Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Bảy 18/11/2023 11:30(GMT+7)

Zalo

Một sự thật có thể khiến bạn cảm thấy già đi: Raheem Sterling giờ nên được coi là một cựu binh.

370233558_364151029399325_1306689824848957413_n
 

Tiền vệ cánh của Chelsea đang bước vào mùa giải thứ 13 tại Premier League và đã có 359 lần ra sân - chỉ có 70 cầu thủ làm được nhiều hơn thế. Sterling cũng đã có 82 lần khoác áo ĐT Anh - nhiều thứ 16. Ngoài ra, không cầu thủ nào từng chơi nhiều kỳ World Cup cho ĐT Anh hơn Sterling. Anh từng được chọn tham dự các giải đấu do Brazil đăng cai năm 2014, Nga năm 2018 và Qatar năm 2022. 

Sterling có một sự nghiệp khác thường. Cầu thủ gốc Jamaica đã khoác áo 3 đội trong nhóm ‘Big 6 của Premier League, nhưng người hâm mộ Liverpool không hài lòng với cách ra đi của cầu thủ này. Một số CĐV Manchester City không cảm thấy ấn tượng với màn trình diễn của Sterling, còn người hâm mộ Chelsea vẫn đang học cách yêu anh. 

Cầu thủ 29 tuổi thường tỏ ra thiếu sắc bén trước khung thành, nhưng vẫn ghi tới 118 bàn ở Premier League, cũng như đứng thứ năm, thứ sáu và thứ tư ở bảng xếp hạng ghi bàn tại Premier League trong những mùa giải hay nhất của cầu thủ này. Và bằng một cách nào đó, Sterling thi đấu như một người trưởng thành trong những năm tháng đầu sự nghiệp. Nhưng khi đã dày dặn kinh nghiệm, anh lại đang chơi như một tài năng trẻ. 

Tất cả các cầu thủ bóng đá đều phát triển trong suốt sự nghiệp. Thế rồi tuổi tác bắt kịp họ, nhất là tốc độ - vốn luôn là tài sản quý giá của Sterling và là thứ vũ khí đặc biệt quan trọng đối với các tiền vệ cánh. Biểu đồ này sử dụng dữ liệu từ Twenty First Group, cho thấy các cầu thủ có xu hướng đạt đỉnh cao về khả năng rê bóng qua đối thủ từ rất sớm, khoảng tầm 22 tuổi.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 1
Các cầu thủ có xu hướng đạt đỉnh về khả năng rê bóng qua đối thủ từ rất sớm

Sau đó, tính linh hoạt giảm sút cũng như có cách tiếp cận trận đấu ít rủi ro hơn khiến họ không còn rê dắt nhiều như trước. Ryan Giggs, một cầu thủ rất chịu khó cầm bóng đột phá trước khi trở thành một chân chuyền bóng điềm tĩnh là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, Sterling lại đang trở lại là Sterling của ngày xưa.

Trong sự nghiệp của mình, Sterling chủ yếu là một chân rê dắt, sau đó gần như là một tay săn bàn và giờ lại là một chân rê dắt. Về khả năng rê bóng qua đối thủ, Sterling 23/24 giống Sterling thời Liverpool hơn là Sterling thời Man City.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 2
Số lần Sterling cố gắng rê bóng trong 90 phút ở Premier League kể từ mùa giải 12/13

Câu chuyện còn trở nên rõ ràng hơn, khi nhìn vào tần suất Sterling đưa bóng lên phía trước. Không chỉ là mẫu cầu thủ rê dắt khéo léo, Sterling thậm chí còn làm tốt hơn ở khía cạnh kéo bóng với tốc độ cao vào khoảng trống.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 3
Số lần Sterling kéo bóng lên phía trên trong 90 phút ở Premier League kể từ mùa giải 12/13

Tất nhiên, bạn có thể mong đợi điều đó từ những cầu thủ chạy cánh trẻ tuổi, nhưng điều thú vị của Sterling-tuổi-teen nằm ở hiểu biết chiến thuật. Dù trên lý thuyết là một cầu thủ chạy cánh điển hình, Sterling đôi khi được Brendan Rodgers sử dụng như một hộ công tại mùa giải trọn vẹn đầu tiên, và sau đó là ở vị trí cao nhất trên hàng công trong mùa giải 13/14 vô cùng cận kề danh hiệu của Liverpool.

