Ngày hôm nay, cựu trọng tài Pierluigi Collina sẽ bước sang tuổi 60. Nếu ai đã từng được chứng kiến ông cầm còi hẳn sẽ không thể nào quên một người đàn ông với cái đầu trọc cùng ánh mắt sắc như dao. Thật hiếm hoi có một trọng tài nhận được nhiều tình yêu đến thế từ người hâm mộ.
Ngày hôm nay, cựu trọng tài Pierluigi Collina sẽ bước sang tuổi 60. Nếu ai đã từng được chứng kiến ông cầm còi hẳn sẽ không thể nào quên một người đàn ông với cái đầu trọc cùng ánh mắt sắc như dao. Thật hiếm hoi có một trọng tài nhận được nhiều tình yêu đến thế từ người hâm mộ.
1. Từ năm 1995 đến 2005, có một người đàn ông dường như luôn được mặc định cho những trận đấu lớn nhất, từ Olympic đến vòng chung kết World Cup, chung kết Champions League hay UEFA Cup. Trong suốt một thập kỷ, Pierluigi Collina là người được giao nhiệm vụ kiểm soát những cái tôi, sự giận dữ và nỗi thất vọng của những cầu thủ triệu phú, những vận động viên hàng đầu của môn thể thao vua với khát khao chiến thắng bằng mọi giá.
Collina chính là hiện thân cho bức tranh “Tiếng thét” của Edvard Munch: cái đầu trọc, đôi mắt lồi màu xanh biếc gợi lên ánh nhìn đầy băng giá, nó có thể soi thấu tâm can mọi cầu thủ và khiến họ phải run rẩy. Người đàn ông tới từ Bologna này sẵn sàng hét vào mặt cầu thủ để yêu cầu họ không làm xô lệch hàng rào. Ông không ngần ngại đứng trước cầu thủ và nếu cần thiết thì đẩy họ lùi về phía sau. Đó là những hình ảnh rất hiếm hoi mà bạn sẽ được chứng kiến ở bóng đá cấp độ cao nhất.
Collina sinh ra trong một gia đình có mẹ là giáo viên, cha làm việc ở Bộ Quốc phòng Italia. Các quy tắc luôn là những điều mà Collina được dạy từ nhỏ, trong đó sự liêm chính luôn phải được đề cao hơn tất cả. Việc hoàn thành nghĩa vụ quân sự càng vun đắp thêm sự cương nghị, mạnh mẽ trong ông. Đó là điều ông sẽ mang lên sân bóng và khiến người hâm mộ yêu mến.
2. Thuở nhỏ, Collina không khác mấy so với những cậu nhóc vị thành niên với ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Luôn là người cao nhất trong số bạn bè và đồng đội, thể chất vượt trội giúp ông là ứng cử viên lý tưởng trong vị trí trung vệ. Nhưng cũng giống đa số thiếu niên, ông nhận ra mình không thể làm cầu thủ chuyên nghiệp được. Do đó, theo lời khuyên của bạn bè, Collina đăng ký học khóa học trọng tài vào năm 17 tuổi.
Cậu thanh niên Italia đã thể hiện năng khiếu cầm còi thiên bẩm từ thời điểm ấy. Giống như những cầu thủ trẻ tài năng được ví như thần đồng thì trong giới trọng tài, Collina cũng được xem như vậy. Khi còn trẻ, Collina tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc nhưng vẫn tiếp tục cầm còi. Tài năng thể hiện ở vị trí giữ trật tự trên sân giúp ông dần được bắt ở những trận đấu tại giải đấu vùng.
Năm 1988, Collina hoàn thành nghĩa vụ quân sự và những trải nghiệm ở quân đội được ông mang vào bóng đá chuyên nghiệp. Với khả năng tạo ra uy quyền thầm lặng và giữ bình tĩnh giữa cơn hỗn loạn, Collina ngày càng tiến bộ vượt bậc so với những đồng nghiệp cùng trang lứa và được giao nhiệm vụ điều khiển các trận đấu tại Serie C1 cũng như Serie C2. Đây chỉ là những bước đệm tạm thời cho thành tựu lớn hơn. Nếu quá trình phát triển của ông được xem là nhanh chóng thì những thành tựu của ông sau này phải dùng từ “giật gân”.
Chỉ sau 3 mùa giải cầm còi tại các hạng đấu thấp trong khuôn khổ hệ thống giải chuyên nghiệp của Italia, Collina đã được đôn lên làm việc ở Serie B và Serie A. Cũng trong khoảng thời gian này, Collina bắt đầu bị chứng rụng tóc cấp tính hành hạ. Khi toàn bộ mái tóc đã mất, Collina trở thành một vị trọng tài với diện mạo độc nhất vô nhị, một nhân diện có thể khiến người đối diện chùn bước.
“Tôi là một người nguyên tắc”, câu nói đơn giản này có vẻ như là điều hiển nhiên đối với một người trọng tài, tuy nhiên tất cả các trận đấu mà Collina cầm còi ông đều làm theo tôn chỉ này. Nếu các quy tắc bị phá vỡ, ông sẽ hành động; nếu một cầu thủ tiếp tục thách thức quyết định của Collina, “ông vua áo đen” người Italia sẽ khẳng định lại rằng ông hoàn toàn tuân theo những quy tắc còn cầu thủ nên chấp nhận nó và tiếp tục thi đấu. Ánh nhìn chằm chằm đi kèm với cuộc trò chuyện theo kiểu một chiều này chính là lời kết luận để những cầu thủ có lỗi phải ngoảnh mặt bước đi.
“Bạn phải được chấp nhận ở trên sân không phải bởi bạn là trọng tài mà vì mọi người tin tưởng bạn”, những chia sẻ của Collina thường đơn giản và bình thường nhưng trong đó mang một nội hàm mà bất cứ người hâm mộ bóng đá nào cũng cần có thời gian để chiêm nghiệm. Năm 1995, chỉ sau 43 trận cầm còi ở Serie A, Pierluigi Collina chính thức trở thành trọng tài FIFA.
Giải đấu quốc tế lớn đầu tiên của ông là Olympic 1996 tại Atlanta với 5 trận đấu bao gồm trận chung kết giữa Nigeria và Argentina. Với 2 tấm thẻ rút ra trong 22 phút đầu tiên, cuộc đối đầu sau đó trở thành một trận cầu kinh điển của đội tuyển châu Phi với chiến thắng 3-2. Trận đấu này quy tụ nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới mà sau này sẽ nhẵn mặt Collina - không chỉ là bên phía Argentina, nơi nhiều người trong số họ sẽ gặp tuyển Anh và Collina ở World Cup 2002.
Sau thế vận hội, Collina tham gia cầm còi ở World Cup 1998 - kỳ World Cup đầu tiên của ông. Giải đấu tại Pháp đã cho “vua áo đen” người Italia những trải nghiệm đầu tiên khi làm việc ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Collina chỉ điều khiển 2 trận vòng bảng, bao gồm trận hòa không bàn thắng giữa Hà Lan và Bỉ mà tình tiết đáng chú ý duy nhất của trận đấu là khi Patrick Kluivert bị đuổi khỏi sân vì chơi cùi chỏ. Dù vậy, giải đấu có tác động to lớn lên sự nghiệp của Collina ở kỳ World Cup tiếp theo bởi hành động đuổi David Beckham khỏi sân của trọng tài Kim Nielsen sau khi tiền vệ tuyển Anh vung gót chân vào Diego Simeone.
Năm 1999, Collina đạt tới đỉnh cao của công việc cầm còi cấp CLB khi ông được lựa chọn cho trận chung kết Champions League giữa Manchester United và Bayern Munich. United khi đó đang khao khát hoàn tất cú ăn ba vô tiền khoáng hậu của bóng đá Anh. Thời điểm bấy giờ, Collina đã tạo dựng được niềm tin trong lòng người hâm mộ. Như ông từng chia sẻ trong cuốn sách của mình: “Công việc của trọng tài cũng giống một loại dịch vụ”, khi đó Collina đã cung cấp một dịch vụ đẳng cấp thế giới cho người hâm mộ và cầu thủ toàn cầu.
