Nhắc đến Rafael van der Vaart, có lẽ là một nỗi tiếc nuối khi một cầu thủ với tiềm năng to lớn lại không thể đạt được nhiều hơn những gì anh đã làm được. Nhưng đâu đó vẫn có những niềm vui và sự thăng hoa, ví dụ như quãng thời gian anh khoác áo Tottenham Hotspur.
Trận bán kết lượt về Champions League 2019 giữa Ajax và Tottenham Hotspur là một ngày đặc biệt với Rafael van der Vaart. Đó là hai đội bóng cũ của anh và cũng là những nơi anh thi đấu thăng hoa, thành công nhất trong sự nghiệp. Sau trận lượt đi và 45 phút hiệp 1 trận lượt về, Van der Vaart đã nghĩ đến một chiến thắng cho Ajax. Lúc ấy, anh đã định gửi một tin nhắn chúc mừng đến Edwin van der Sar – người đồng đội cũ ở ĐT Hà Lan và hiện là CEO của Ajax. Nhưng có một linh tính nào đó khiến anh dừng lại.
“Tôi nhớ trong giờ nghỉ giữa hai hiệp, khi tỉ số là 2-0 nghiêng về Ajax, tôi đã viết một đoạn tin nhắn chúc mừng Edwin van der Sar vì đội bóng đã lọt vào chung kết. Nhưng không biết tại sao tôi lại quyết định xoá đi và đến hết trận, tôi thấy may là mình đã làm vậy. Tôi không nghĩ Tottenham sẽ ghi được 1 hay 2 bàn chứ đừng nói đến chuyện ghi 3 bàn, đặc biệt là trong vài phút cuối trận. Nhưng trong thời gian ấy, tôi có cảm giác biết đâu Tottenham có thể lội ngược dòng và những ngôi sao trẻ của đội sẽ làm nên một đêm ra trò. Quả đúng là như vậy”, cựu tiền vệ người Hà Lan chia sẻ trên talkSPORT.
Có lẽ việc lọt vào chung kết Champions League là một trong những mốc son nổi bật nhất của Tottenham trong thập kỷ trước, một chiến tích cho thấy đội bóng thành London hoàn toàn có thể bước lên hàng ngũ những đội bóng mạnh nhất. Nhưng ngay từ đầu thập kỷ trước, Spurs đã thể hiện họ là một cái tên không hề dễ chơi, một đối thủ sẵn sàng ngáng đường “Big 4” truyền thống của bóng đá Anh cũng như đại gia mới nổi thời điểm ấy là Manchester City.
Và dù chỉ gắn bó với Tottenham trong 2 năm ngắn ngủi, nhưng Rafael van der Vaart vẫn để lại một chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ Spurs ở quãng thời gian ấy. Chính anh cũng từng thừa nhận giai đoạn chơi bóng ở đội chủ sân White Hart Lane thời điểm ấy cũng là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của mình. Van der Vaart chơi hay trên sân cỏ, hoà đồng với các đồng đội, gắn kết với nhân viên đội bóng và thậm chí các cổ động viên Spurs còn có bài hát riêng dành cho anh.
Rafael van der Vaart chỉ chơi bóng ở Tottenham trong 2 mùa nhưng để lại dấu ấn sâu sắc. Ảnh: Getty Images
Mùa hè năm 2010, Jose Mourinho đến Real Madrid, cùng với đó là sự xuất hiện của Mesut Ozil từ Werder Bremen. Lúc này, vị trí của Van der Vaart trong đội hình Real Madrid thậm chí là “dự bị của dự bị”. Mourinho sẵn sàng để tiền vệ người Hà Lan ở lại, nhưng cũng không cảm thấy có vấn đề gì nếu anh muốn ra đi. Và cuối cùng, trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2010, anh đã kịp thời gia nhập Tottenham với mức phí 8 triệu bảng. Ở tuổi 27, rời Real Madrid – đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ 20 – để đến Tottenham – với vị thế chắc chắn không thể bằng thời điểm hiện tại – với nhiều người có thể xem là một bước lùi, nhất là với một cầu thủ từng được kỳ vọng nhiều như Rafael van der Vaart.
Quả thực Van der Vaart là một người rất tài năng, thậm chí có thể nói là có tiềm năng lớn bậc nhất trong thế hệ của mình. 20 tuổi, anh đoạt Golden Boy – giải thưởng vinh danh cầu thủ U21 xuất sắc nhất chơi bóng ở châu Âu. 21 tuổi, anh trở thành đội trưởng của Ajax và đã đoạt 2 chức vô địch quốc gia Hà Lan.
Song, Van der Vaart là một tài năng lạc thời, một “số 10 cổ điển” trong thời kỳ mà bóng đá Hà Lan luôn chuộng sơ đồ 4-3-3. Ở ĐT Hà Lan, giai đoạn mà anh chơi hay cũng không thể nào lấy được vị trí chính thức từ tay Wesley Sneijder. Van der Vaart là người có cá tính ương ngạnh, anh từng bị tước băng thủ quân ở Ajax do từ chối ra sân thi đấu vì không muốn đá ở vị trí tiền đạo cánh. Và hơn nữa, chính suy nghĩ không muốn gò mình vào khuôn khổ chuẩn mực nhất của một vận động viên chuyên nghiệp khiến cựu tiền vệ người Hà Lan dù đầy tiềm năng và có lúc rất thăng hoa nhưng lại không thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Trong cuộc phỏng vấn với The Athletic vào năm 2020, Van der Vaart nói: “Tôi luôn tự nhận mình là cầu thủ chuyên nghiệp nghiệp dư nhất. Sau mỗi chiến thắng, tôi cần một ly rượu và thỉnh thoảng là những chiếc McDonalds. Để chơi tốt và tập luyện hăng say, tôi cần cảm thấy vui vẻ thoải mái. Nếu gò bó cứng nhắc quá tôi không còn thấy thoải mái nữa và điều đó ảnh hưởng đến màn trình diễn của tôi. Tôi phải thả lỏng thì mới chơi tốt nhất được.