Sau khi giải VĐQG khép lại, trong trận mở màn World Cup của ĐT Anh gặp Italy, Roy Hodgson quyết định sử dụng anh trong vai trò số 10, đồng thời giao cho anh nhiệm vụ kèm Andrea Pirlo ở tuổi 19. Điều đó cho thấy hiểu biết chiến thuật ấn tượng của Sterling, cũng như niềm tin tuyệt đối của các nhà cầm quân dành cho anh. 

Thậm chí ở mùa giải tiếp theo, Rodgers đôi khi bố trí cầu thủ gốc Jamaica đá… hậu vệ cánh. Nên nhớ rằng đây là vị trí không những đòi hỏi cầu thủ có tốc độ và khả năng tấn công, mà còn phải có cả kỷ luật chơi bóng và nhận thức phòng thủ tốt. 

Vấn đề trong những năm đầu của Sterling nằm ở khả năng dứt điểm. Nghe có vẻ bình thường đối với một tiền vệ chạy cánh, nhưng cần phải xem cầu thủ đó có xu hướng thích tạt bóng hay không. Sterling chưa bao giờ chơi ở cánh nào thiên về tạt bóng, do đó kỹ năng dứt điểm của anh chắc chắn là vấn đề nổi cộm nhất. 

Sau chiến thắng 4-1 trước West Ham vào tháng 12/2013, khi Sterling lãng phí một vài cơ hội rõ rệt, Rodgers nói rằng anh chỉ cần “một chút bình tĩnh” trước khung thành và quyết định cho anh đá ở vị trí cao hơn.

“Cậu ấy bắt đầu nổ súng, một điều vô cùng quan trọng,” Rodgers nói. “Raheem luôn thích chơi ở cánh trái hơn. Điều thú vị ở chỗ, cậu ấy cũng hay chơi ở đó từ đội trẻ. Nhưng tất cả bàn thắng của cậu ấy trong khi tập luyện đều đến từ cánh phải.” 

Trong sự nghiệp của mình, Sterling thường chơi nhiều hơn ở cánh trái, với số phút ngang bằng với những lần anh đá tiền đạo, tiền vệ và hậu vệ phải cộng lại.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 4
Sterling có thể đá ở cả 2 cánh, với số phút ngang bằng nhau tính từ mùa giải 12/13

Mặc dù vậy, Sterling chưa bao giờ gây ấn tượng thật sự ở Liverpool. Khả năng dứt điểm của anh đã gây ra những cuộc tranh luận không ngừng nghỉ. Paul Scholes từng viết: “Tôi không đánh giá cao cậu ấy với tư cách là một tiền đạo. Ý tôi là cách cậu ấy sút bóng. Thường thì những cú đá của cậu ấy sẽ chạm vào hậu vệ đối phương hoặc bay đi đâu đó.”

Khi anh rời Liverpool, nhiều người cho rằng Sterling thiếu tố chất để trở thành một cầu thủ đẳng cấp thực sự. Thậm chí ở thời điểm đó, dễ hiểu khi nhiều người cho rằng một cầu thủ trẻ khác của Liverpool, Jordon Ibe mới là lựa chọn dài hạn phù hợp hơn.

Mùa đầu tiên của Sterling tại Manchester City (15/16) dưới thời Manuel Pellegrini có vẻ hơi bết bát. Nhưng rồi Pep Guardiola nhận ra rằng tốc độ và nhận thức về vị trí của Sterling đồng nghĩa với việc là anh có thể trở thành một tay săn bàn, nếu được huấn luyện một chút.

