Raul Sanllehi: Từ chuyên gia tiêu tiền tấn tại Barca đến “thiên tài mua sắm” của Arsenal

Tác giả Elflaco - Thứ Bảy 10/08/2019 17:01(GMT+7)

Zalo

Raul Sanllehi, người đặt dấu ấn trong các cú chuyển nhượng siêu đỉnh của Barcelona như Luis Suarez, Neymar, trong quá khứ từng rất nhiều lần “hút máu” Arsenal qua các thương vụ mua Hleb, Alex Song, Fabregas… giờ đang được các “Gunner” tung hô mạnh mẽ nhờ tài đàm phán và mua cầu thủ của ông trong kỳ chuyển nhượng hè 2019.

Raul Sanllehi, người đặt dấu ấn trong các cú chuyển nhượng siêu đỉnh của Barcelona như Luis Suarez, Neymar, trong quá khứ từng rất nhiều lần “hút máu” Arsenal qua các thương vụ mua Hleb, Alex Song, Fabregas… giờ đang được các “Gunner” tung hô mạnh mẽ nhờ tài đàm phán và mua cầu thủ của ông trong kỳ chuyển nhượng hè 2019. 

Raul Sanllehi Thiên tài mua sắm ở Arsenal hình ảnh
Raul Sanllehi, tốt nghiệp cử nhân Kinh tế, khoa Marketing – Tài Chính đại học Guilford và sau đó lấy thêm bằng Thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Đại học Navarra. Công việc đáng chú ý đầu tiên của Raul Sanllehi là giám đốc Marketing chi nhánh Iberica của Henkel – một công ty toàn cầu hơn 140 năm tuổi, đời, hoạt động trên 3 lĩnh vực kinh doanh chính là keo công nghiệp, chăm sóc sắc đẹp; giặt tẩy và chăm sóc nhà cửa.
Năm 1996, Sanllehi rời Henkel Iberica SA, đầu quân cho Nike. Tại Nike, trong vòng 6 năm, Sanllehi trải qua nhiều vai trò và vị trí khác nhau ở mảng bán hàng – mở rộng thị trường. Tới năm 2002, Sanllehi được bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc FCB-Merchanidsing, công việc chính là phát triển thị trường các sản phẩm của Nike với đối tác Barcelona. 
 
Sanllehi chính thức bén duyên với bóng đá, chỉ 1 năm sau đó, khi tân Giám đốc Thể thao của Barcelona dưới thời chủ tịch Juan Laporta – huyền thoại Txiki Begiristain bổ nhiệm ông vào cương vị trưởng bộ phận Marketing của CLB. Nhiệm vụ chính của Sanllehi là thúc đẩy các hoạt động marketing cho mỗi chuyến du đấu trước mùa giải của Barcelona, tạo mối quan hệ tốt với công ty cũ NIke và tối ưu hóa tiềm năng bán áo đấu Barca ở các thị trường khác nhau.
 
Năm 2008, Begiristain được thăng chức, đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch CLB Barcelona. Và người được chọn để thay thế cựu danh thủ Barca cho vai trò Giám đốc Thể thao chính là Sanllehi. Xung quanh quyết định bổ nhiệm Sanllehi làm Giám đốc thể thao Barca, xuất hiện vô số tin đồn. Và đáng chú ý nhất, là một “thuyết âm mưu” cho rằng Sanllehi được chọn chẳng qua là bởi ông, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiếm được khoản tài trợ lớn từ Nike cho dự án mở rộng sân Nou Camp.
  Image result for raul sanllehi

Ngày 1/7/2008, Sanllehi chính thức “ra mắt” trên vai trò mới: Giám đốc Thể thao Barca. Với người Barcelona, đấy chính là một cột mốc quan trọng trong lịch sử CLB. Không phải bởi sự kiện Sanllehi là giám đốc thể thao mới, mà nó đánh dấu những bước chuyển biến đánh dấu một thời kỳ vàng son của Barca. Pep Guardiola được thăng cấp từ HLV đội Barca B lên dẫn dắt đội một. Từ Man Utd, một thành viên của lứa 1987 La Masia, Gerard Pique tái hồi Nou Camp.
 
