1. Dù đã vào đến trận chung kết nhưng công bằng mà nói thì đội tuyển Tây Đức ở World Cup 1982 chắc chắn không nằm trong danh sách những đội bóng nổi tiếng nhất. Thậm chí ngay tại đất nước của mình, đoàn quân của Jupp Derwall đã (và vẫn) không được xem trọng, đôi khi họ bị hoài nghi là những kẻ xảo quyệt.
|
Pierre Littbarski: Tài năng dị thường của những ngày Đức xưa cũ |
Từ thất bại đáng xấu hổ trong trận đấu mở màn trước đội bóng bị đánh giá thấp hơn là Algeria (“Chúng tôi sẽ dành bàn thắng thứ bảy cho những bà vợ và bàn thắng thứ tám cho những chú chó của chúng tôi,” một cầu thủ Đức phát biểu đầy tự mãn trước thềm thất bại 1-2) đến Schande von Gijón nơi mà thắng lợi 1-0 trước Áo đã được “dàn dựng” sẵn để đưa cả hai đội đi tiếp, qua đó khiến đội bóng Bắc Phi phải trả cái giá cay đắng. Sau đó là trận bán kết kinh điển với Pháp và pha phạm lỗi nổi tiếng của Schumacher gần như đã giết chết Patrick Battiston, đội bóng này đã chẳng làm gì nhiều để xóa bỏ định kiến về một quốc gia lười biếng sau chiến tranh vốn vẫn tồn tại trong văn hóa Anh thời điểm đó.
Thế nhưng, với một đứa trẻ bảy tuổi lớn lên ở Anh, tôi vô cùng mong muốn Tây Đức đánh bại Italia trong trận chung kết. Và chỉ có một lí do duy nhất: Pierre Littbarski.
Littbarski trái ngược với hình ảnh thể thao, cơ bắp của những người đồng đội như Karl-Heinz Rummenigge, Hans-Peter Briegel và Klaus Fischer. Với chiều cao chỉ khoảng 1m67, vóc dáng mảnh khảnh, ông như một võ sĩ hạng nhẹ xuất hiện trong một giải đấu dành cho các đấu sĩ hạng nặng. Và trong một kì World Cup có rất nhiều những tài năng, tôi sẽ vui vẻ cho phép bạn bè mình giả làm Zico, Diego Maradona, Michel Platini hay Paolo Rossi trong những trận bóng miễn là mình được làm Littbarski.
Năm phút đầu tiên trận chung kết World Cup đã khắc họa toàn bộ những gì tôi yêu thích ở số 7 đội tuyển Đức. Trong giai đoạn đầu của một trận đấu có áp lực lớn thì thường nên có một khoảng thời gian duy trì được việc kiểm soát bóng để đội bóng và các cầu thủ của họ kiên nhẫn hòa nhập vào trận đấu. Nhưng điều này không đúng với Littbarski.
Đầu tiên, ông xoạc Marco Tardelli trên phần sân của Đức trước khi lấy được bóng. Trước mặt là rất nhiều các cầu thủ Italia và bên trái thì là đường biên dọc, ngay lập tức ông khéo léo đẩy bóng vượt qua Claudio Gentile rồi bỏ lại Tardelli ở phía sau. Khi đã ở một phần ba sân cuối cùng của Italia sau một loạt những đường chuyền phối hợp qua lại với Fischer, ông đưa bóng sang chân trái và túng cú dứt điểm từ khoảng cách 25 yard (22,86m) nhưng đáng tiếc đã bị Dino Zoff cản phá.
Sự bền bỉ khi giành lại bóng, khát khao băng lên phía trước và sự sáng tạo đã được gói gọn trong 15 giây ấy. Và tất cả đến trong pha phối hợp đầu tiên của trận đấu lớn nhất cuộc đời cầu thủ lúc đó mới 22 tuổi. Tuy nhiên, ông không bao giờ e sợ trước một thử thách lớn nào cả.
2. Pierre Michael Littbarski sinh năm 1960 tại Tây Berlin. Ông gia nhập đội bóng địa phương Hertha 03 Berlin-Zehlendorf ở tuổi thiếu niên trước khi những kĩ năng đi bóng của ông được FC Köln chú ý để rồi sau đó chuyển sang phía tây vào năm 1978. Đây là một thời kì rực rỡ của Köln dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên huyền thoại Hennes Weisweiler khi Die Geißböcke (The Billy Goats) đã vô địch quốc gia và giành cú đúp. Đây là một cuộc chuyển nhượng đầy tham vọng, và cầu thủ 18 tuổi sớm có màn ra mắt ở Bundesliga không lâu trước khi Litti (biệt danh của ông) trở thành một trong số những cầu thủ được yêu mến tại sân Müngersdorfer.