Chung kết Champions League đã đi vào lịch sử với tư cách một trận đấu kinh điển với những gì diễn ra trong phút bù giờ. Khi đồng hồ điểm đến phút 90, Manchester United vẫn đang bị dẫn 1-0. Các dải ruy băng của Munich đang được buộc vào chiếc cúp thì đột nhiên Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solskjaer ghi liền 2 bàn trong 3 phút để hoàn tất cuộc lội ngược dòng. Khi được hỏi về trận đấu yêu thích từng tham gia, Collina luôn nhắc tới trận cầu này và khẳng định “âm thanh ồn ã không thể tin nổi để chào đón nhà vô địch United như ‘tiếng gầm của một con sư tử’” là một thời khắc nổi bật trong sự nghiệp của ông.
Tuy nhiên, hình ảnh Collina đi quanh các cầu thủ Bayern sau bàn thua thứ 2 mới thực sự khắc sâu trong tâm trí nhiều người. Đồng hồ vẫn chạy và trận đấu phải được tiếp tục nhưng các cầu thủ Bayern đang hoàn toàn bị sốc và không tin được những gì xảy ra. Sammy Kuffour đấm mạnh tay xuống sân đầy đau đớn, Carsten Jancker như phát điên với những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt, Oliver Kahn chỉ biết ngồi ở vạch cầu môn với ánh mắt xa xăm vô định còn Mehmet Scholl thì ngồi đối diện khung thành.
Lúc này, Pierluigi Collina đi qua và an ủi các cầu thủ Bayern, đưa tay kéo những người đang nằm gục trên sân đứng dậy. Bóng đá không thể nào so sánh tương đương với chiến tranh được nhưng trong thời khắc đó, Collina chẳng khác nào một quân y đang cố gắng xác định tình trạng của quân đội mình trên chiến trường chứ không phải một trọng tài cố gắng hoàn thành trận đấu.
Sau trận chung kết Champions League, Collina được xem như trọng tài xuất sắc nhất thế giới. Ông cũng nhanh chóng trở thành một điềm may của người Anh trước người Đức. Tại Euro 2000, trọng tài người Italia điều khiển trận đấu mà Anh giành chiến thắng 1-0 trước Đức. Cuộc chạm trán đáng chú ý tiếp theo giữa 2 đội mà Collina tham gia là chiến thắng 5-1 của “Tam sư” ngay tại Munich thuộc khuôn khổ vòng loại World Cup 2002.
Ngay khi các bảng đấu World Cup 2002 được bốc thăm, trận đấu đáng chú ý ở vòng bảng chính là cuộc so tài giữa Anh với Argentina. Trận đấu này có quá nhiều điều để nói, từ chính trị cho đến khía cạnh bóng đá mà điển hình là “Bàn tay của Chúa” năm 1986 hay tấm thẻ đỏ với Beckham năm 1998. Bảng đấu này sẽ chứng kiến cuộc hội ngộ của Beckham với Simeone. Chắc chắn chỉ có một người đàn ông có thể điều khiển trận đấu tiềm ẩn nhiều rủi ro này, người duy nhất có đủ cá tính để kiểm soát những cái đầu nóng. Người hâm mộ nước Anh vô cùng lo lắng. Nếu có một kiến nghị lên Ủy ban Trọng tài FIFA thì có lẽ họ sẽ cùng ký vào đơn đề nghị Collina bắt trận này. Nhưng thực tế là câu chuyện của ông Kim Nielsen đã không lặp lại.
Collina chỉ cầm còi 3 trận ở World Cup 2002 nhưng trận đấu thứ 3 chính là đỉnh cao ở bóng đá cấp độ đội tuyển khi ông được giao nhiệm vụ điều khiển trận chung kết. Đức đối đầu Brazil còn trọng tài số một thế giới bắt chính trận đấu lớn nhất giữa 2 đội bóng hay nhất thời điểm đó.
Năm 2004, Collina hoàn tất điều còn thiếu - cầm còi một trận chung kết cúp châu Âu - khi được giao nhiệm vụ bắt trận chung kết UEFA Cup ở Gothenburg. Valencia đã đánh bại Marseille 2-0, chiến thắng cho đội bóng Tây Ban Nha một phần nhờ tấm thẻ đỏ mà Collina rút ra với Fabien Barthez ở cuối hiệp 1.