Thương vụ đầu tiên được Tân Giám đốc thể thao Sanllehi thực hiện, mua hậu vệ phải Dani Alves từ Sevilla, thực ra đã được người tiền nhiệm của ông – Begiristain dọn sẵn. Nhưng Sanllehi cũng gần như ngay lập tức đặt dấu ấn lớn, trong việc giúp Barca ‘dọn dẹp’ đội ngũ sao số để cùng Pep xây dựng nền tảng chiến thắng mới dựa trên những cầu thủ xuất thân từ La Masia. Mùa Hè 2008, mùa hè đầu tiên của Giám đốc Thể thao Sanllehi, ông bán thành công Deco, Zambrotta rồi Ronaldinho (sang Milan). Ở chiều ngược lại, ông đưa về Barca Seydou Keita và Alexander Hleb. Và phần sau đó, với Barca, kể từ mùa Hè 2008 là… lịch sử.
 
10 năm đảm nhiệm cương vị Giám đốc Thể thao Barca của Sanllehi (từ 2008-cuối 2017) chính là giai đoạn mà CLB xứ Catalunya san bằng tất cả, chinh phục vô vàn danh hiệu lớn, những chức vô địch Champions League, những lần quán quân La Liga. Không phải tất cả các thương vụ mua cầu thủ của Sanllehi đều thành công (đáng tiếc nhất là trường hợp Zlatan Ibrahimovic) nhưng đừng quên rằng ông đã đưa về Nou Camp những David Villa, Alexis Sanchez, Cesc Fabregas, Jordi Alba, Luis Suarez, Ivan Rakitic, Ter Stegen và đỉnh cao, không nghi ngờ gì nữa, chính là đánh bại Real Madrid trong cuộc đua giành chữ ký Neymar Hè 2013.
Một thập kỉ làm Giám đốc Thể thao Barca, Sanllehi tiêu hơn 1 tỉ euro, phá liên tiếp mọi kỉ lục về giá mua cầu thủ của CLB  và cũng gắn liền với thương vụ đắt nhất trong lịch sử bóng đá Thế giới (Neymar sang PSG, 220 triệu euro – phí giải phóng hợp đồng). Cũng chính Sanllehi là người đóng vai trò quan trọng đem về cho Barca hợp đồng tài trợ siêu khủng từ quỹ Qatar Foundation.
 
Cuối tháng 11/2017, Sanllehi chính thức nhận lời đầu quân cho Arsenal. Tháng Hai năm 2018, Sanllehi được bổ nhiệm vào cương vị “Head of Football” – đầy đủ là “Trưởng bộ phận đối ngoại – phụ trách các vấn đề quan hệ bóng đá” của CLB. Cần phải chú ý chi tiết này, vì tầm ảnh hưởng và khối lượng công việc Sanllehi đảm trách tại Arsenal lớn hơn nhiều vai trò một Giám đốc Thể thao. Và thực tế, phải tới cuối tháng Bảy vừa qua, Arsenal mới có giám đốc thể thao đầu tiên trong lịch sử CLB – với sự trở lại của cựu danh thủ Edu Gaspar.
 
Danh tiếng của Sanllehi ở thời điểm cập bến Arsenal gần 2 năm trước là điều không phải bàn cãi. Nhưng hoài nghi dành cho ông tại London cũng lớn chẳng kém, đặc biệt sau khi Arsene Wenger chia tay Arsenal sau 2 thập kỉ gắn bó và Unai Emery là người được chọn để thay thế. Sự hoài nghi với Sanllehi, chủ yếu liên quan đến việc ông vốn là một… chuyên gia tiêu tiền tấn ở Barca trong khi tại Arsenal, ngân sách chuyển nhượng thường là hạn hẹp.
 
Hai “phiên chợ” đầu tiên, trong mùa giải 2018/19, Sanllehi tiêu hơn 80 triệu euro đưa về Emirates những Lucas Torreira, Bernd Leno, Skoratis, Guendouzi còn ở chiều ngược lại, Arsenal chỉ thu được khoảng 8 triệu euro từ việc bán cầu thủ. Lỗ chuyển nhượng hơn 70 triệu, Arsenal chỉ về thứ 5 Premier League và thất bại trước Chelsea ở trận chung kết Europa League. Mùa giải 2018/19 khép lại và mùa Hè mở ra với làn sóng phản đối mạnh mẽ nhằm vào ông chủ Stan Kroenke cùng “bộ sậu” Ban lãnh đạo CLB từ cộng động fan Arsenal.
 
