Pierre-Emerick Aubameyang: Hành trình 10 năm để trở thành cây săn bàn hàng đầu

Tác giả August - Thứ Ba 18/06/2019 17:49(GMT+7)

Sự nghiệp của Auba có thể chẳng có duyên với những danh hiệu lớn khi các CLB mà anh khoác áo, từ St Etienne, Dortmund tới Arsenal, đều chỉ thuộc “nhóm thách thức” tại giải đấu của mình nhưng trên phương diện cá nhân, chân sút người Gabon đã khẳng định được giá trị của mình.

Cho tới trước khi mùa giải Premier League 2018/19 khởi tranh, Arsenal sở hữu 5 vua phá lưới giải đấu: 4 trong số đó thuộc về huyền thoại Thierry Henry và 1 ghi danh Robin Van Persie, trong mùa giải cuối cùng anh khoác áo “Pháo thủ” 2011/12. Và khi mùa giải 2018/19 khép lại, Arsenal đã góp thêm vào bảng vàng “Golden boot” Premier League 1 cái tên mới: Pierre-Emerick Aubameyang.
 
Với 22 bàn thắng, Aubameyang chia sẻ danh hiệu Vua phá lưới cùng hai ngôi sao người Châu Phi khác của Liverpool, Mohamed Salah và Sadio Mane. Nhưng nếu như những bàn thắng của Mane – Salah đưa Liverpool trở thành đội á quân xuất sắc nhất lịch sử Premier League thì 22 pha lập công của Aubameyang không đủ để Arsenal góp mặt trong Tốp 4 chung cuộc. Arsenal của Aubameyang chỉ xếp hạng 5 Premier League mùa trước, không có vé dự Champions League.
 
Aubameyang, cho tới thời điểm hiện tại, sau 1 năm rưỡi ở Arsenal, sau khi đã có danh hiệu cá nhân đầu tiên trên đất Anh, sau khi đã được vinh danh ở hàng  loạt giải thưởng như Vua phá lưới Bundesliga 2016/17, Cầu thủ hay nhất bóng đá Đức năm 2015, Cầu thủ châu Phi xuất sắc nhất 2015, trước sau vẫn là cái tên gây tranh cãi. Trong cộng đồng fan Arsenal nói riêng. Và trong cả cách nhìn nhận của giới chuyên môn.
 
Bởi các bàn thắng của Auba không đưa Arsenal lên tới đỉnh cao, hay được cụ thể hóa bằng 1 danh hiệu tập thể, khi “Pháo thủ” chỉ cán đích vị trí thứ 5 Premier League và thua thảm Chelsea ở trận chung kết Europa League, giải đấu mà bản thân chân sút người Gabon cũng sở hữu 8 pha lập công. Và cũng bởi, dù là vua phá lưới Premier League nhưng Auba cũng là cái tên bỏ lỡ nhiều cơ hội ăn bàn nhất mùa giải vừa qua. Premier League 2018/19 khép lại, Auba có 22 pha lập công – đồng hạng nhất cùng Mane – Salah và anh cũng “vô đối” trên BXH “bỏ lỡ cơ hội ghi bàn rõ ràng” của giải đấu, với tổng cộng 23 lần.
AUBAMEYANG VÀ LACAZETTE
Nhìn vào con số “23 cơ hội ăn bàn bị bỏ lỡ” của Auba, lập luận của phe đả kích đương nhiên sẽ là: nếu tiền đạo người Gabon tận dụng tốt hơn những cơ hội mà anh có được trước cầu môn đối phương, thì bản thân Auba không chỉ nâng cao thành tích “nổ súng” của mình mà chắc chắn sẽ giúp Arsenal có được thành tích chung cuộc tốt hơn nhiều ở Premier League. 
 
Nhưng nói thế thì vô cùng và có phần bất công cho Auba. Đúng là tiền đạo người Gabon bỏ lỡ nhiều cơ hội, cũng đúng Auba chưa từng phá lưới Man City, Liverpool và Chelsea ở Premier League – 3 CLB kết thúc ở vị trí cao nhất mùa trước kể từ khi anh khoác áo Arsenal. Nhưng với 32 bàn thắng, ở giai đoạn hai mùa 2017/18 và cả mùa trước, trong 49 trận, qua 3791 phút đấu thực tế, Auba chính là một trong những chân sút có hiệu suất ghi bàn tốt nhất lịch sử Premier League. Cứ khoảng 118 phút, Auba “sản xuất” 1 bàn thắng.
 
Và cũng đừng quên rằng, mùa trước một mình Auba ghi tới 30,1 % (22/73) số bàn thắng của cả đội Arsenal tại Premier League. Không chân sút nào trong số những siêu sao tấn công thuộc “Big 6”, bao gồm Eden Hazard (25,4%), Harry Kane (25,4%), Mane, Salah (cùng 24,7%), Sergio Aguero (22,1%) đạt tới mức độ đóng góp bàn thắng trực tiếp cho CLB như cách Auba làm được cho Arsenal. Xếp trên Auba ở hạng mục này, thực ra cũng chỉ có 3 người là Glenn Murray của Brighton (37,1%), Jamie Vardy của Leicester (35,3%) và Alek Mitrovic của Fulham (32,4%). Leicester đứng ngoài Top 8, Fulham rớt hạng còn Brighton là đội có vị trí thấp nhất trong nhóm trụ hạng.
 