Giữa mùa giải đầu tiên dưới thời Guardiola (16/17), màn trình diễn của Sterling rất hứa hẹn, nhưng tỷ lệ ghi bàn vẫn chưa được cải thiện. “Thực sự có điều gì đó không ổn với tôi,” anh nói trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian. “Lẽ ra tôi phải ghi nhiều bàn hơn. Tệ thật.

“Hiện tại tôi đã ghi được 15-16 bàn thắng và đó là những gì tôi cần làm để trở thành cầu thủ mà tôi muốn trở thành… Tôi cần phải bắt đầu ghi bàn. Nhiều lúc tôi đang tự tạo quá nhiều áp lực cho riêng mình,” anh kết luận.

Điều đó nghe thật kỳ lạ, bởi chúng ta đang nói về một cầu thủ ghi bàn nhiều thứ 22 trong kỷ nguyên Premier League (thứ 17 nếu loại bỏ những quả phạt đền). Đối với một cầu thủ chạy cánh, đó là một con số vô cùng ấn tượng và nó nhờ vào nhận thức chiến thuật của Sterling, hơn là khả năng dứt điểm của cầu thủ này.

Dưới thời Guardiola, Sterling trở thành cỗ máy ghi bàn khét tiếng. Ở thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp, anh đã ghi 18, 17 và sau đó là 20 bàn trong 3 mùa giải liên tiếp, chủ yếu là nhờ khả năng chọn chỗ ở cột xa để kết thúc những đường căng ngang trong vòng cấm. Việc Sterling chơi từ cánh nào không quan trọng. 

Dưới đây là một số ví dụ đáng nhớ trong năm 2019: Một trong trận lượt về Champions League nổi tiếng với Tottenham từ cánh trái. Một ví dụ khác là trong chiến thắng 6-0 trước Watford ở trận chung kết FA Cup từ cánh phải.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 5
 
Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 6
 

Những pha dứt điểm thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng đứng đúng vị trí mới là điều quan trọng. Để làm rõ quan điểm này, hãy cùng xem các bàn thắng của Sterling đến từ đâu. Trong 34 cầu thủ đã ghi 100 bàn trở lên ở Premier League, chỉ có Peter Crouch, Dion Dublin, Darren Bent, Sadio Mane, Jamie Vardy và Dwight Yorke là có tỷ lệ ghi bàn từ ngoài vòng cấm thấp hơn.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 7
Tỉ lệ % số bàn ghi từ ngoài vòng cấm của những cầu thủ ghi trên 100 bàn tại giải Ngoại hạng. Sterling đứng ở vị trí khá khiêm tốn

Trong khi đó, như biểu đồ ở trên đã chứng minh, số lần rê bóng của Sterling đã giảm. “Bây giờ tôi sẽ cố đá đơn giản nhất có thể,” anh nói. “Trước đây, tôi thường hay làm mọi thứ phức tạp hơn.” 

Việc Sterling rời Man City đến cùng thời điểm với sự xuất hiện của Erling Haaland. Sau một vài năm thi đấu mà không có một số 9 phù hợp, Man City giờ đây đã được xây dựng xoay quanh một tiền đạo thực thụ cần được phục vụ (dù trước đó, Sterling luôn vui vẻ song hành với Sergio Aguero). Vai trò đúng nghĩa của Sterling cũng được Haaland đảm nhận. Cầu thủ người Na Uy là bậc thầy về dứt điểm cột xa. Do đó, sự hiện diện của Sterling là không cần thiết.