Nhưng ở thời điểm hiện tại, vài tiếng sau khi kỳ chuyển nhượng Hè 2019 tại Anh chính thức đóng cửa, đã và đang xuất hiện rất nhiều những lời tán dương dành cho Sanllehi. Có người còn bình luận đại ý rằng, với tất cả những gì mà Sanllehi làm được trong “phiên chợ Hè 2019”, ông xứng đáng được Arsenal… dựng tượng.
Đầu Hè, khi xuất hiện nhiều luồng thông tin khẳng định Arsenal chỉ có 40 triệu bảng để chi tiêu cho kỳ chuyển nhượng trước mùa giải 2019/20, tuyệt đại đa số đều “cám cảnh” cho CLB này. Thông tin kể trên, khoảng 2 tuần trước, đã được BLĐ Arsenal, trong một cuộc họp báo chính thức, phủ nhận. Đúng là chẳng ai “đi chợ” mà nói mình “chỉ có ngần này tiền” nhưng trên thực tế, Sanllehi đúng là không hề chi tiêu quá tay so với mốc 40 triệu bảng đã-được-đồn-thổi ấy.
 
Nếu như chiêu trả góp phí chuyển nhượng mà Sanllehi khởi xướng ở Barca đang trở thành cái cớ cho những đòn công kích nhằm vào CLB xứ Catalunya thì tại Arsenanl, nghệ thuật đàm phán và mua trả góp cầu thủ của người đàn ông sinh năm 1966 này đang nhận được rất nhiều lời ngợi ca. Hãy xem, Sanllehi – người đã tiêu gần 1 tỉ bảng trong một thập kỉ làm Giám đốc Thể thao Barcelona, mang lại những gì cho Arsenal trong kì chuyển nhượng vừa kết thúc với “ngón nghề” của ông. 
  Image may contain: 1 person, outdoor

Về lý thuyết, Arsenal đã tốn tới 138 triệu bảng để đưa về Emirates 6 tân binh đáng chú ý: Nicolas Pepe (72 triệu), William Saliba (27), Kieran Tierney (25), David Luiz (8), Gabriel Martinelli (6) cùng Dani Ceballos (mượn Real Madrid). Nhưng con số thực chi – tức phải trả ngay trong Hè này của Arsenal lại thấp hơn nhiều, nhờ tài đám phám để mua hàng trả góp của Sanllehi, chỉ … 65 triệu bảng. Cụ thể như sau: 20 triệu cho Pepe, 3 triệu cho Saliba (cầu thủ này vẫn đá tiếp cho St Etienne theo HĐ cho mượn), 3 triệu phí mượn Ceballos, và 39 triệu trả đủ cho 3 thương vụ Luiz – Tierney – Martinelli. 
 
Nhưng đấy mới chỉ là chiều mua. Còn ở chiều bán, Arsenal với việc đẩy Iwobi sang Everton vào giờ chót của phiên chợ Anh, đã thu về 27 triệu bảng tiền tươi (phụ trội có thể lên tới 35-40 triệu) cùng 18 triệu bảng có được trước đó khi bán Bielik cho Derby, Koscielny (Bordeaux), Ospina (Napoli), Asano (Partizan), Jenkinson (Nottingham). Sau tất cả, Arsenal chỉ lỗ chuyển nhượng (Hè này) 20 triệu bảng nhưng vẫn có được kha khá hảo thủ, những sự bổ sung cấp thiết cho đội hình của Emery. 
 
Raul Sanllehi
Raul Sanllehi
Chuyện các tân binh Arsenal hòa nhập và trình diễn như thế nào trong mùa giải 2019/20, thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời tốt nhất. Nhưng nếu thành công của một kỳ chuyển nhượng được đo bằng sự hài lòng của các fan, Arsenal rõ ràng đã có một “phiên chợ” đỉnh của đỉnh. Với dấu ấn sâu sắc của Raul Sanllehi!

EL FLACO (TTVN)
 
 
 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow