Pierre Kalulu: Sự trỗi dậy của một ngôi sao mới nơi hàng thủ Rossoneri

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 18/06/2022 14:07(GMT+7)

Trong chiến tích chinh phục thành công Serie A 2021-22 của AC Milan, qua đó đưa về Scudetto đầu tiên sau 11 năm và đồng thời là chức vô địch quốc gia thứ 19 trong lịch sử CLB này, trong số những yếu tố then chốt bao gồm một hàng thủ vừa chắc chắn, vừa hiệu quả trong quá trình quyền kiểm soát bóng thuộc về Rossoneri. 


 

Đáng nể hơn nữa, dù cho đã phải đối phó với hàng loạt ca chấn thương trong xuyên suốt mùa giải, HLV trưởng Stefano Pioli vẫn xoay sở xuất sắc để tạo nên một cặp trung vệ hoàn hảo cho bộ tứ hậu vệ của ông. 

Sau khi thử nghiệm nhiều cặp đôi khác nhau cho vị trí trung vệ, ông đã trao cơ hội cho tài năng trẻ 21 tuổi Pierre Kalulu, và triển khai anh bên cạnh một chàng trai trẻ khác vốn đã sớm trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu ở hàng thủ Milan, Fikayo Tomori. Cả hai đều đã cho thấy sự trưởng thành mạnh mẽ dù cho tuổi đời còn rất trẻ và cùng tỏa sáng rực rỡ trong một mùa giải xuất sắc của đội chủ sân San Siro.  

Hai chàng trai này đã trở thành những nhân tố cực kỳ quan trọng trong đoàn quân của Pioli và góp công lớn giúp họ không bị đánh bật khỏi cuộc đua vô địch, cũng như tạo điều kiện cho Rossoneri bám sát chiến lược của mình, và tỏ ra hiệu quả cả khi phòng ngự lẫn tham gia tấn công. 

Kalulu đã có những đóng góp đáng ca ngợi cho Milan trên mọi đấu trường và cho thấy một tiềm năng to lớn để trở thành một trong những ngôi sao lớn mới của CLB chủ sân San Siro, mặc dù còn thiếu kinh nghiệm. Xuất thân từ học viện của Olympique Lyon, anh đã phát huy những nền tảng tuyệt vời mà bản thân vốn đã có sẵn từ vai trò hậu vệ phải, điều này đã biến anh thành một “ball-playing defender” – trung vệ làm bóng – chất lượng cao. 

Bài phân tích này sẽ giải thích những ưu điểm của Kalulu và sử dụng các “mổ xẻ” chiến thuật để tìm hiểu những đóng góp của anh trong hệ thống chiến thuật ở Milan. 

TÌM KIẾM GIẢI PHÁP TỐT NHẤT

Tất cả các trung vệ mà Pioli có trong tay đều đã phải vật lộn với những ca chấn thương trong xuyên suốt mùa giải này, ngoại trừ Kalulu. Nhà cầm quân người Italy đã xoay tua Simon Kjær và Alessio Romagnoli, trong khi Tomori được chắc suất đá chính, mặc dù anh đã liên tục thay đổi vai trò thi đấu giữa trung vệ trái và trung vệ phải. Khi thông tin trung vệ giàu kinh nghiệm nhất của đội, lão tướng Kjær, sẽ phải ngồi ngoài trong phần còn lại của mùa giải do đứt dây chằng chéo trước được xác nhận, vị HLV trưởng của Milan đã phải cố gắng xử lý một nhiệm vụ khó khăn là tìm ra giải pháp tốt nhất cho hàng thủ và một cặp đôi trung vệ có thể duy trì sự vững chắc của họ. 

Ông đã bắt đầu thử nghiệm, trao cho Pierre Kalulu và Matteo Gabbia một cơ hội, dùng thử các biến thể khác nhau cho hàng thủ và cố tìm ra lời giải cho câu hỏi: Đâu là cặp đôi thực hiện nhiệm vụ bổ khuyết cho những chuyển động của nhau tốt nhất? Vào tháng Ba, ông đã bắt cặp Tomori và Kalulu, và sau vài màn trình diễn thể hiện sự chắc chắn đáng nể của hai chàng trai này, nhà cầm quân 56 tuổi đã tìm ra được câu trả lời của ông. 

Kalulu tham gia vào một nỗ lực thu hồi bóng của đội, nhưng tư duy phòng ngự của trung vệ người Pháp đã đưa anh sớm lùi lại để tránh mở ra một khoảng trống ở trung tâm hàng thủ.
Anh và Tomori đã cố nhanh chóng lui xuống và duy trì cấu trúc phòng ngự của Rossoneri, tránh để hàng thủ lâm vào tình trạng bất lợi về quân số. 

Tomori là một cầu thủ hỗ trợ cho quá trình triển khai bóng và giúp đội giữ quyền kiểm soát bóng trong giai đoạn đầu của các đợt tổ chức tấn công mà họ thực hiện, chủ yếu dựa vào những đường chuyền ngang nhưng cũng thường cố phát triển bóng. Vai trò của Tomori đòi hỏi anh phải tham gia nhiều tình huống phòng ngự hơn người cộng sự, vì anh có khuynh hướng giữ vị trí chơi thấp ở trung lộ sân đấu trong khi Kalulu được tự do di chuyển đến những vị trí cao hơn với bản năng hậu vệ phải của mình. Cầu thủ 21 tuổi có nhiều điểm tương đồng với đối tác phòng ngự của anh, điều này đã tạo nên một cặp đôi vững chắc, và ngoài ra những hành động của họ khi đội kiểm soát bóng cũng đã giúp Milan được hưởng lợi. 

Do có kinh nghiệm đá hậu vệ phải, Kalulu có khuynh hướng dâng lên nhập hội cùng các đồng đội ở phần sân đối thủ. Anh có thể kiểm soát và xử lý bóng tốt, điều này cho phép các đồng đội nhanh chóng chuyển đổi trạng thái và tạo ra lợi thế quân số tại các khu vực trên cao. 

Tư duy phòng ngự của cả hai đã thường xuyên giúp họ lui xuống kịp thời, điều này mang lại sự an toàn ở phía sau trong khi các đồng đội của họ đang pressing tầm cao và cố đoạt lại bóng càng nhanh càng tốt. Như vậy không có nghĩa là họ không thực hiện các nỗ lực thu hồi bóng. Hai chàng trai trẻ này đã thể hiện khá xuất sắc trong các pha tranh chấp trực tiếp của mình, tuy nhiên có một nhược điểm đáng lo ngại là cả hai đều không thể cho thấy sự ổn định trong khả năng không chiến.  

Rossoneri là một đội bóng có khuynh hướng trông cậy vào những nỗ lực tranh cướp quyết liệt khi không kiểm soát bóng, thường xuyên thực hiện pressing tầm cao và cố gắng giữ đối thủ ở càng xa khung thành càng tốt. Với những tình huống pressing của mình, họ nhắm tới mục tiêu đoạt lại bóng và thường sử dụng chúng để bắt đầu các pha phản công (3,24 mỗi 90 phút). 

Sau khi Kalulu thu hồi bóng thành công, anh chuyền cho Olivier Giroud - người đang chờ đợi cơ hội tổ chức phản công - và ngay lập tức bắt đầu động thái dâng cao tham gia tấn công của mình. 

TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA KALULU TRONG KHÂU PHÒNG NGỰ CỦA MILAN

Kalulu đã thể hiện sự trưởng thành hết sức ấn tượng trong khả năng phòng ngự dù tuổi đời còn rất trẻ. Chàng trai trẻ này là một cầu thủ đa năng, anh đã phát triển mạnh mẽ kỹ thuật, tư duy chiến thuật và cảm quan không gian của bản thân, bên cạnh năng lực phòng ngự truyền thống.

Bản đồ nhiệt của Kalulu trong mùa giải 2021-22 cho thấy, không chỉ trung lộ, những đóng góp của anh cho Rossoneri còn xuất hiện tại cánh phải và cả bên phần sân đối thủ   

Đó chính là lý do tại sao Kalulu rất xuất sắc trong các động thái phòng ngự của mình, vì anh có thể dự đoán chuyển động của các cầu thủ đối phương và đọc tình huống một cách chính xác, qua đó hậu vệ người Pháp sẽ đưa ra quyết định mình nên lao vào trực tiếp tranh cướp bóng hay chỉ tạo áp lực để giữ đối thủ ở xa khung thành. 

Trong khi phong cách phòng ngự của Kalulu khá máu lửa, và anh có sở thích lao lên thực hiện các pha tranh chấp tay đôi trực tiếp, nhưng những hành động được tính toán tốt và sự tinh tế của tài năng trẻ người Pháp thường giúp anh “tương tác” với các cầu thủ đối phương và quả bóng một cách gọn gàng và tránh phạm lỗi, đặc biệt là tại những khu vực nguy hiểm. Kalulu và Tomori nằm trong số những trung vệ phạm lỗi ít nhất tại Serie A (lần lượt là 0,56 và 0,6 mỗi 90 phút). Điều đó khiến cả hai đều cực kỳ đáng tin cậy, đặc biệt là trong nhiệm vụ bảo vệ khu vực 1/3 cuối sân bên phía đội mình. 

  

Hậu vệ 21 tuổi là cầu thủ duy nhất giữ vị trí thay vì tham gia vào đợt tấn công mà Milan vừa thực hiện, điều này cho phép anh có thể dập tắt đợt phản công của Inter với một pha tranh chấp tay đôi được tính toán kỹ lưỡng. 
Sau khi thu hồi bóng thành công, Kalulu ngay lập tức dự đoán động thái gây áp lực của cầu thủ đối phương và thoát pressing bằng một đường chuyền về phía trước, giúp Milan giữ được quyền kiểm soát bóng

Khi phòng ngự, trong mùa giải qua Kalulu đã thực hiện trung bình 9,02 tình huống “tranh bóng tay đôi” mỗi 90 phút (Defensive duels: Được WyScout định nghĩa là khi một cầu thủ cố cướp bóng khỏi một đối thủ để ngăn chặn một đợt tấn công) với tỷ lệ thành công là 73,3%, cao hơn hầu hết các cầu thủ chơi cùng vị trí với anh ở Serie A. Tuy nhiên, điều khiến tài năng trẻ người Pháp trở nên khác biệt là có rất nhiều tình huống trong số những nỗ lực phòng ngự thành công của anh được thực hiện bên phần sân đối thủ, giúp Milan hóa giải được các đợt tấn công của đối thủ từ rất sớm. Anh đã góp phần đưa Milan thành đội bóng thành công nhất Serie A về khả năng “tranh bóng tay đôi” trong giai đoạn phòng ngự. Khả năng tư duy tốt và phán đoán của Kalulu cũng đã giúp anh có được trung bình 5,08 lần cắt các đường chuyền của đối thủ mỗi trận, điều này có ảnh hưởng đến tỷ lệ kiểm soát bóng và thời gian cầm bóng của Milan. 

Kalulu đã tích cực tham gia vào việc pressing đối thủ và thu hồi bóng. Với 10,15 lần thu hồi bóng trung bình mỗi trận, anh đã tạo ra cho Milan những cơ hội phản công và gia tăng sự hiệu quả của họ trước khung thành. Thêm một điều khiến tầm ảnh hưởng của Kalulu trở nên lớn hơn nữa chính là khả năng thu hồi bóng và trực tiếp tổ chức tấn công, tự mình cầm bóng chạy lên phía trước và tham gia vào các hành động tấn công. Khả năng kiểm soát bóng của tài năng trẻ người Pháp cũng cho phép anh giúp Milan đoạt bóng và nhanh chóng đưa nó ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Đó là lý do tại sao Rossoneri thường tránh được việc phải đối phó với những cú sút từ đối thủ và nằm trong top 3 Serie A về thống kê những đội bóng có số cú sút trúng đích phải nhận trung bình mỗi 90 phút ít nhất. 

Kalulu đã thể hiện khả năng tư duy tốt và phán đoán của mình trong tình huống này. Anh nhận thức được động thái di chuyển phía sau mình của một đối thủ, nhưng đã phán đoán được đường chuyền hướng đến đối thủ phía trước mình, ngay lập tức lao về phía anh ta và thu hồi bóng thành công
Một tình huống pressing đối thủ của Kalulu. Anh dâng cao để tạo áp lực với các cầu thủ đối phương và hóa giải những nỗ lực tấn công của họ từ sớm. 

 

Một trong các lý do giúp Kalulu thành công trong những nỗ lực thu hồi bóng là khả năng cảm quan vị trí của anh. Anh kèm chặt các mục tiêu của mình, có thể nhanh chóng phản ứng và đoạt lấy bóng, thể hiện sự thông minh của bản thân trong nhiệm vụ phòng ngự.

NHỮNG ĐÓNG GÓP KHI QUYỀN KIỂM SOÁT BÓNG THUỘC VỀ MILAN

Có xuất thân là một hậu vệ phải tại Lyon, ban đầu Kalulu cũng được sử dụng ở vị trí tương tự sau khi gia nhập Milan. Điều đó đã giúp phát triển khả năng tấn công của anh rất nhiều, vì tài năng trẻ người Pháp đã quen với việc di chuyển đến các vị trí trên cao, và anh có khả năng kỹ thuật đủ tốt để phát triển bóng. 

Trong khi đó ở hiện tại, trong vai trò trung vệ, Kalulu đang chú trọng hơn vào trách nhiệm phòng ngự của mình, nhưng anh vẫn có quyền tự do đóng góp vào những động thái diễn ra khi Milan kiểm soát bóng và hỗ trợ cho việc triển khai tấn công. Cả anh và Tomori đều có khuynh hướng chuyền bóng đến khu vực 1/3 cuối sân đối thủ nhằm tạo ra thêm thời gian và sự tự do cho các đồng đội chơi cao hơn của mình để họ chiếm lĩnh phần sân đối thủ.

Với tỷ lệ chuyền bóng chính xác 90,3%, Kalulu có thể thoát áp lực bằng cách thường xuyên phân phối bóng theo cả chiều ngang lẫn lên phía trước, điềm tĩnh xoay sở để vượt qua động thái pressing của đối thủ và giữ quyền kiểm soát bóng. 

Sự điềm tĩnh của Kalulu giúp anh thoát pressing và phát triển bóng thành công

Với những tình huống di chuyển khôn ngoan cả khi có bóng lẫn không bóng của mình, Kalulu sẽ tạo nên các phương án chuyền bóng cho đồng đội, và việc anh liên tục di chuyển ra cánh giúp cung cấp khả năng tận dụng chiều ngang sân, điều này cho phép hậu vệ phải được tự do hơn để tiến lên phía trước. Khuynh hướng di chuyển ra cánh cũng cho phép anh thực hiện trung bình 1,21 quả tạt mỗi 90 phút, giúp Milan có thêm nhiều phương án hơn khi tấn công. 

  

Việc Kalulu dạt cánh mang đến cơ hội cho Milan tạo ra lợi thế quân số ở trung lộ, trong khi chính bản thân anh có thể thực hiện những đường chuyền thành công vào vòng cấm và kiến tạo cơ hội cho các đồng đội. Trong ví dụ trên, Kalulu đã kiến tạo cho Leão ghi bàn. 

Pioli đã tìm ra được sự cân bằng cho trung tâm hàng thủ, và Kalulu hoàn toàn phù hợp với hệ thống chiến thuật của ông, cung cấp đủ sự chắc chắn ở tuyến phòng ngự, đồng thời đóng góp vào giai đoạn quyền kiểm soát bóng thuộc về Rossoneri.

KẾT LUẬN

Pierre Kalulu đã cho thấy tiềm năng tuyệt vời ở vị trí trung vệ và chứng minh rằng mình có thể trở thành một phần quan trọng của một Milan đầy tham vọng. Thể hiện cả sự nhiệt huyết, tính kỷ luật và khả năng tư duy tốt trong nhiệm vụ phòng ngự, đồng thời còn có cả sự tinh tế khi tham gia tấn công – Rossoneri đã được hưởng lợi cực lớn từ chàng trai này.

Thật đáng nể, một chàng trai 22 tuổi đã khỏa lấp xuất sắc chỗ trống mà Kjaer bỏ lại vì chấn thương, khiến đội trưởng Alessio Romagnoli của đội phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị và góp công cực lớn vào chuỗi 11 trận cuối chỉ để thủng lưới 2 bàn của Rossoneri. Chắc chắn không ai có thể phủ nhận chuyện anh là một trong những nhân tố chủ chốt đã giúp đoàn quân của Pioli đánh bại đối thủ cùng thành phố Inter và đoạt lấy Scudetto.  

Vào mùa hè năm 2020, cặp đôi Paolo Maldini (giám đốc kỹ thuật) và Frederic Massara (giám đốc thể thao) đã chỉ phải trả 500.000 Euro phí đào tạo và 0 đồng phí chuyển nhượng để đưa chàng trai này về Milan từ đội trẻ Lyon. Kalulu khi ấy chỉ là một tên nhóc 20 tuổi vô danh và chưa có một trận đấu chuyên nghiệp nào, chỉ sau chưa đầy 2 năm, Kalulu 22 tuổi của hiện tại là một trong các trụ cột nơi hàng thủ của nhà đương kim vô địch bóng đá Italy và được Transfermarkt định giá 28 triệu Euro. 

Một món hời quá tuyệt vời!

Nguồn: Lược dịch và bổ sung từ bài viết “Pierre Kalulu: Is the 21-year-old Milan’s next defensive shield?” của chuyên gia phân tích hiệu suất bóng đá cấp cao Lorihanna Shushkova, đăng tải trên tạp chí Total Football Analysis

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.