Mùa giải đầu tiên của anh ở Chelsea gần như không có gì để nói, vì anh đã chơi dưới sự dẫn dắt của 3 HLV - Thomas Tuchel, Graham Potter và Frank Lampard - trong khi đội hình thường xuyên bị đảo lộn. Nhưng dưới thời Mauricio Pochettino mùa này, Sterling có mục tiêu rõ ràng hơn và rất khác so với ở Man City. Và đó không phải là việc ghi bàn.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 8
 

Hiệu suất dứt điểm của Sterling ở từng mùa giải trong suốt sự nghiệp của mình. Mùa ở vị trí càng cao thì anh dứt điểm càng nhiều. Mùa ở vị trí càng sang phải thì chất lượng các pha dứt điểm càng tốt  

Màn trình diễn ở Chelsea của Sterling rất khác so với những năm tháng ghi bàn đỉnh cao của anh; nó giống những mùa giải đầu tiên của cầu thủ 29 tuổi ở Man City. Nhưng kỹ năng kéo bóng của Sterling, điều chúng ta chưa từng thấy nhiều ở mức độ này kể từ những ngày anh còn ở Liverpool, đang trở nên nổi bật như những con số sẽ chỉ ra. 

Chelsea mới chỉ thắng 4 trận mùa này. Ở 2 chiến thắng trong số đó (3-0 trước Luton Town và 4-1 trước Burnley), Sterling đã tham gia vào tất cả các bàn thắng của họ. Chúng ta đều biết Sterling rất giỏi ở khả năng dứt điểm ở cự ly gần cũng như di chuyển không bóng, nhưng kéo bóng mới là thứ Sterling làm tốt hơn tất thẩy.

Trong trận đấu với Luton, anh nhận bóng từ cánh phải, di chuyển vào vị trí thuận lợi và sút tung lưới đối phương.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 9
 

  

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 10
 

Trong trận gặp Burnley, anh nhận bóng ở gần đường biên trái, rê bóng vào vòng cấm và buộc hậu vệ đối phương phải phản lưới nhà.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 11
 
Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 12
 

Sau đó, anh lại nhận bóng ở gần đường biên, rê bóng vào vòng cấm và bị phạm lỗi dẫn tới quả phạt đền.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 13
 
Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 14
 

Và trong bàn thắng cuối cùng của Chelsea trên sân Turf Moor, anh nhận bóng ở giữa sân và đi bóng một mạch đến tận vòng cấm đối phương, trước khi chuyền bóng cho Cole Palmer. Cuối cùng, Nicolas Jackson hoàn thành pha phối hợp bằng một pha dứt điểm thành bàn.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 15
 
Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 16
 

Đây là khía cạnh của Sterling mà chúng ta không thấy thường xuyên trong vài năm qua - đơn giản là bởi anh không được khuyến khích làm những việc như thế này dưới thời Guardiola. Ở Premier League mùa này, không ai nỗ lực rê bóng qua nhiều đối thủ hơn Sterling.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 17
Ở Premier League mùa này, không ai nỗ lực rê bóng qua nhiều đối thủ hơn Sterling

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là về sự ổn định của Sterling khi cố gắng rê bóng. Bởi cho dù số lần rê bóng của anh cao ngất ngưởng, tỷ lệ thành công lại thấp. Nghĩa là sẽ có thời điểm anh rê bóng vào ngõ cụt và khiến người hâm mộ cảm thấy bực bội.

Raheem Sterling và câu chuyện tiến hóa ngược ở Premier League 18
Cho dù số lần rê bóng của anh cao ngất ngưởng, tỷ lệ thành công lại thấp

Để kết luận, Sterling của năm 2023 không quá khác biệt so với Sterling của năm 2013 - dù anh đã trở thành một trong những cầu thủ ghi bàn ổn định nhất ở Premier League trong quãng thời gian ở giữa. Thay vì tiến hóa, anh đã quay trở lại với phong cách chơi bóng trước đây.

Lược dịch bài viết: “Raheem Sterling’s three eras in the Premier League: Dribbler, poacher, dribbler again” của Michael Cox và Mark Carey (The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

X
top-arrow