Littbarski có mọi thứ của một cầu thủ chạy cánh truyền thống - sự nhanh nhẹn, khôn ngoan và mảnh mai - nhưng Weisweiler lại cảm thấy có nhiều điều hơn thế trong lối chơi của cậu học trò hơn là đơn giản chỉ bám biên và tạt bóng vào bên trong. Vị huấn luyện viên sắc sảo này thấy rằng việc chạy lên và chạy xuống sẽ hạn chế tiềm năng sáng tạo của cậu học trò cưng, chính vì vậy ông khuyến khích Littbarski bó vào bên trong và tham gia nhiều hơn vào các đợt tấn công của đội bóng từ mọi vị trí trên sân. Tiền vệ người Berlin, người có thể sử dụng cả hai chân, đã thích nghi rất nhanh và những pha đi bóng đã trở thành thương hiệu của ông đã xuất hiện ở trong và xung quanh vòng cấm địa thay vì chỉ ở hành lang cánh.
Sự thay đổi nho nhỏ ở vị trí thi đấu và việc ngày càng trưởng thành khiến những bàn thắng đến ngày một nhiều. Vai trò tự do hơn giúp Litti đạt tỷ lệ hai trận/bàn cho Köln trong thời kỳ vàng son kéo dài bốn năm; một sự lột xác đáng chú ý với một cầu thủ chưa bao giờ là một tiền đạo theo mọi phương diện.
Ở tuổi 21, Littbarski được triệu tập lên đội tuyển Tây Đức. Giống như tại câu lạc bộ, ông được đặt vào trong một đội hình đã trải qua thành công khi Die Mannschaft là đương kim vô địch châu Âu và đạt thành tích chiến thắng 100% ở vòng loại World Cup. Áp lực không thể cao hơn nữa cho một cầu thủ có trận đấu đầu tiên khi đối phương là địch thủ truyền thống - đội tuyển Áo - và thi đấu trước 72000 khán giả, hai đội bóng đang dẫn đầu bảng xếp hạng.
Nhưng mức độ căng thẳng ấy chỉ càng truyền thêm cảm hứng cho tân binh của đội tuyển ghi hai bàn để đưa đội bóng của ông giành chiến thắng 3-1. Bàn thắng đầu tiên - một cú vô lê hoàn hảo khi bóng rơi từ trên cao - đã chứng minh khả năng kỹ thuật của Littbarski trong khi bàn thắng thứ hai lại thể hiện sự dũng mãnh. Ông cướp bóng từ một hậu vệ Áo và tiếp tục lao lên sau khi cú dứt điểm đầu tiên bị thủ môn đối phương cản phá. Ông nở nụ cười ở Praterstadion và từ khoảnh khắc ấy một người hùng dân tộc ra đời.
Ông đạt đến sự thăng hoa trong suốt kì World Cup 1982 ở Tây Ban Nha mà đỉnh cao (cũng như đội tuyển Đức sẽ làm được) là ở vòng knockout. Đỉnh cao của Littbarski có lẽ là chiến thắng tại vòng hai trước đội chủ nhà. Một bàn thắng sau sai lầm của Luis Arconada được tiếp nối bằng động tác xử lý khôn ngoan để kiến tạo nên bàn thắng thứ hai - pha xoay 180 độ khiến Santiago Urquiaga trông như một chú mèo con đang đuổi theo một chú ong trước khi Fischer ghi bàn.
Ngay sau đó, trận bán kết kinh điển trước người Pháp là trận đấu mà Littbarski đã lấn lướt cả hàng tiền vệ huyền thoại của đối phương, ông ghi bàn mở tỉ số rồi đóng góp vào cả hai pha lập công sau đó cho người Đức để tạo nên kết quả hòa 3-3. Trên chấm luân lưu, ông thực hiện thành công loạt sút của mình.
