Giống như biết bao đứa trẻ Brazil khác, Raphinha Dias Belloli cũng lớn lên từ một khu ổ chuột với một giấc mơ bóng đá được ấp ủ. Anh chơi bóng để thỏa mãn tình yêu cháy bỏng nhưng cũng để vượt lên cuộc sống khó khăn vì nghèo đói, ma túy hay thậm chí là cái chết luôn thường trực.
Ảnh: Getty Images
TÔI ĐÃ QUEN VỚI NHỮNG LỜI DỌA GIẾT
Đó là thứ đã xảy ra quá nhiều lần. Trước trận đấu, khi chúng tôi đang ở trong phòng thay đồ của đội khách thì sẽ có một đám đông tới “gõ cửa”. Và khi tôi nói “gõ cửa”, bạn hãy cứ hiểu rằng bọn họ như thể đang cố gắng phá tan cánh cửa ấy. Sau đó, họ sẽ hét vào mặt chúng tôi bất kỳ câu nào họ có thể nghĩ ra để đe dọa.
“Cứ thử thắng trận này xem, bọn tao sẽ làm thịt chúng mày!”
“Chúng mày sẽ chẳng thể sống nổi để mà ra khỏi đây đâu”.
Đó là câu chuyện luôn diễn ra ở những giải đấu “várzea” – nơi dành cho những kẻ bị ruồng bỏ như tôi vậy. Thật khó để giải thích định nghĩa “várzea”. Tất cả những người Brazil đều hiểu nhưng bạn chỉ thực sự định nghĩa được khi bạn đã trải nghiệm nó. Brazil có hàng loạt những đội bóng lớn và mọi đứa trẻ đều mong muốn được tuyển chọn vào một trong những lò đào tạo nổi tiếng ấy. Được ký hợp đồng cũng có nghĩa là bạn sẽ kiếm được một khoản kha khá để phụ giúp gia đình, và bạn có cơ hội để lên chơi chuyên nghiệp. Còn với những đứa không được chọn, chúng sẽ tiếp tục con đường của mình ở những giải đấu “várzea”.
Những giải đấu kiểu này chẳng khác nào miền Tây hoang dã của nước Mỹ. Cấp độ của nó thấp hơn nhiều so với các học viện. Nói một cách dễ hiểu, đó là những trận đấu được tổ chức độc lập bởi một địa phương nào đó. Ai cũng có thể tham gia mà chẳng cần hợp đồng gì hết. Bạn chơi bóng trên sân đất, giữa cái nóng như thiêu, giữa cát và bụi. Một quả bóng sẽ được mang theo từ nhà ai đó. Thường thì gôn sẽ không có lưới mà chỉ có cột ở mỗi bên. Quên chuyện đồng phục thi đấu đi. Một đội sẽ mặc áo còn đội kia sẽ cởi trần. Điểm chung giữa các cầu thủ là họ đều bị loại khỏi cuộc thi vào học viện. Họ chơi với sự căm giận và chơi để tồn tại giữa cuộc sống.
Ơn Chúa, đe dọa cũng chỉ là đe dọa. Những cổ động viên của đội chủ nhà chỉ đang cố gắng làm chúng tôi rối trí. Nhưng ở đây, bạn cũng sẽ thường xuyên nhìn thấy các “đại ca” của vùng đứng quanh sân bóng với khẩu súng lăm lăm trên tay. Ai mà biết được, khi bạn chuẩn bị ghi bàn thì một phát súng nào đó sẽ “vô tình” vang lên. Tôi đảm bảo rằng những thứ như thế sẽ khiến bạn chẳng còn tâm trí nào mà đá bóng nữa. Đó cũng là lý do tôi nói rằng nếu bạn từng chơi một trận đấu “várzea”, bạn sẽ có thể chơi ở bất kỳ đâu. Trận chung kết châu Âu à? Chẳng quan tâm. Hay là một sân vận động với 9 vạn khán giả? Thoải mái thôi.
GIA ĐÌNH THỨ HAI
Tôi có hai gia đình, một ở nhà và một ở trên đường phố.
Khi bạn lớn lên ở một nơi như Restinga, một khu ổ chuột ở Porto Alegre, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng sống một mình là điều không thể. Bạn bè trở thành gia đình thứ hai. Không sớm thì muộn bạn sẽ cần họ giúp đỡ và họ cũng cần sự giúp đỡ từ bạn.
