Rakitskiy và bi kịch của những người yêu mến cả Nga lẫn Ukraine

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Bảy 05/03/2022 09:22(GMT+7)

Yaroslav Rakitskiy sinh ra ở miền đông Ukraine trong một gia đình nói tiếng Nga vào năm 1989, nhưng vừa phải rời Zenit St Petersburg vì cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

 
 
"Tôi là người Ukraine! Hòa bình cho Ukraine! Hãy dừng chiến tranh!", Yaroslav Rakitskiy đã viết trên Instagram hôm thứ Năm tuần trước, sau khi quân đội Nga bắt đầu tấn công quê hương của cầu thủ này.
 
Đó là bài đăng đầu tiên của Rakitskiy bằng tiếng Ukraine, vì anh đã quen giao tiếp với người hâm mộ theo dõi mình bằng tiếng Nga. Tài khoản Instagram với vô số bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Rakitskiy đã được đặt ở chế độ riêng tư - động thái bất thường đối với một ngôi sao bóng đá.
 
Hậu vệ này được cho là sẽ đá chính cho Zenit trong trận đấu ở Europa League tuần trước với Real Betis, nhưng rút cuộc lại ngồi trên ghế dự bị.
 
HLV của Zenit, Sergey Semak giải thích rằng phong độ kém cỏi của trung vệ 32 tuổi là lý do đằng sau quyết định này. Rakitskiy cũng không có mặt trong trận đấu với Rubin Kazan vào thứ Hai, khi giải Ngoại hạng Nga trở lại sau kỳ nghỉ đông. Lần này, đội bóng cho rằng anh không đủ sức khỏe.

Sự thật thực ra nằm ở chỗ khác. Hôm thứ Tư, Zenit thông báo rằng hậu vệ này đã rời CLB.
 
“Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cầu thủ này đã yêu cầu kết thúc sớm hợp đồng ", thông báo chính thức viết.

“Chúng tôi muốn cảm ơn Yaroslav vì quãng thời gian ở St Petersburg, cũng như cách tiếp cận trận đấu chuyên nghiệp và đam mê của cậu ấy. Chúng tôi chúc Yaroslav và gia đình mọi điều tốt đẹp nhất. Hy vọng có thể sớm gặp cầu ấy trên sân bóng.”
 
Tin tức này không còn gây bất ngờ, bởi Rakitskiy đang ở trong trạng thái tuyệt vọng, khi đất nước anh chơi bóng đang tấn công quê hương anh. 
 
Câu chuyện của hậu vệ sinh năm 1989 là điển hình cho sự phức tạp trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong nhiều thập kỷ, Ukraine là một phần của Liên bang Xô Viết; giữa các dân tộc Nga và Ukraine gần như không tồn tại biên giới. Sự tan rã của Liên Xô đã để lại rất nhiều người Nga ở Ukraine và người Ukraine ở Nga.
 
Hãy lấy chính HLV Sergey Semak của Zenit làm ví dụ. Anh là đội trưởng của ĐTQG Nga trong chiến dịch lịch sử EURO 2008, khi họ lọt vào bán kết. Anh cũng từng thi đấu cho CSKA Moscow, Rubin Kazan và Zenit khi còn là cầu thủ, cũng như đã giành ba chức vô địch ở Nga với tư cách là một nhà cầm quân.
 
Tuy nhiên, anh sinh ra ở Ukraine và cha mẹ cũng như họ hàng của anh vẫn sống ở đó. Chúng ta nên gọi Semak là người Nga hay là người Ukraine?
 
Không ai khác ngoài Semak mới trả lời được. Thế nên, anh sẽ hiểu rất rõ tình hình của Rakitskiy.
 
Rakitskiy sinh ra ở miền đông Ukraine, trong một gia đình nói tiếng Nga vào năm 1989, ngay trước khi Liên bang Xô Viết chỉ còn là cái tên. Sau khi cha mẹ anh ly hôn vào những năm 90, cha anh tái hôn và chuyển đến St Petersburg, nơi Yaroslav luôn được chào đón. Thành phố này trở thành quê hương thứ hai của anh.
 
Môi trường bóng đá đầu tiên của Rakitskiy là ở Donetsk. Anh gia nhập học viện của Shakhtar ở tuổi 13, và sớm được chào đón như một trong những tài năng triển vọng nhất. Đến năm 2009, anh được Mircea Lucescu đưa lên đội một, người thích sử dụng các cầu thủ Brazil ở hàng tiền vệ và hàng công, nhưng lại dựa vào một hàng thủ người Ukraine.
 
Người hâm mộ Shakhtar ngay lập tức đưa Rakitskiy vào trong trí nhớ. Anh vừa là một cầu thủ địa phương, tốt nghiệp học viện CLB và chơi bóng theo phong cách hào hoa. Một trung vệ mạnh mẽ, thích những pha tranh chấp thể lực, nhưng rất lịch lãm trong việc đi bóng và có khả năng tung ra những đường chuyền vượt tuyến chuẩn xác bằng cái chân trái ma thuật của mình. Những cú sút xa của anh cũng rất tuyệt vời; điều đó giúp anh sớm trở thành một chuyên gia bóng chết.

Một ngôi sao đã được sinh ra. Rakitskiy trở thành một trong những cầu thủ Shakhtar nổi tiếng nhất khi giành chức VĐQG 5 lần trong năm mùa giải đầu tiên.
 
Nhiều đội bóng nước ngoài muốn ký hợp đồng với anh trong thời gian đó, nhưng anh yêu Donetsk và không muốn rời đi - cho đến khi cả đội bóng buộc phải làm vậy vào năm 2014. Họ chuyển đến Kyiv vì Donetsk không còn an toàn để ở lại.
 
Sau khi Nga sáp nhập Crimea, quân ly khai bắt đầu hoạt động ở các khu vực Donetsk và Luhansk, dẫn tới cuộc nội chiến bắt đầu. Đó là thời điểm đánh dấu cuộc sống của người dân Ukraine sẽ không còn như trước.
Đột nhiên, nước Nga trở thành kẻ thù với họ. Niềm tự hào dân tộc bỗng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mỗi người đều phải chọn phe, ngay cả khi họ không muốn.
 
Rakitskiy là một ngôi sao rất được yêu mến trên tuyển. Cho đến năm 2014, chẳng ai quan tâm đến việc anh không hát quốc ca. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột vũ trang bắt đầu diễn ra, điều này bắt đầu được soi xét kĩ hơn. Việc anh từ chối làm vậy dẫn đến sự thù địch bởi chính những người đồng hương. Rakitskiy, hậu vệ không bao giờ muốn nói về chính trị và giữ lý do cho riêng mình, bắt đầu bị huýt sáo và chế nhạo.
 
Các đồng đội đã cố gắng bảo vệ anh ta. Thủ môn kỳ cựu Andriy Pyatov tuyên bố: "70% các cầu thủ không hát quốc ca. Điều đó không liên quan gì đến việc yêu nước cả." Tuy nhiên, điều đó chẳng giúp ích được gì. Người hâm mộ dần coi Rakitskiy là kẻ không trung thành, không đủ lòng yêu nước.
 
Tuy nhiên, điều đó chẳng là gì so với quyết định chuyển đến Zenit vào đầu năm 2019.
 
Mệt mỏi với thái độ gay gắt của người bản địa, cũng như mong muốn chơi ở một giải đấu lớn hơn, với mức lương cao hơn và được sống gần cha mình đã khiến Rakitskiy chấp nhận đề nghị ký hợp đồng ba năm rưỡi với CLB do Gazprom làm chủ, một tập đoàn do chính phủ Nga sở hữu.
Tiền đạo ĐT Nga lên tiếng sau những án phạt nhắm vào đội bóng này
Artem Dzyuba, người từng có thời gian dài khoác áo tuyển Nga đã lên tiếng xung quanh những án phạt mà đội bóng này phải nhận thời gian qua.
Tuyên bố cực sốc của sao Man City về tình hình Nga vs Ukraine
Trong bài đăng mới đây trên mạng xã hội, hậu vệ Oleksandr Zinchenko đòi cấm sóng thể thao Nga trên mọi mặt trận.
Với một số người Ukraine bi quan, đó là một hành động phản quốc. Phản ứng trên mạng xã hội diễn ra rất dữ dội, nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Rakitskiy ngay lập tức bị loại khỏi ĐTQG. Tên của anh bị xóa khỏi trang web chính thức của LĐBĐ Ukraine.
 
"Tôi không muốn liên quan đến chính trị, nhưng tôi biết điều gì sẽ xảy ra,” anh chia sẻ với Championat vào tháng 2/2019. “Tôi hiểu mọi chuyện và đã đưa ra quyết định. Tôi nghĩ đó là lựa chọn đúng đắn.

“Tôi thực sự hy vọng rằng HLV của ĐTQG, Andriy Shevchenko sẽ chọn cầu thủ để triệu tập, chứ không phải một số chính trị gia. Chúng ta hãy chờ xem, họ có thể sẽ gọi tôi trở lại.”
 
Tại Zenit, Rakitskiy tái ngộ với Anatoly Tymoshchuk, cựu ngôi sao của Shakhtar và là một trong những cầu thủ Ukraine xuất sắc nhất trong thế hệ của anh, người đã chơi bóng cho ĐTQG 144 lần - cho đến nay vẫn là cầu thủ khoác áo đội tuyển Ukraine nhiều nhất trong lịch sử.
 
Người Ukraine đã rất vui mừng khi anh vô địch UEFA Cup với Zenit vào năm 2008, nhưng mọi thứ đã thay đổi sau năm 2014. Tymoshchuk cũng bị coi là kẻ phản bội ở quê nhà, do anh gia nhập Zenit với tư cách là trợ lý HLV trong năm 2017.

Không phải Rakitskiy không cố gắng thiết lập quan hệ tốt hơn với những người Ukraine đã từng ngưỡng mộ anh. "Người Nga và người Ukraine là anh em", anh từng viết như vậy trên Instagram, nhưng đổi lại chỉ là những lời phỉ báng. Cuối cùng, anh tuyên bố giã từ đội tuyển vào cuối năm 2019.
 
Trái lại, ở Zenit, Rakitskiy rất được yêu mến và tôn trọng. Người hâm mộ thích phong cách nhiệt huyết của anh, một cầu thủ luôn nỗ lực hết mình trên sân. Những đường chuyền của anh trở nên đặc biệt quan trọng đối với chiến thuật của Semak. Anh đã mang đến cả chất thép lẫn trí tưởng tượng, để giúp đội bóng này thống trị đấu trường quốc nội, khi giành ba danh hiệu VĐQG liên tiếp.
 
Xét về phong độ, Rakitskiy xứng đáng có một suất trên tuyển, nhưng anh không bao giờ được gọi lại.
 
Hậu vệ 32 tuổi đã xem EURO 2020 như một người hâm mộ vào mùa hè năm ngoái. "Thật đau đớn,” anh chia sẻ với Championat vào tháng 7. “Mỗi lần tôi xem các đồng nghiệp thi đấu, tôi chỉ muốn ở đó với họ. Nhưng đó là cuộc sống và tôi không thể thay đổi bất cứ điều gì.
 
“Đúng, tôi không hát quốc ca, nhưng có những lý do đằng sau. Điều đó không có nghĩa là tôi không yêu Tổ Quốc. Tôi yêu Ukraine. Tôi luôn cố gắng hết sức khi được đại diện cho ĐTQG. Một số người đã bịa ra những câu chuyện về tôi, nhưng tôi không quan tâm họ nói gì.”
 
Một mặt, chính trị là lí do rõ ràng khiến LĐBĐ Ukraine đưa ra quyết định chống lại Rakitskiy. Nhưng mặt khác, ở trên tuyển, Shevchenko lại chỉ đạo các học trò bằng tiếng Nga!? Theo các nguồn tin, đó là một trong những lý do khiến ông không được gia hạn với đội tuyển sau EURO 2020.
 
Đây là vấn đề khó khăn và nhức nhối đối với tất cả những ai có liên quan. Xung đột vũ trang ở Donbass đã diễn ra trong 8 năm, nhưng không ai có thể ngờ rằng nó đã trở thành một cuộc tấn công toàn diện của tổng thống Nga Vladimir Putin, khiến Rakitskiy và những người khác rơi vào tình cảnh thực sự tuyệt vọng.
 
Vào đầu tháng Hai, anh vẫn đang đàm phán hợp đồng mới với Zenit. Đội bóng này đề nghị giữ anh thêm 2 năm, trong khi cầu thủ này muốn có một thỏa thuận dài hơn. Nhưng giờ tất cả chẳng có nghĩa lí gì. Rakitskiy thậm chí đã rời Zenit trước khi kết thúc hợp đồng hiện tại.
 
Người hâm mộ của anh ở St Petersburg tỏ rõ sự thất vọng. Họ rất buồn khi thấy một trong những cầu thủ xuất sắc nhất và nổi tiếng nhất của họ phải ra đi, nhưng họ hiểu tình hình hiện tại.
 
Có thể hầu hết trong số họ muốn thay đổi không khí chính trị và 'ngừng chiến tranh' như Rakitskiy đã yêu cầu, nhưng họ không thể. Những người đang ở những quốc gia vốn có truyền thống anh em, giờ đang ở trong tình huống bất khả thi. 
 
Số phận của Rakitskiy chỉ là một trong số đó. 
 
Lược dịch bài viết của “'Peace to Ukraine! Stop the war!' - Rakitskiy's Zenit exit highlights tragedy and absurdity of Putin's invasion” của Michael Yokhin (Goal)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.