Rafaela Pimenta: Từ phó tướng đến “chị đại” kế thừa đế chế Mino Raiola

Tác giả CG - Thứ Ba 14/11/2023 13:55(GMT+7)

Zalo

Câu chuyện xảy ra vài tháng trước. Thời điểm ấy, Rafaela Pimenta đang thương lượng với giám đốc một CLB đã làm việc rất lâu trong ngành bóng đá nhưng bà chưa từng gặp. 

thumb bai TDP
 

Đi theo Pimenta là một luật sư mà bà tiết lộ với ESPN là không biết gì về bóng đá nhưng rất am hiểu luật pháp ở quốc gia mà CLB đó hoạt động. Sau một cuộc đàm phán dài hơi và khá căng thẳng, cuối cùng họ đã đi đến thỏa thuận. Lúc đó, vị giám đốc CLB kia đã quay sang luật sư của Pimenta và nói: “Chà, ông đã chuẩn bị cho cô ấy rất tốt”.

Căn phòng rơi vào im lặng. Luật sư của Pimenta, người vốn chỉ đến để đưa ra lời khuyên, cảm thấy khá ngại ngùng vì ông không phải người tiến hành đàm phán. Ông nói rằng ông không biết ý vị giám đốc kia đang nói là gì.

“Tôi đáp: ‘Không sao, không thành vấn đề. Chỉ là bây giờ tiền hoa hồng của tôi sẽ tăng lên gấp đôi mà thôi. Hãy nói chuyện tiếp và mọi chuyện sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ với anh”, Pimenta nói kèm một nụ cười sau khi nhớ lại câu chuyện ấy. Thế nhưng, khi nụ cười tắt, trong ánh mắt cô hiện lên một chút lửa.

Kể từ khi cựu giám đốc Marina Granovskaia rời Chelsea vào tháng 6/2022 và bà Fatma Samoura chuẩn bị rời chiếc ghế tổng thư ký FIFA, Rafaela Pimenta có lẽ là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới bóng đá.

“Mino đã mất. Nếu tôi cũng qua đời thì sao? Cậu biết phải làm gì không?”

Sau khi Mino Raiola qua đời vào năm 2022, nhiều người đã nghĩ các khách hàng của ông sẽ tìm bến đỗ mới. Sinh ra gần Naples và lớn lên tại Hà Lan, Raiola làm việc cho nhà hàng của gia đình, nơi các giám đốc CLB, cầu thủ và người đại diện thường xuyên lui tới. Trước năm 30 tuổi, ông đã bắt đầu bước chân vào nghề người đại diện, trong đó nối bật là việc giúp Dennis Bergkamp chuyển từ Ajax đến Inter năm 1993.

“Nước xốt bí mật” của Raiola là sự tự tin, gan lì cộng thêm quyết liệt, tất cả được gói gọn trong một người đàn ông mang đậm chất “bụi” của đường phố. Vì sao lại như vậy? Trong khi hầu hết người trong giới đại diện cầu thủ sẽ mặc những bộ suit bảnh bao thì “đồng phục” của Raiola thường là giày sneaker, quần bò và áo phông. Bằng cách nào đó, công thức ấy lại thu hút các cầu thủ từ mọi thành phần và quốc tịch.

Raiola tạo nên hình ảnh của một “đại ca” với các khách hàng của mình, những người rất tin tưởng ông. Và tất nhiên, danh tiếng của siêu cò này cao hơn Pimenta rất nhiều.

Rafaela Pimenta Từ phó tướng đến “chị đại” kế thừa đế chế Mino Raiola 1
 

Khi Vincenzo Raiola, em họ của Mino Raiola và từng là cộng sự lâu năm của Mino lẫn Pimenta, rời công ty và mang theo một số khách hàng đi, nhiều gương mặt hàng đầu như Erling Haaland, Paul Pogba hay Matthijs de Ligt vẫn ở lại. Điều đó cho thấy, dù Mino có vai trò rất lớn trong việc vận hành của công ty nhưng Pimenta cũng đã xây dựng được lòng tin với khách hàng.

Erling Haaland và cha mình đã tìm đến Raiola cùng Pimenta dù cầu thủ này có thể thuyết phục bất cứ công ty nào đại diện cho mình. Haaland đến từ Na Uy, quốc gia mà việc phụ nữ nắm giữ những vị trí quyền lực, có tầm ảnh hưởng không phải điều mới lạ. Na Uy đã bầu ra nữ thủ tướng đầu tiên từ đầu thập niên 80, và đến nay người đứng đầu 3 liên đoàn thể thao lớn nhất nước (bóng đá, trượt tuyết, điền kinh) đều là phụ nữ.

“Thật tuyệt khi được đồng hành với họ vì đó là một trong ít nơi mà tôi cảm thấy nếu tôi đúng có nghĩa là tôi đúng, tôi sai thì có nghĩa là tôi sai, còn chuyện tôi là phụ nữ hay đàn ông không quan trọng. Điều đó thực sự thuộc về văn hóa và mang tới cảm giác thích thú vì sẽ có ít chuyện cần giải quyết hơn”, Pimenta chia sẻ với ESPN.

Mối quan hệ giữa người đại diện và thân chủ là mối quan hệ khá nhạy cảm. Một vài cầu thủ chỉ muốn người đại diện đàm phán hợp đồng; những người khác thì muốn người đại diện phụ trách các hợp đồng thương mại của họ. Một số người đại diện nói chuyện với cầu thủ không quá 3-4 lần mỗi năm, trong khi có những người nói chuyện với cầu thủ 3-4 lần vào bữa trưa mỗi ngày. Họ nói chuyện với nhau về điều gì? Câu trả lời là đủ thứ trên đời: Từ các bài tập trên sân, chuyện về bạn gái, nên mua mẫu xe mới nào và làm sao để có được vé buổi trình diễn của Taylor Swift.

Rafaela Pimenta Từ phó tướng đến “chị đại” kế thừa đế chế Mino Raiola 2
 

Pimenta cho biết nếu không được quản lý đúng cách, các mối quan hệ có thể biến thành sự phụ thuộc lẫn nhau. Bà kể rằng có một người đại diện đã cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu của cầu thủ. “Anh ta làm những điều ngu ngốc cho cầu thủ. Mà điều đó chỉ có ý nghĩa khi cầu thủ mới 17 tuổi, nhưng khi cầu thủ đó đã 23 thì không”, Pimenta chia sẻ.

Khi bà chất vấn người đại diện và nói rằng cầu thủ cần học cách tự làm cho mình, người đại diện đáp: “Tôi không muốn cậu ấy học cách tự làm mọi thứ vì nếu như thế, anh ta sẽ độc lập khỏi chúng ta. Nếu anh ta đã độc lập khỏi chúng ta rồi, anh ta sẽ không cần chúng ta nữa”.

Kết quả, người đại diện đó bị sa thải.

“Tôi không muốn một cầu thủ ở với chúng tôi vì anh ta không biết làm gì cả. Tôi muốn anh ta ở với chúng tôi vì anh ta nghĩ chúng tôi có thể tăng thêm giá trị, chuyên môn và kinh nghiệm của chúng tôi có thể giúp anh ta tốt hơn. Một người đại diện giỏi không phải người nói: ‘Tôi sẽ làm hết cho cậu, đừng lo’. Nhầm rồi, đó là con đường dẫn đến thảm họa.

Tôi hỏi các cầu thủ rằng: ‘Nếu tôi qua đời thì sao? Cậu có biết phải làm gì không? Cậu có biết tiền bạc của cậu ở đâu không?’ Và chúng tôi có ngay ví dụ cho điều đó: Mino đã mất… Nếu tôi cũng qua đời thì sao? Các cầu thủ cần được trao quyền khi họ trưởng thành và bạn cần để họ đi. Nếu họ lựa chọn ở lại, bạn biết đó là sự lựa chọn có ý thức”, người đại diện Brazil cho biết.

“Nếu bạn làm việc cho một cầu thủ, bạn cần làm mọi cách vì cầu thủ và điều đó có nghĩa đôi khi bạn phải trả giá”

Pimenta không chỉ nắm trong tay danh sách những khách hàng hàng đầu mà còn có đội ngũ người đại diện số má trong giới thể thao. Đây là điểm mà nhiều người đặt ra sự so sánh giữa bóng đá với NBA hay NFL. Với những người mới, NBA hay NFL là hệ sinh thái khép kín với số lượng đội bị hạn chế cùng những ông chủ quen biết nhau, và trên hết họ coi nhau là đối tác kinh doanh. Kể cả những ngôi sao lớn nhất trong các môn thể thao đó cũng biết chỉ có ít đòn bẩy và những cánh cửa để có thể gõ.

Trong khi đó, bóng đá toàn cầu bao gồm những CLB từ khắp nơi trên thế giới với những ông chủ khác nhau - từ các quỹ đầu tư cá nhân cho tới những lãnh đạo được bầu ra và thậm chí là các hoàng tộc - với những mục đích khác nhau. Đó không phải cái ao với giới hạn với 30 hay 32 con cá mà đó là cả đại dương bao la với rất nhiều cá. Nếu bạn tư vấn cho những ngôi sao lớn nhất, nguồn cá vô tận sẽ đến với bạn.

Hơn nữa, bóng đá có những đặc thù riêng. Thường thì có 3 nhóm người đại diện xuất hiện khi một cầu thủ chuyển CLB, tất cả tham gia vào việc ấn định mức phí chuyển nhượng và hợp đồng: Một nhóm đại diện cho CLB mới, một nhóm đại diện cho CLB cũ và nhóm còn lại đại diện cho cầu thủ. (Đôi khi một người sẽ đại diện cho nhiều bên và đôi khi là cả 3 bên).

Rafaela Pimenta Từ phó tướng đến “chị đại” kế thừa đế chế Mino Raiola 3
 

Thực tế, ngay cả khi người đại diện là nhân vật thay thế cầu thủ đàm phán tiền lương và hợp đồng, họ vẫn được CLB trả tiền. Điều đó có tạo ra xung đột lợi ích hay không? Có thể, nhưng đó là bản chất của ngành này và nó nhấn mạnh quyền lực của những người đại diện hàng đầu trong thế giới bóng đá. Số tiền hoa hồng được trả cho Raiola và Pimenta trong một số thương vụ chuyển nhượng (ví dụ như 41 triệu bảng trong mức phí chuyển nhượng 89 triệu bảng để đưa Pogba từ Juventus đến Manchester United năm 2016) khiến họ bị chỉ trích gay gắt là lợi dụng khách hàng.

“Tôi dám chắc có vài lần những thông tin bị rò rỉ ra ngoài như thế nhằm công kích chúng tôi và khiến chúng tôi rơi vào tình cảnh khó khăn. Nhưng không cầu thủ nào bất ngờ cả bởi họ hoàn toàn hiểu điều đó”, Pimenta cho biết.

Nhiều giám đốc của các CLB đã đàm phán với Raiola và Pimenta xác nhận họ thường liên lạc trực tiếp với cầu thủ hoặc gia đình của họ ở giai đoạn đầu. Điều này không hề bình thường và đôi khi khiến CLB bị qua mặt nhưng lại có lợi cho họ vì nó củng cố niềm tin giữa người đại diện và khách hàng. 

“Tôi không phải người quá cứng rắn. Tôi là người bình thường. Nhưng nếu tôi đại diện cho ai đó thì không có chuyện đứng ở trên cả 2 con thuyền. Tôi nghĩ đôi khi một vài người đại diện không muốn làm CLB thất vọng vì tầm vóc những CLB ấy lớn hơn cầu thủ. Vì thế, họ không làm mọi cách vì cầu thủ”, Rafaela Pimenta bày tỏ.

Rafaela Pimenta Từ phó tướng đến “chị đại” kế thừa đế chế Mino Raiola 4

Pimenta nói thách thức khi đối mặt với những người đại diện và nỗi sợ làm CLB phiền lòng chính là “ung nhọt” trong công việc của bà. Nếu bạn chọc giận một CLB, họ có thể loại bạn khỏi danh sách, gây ảnh hưởng đến tương lai cầu thủ và tương lai các thương vụ trong tương lai. Điều đó có xứng đáng hay không?

“Giây phút anh hỏi câu này, anh đang hiểu sai mọi việc”, Pimenta nhấn mạnh với phóng viên ESPN. “Nếu bạn làm việc cho một cầu thủ, bạn cần làm mọi cách vì cầu thủ và điều đó có nghĩa đôi khi bạn phải trả giá. Nhưng nếu bạn định vị bản thân đúng đắn và khiến mọi người hiểu bạn đang chiến đấu vì khách hàng, thường thì họ sẽ tôn trọng bạn”.

Ở mức độ nào đó, điều này dễ dàng hơn khi bạn là công ty đại diện cho hàng chục khách hàng ưu tú thay vì một công ty cố gắng tìm bến đỗ cho một cầu thủ trung bình đang trong giai đoạn lưng chừng sự nghiệp. Tuy nhiên, sự kiên định và mãnh liệt của Pimenta và Raiola khi giúp khách hàng có lợi, thường ít liên quan đến các mối quan hệ tiềm năng trong tương lai, được một số người ngồi đối diện họ trên bàn đàm phán ghi nhận.

Rafaela Pimenta Từ phó tướng đến “chị đại” kế thừa đế chế Mino Raiola 5
 

Những nhân vật đó cũng nhấn mạnh, khi lần đầu tiên làm việc với Raiola và Pimenta, họ đã nghĩ về vấn đề giới tính. Họ cho rằng một người đàn ông bộc trực như Raiola sẽ thúc đẩy các con số tăng cao và nhận một món hời lớn, trong khi Pimenta sẽ là người đối ngoại, thỏa hiệp. Thay vào đó, như một vị giám đốc tiết lộ, bộ đôi này không phải dạng “good cop - bad cop” mà là “bad cop - bad cop”.

“Khá hài hước là họ nghĩ rằng khi Mino không còn và tôi lên thay anh ấy thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn, nhưng sau một thời gian họ lại muốn tôi đi còn Mino trở lại. Giữa chúng tôi có nhiều thứ bất đồng, nhưng một khi đã bước vào bàn đàm phán, chúng tôi hoàn toàn đồng lòng. Và chúng tôi đồng lòng trong cách nhìn nhận các công việc, bóng đá và các khách hàng. Chúng tôi ‘sống cùng sống, chết cùng chết’ trên bàn đàm phán”, bà chia sẻ.

Mino Raiola - Rafaela Pimenta: Cộng sự gần 3 thập kỷ

Mối liên kết giữa Mino Raiola và Rafaela Pimenta đã kéo dài gần 3 thập kỷ. Họ gặp nhau lần đầu khi Pimenta đang làm một số thủ tục pháp lý cho một CLB do các cựu cầu thủ Brazil là Rivaldo và Cesar Sampaio thành lập. Thời điểm đó, bà vừa lấy bằng luật ở Đại học Sao Paulo và làm công tác giảng dạy, đồng thời làm việc cho ủy ban chống độc quyền của chính phủ Brazil.

Khi ấy, thứ gọi là “Luật Pele” nhằm cải cách bóng đá Brazil vừa được thông qua và Raiola muốn biết nhiều hơn về đạo luật này. Năm đó, cả hai mới ngoài 20 và đều là những con người nóng tính. Không bất ngờ khi họ xung đột ngay lần gặp đầu tiên, chủ yếu vì Pimenta cảm thấy như Raiola đang dạy đời mình.

“Nếu anh nghĩ mình biết nhiều hơn tôi thì anh ở đây làm gì? Nếu anh nắm rõ luật Brazil rồi thì sao anh lại cần tôi”, Pimenta nói với Raiola vào thời điểm đó. Về sau, Raiola nói rằng Pimenta là một trong những người đầu tiên đứng lên sát cánh cùng ông.

Rafaela Pimenta Từ phó tướng đến “chị đại” kế thừa đế chế Mino Raiola 6
 

Vài năm sau, Rafaela Pimenta quyết định nghỉ ngơi một thời gian và đi du lịch châu Âu sau khi chia tay với bạn trai. Lúc đó, Raiola đã thuyết phục bà ở lại và làm việc với ông. Bà tâm sự: “Tôi dự định ở lại 6 tháng thôi, nhưng đến giờ vẫn ở đây. Thời điểm đó, Mino hoạt động một mình, một người luôn có cuốn sổ địa chỉ và điện thoại di động. Tôi cảm thấy chúng tôi cần kết cấu giống một tổ chức, do đó chúng tôi quyết định thành lập công ty. Và nó đã hoạt động rất tốt”.

Công ty của họ đã hoạt động tốt bởi kỹ năng của 2 người bổ sung cho nhau, hơn nữa cả 2 trước đó đều không phải dân bóng đá. Raiola là chủ nhà hàng với chiếc áo phông xuề xòa cùng tính tình cứng rắn, trong khi Pimenta là luật sư được đào tạo bài bản đang tìm đường bước vào thế giới của cánh mày râu. Họ không phải cựu cầu thủ, không có mối liên hệ với các CLB bóng đá và họ không có quan hệ huyết thống. Cả 2 không làm theo kịch bản, thay vào đó họ tự viết nên kịch bản của mình.

Khi nói đến hệ sinh thái bóng đá rộng hơn, Pimenta không thẳng thắn như Raiola, người thường xuyên chỉ trích các nhà điều hành và quy định, có lẽ bởi dù sao bà cũng là một luật sư. Tuy nhiên, bà vẫn có chính kiến của mình.

Bàn về nỗ lực của FIFA trong việc quản lý hoạt động chuyển nhượng bằng cách đặt ra giới hạn tiền hoa hồng, Pimenta nói: “Nếu tôi bảo anh rằng anh phải trả 10 euro để ký với một cầu thủ và anh không muốn trả số tiền đó thì anh đừng trả, vậy thôi. Hãy để thị trường quyết định”.

Rafaela Pimenta Từ phó tướng đến “chị đại” kế thừa đế chế Mino Raiola 7
 

Về những gì bà coi là vị thế lớn của các CLB quyền lực với các cầu thủ và cách họ thao túng giới truyền thông lẫn các cổ động viên, bà chia sẻ: “Nếu anh làm một công việc và đến một thời điểm anh quyết định muốn làm ở nơi khác thì anh có quyền làm điều đó. Thật buồn khi năm 2023 rồi mà chúng ta vẫn phải nói nên làm gì. Tôi hiểu các cầu thủ được trả lương cao, nhưng họ được trả lương để thi đấu. Họ không được trả lương để trở thành nô lệ, tôi biết mọi người sẽ ghét tôi dùng từ này”.

Đây chính là điều một số người cảm thấy mâu thuẫn. Một mặt, những người theo chủ nghĩa tự do kêu gọi một thị trường tự do không bị kiểm soát. Mặt khác, mọi người lại kêu gọi lập ra quy định bảo vệ cầu thủ bóng đá vì sẽ có CLB quay lại với cầu thủ và nói: “Xin lỗi nếu bạn đã thay đổi quyết định về việc ở đây, nhưng không ai ép buộc bạn ký hợp đồng 5 năm hết”.

Pimenta hiểu điều đó nhưng bà cũng làm rõ: Bà là một người đại diện, công việc của bà là đại diện cho cầu thủ và chiến đấu vì họ. Năm 2022, khi Pimenta phát biểu tại một hội nghị bóng đá, bài nói chuyện của bà xoay quanh vấn đề tài chính hóa bóng đá và bảng cân đối kế toán cũng sẽ được đánh giá ngang tầm với các danh hiệu khi xét đến thành công của một đội bóng.

Rafaela Pimenta Từ phó tướng đến “chị đại” kế thừa đế chế Mino Raiola 8
 

“Tôi nghĩ tôi là người duy nhất ở đó đại diện cho các cầu thủ ở đấy. Khá thú vị khi nghe được quan điểm và tư duy của các CLB. Tôi không nói họ sai và tôi hiểu nếu bạn điều hành một doanh nghiệp, bạn phải đặt giá trị cho mọi thứ, quyết định cách thức kiếm tiền và thu lợi nhuận. Nhưng nếu chúng ta đi quá xa và quên rằng tài sản này thực chất là con người, tất cả chúng ta sẽ hành động sai lầm”, Rafael Pimenta nhấn mạnh.

Dù đã trong nghề gần 30 năm, làm việc với nhiều nhân vật máu mặt, Pimenta không thể tránh khỏi việc vẫn có những người nhìn nhận bà chỉ là phụ nữ đang làm công việc này. Bà chia sẻ: “Họ sẽ khiến bạn ghi nhớ điều đó, thường là ngay từ đầu. Đó là cách họ tước bỏ sức mạnh của bạn vì bạn là phụ nữ. ‘Cô không nên ở đây, đây là thế giới của những người đàn ông’. Đó chính là tâm lý chiến để đạt được lợi thế. Sau đó, họ đi vào chi tiết của cuộc đàm phán. Đôi khi, những lời đó sẽ xuất hiện trở lại”.

Bóng đá, môn thể thao do nam giới thống trị hơn một thế kỷ ở mọi ngóc ngách, có lẽ sẽ tụt hậu nếu không có những thay đổi lớn. Và nếu những thay đổi đó diễn ra, có lẽ một phần nhờ những người phụ nữ như Rafael Pimenta.

Theo Gabriele Marcotti | ESPN

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

X
top-arrow