Tôi không nói về việc cứu nhau thoát chết hay buôn bán ma túy mà thường là những chuyện lặt vặt hơn. Restinga khá xa trung tâm thành phố nên thỉnh thoảng chúng tôi phải dậy từ khá sớm để di chuyển và sẽ về nhà vào đêm muộn. Mỗi lần như thế, nếu có một anh bạn ở bên cạnh và chia nhau chút đồ ăn thì chúng tôi sẽ không phải về nhà với cái bụng đói. Có vài lần tôi khóc vì không có tiền để chi trả cho việc đi lại trong khi rất muốn ra sân thi đấu. Và rồi một anh bạn của tôi được mẹ mua cho vé tháng xe bus, thế là chúng tôi lại hớn hở lên đường.
Khi không ai trong chúng tôi có đồ ăn, chúng tôi buộc phải xin những người qua đường. Phải cùng đường lắm mới phải làm vậy nhưng thực sự là chúng tôi quá đói. Vấn đề là họ sợ chúng tôi. Thử nghĩ mà xem: bạn vừa mới kết thúc một trận bóng, bẩn thỉu và ướt nhẹp mồ hôi, chưa kể những vết bầm tím và cả vài vết sẹo nữa. Họ nghĩ rằng chúng tôi là cướp và muốn lấy gì đó từ họ. Thật buồn vì chúng tôi chỉ cần một chiếc bánh quy, một miếng bánh mì hay bất cứ thứ gì ăn được mà thôi.
Ảnh: Getty Images
BỮA TIỆC SINH NHẬT CỦA RONALDINHO
Tôi từng được tới dự tiệc sinh nhật của Ronaldinho hồi tôi 7 tuổi. Cha tôi là nhạc công trong một ban nhạc samba và ông được thuê đến chơi ở đó. Ronaldinho sinh ra trong một cộng đồng giống như tôi nên cha và các bác tôi biết anh ấy. Tôi luôn luôn muốn trở thành người như Ronaldinho. Những thứ anh ấy làm, cách anh ấy tận hưởng từng phút trên sân cỏ,… Có cảm giác rằng mỗi lần ra sân, anh ấy đều hứa với các khán giả rằng: “Đưa cho tôi quả bóng và tôi sẽ khiến bạn mỉm cười”.
Đó là khi anh ấy mới bắt đầu chuyển tới Barcelona. Tôi còn nhớ cảm giác khi tới ngôi nhà khổng lồ của anh ấy, nhìn thấy anh ấy đứng ở cửa chào đón và ôm hôn tất cả mọi người. Nụ cười của anh ấy. Các bạn hẳn cũng biết nụ cười của anh ấy phải không?
Anh ấy ôm lấy tôi và dẫn tôi đi xung quanh nhà. Tôi hoàn toàn đông cứng, không biết phải phản ứng lại như thế nào với tình cảm ấy. Sức hấp dẫn của Ronaldinho có thể khiến ngay cả trái tim lạnh lùng nhất cũng phải tan chảy. Anh ấy đối xử với mọi người quá đỗi tử tế. Tôi chắc chắn rằng đó là buổi tiệc sinh nhật tuyệt vời nhất mà tôi từng tham dự (kể cả sinh nhật của chính tôi).
Kể từ lần đó, tôi đã gặp Ronaldinho thêm nhiều lần và thật vinh dự khi được coi anh ấy là bạn. Mọi thứ thật mơ hồ khi được đi chơi với thần tượng mà bạn vốn chỉ nhìn thấy trên TV hay YouTube. Ronaldinho thậm chí đã xem một vài trận đấu của tôi và anh ấy nói thích lối chơi của tôi. Thực sự, tôi còn biết nói gì nữa đây?
VƯỢT LÊN THẾ GIỚI CỦA MA TÚY
Khi giấc mơ về một học viện bóng đá không trở thành sự thật, tôi hoàn toàn đã có thể tìm đến những cách khác để kiếm tiền, những cách dễ dàng hơn. Nhưng số tiền dễ dàng ấy sẽ phải đánh đổi bằng cuộc sống yên bình. Số người bạn mà tôi mất đi đủ nhiều để giúp tôi hiểu rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào.