Năm 2004, Collina lập kỷ lục khi được IFFNS (Liên đoàn Bóng đá Quốc tế về Lịch sử và Số liệu thống kê) vinh danh lần thứ 6 là Trọng tài xuất sắc nhất thế giới (từ 1998 đến 2003). Ngoài ra, ông còn được bầu là Trọng tài xuất sắc nhất năm lần thứ 6 tại Serie A. “Vua áo đen” người Italia sau đó nhận giải thưởng thứ 7 vào năm 2005. Bộ sưu tập 13 danh hiệu trong 9 năm thể hiện một sự ổn định đáng kinh ngạc.
Khi Collina bước sang tuổi 45, Liên đoàn Bóng đá Italia (FIGC) làm một điều chưa từng có khi nâng giới hạn tuổi của các trọng tài lên 46 để ông có thể tham gia Serie A thêm 1 năm nữa cũng như có thể cầm còi ở vòng chung kết World Cup 2006. Tuy nhiên, vào tháng 8/2005, Collina đã ký một hợp đồng tài trợ với Opel. Thời điểm đó, Opel cũng là nhà tài trợ chính của AC Milan và FIGC đã cấm Collina cầm còi ở Serie A bởi sẽ gây mâu thuẫn. Để bảo toàn sự liêm chính của mình, Collina đã lập tức tuyên bố nghỉ việc. Một kịch bản bất ngờ đã khép lại sự nghiệp trọng tài kéo dài 28 năm của Pierluigi Collina.
Khi vụ bê bối Calciopoli nổ ra vào năm 2006, rất nhiều người đã nhúng chàm, rất nhiều thứ trong bóng tối đã được khui ra nhưng Pierluigi Collina không thể bị vấy bẩn. Tổng giám đốc Luciano Moggi của Juventus thời điểm đó được cho là thao túng, sắp xếp các trọng tài nhằm tạo ra tác động đến kết quả của Serie A trong suốt mùa giải 2004/2005. Rất nhiều trọng tài ở giải VĐQG Italia có liên quan đến bê bối nhưng chỉ Pierluigi Collina và Roberto Rosetti vẫn trong sạch. Một trong những thành tựu lớn nhất của Collina là khiến Moggi phải phẫn nộ bởi nhiều quyết định chống lại Juventus trong mùa giải đó mà khiến Moggi phải tuyên bố rằng Collina quá “khách quan”.
3. Kể từ khi giải nghệ, Collina trở thành cố vấn không lương cho Hiệp hội Trọng tài Bóng đá Italia và một thành viên của Ủy ban Trọng tài UEFA. Năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Trọng tài UEFA trước khi từ chức và nhường lại vị trí này cho ông Roberto Rosetti vào tháng 8/2018. Người đàn ông với ngoại hình kỳ quặc nhưng có hào quang từ thế giới khác đến nay ông vẫn là “vua áo đen” duy nhất mà một cầu thủ - David Beckham - đề nghị đổi áo.
Năm 2011, Collina được vinh danh ở Đại lộ Danh vọng bóng đá Italia. Vinh dự này thực sự đáng kinh ngạc nếu bạn biết một thực tế rằng tên ông được đưa vào đây trước cả Paolo Maldini và Dino Zoff 1 năm.
Sau tất cả, cách tốt nhất để tóm tắt lại di sản của Collina có lẽ chính là lời tri ân từ người đồng nghiệp Graham Poll. Trong quá trình chuẩn bị cho trận đấu giữa Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ ở World Cup 2002, Poll - trọng tài thứ 4 trận đó - bình luận: “Ông vẽ đội hình 2 đội lên một tấm bảng và bảo chúng tôi họ sẽ thi đấu thế nào, ai có cái đầu nóng, đâu sẽ có khả năng là điểm nóng, các trợ lý trọng tài nên tính đến điều gì có thể diễn ra ở phần sân của mình. Ông ấy bao quát mọi thứ, thật tuyệt vời. Ông chuẩn bị cặn kẽ và quan trọng hơn là ông không sai”.
Dịch từ bài viết “Pierluigi Collina: The outlier in black” của tác giả Stuart Horsfield trên These Football Times
Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.
Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.
Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.
Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.
Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.