 
Rõ ràng, chất lượng đội ngũ của Arsenal không so bì được với những đối thủ còn lại trong “Big 6” và vị trí thứ năm phản anh đúng năng lực của “Pháo thủ”. Việc Auba ghi được 22 bàn thắng, trở thành vua phá lưới của giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh như Premier League, do vậy, phải được coi là thành công đáng ngợi ca của chân sút người Gabon thay vì đả kích hay xem nhẹ vai trò cũng như giá trị thực sự của anh trong tập thể không-hề-xuất-sắc của Arsenal.
 
Thực tế thì trong sự nghiệp cầu thủ hơn 1 thập kỉ đã qua của Auba, anh vốn dĩ đã phải đối mặt và trải qua rất nhiều hoài nghi, và chỉ trích vô lối rồi. Có lẽ hiếm có cầu thủ trẻ nào “bị” quăng quật qua hàng loạt Học viện bóng đá như cách mà Auba từng nếm trải thời niên thiếu của mình. Cho tới trước khi gia nhập lò Milan ở tuổi 17, trong vòng 12 năm, từ khi còn là một chú nhóc 6 tuổi, Auba đã đi từ trung tâm bóng đá trẻ ASL L'Huisserie Football, qua Nice, trở về ASL L'Huisserie, tới Laval, Rouen, rồi gia nhập Lò Bastia.
 
Auba bắt đầu nổi lên với thành tích vua phá lưới giải Champion youth Cup tại Malaysia, trong màu áo đội U19 Milan năm 2008. Nhưng tại Milan thời điểm đó, vốn là CLB sở hữu rất nhiều ngôi sao thượng thặng, Auba đơn giản là không có cơ hội chen chân vào đội một. Và thế là hành trình 3 năm “đi ở” theo hợp đồng cho mượn qua 4 CLB khác nhau của Auba bắt đầu, từ Dijon, Lille, rồi Monaco và St Etienne. 
 
  

Trong quãng thời gian khó khăn này, Auba thậm chí từng có lúc định “tặc lưỡi” gia nhập Newcastle, khi đó vừa rớt hạng Premier League, cũng là CLB duy nhất đánh tiếng muốn có Auba vào mùa Hè 2009 nhưng theo lời khuyên của cha anh – cũng là một thủ quân vĩ đại của đội tuyển Gabon, Auba sau cùng đã bỏ qua đề nghị chuyển nhượng của “The Magpies”. Và phải tới khi được St Etienne mùa đứt, cũng là nơi Auba được tin tưởng và trao cơ hội thực sự để phát triển, anh mới chính thức bước ra ánh sáng. 
 
Sau hai mùa giải liên tiếp trong Top 4-5 những chân sút hay nhất Ligue 1, Auba chia tay St Etienne gia nhập Dortmund, trở thành cầu thủ người Gabon đầu tiên trong lịch sử chơi bóng cho 1 CLB ở hạng đấu cao nhất nước Đức. Dù chỉ giành được 1 danh hiệu lớn cùng Dortmund (Cúp quốc gia Đức 2016/17) nhưng Auba đã thực sự thoát khỏi “mác nhãn”cầu thủ chạy nhanh nhất Thế giới để trở thành 1 trong những chân sút xuất sắc nhất của kỉ nguyên bóng đá hiện đại.
 
Sau Dortmund, như chúng ta đã biết, là cú xê dịch tới Arsenal với mức phí chuyển nhượng 56 triệu bảng. Là 1 năm rưỡi với 41 bàn thắng qua 65 trận đấu trên mọi đấu trường, hiệu suất “nổ súng” chỉ kém duy nhất ngôi sao Liverpool – Mohamed Salah, trong số các cầu thủ đã và đang thi đấu tại Anh cùng quãng thời gian tương đương.
 

Sự nghiệp của Auba có thể chẳng có duyên với những danh hiệu lớn khi các CLB mà anh khoác áo, từ St Etienne, Dortmund tới Arsenal, đều chỉ thuộc “nhóm thách thức” tại giải đấu của mình nhưng trên phương diện cá nhân, chân sút người Gabon đã khẳng định được giá trị của mình. Xin hãy nhớ chi tiết này: Auba là cầu thủ châu Phi duy nhất xưa nay giành ngôi vua phá lưới ở 2 giải đấu hàng đầu châu Âu khác nhau (Bundesliga, Premier League).
 
Và bất chấp thiên hạ vẫn đủ lời ngả nghiêng thì Arsenal hiểu rằng họ đang sở hữu một tài sản quý giá. Một bản hợp đồng mới với mức lương tăng lên 200.000 bảng/tuần đã được Arsenal đưa ra, trong nỗ lực giữ chân Aubameyang gắn bó lâu hơn nữa với Emirates. Với Auba, đó chính là sự thừa nhận cao nhất về giá trị và đóng góp của anh cho “Pháo thủ”. Cho tuổi 30 và một hành trình bứt phá mới. Tại Arsenal!

AUGUST (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Liam Delap: Cánh én nhỏ tại Portman Road

Sẽ là thiển cận nếu mô tả Ipswich Town của Kieran McKenna là đội bóng một người. Nhưng với Liam Delap, họ thực sự đang sở hữu một chân sút có thể ghi bàn đều đặn. Delap chắc chắn là 1 trong những lý do chính giúp Ipswich (tạm) thoát ra khỏi nhóm 3 đội cuối BXH Premier League 2024/25.

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.