sau này.
Raymond Kopa trong lễ trao giải Quả bóng Vàng cho Ronaldo vài tháng trước đây
Một người đàn ông thầm lặng, nhưng hết sức vĩ đại. Thật đáng tiếc thay, con người luôn phải dừng lại tại giới hạn của bản thân. Chưa đầy 2 tháng sau ngày xuất hiện tại Bernabeu, ông đã gia nhập Đội bóng của Chúa cùng một huyền thoại khác, một đồng nghiệp trong màu áo Real Madrid cũng từng đoạt bóng Vàng, Alfredo di Stefano. Để tri ân một vĩ nhân như Raymond Kopa, xin phép được trích lại lời của tờ France Football trong lễ trao giải Quả bóng Vàng 1958 cho ông: “Kopa là bậc thầy về sự chính xác và kĩ thuật. Ông ấy tạo nên tuyệt tác bằng những pha đảo bóng. Trong lịch sử bóng đá thế giới, chưa từng có ai làm tốt hơn thế. Kopa không chỉ chuyền cho đồng đội một cách đơn thuần, ông ấy luôn nghĩ, trong tích tắc thôi, và đặt họ vào tư thế thuận lợi. Ông ấy không chỉ là một cầu thủ chạy cánh, một tiền đạo lùi hay một trung phong cắm, ông ấy là thủ lĩnh, là người dẫn đường soi sáng, là sát thủ kết liễu mọi đợt tấn công.”

HOÀNG BÁCH (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

James Rodriguez: Một cầu thủ hết thời cấp CLB, nhưng lại là một con "quái vật" ở ĐTQG

Thứ Hai tuần trước, Rayo Vallecano đã chính thức giải phóng hợp đồng của James Rodriguez. Chặng đường của anh tại CLB này chẳng kéo dài bao lâu. Mới đây, anh đã chính thức ra mắt Club Leon (CLB đang chơi tại giải VĐQG Mexico). Trong 4,5 tháng khoác áo Rayo Vallencano, anh chỉ thi đấu vỏn vẹn… 136 phút tại La Liga. Chỉ duy nhất một lần anh được đá chính tại giải đấu này.

Nụ cười của Đình Triệu

Năm 2018, thời điểm bóng đá Việt Nam lên đồng, Nguyễn Đình Triệu có thể giống như tất cả chúng ta, hòa mình cùng niềm vui trên đường phố, bên bàn nhậu, trong quán cafe hay ở một góc nào khi đội tuyển U23 mở ra một chuỗi thành công và danh tiếng cho bóng đá Việt Nam.

Trong năm 2024, liệu có ai vượt qua hoặc sánh ngang với Lionel Messi và Cristiano Ronaldo?

Kỷ nguyên Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đã chính thức kết thúc vào năm 2024. Lần đầu tiên kể từ năm 2003, không một ai trong số họ lọt vào danh sách ứng cử viên cho danh hiệu Ballon d’Or, tức Quả Bóng Vàng. Và tất cả chúng ta đều biết rằng, cuộc bình chọn Quả Bóng Vàng chính là “Bảng Phong Thần” cao quý, danh giá nhất của lịch sử bóng đá dành cho những cá nhân kiệt xuất nhất.

Lá Quốc kỳ trong tay Đỗ Duy Mạnh

Sau chiến thắng 2-1 trước Thái Lan tối 2/1 tại chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, Đỗ Duy Mạnh ăn mừng đầy tự hào với lá cờ Việt Nam tại sân Việt Trì; hình ảnh này, mang nhiều ý nghĩa hơn thế.

Antonee Robinson: Hậu vệ cánh trái xuất sắc nhất Premier league hiện tại

Khi một hậu vệ trái có thể kiềm hãm được Bukayo Saka và Mohamed Salah trong 2 trận đấu liên tiếp ở Premier League, dĩ nhiên anh ta sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Khi anh ta không chỉ có một màn trình diễn khả năng phòng ngự xuất sắc mà còn có thêm 2 pha kiến tạo trước Liverpool trong một trận hòa 2-2 ở Anfield, hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra.