Hôm nay là 8/3, ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Nhân dịp ngày đặc biệt như thế này, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc bài viết về người đã thay đổi cả nền bóng đá nữ thế giới. |
Rainha Marta: Cuộc cách mạng của Nữ hoàng |
Người phụ nữ mà cả cuộc đời như cuốn phim ghi dấu sự đi lên của phái yếu ở bộ môn tưởng rằng chỉ dành cho nam giới này. Danh thủ ấy không ai khác chính là Rainha (Nữ hoàng)- Marta.
“Tôi mong muốn chơi trong môi trường chuyên nghiệp của cánh đàn ông”. Cuối thập kỷ trước, một cầu thủ nữ đã đứng lên và lên tiếng về mong muốn của mình. Cả thế giới bị sốc và dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều tranh cãi về phát biểu này. Tuy nhiên, riêng những ai đã theo dõi gần mười mấy năm Marta đặt chân lên thảm cỏ xanh thế giới, thì mong ước của chị là điều tất yếu đúng với tính cách, cũng như con đường đầy chông gai mà chị đã bước đi để gầy dựng tên tuổi bản thân.
“Mày là con gái, có hiểu không?”. Mẹ của Marta mắng đứa con gái của bà khi cô bé đòi bà mua cho một quả bóng. Năm ấy Marta chỉ mới năm tuổi, nhưng những “trận chiến” hỗn loạn của những người anh trai trong nhà đã khiến cô bé bị say đắm bởi những đường bóng đầy cảm xúc trên những con hẻm nghèo nàn.
Sinh ra ở miền đất Dois Riachos, một thị trấn nhỏ ở Alagoa, vùng đất đầy đói nghèo ở miền Đông Bắc Brazil. Marta từ nhỏ đã phải chịu đủ thứ thiếu thốn, về vật chất cũng như tình thương. Khi vừa tròn một tuổi, người cha của chị bỏ đi để lại vợ và bốn đứa con thơ. Tuổi thơ của chị đã trải qua những cơ cực, sống qua ngày bằng những đồng bạc lẻ mà người anh cả và bà mẹ đơn thân phải khó khăn mới tìm được. Có lẽ, chính tuổi thơ ấy đã trui rèn cho Marta một tinh thần vững vàng đến ngỡ ngàng.
Không chỉ mẹ của chị, mà đến những người trong thị trấn nghèo Dois Riachos đều nghĩ rằng thật chẳng đúng tí nào khi một đứa con gái chơi trò chơi mà chỉ có con trai mới chơi với nhau. Nhưng bỏ qua mọi khó khăn ấy, Marta vẫn theo đuổi niềm đam mê của mình. Trong những trận đấu bóng ném ở trường học, sau khi tiếng còi mãn cuộc vang lên. Marta vẫn ở đó, cùng với trái bóng và cho mọi người thấy mình có thể làm gì cùng với đôi chân kì diệu ấy. Và nhanh chóng, những động tác điều khiển bóng đầy điêu luyện ấy không thể thoát khỏi tầm mắt của những người tuyển trạch viên. Năm 1999, Marta được đưa vào lò đào trẻ của Centro Sportivo Alagoas, câu lạc bộ lớn nhất trong vùng.
Chỉ một năm sau, năm mười bốn tuổi, bước ngoặt sự nghiệp đã đến với Marta khi chị được mời đến câu lạc bộ Vasco da Gama danh giá. Và từ đó, tên tuổi của Marta ngày càng vươn cao. Chị mang về cho Brazil chức vô địch bóng đá Liên Châu Mỹ và Nam Mỹ. Chị là tay săn bàn số một châu Âu sau bốn năm khoác áo Umea IK của Thụy Điển. Marta trở thành huyền thoại khi mười một lần được đề cử Giải Quả Bóng Vàng bóng đá nữ, trong đó có năm năm liên tiếp từ 2006-2010, chị là người xuất sắc nhất. Nhưng những điều mà Marta làm được thì không chỉ dừng lại ở đấy, thành quả của Marta nó vượt hẳn ra ngoài chuyện thành tích.
|
Rainha Marta trong màu áo Vasco Da Gama |
Thật khó tin, nhưng bóng đá nữ ở Brazil bị xem là một điều cấm kỵ. Thậm chí trong một thời gian dài của thế kỷ trước, việc tổ chức bóng đá cho nữ giới ở quốc gia bị xem là quốc cấm. Và tuy điều ấy đã được bãi bỏ, nhưng những ảnh hưởng của nó đến với hiện tại vẫn còn rất lớn. Không ai ở đất nước này có thể tin rằng thứ tôn giáo mà mình tôn thờ sẽ được trình diễn bởi những con người mà ở đấy, sự bất bình đẳng hãy còn đậm nét. Bởi vậy, tuy họ có một nền bóng đá hùng mạnh, nhưng sự thật là suốt cả lịch sử bóng đá nữ thế giới, Brazil chưa một lần lên ngôi vô địch trong một kỳ World Cup hay Olympic. Chính những kỳ thị, trì trệ trong nhận thức đã khiến bao đôi chân kỳ diệu bị chôn vùi trong những căn bếp hoặc những công xưởng hay trên những cánh đồng.
Người Brazil tự hào về những Pele, Ronaldo, Garrincha, Ronaldinho. Những huyền thoại mang trong mình cái tinh chất thuần khiết của Ginga, thứ bóng đá rừng xanh, nguyên thủy của vũ điệu Samba. Và cũng nhờ tinh thần Ginga ấy, Marta đã thuyết phục được xã hội Brazil chấp nhận bóng đá nữ.
|
Rainha Marta và niềm tự hào Brazil |
Những pha đi bóng uyển chuyển, rang lạc, đảo chân điêu luyện biến chị thành một vũ công không hề thua kém gì Ronaldinho. Tốc độ kinh hoàng cùng sức rướn kinh ngạc khiến những người theo dõi chị trên sân như một con báo vàng xanh tung hoành trên thảm cỏ xanh, tựa Ronaldo những tháng năm không bị chấn thương hành hạ. Cùng với đó là chiếc kèo trái ma thuật, với những cú sút quyết đoán mang về bàn thắng cho đội nhà như ngày xưa Pele đã từng. Marta chạy, và người Brazil thấy đâu đó hình bóng của Garrincha mà họ hằng yêu quý, nụ cười và bước nhảy của những con người Brazil thực thụ. Marta đứng đó, với chiếc áo số 10 đằng sau lưng, chứng minh cho thế giới thấy rằng một cầu thủ nữ có thể làm được những gì. Họ có thể ra sân và trình diễn không kém gì nam giới.
Thậm chí nhiều khi Marta còn chứng minh nhiều hơn nữa cái tính khí điển hình của môn thể thao đối kháng này. Marta sẵn sàng thể hiện…những màn ẩu đả mạnh bạo như những người đồng nghiệp nam, có lúc chị bị đuổi khỏi sân trong trận chung kết cúp Quốc gia Thụy Điển năm 2005 vì đấm vào mặt đối phương, hay một lần chị bị đuổi khỏi sân vì co chân…đạp thẳng vào bụng đối thủ vào năm 2008. Marta là vậy, đối với chị trên sân bóng thì phải là một cuộc chiến như những người nam giới, phải chiến đấu hết bằng tài năng và cả tinh thần. Để chứng minh ở bộ môn túc cầu, nữ giới không bị lép vế bởi hai chữ “phái yếu”.
|
Rainha Marta ăn mừng bàn thắng cùng các đồng đội |
“Tôi hoàn toàn đủ khả năng chơi bóng với những người đàn ông”. Câu nói của Marta càng khẳng định thêm ước muốn của chị. Có lẽ trong thâm tâm, việc thi đấu bên những người phụ nữ khiến chị trở nên bị bó hẹp trong một chiếc ao nhỏ. Nhưng nếu suy rộng ra, có thể đó là một lời kêu gọi. Kêu gọi cho cộng đồng cả trong và ngoài nên quan tâm đến bóng đá nữ. Những người bên ngoài hãy theo dõi và đầu tư để bóng đá nữ ngày càng phát triển. Còn những người bên trong phải biết càng lúc càng hoàn thiện mình, để biến giấc mơ về sự bình đẳng sẽ trở thành hiện thực.
Và cho tới hôm nay, những quả ngọt đầu tiên đã bắt đầu hình thành. Những khán đài không còn một chỗ trống đã xuất hiện ở những trận đấu World Cup bóng đá nữ, khán giả cũng chú ý đến hơn những cái tên như Hope Solo, Homare Sawa hay Amy Wambach. Từ thế hệ mà họ không biết đến ai là ai. Đến lúc cả thế giới chỉ biết mỗi Marta, và giờ là nhiều những cái tên khác được ghi nhớ. Đó là cả một thành quả không thể tuyệt vời hơn.
Và trên đất nước Brazil của Marta, đã có những biến chuyển ngày càng nhiều hơn. Sự đầu tư đã có và tăng dần theo thời gian. Tình cảm của khán giả cũng ngày càng nhiều hơn. Bằng chứng là họ đã khóc khi nhìn thấy hình ảnh Marta đứng bất thần trong trận bán kết kỳ Olympic trên sân nhà sau trận thua Thụy Điển. Nơi mà một lần nữa, chị lại bất lực trong việc tìm kiếm niềm vinh quang cho Tổ Quốc, một phần thưởng lớn để chị có thể sánh ngang với huyền thoại bên phía nam giới trong tâm trí người hâm mộ sắc màu Samba.
|
Rainha Marta khi ở Rosengard |
Nhưng chị đừng buồn khi ở kỳ Pan-America (Cúp Liên châu Mỹ) năm 2007 ở Rio, một cổ động viên đã từng nói rằng: “Chúng tôi không bao giờ được xem Pele, nhưng tôi đã có Marta cho riêng mình”. Và như cây viết Joshua Law. Follow chia sẻ, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào để nói đến một lời tương tự.
Có một câu chuyện vui ngày 8/3. Vào năm ngoái, Marco Cunha, người đứng đầu Bóng đá nữ Brazil đã phát biểu rằng, để phổ biến bóng đá đối với phụ nữ, họ cho phép cầu thủ được trang điểm và mang quần ngắn hơn trên sân. Một quyết định có phần hơi kỳ quặc, nhưng từ một nước cổ hủ giờ sẵn sàng chấp nhận những điều kiện này thì cũng là bước tiến thần kỳ!
PHƯƠNG GP (TTVN)