Tôi nhớ Wijnaldum và Van Dijk sau khi đoạt chức vô địch Champions League ở Liverpool đã được truyền hình Hà Lan phỏng vấn. Phóng viên hỏi: ‘Làm một ly champagne tối nay nhé?’ và họ đáp lại kiểu: ‘Không không, 5 ngày nữa chúng tôi phải đá vòng chung kết Nations League’.
Đó là tư duy của cầu thủ lúc này và tôi không nghĩ họ cần phải thế. Tất nhiên có thể vì có ống kính máy quay nên họ phải trả lời vậy. Cũng được thôi, nhưng với tôi như thế khá nhàm chán. Hãy tận hưởng cuộc sống nếu có thể, đặc biệt sau khi đạt được chiến tích nào đó, nó sẽ khiến cuộc sống của bạn dễ chịu hơn”.
Rafael van der Vaart và Peter Crouch là cặp đôi ăn ý của Tottenham một thời. Ảnh: Getty Images
Điều đó gần như đã khắc hoạ nên phần nào chính sự nghiệp của Van der Vaart. Một cầu thủ tài hoa bậc nhất thế hệ của mình, nhưng không đủ sự quyết liệt để bước qua ranh giới một cầu thủ tài năng để vươn lên hàng ngũ siêu sao. Anh từng thừa nhận sau một trận đấu của Tottenham rằng nếu cứ phải đuổi theo một hậu vệ biên suốt cả trận để hỗ trợ phòng ngự, anh sẽ không thể nào đá hay được. Nhưng với những người yêu quý cựu tiền vệ Hà Lan, họ vẫn được chứng kiến một Van der Vaart thăng hoa trong màu áo Tottenham.
28 bàn thắng và 18 pha kiến tạo trong 77 lần ra sân, trung bình anh có 0,5 tình huống in dấu giày vào bàn thắng/trận trong màu áo Tottenham. Một công thức hiệu quả của Tottenham dưới thời Harry Redknapp thời điểm đó là bóng được treo vào vòng cấm địa, “sếu vườn” Peter Crouch làm tường và Van der Vaart sẽ ập vào dứt điểm. Bàn thắng vào lưới Aston Villa ở mùa giải 2010/2011 là một ví dụ điển hình: Lennon câu bóng vào vòng cấm, Crouch đánh đầu, Van der Vaart bình tĩnh nhử Richard Dunne xoạc trước khi dứt điểm quyết đoán, ghi bàn bằng chân phải. Một pha bóng chứng minh cho sự tinh tế của Van der Vaart. Trong khi đó, 8 pha kiến tạo của Van der Vaart trong màu áo Tottenham là dành cho Crouch.
Và còn một điều nữa khiến cựu cầu thủ Ajax được người hâm mộ Spurs yêu quý chính là sự thăng hoa của anh trong những cuộc chạm trán đại kình địch Arsenal. Trong tổng cộng 4 lần chạm trán “Pháo thủ” trong màu áo Tottenham, anh ghi 4 bàn, có 2 pha kiến tạo và giúp đội bóng của mình thắng 2, hoà 1 trận. Trong lần đầu tiên chạm trán Arsenal ở Premier League, Van der Vaart in dấu giày vào cả 3 bàn thắng của Spurs để giúp đội bóng mình lội ngược dòng.
Rafael van der Vaart thường xuyên toả sáng khi đối đầu Arsenal. Ảnh: Getty Images
Lượt về mùa giải đó, Van der Vaart lại ghi 2 bàn – trong đó bàn ấn định tỷ số giúp Spurs giữ 1 điểm – và có lẽ sẽ khiến Jack Wilshere phải nhớ mãi với 2 pha xâu kim ngôi sao người Anh liên tiếp chỉ trong vài giây.
Nhắc đến Rafael van der Vaart, có lẽ là một nỗi tiếc nuối khi một cầu thủ với tiềm năng to lớn lại không thể đạt được nhiều hơn những gì anh đã làm được. Nhưng đâu đó vẫn có những niềm vui và sự thăng hoa, ví dụ như quãng thời gian anh khoác áo Tottenham Hotspur. Dù cách anh rời khỏi Tottenham để lại không ít sự tiếc nuối khi đầu mùa giải 2012/2013 HLV Andre Villas-Boas đưa về Gylfi Sigurdsson và khẳng định tiền vệ người Hà Lan không còn là sự lựa chọn của nhà cầm quân Bồ Đào Nha nữa. Song, ký ức của Van der Vaart ở sân White Hart Lane dù không dài nhưng cũng đủ dấu ấn và rất truyền cảm hứng.
Và đó cũng là ký ức về Tottenham của một thời “ngổ ngáo” những năm cuối thập/ niên 2000, đầu thập niên 2010 với Harry Redknapp ở đường biên và những Luka Modric, Gareth Bale, Aaron Lennon trong sân.