Với tất cả những “nhân vật phản diện” trong đội bóng, việc Littbarski nổi lên từ giải đấu đó là một sự “bất thường đáng yêu”. Nhưng tấm huy chương bạc đã đánh dấu cho thứ sẽ trở thành một “thói quen” không mong muốn. Ông về nhì trong hai cuộc đua danh hiệu, hai cúp quốc nội và trận chung kết UEFA Cup trước một Real Madrid vô cùng xuất sắc năm 1986. Một tấm huy chương bạc nữa đến cùng đội tuyển quốc gia ở Mexico 86 khi ông là cầu thủ thi đấu rất thất vọng trên con đường đến trận chung kết World Cup khác của mình.
Nhưng may mắn cho Littbarski là ông cũng giành được một danh hiệu cùng với Köln nhờ bàn thắng duy nhất do chính mình ghi trong trận chung kết DFB-Pokal 1983 trước đối thủ cùng thành phố Fortuna. Khoảnh khắc ấy được đánh dấu bằng pha ăn mừng quen thuộc - người nghiêng về phía sau trong khi hai tay đấm vào không trung, một nụ cười “gây lan truyền” nở trên khuôn mặt, không hề có bất cứ sự nhạo báng hay kiêu ngạo nào. Không giống như nhiều cầu thủ khác - thậm chí là một vài cầu thủ vĩ đại - ông là một người luôn rất sung sướng khi được chơi bóng, mỗi bàn thắng đều là một nguồn vui.
Niềm hạnh phúc của ông được thể hiện rõ nét nhất trong hai cuộc đối đầu đáng chú ý trước đội tuyển Anh. Trận đấu đầu tiên diễn ra vào năm 1982, một trận đấu có phần tẻ nhạt. Và sau khi vào sân thay người ở phút 69, ông kiến tạo cho hai bàn thắng muộn của Rummenigge để giành chiến thắng 2-1, khi đó ông đã cười rạng rỡ như thể mình là cầu thủ ghi bàn.
Và lần thứ hai là tại Düsseldorf năm 1987 khi ông đang cân nhắc về tương lai của mình cùng đội tuyển quốc gia. Littbarski chỉ được ra sân trong đội hình xuất phát do những cầu thủ khác rút lui và thi đấu trọn vẹn 90 phút cho Tây Đức đúng một lần trong vòng hai năm. Như thường lệ, khi áp lực tăng lên, ông có một cơ hội và pha lập công đầu tiên đến từ cú sút xa hiểm hóc làm bó tay Peter Shilton. Và sau đó là một bàn thắng trực tiếp từ cú đá phạt góc. Tất cả mọi người lại được thấy niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt ông, và tương lai ở đội tuyển quốc gia của Litti lại được khôi phục.
Thế giới một lần nữa lại được nhìn thấy ông nở nụ cười ở đẳng cấp cao nhất. Sự xuất hiện của Littbarski trong đội hình xuất phát của Die Mannschaft không phải một động thái mang tính hình thức với những Thomas Häßler, Andreas Möller và Olaf Thon mà tất cả phải cạnh tranh cho vị trí sáng tạo ở hàng tiền vệ.
Littbarski đã phải ngồi dự bị ở vòng một, tuy nhiên sau khi ghi bàn vào lưới Colombia - tất nhiên là hoàn hảo, ông ăn mừng bằng cách đấm liên tục - ông được trao cơ hội ở vòng knockout. Ở tuổi 30, vai trò của ông giờ đây đã được giảm bớt - là một tiền vệ đơn thuần hơn là một cầu thủ đá cánh chạy khắp mọi nơi - nhưng hai khoảnh khắc giống nhau một cách kì lạ đã nhắc người hâm mộ nhớ về một hình ảnh mạnh mẽ thưở nào.
Đầu tiên là trước Hà Lan ở vòng 16 đội và sau đó là trong cuộc đối đầu với Argentina trong trận chung kết, ông đứng ở hành lang trong bên cánh trái, một loạt hậu vệ dàn hàng đứng ở vòng cấm địa trước mặt, dường như tiền vệ người Đức sẽ chẳng tạo ra được chút nguy hiểm nào. Thế nhưng, với một động tác đã trở thành thương hiệu - một cú lắc vai và đẩy bóng qua lại từ chân phải sang chân trái thậm chí được thực hiện chậm nhưng rất khó để đoán bắt - ông đã đánh bại dàn hậu vệ ấy trước khi tung cú dứt điểm bằng chân phải mà sau đó các thủ môn đã xuất sắc cứu thua.