Trong gia đình tôi có một vài người đi theo con đường đó và kết thúc của họ không hề êm đẹp. Trong cộng đồng của tôi, số trẻ con may mắn được nuôi dạy trong một nhà có đầy đủ cả cha lẫn mẹ như tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Tôi lớn lên từ một khu ổ chuột và tôi đã mất rất nhiều người bạn vì dính líu tới tội phạm. Có người phải vào tù, có người đã chết. Lời tạm biệt đôi khi cũng là một thứ xa xỉ.
ANH TRAI TÔI LÀ BRUNO FERNANDES
Ảnh: Getty Images
Ít nhất là tôi cảm thấy như thế. Tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ trước khi gặp nhau ở Sporting Lisbon. Ngay khi biết rằng tôi sẽ chuyển tới đó, anh ấy đã nhắn tin cho tôi và nói rằng rất háo hức được chơi cùng tôi. Tôi lẽ ra đã là một tân binh vô cùng bẽn lẽn của Sporting nếu không có Bruno. Anh ấy giúp tôi hòa nhập rất nhanh cùng đội bóng.
Ở Bồ Đào Nha, chúng tôi cùng nhau đi ăn và nói đủ thứ chuyện trên đời. Anh ấy cũng đưa ra lời khuyên khi tôi quyết định tới Rennes. Anh ấy rất thông minh. Khi ngồi trên máy bay để đến Leeds, tôi nhận được tin nhắn từ Bruno rằng lối chơi của tôi sẽ hợp với Premier League. Và anh ấy lại một lần nữa chính xác.
Ở bên cạnh Bruno thôi cũng đủ giúp tôi có nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Tôi chưa bao giờ thấy ai chăm chỉ như anh ấy. Rất khó để làm được như Bruno nhưng nếu bạn ở cạnh anh ấy đủ lâu và lắng nghe những gì anh ấy nói, bạn có thể sẽ tiến gần được tới tiêu chuẩn của anh ấy. Tôi đùa Bruno rằng lần tới gặp nhau, tôi sẽ xỏ háng anh ấy. Chúng tôi luôn vui vẻ với nhau như vậy.
Hẹn sớm gặp lại anh trên sân nhé, anh trai. Nhớ khép chân vào đấy!
TÔI LỚN LÊN CÙNG BÀN THẮNG CỦA THIERRY HENRY
Khi còn nhỏ, tôi luôn xem Premier League cùng cha trên kênh truyền hình miễn phí. Henry quá đỗi kỳ diệu. Từng bước chạy, từng cú dứt điểm của anh ấy thật sự khiến tôi phát điên. Tôi nhớ rằng sân vận động lúc nào cũng chật kín khán giả. Tôi không nhớ cụ thể, nhưng hình như tôi đã lập một lời thề với chính bản thân mình trong một quá bar ọp ẹp nào đó ở Restinga rằng một ngày nào đó, tôi sẽ chơi bóng ở Premier League.
MARCELO BIELSA
Ông ấy xuất hiện một cách bất thình lình. Đó là buổi tập đầu tiên của tôi tại Leeds nhưng ông ấy chỉ đến khi chúng tôi đã bắt đầu được một lúc. Tôi đang ở một góc sân chơi đùa với quả bóng, và rồi có ai đó đập vào lưng tôi. Tôi quay lại, hóa ra đó chính là Bielsa.
Thật lòng thì tôi đã rất lo lắng. Vài người nói với tôi: “Ồ, cậu sẽ được huấn luyện bởi Bielsa đấy!” và tôi biết điều đó có ý nghĩa lớn như thế nào. Marcelo là HLV khiêm tốn nhất mà bạn có thể gặp. Ông ấy giúp tôi được thoải mái. Ông ấy chào mừng tôi tới Leeds và nói rằng sẽ giúp đỡ tôi. Trong vài tháng đầu, ông ấy liên tục dừng các buổi tập, kéo tôi ra ngoài và giải thích cho tôi về việc phải di chuyển và ra quyết định như thế nào. Tôi nợ ông ấy rất nhiều.
Marcelo lúc nào cũng muốn chiến thắng. Không quan trọng đối thủ là ai, chúng tôi không bao giờ thay đổi. Và tôi yêu điều đó.
NỖI ĐAU VÀ SỰ SỢ HÃI
Bạn nhớ pha phạm lỗi của Fernandinho với tôi ở Etihad cuối mùa giải trước chứ? Anh ấy đã thúc rất mạnh vào đùi tôi nhưng “várzea” đã dạy cho tôi làm quen với những cú va chạm như thế. Không chảy máu, không có lỗi, cứ chườm đá vào và chạy tiếp thôi. May ra phải đến khi gãy chân thì bạn mới nhận được sự quan tâm.