Giống như pha tấn công ở phút thứ nhất của trận chung kết năm 1982, những khoảnh khắc ấy đã kết tinh một cách hoàn hảo khát khao phiêu lưu không ngừng, không bao giờ sợ tạo ra thứ gì đó từ con số không của ông. Sau 73 trận đấu, 18 bàn thắng và đáng chú ý là 25 đường kiến tạo, được nâng cao chức vô địch World Cup trong mùa hè đó là kết thúc đẹp cho sự nghiệp thi đấu quốc tế cũng đẹp tuyệt vời.
Cống hiến tất cả mọi thứ cho đội tuyển quốc gia, nhưng có lẽ kí ức sâu đậm nhất của Littbarski với các cổ động viên Đức là bàn thắng dị thường cho Köln trước Werder Bremen, pha lập công sau đó được bầu chọn là bàn thắng của năm 1985 ở Bundesliga.
Một pha phản công được bắt đầu bằng cú ném của Schumacher, bóng sau đó tìm đến Littbarski (một lần nữa lại đang bó vào bên trong từ cánh trái). Động tác nghiêng vai của Littbarski đã loại bỏ hậu vệ phải của đối thủ ở đằng sau trước khi tung cú dứt điểm từ góc. Dieter Burdenski trong khung thành Bremen đã chặn đứng nỗ lực của ông và trung vệ đối phương hoàn toàn sẵn sàng phá bóng. Tuy nhiên, tiền vệ của Köln lại nghĩ khác và trong khi vẫn đang trong tư thế ngồi trên sân, ông cướp bóng trong chân đối phương, đi bóng vào khoảng không gian giữa hậu vệ và đường biên ngang trước khi ngã xuống. Hậu vệ và thủ môn đang “đấu vật” với ông để giành lại bóng, thế nhưng ông đã tìm ra một khoảng trống rất nhỏ đến nỗi ánh sáng cũng không lọt vào được và đưa bóng vào lưới. Đó là một pha lập công hội tụ kĩ năng, sức mạnh và nguồn năng lượng không biết mệt mỏi. Ngay cả người bị đánh bại là Burdenski cũng phải ấn tượng.
Littbarski thi đấu ở Müngersdorfer tổng cộng 14 năm, có thời điểm bị gián đoạn bởi một năm thi đấu kém ấn tượng ở Pháp trong màu áo Racing Club de Paris mùa giải 1986/1987. Ông gây bất ngờ khi chuyển tới JEF United Ichihara ở giải đấu mới có tên J-League năm 1993, cùng với Zico và Gary Lineker trở thành những cầu thủ nước ngoài nổi tiếng tại đây. Littbarski thi đấu bốn năm nữa ở Nhật Bản, hòa nhập vào nền văn hóa mới đến nỗi người vợ thứ hai của ông là một phụ nữ Nhật. Cho đến ngày nay, ông vẫn là một nổi tiếng ở trong nước cả về kĩ năng chơi bóng lẫn tính cách nhã nhặn của mình.
|
Pierre Littbarski trong cuộc sống thường ngày |
3. Với tất cả những tài năng mà người Đức đã dành cho thế giới bóng đá - sự độc tôn của Franz Beckenbauer, những cú dứt điểm chết người của Gerd Müller, tầm nhìn của Günter Netzer, phẩm chất tranh đấu của Lothar Matthäus - thì nó đã tạo ra rất ít những cầu thủ như Pierre Littbarski. Một con người bé nhỏ có sự kết hợp giữa sự tinh quái và tinh thần không sợ hãi, đã thúc đẩy những cuộc chạm trán thậm chí là nhàm chán nhất bằng sự quyết tâm “khủng bố” những hậu vệ to cao hơn. Ông là hình mẫu cho sự thanh tao lấn át sức mạnh và niềm vui dập tắt đi những nghi ngờ.
Chuyện kể rằng khi được hỏi về khoảng thời gian là một cậu bé nhặt bóng ở World Cup 1974, ông không nghĩ đến trải nghiệm đó hay vinh quang của đội tuyển quê hương mình mà suy nghĩ đó giành cho đội bóng thi đấu hấp dẫn nhất giải đấu: “Tôi rất thích được xem Hà Lan thi đấu. Họ chơi thứ bóng đá ngoạn mục suốt cả giải.” Đó là cảm xúc mà tôi chia sẻ khi nghĩ đến kỉ niệm về kì World Cup đầu tiên và số 7 của Tây Đức.
Lược dịch từ bài viết Pierre Littbarski: German football’s glorious anomaly của tác giả Nick Davies trên These Football Times
CG (TTVN)