Ảnh: Getty Images
Tôi nói với Marcelo: “Đừng lo, hai ba ngày nữa là tôi bình thường ngay”. Nhưng khi về đến nhà và tháo băng, tôi nhận ra chân mình đã sưng to như thế nào. Tôi liền gọi bác sĩ và họ đưa tôi vào viện. Tôi đau đến mức họ phải cho tôi thuốc gây mê. Tôi không thể đi nổi dù chỉ là một bước. Họ nó tôi bị tụ máu trong và phải phẫu thuật. Trước đây, tôi chưa bao giờ phải lên bàn mổ cả.
Bác sĩ cũng nói rằng tôi sẽ phải nghỉ hết mùa giải, như thể tôi sắp mất đi một chân của mình vậy. Ơn Chúa, chẳng có cục máu đông nào cả. Đêm đó, tôi ở lại bệnh viện với cả đống thuốc giảm đau. Sáng hôm sau, tôi được về nhà và chỉ 3 ngày sau tôi đã có thể đi lại mà không cần nạng.
Nhưng rồi cơn đau quay trở lại. Tôi phải nhập viện thêm 4 lần. Phải, bạn không nghe nhầm đâu, 4 lần. Bác sĩ phải rút bớt gần 100ml máu khỏi chân tôi. Điều đó thật tệ, nhưng điều tệ hơn là tôi sẽ bỏ lỡ hàng loạt những trận đấu sau đó với Liverpool, Manchester United, Brighton và Tottenham. Tôi tự đặt ra mục tiêu cho mình là trở lại vào trận đấu cuối cùng của mùa giải, khi chúng tôi được chơi ở Elland Roads và có khán giả. May mắn là tôi đã trở lại sớm hơn dự kiến, thậm chí đã vào sân được vài phút trước Spurs. Tôi vẫn rất đau nhưng nó cũng đáng thôi, trận đấu cuối cùng của mùa giải mà.
BÀN THẮNG DÀNH CHO MẸ CỦA RONALDINHO
Tôi không thể về Brazil khi bà ấy qua đời nên trước trận đấu với Southampton hồi tháng 2, tôi gửi tới gia đình anh ấy một vòng hoa tưởng niệm. Bước vào phòng thay đồ, tôi chợt nảy ra suy nghĩ về một thông điệp và ghi nó lên áo:
“Cầu chúc gia đình Assis Moreira luôn mạnh mẽ
Mong bà yên nghỉ, Dona Miguelina”
Tôi có cảm giác rằng mình sẽ ghi bàn vào ngày hôm đó. Khi chúng tôi được hưởng quả đá phạt cuối trận, tôi tin rằng Chúa đã ban phước cho tôi và giúp bóng vào lưới. Hết trận, tôi ký lên chiếc áo thi đấu và gửi nó tới Ronaldinho. Cha tôi kể lại rằng anh ấy đã rất vui khi nhận được món quà. Cả gia đình anh ấy đều trân trọng chiếc áo của tôi.
Dù đã rời khỏi Restinga nhưng tôi chưa bao giờ quên những nguyên tắc sống ở đây. Luôn quan tâm đến gia đình thứ hai của mình, đó là những người anh em.
TÔI YÊU LEEDS QUÁ ĐI THÔI
Tôi vô cùng hạnh phúc ở đây. Mọi người chào đón tôi bằng những vòng tay rộng mở: Marcelo, chủ tịch, đồng đội, các nhân viên và nhất là người hâm mộ. Một anh bạn gửi cho tôi bài hát mà cổ động viên sáng tác cho tôi. Tôi không hiểu được hết nhưng có một bài hát dành riêng cho mình thì quả thực là giấc mơ có thật.
Tất cả những gì tôi ao ước là được chơi bóng trước những khán đài chật cứng khán giả của Elland Roads, vì họ chính là lý do khiến tôi muốn tới đây chơi bóng. Thật khó để diễn tả được hết sự biết ơn của tôi đối với người hâm mộ nhưng tôi muốn nói rằng tôi luôn cảm nhận được tình yêu của họ. Trận đấu với Everton (ở vòng 2) chính là thứ mà tôi luôn chờ đợi. Họ cổ vũ chúng tôi, chúng tôi chơi một trận ra trò. Và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để mang đến niềm vui cho họ.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.