Pierluigi Collina: Một ánh mắt sắc lẹm, một trái tim ấm áp

Tác giả Teddy - Thứ Tư 14/09/2016 16:23(GMT+7)

Tôi là một con người của quy tắc. Cách giải quyết duy nhất cho mọi trận đấu là trở nên vô cùng nghiêm khắc và phạt tất cả những ai phạm luật.
Pierluigi Collina
 
Trước mỗi quyết định thổi còi, các trọng tài không ít thì nhiều đều phải cân nhắc cực nhanh dăm bảy yếu tố: Mình đang thổi còi phạt ai? HLV của đội bóng này là ai? Mình có phải chịu áp lực dư luận trong phòng họp báo và trên khán đài sau khi rút thẻ không? Xem các trận đấu bây giờ, nhiều lúc ta nhận ra những khoảnh khắc các vị vua áo đen mất đi sự tự tin hay quyết đoán của mình, đôi khi chỉ từ cái nhìn liếc xuống mặt cỏ đầy phân vân. 
 
Pierluigi Collina, vị trọng tài đặc biệt của bóng đá thế giới
Pierluigi Collina, biểu tượng của giới cầm cân nảy mực trên sân cỏ, không bao giờ có kiểu nhìn xuống chân mình như thế. Lúc nào ông cũng nhìn thẳng vào mắt các cầu thủ một cách đầy quyết đoán, khiến cho họ phải tâm phục khẩu phục mà không cần giải thích nhiều. Cái đầu trọc do chứng rụng tóc thời thanh niên, đôi mắt xanh đặc trưng của đàn ông Italia, sự chính xác trong từng quyết định và ánh nhìn sắc như một lưỡi dao đã trở thành hình ảnh gương mẫu tiêu biểu cho giới trọng tài trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Đã có quá nhiều cây bút phân tích về sự xuất sắc của Collina; hôm nay, chúng ta sẽ cùng chia sẻ với nhau một khía cạnh khác về vị trọng tài sinh năm 1960, một người sở hữu trái tim hết đỗi ấm áp, khác hẳn với vẻ ngoài đáng sợ trong sân bóng.
 
NHỮNG HÌNH ẢNH MANG TÍNH BIỂU TƯỢNG
Thời Collina còn cầm còi, gần như không có một HLV nào dám đổ lỗi cho công tác trọng tài khi họ thua cuộc trong trận đấu có Collina bắt chính. Hình ảnh các cầu thủ cãi lại, hay thậm chí phân trần một cách nhẹ nhàng với Collina là rất hiếm thấy. Nếu như nhiều cầu thủ khôn ngoan có thể dùng những câu nói tác động hay những mánh khoé với trọng tài để lấy về lợi thế cho đội nhà hay gián tiếp dằn mặt cầu thủ đối phương, thì với Collina, đứng hàng rào ăn gian 10 cm cũng không được, cố tình giữ bóng trong các tình huống cố định để đội nhà sắp xếp hệ thống phòng ngự là ăn ngay thẻ vàng. Những hành động fair-play theo kiểu đỡ cầu thủ đối phương đứng dậy sau khi phạm lỗi cũng không thể thoát khỏi những hình phạt nghiêm khắc từ ông. Công tâm và chính xác, Collina không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những chiêu trò phổ thông trên sân bóng.
 
Tomas Repka và Edgar Davids va chạm trên sân. Tiền vệ người Hà Lan quay sang to tiếng, chỉ tay vào mặt tuyển thủ CH Séc. Repka, người trước đó đã dính một thẻ vàng, cũng mất bình tĩnh mà ăn miếng trả miếng với Davids. Collina đứng giữa hai người, và khi tình hình trở nên mất kiểm soát, ông trợn mắt lên, đẩy tay vào ngực Repka 3 cái, quát vào mặt anh với đại ý: “Cậu coi tôi là cái gì thế? Đã ăn thẻ rồi đấy, hoặc đá tiếp cho tử tế hoặc biến khỏi sân”. Lời nói là không đủ để diễn tả vẻ dữ tợn của Collina trong khoảnh khắc đó. Vị trọng tài người Ý không dữ tợn theo kiểu đe nẹt và làm người khác sợ bằng sức mạnh thể chất, nhưng cái uy toát ra từ ông cho thấy giữa 22 người đang chạy theo quả bóng, thì ông mới là kẻ đang điều khiển trận đấu.
 
"Cậu coi tôi là cái gì thế? Đá tử tế hoặc biến khỏi sân"
Thần thái của một người lãnh đạo thực sự toát ra rất mạnh từ Pierluigi Collina. Bây giờ ở đâu đó, người ta có thể thấy các cầu thủ vùng vằng đòi bỏ trận đấu vì một quả penalty không công bằng hay phản ứng dữ dội bằng cách ném áo khi ăn thẻ đỏ, nhưng khi Collina đang chạy trên sân cùng họ, cùng lắm ta cũng chỉ thấy một cái vẩy tay. Các cầu thủ biết rằng Collina không thể sai, biết rằng vị trọng tài này hiểu rõ hai đội đến từng đường tơ kẽ tóc, nắm diễn biến trận đấu chẳng thua gì các HLV. Từng tiểu xảo nhỏ của họ, dù có diễn ra ở vị trí nào trên mặt sân, cũng bị trọng tài người Ý đọc cho bằng sạch. Nếu các trọng tài yếu bóng vía không được các cầu thủ coi trọng, thì Collina là người bắt mọi cá nhân từ trong đến ngoài sân phải nể một phép.
 
OLIVER KAHN VÀ NGƯỜI ANH KẾT NGHĨA DUY NHẤT
Sân Camp Nou ngày hạ màn mùa giải 1998/1999, Manchester United đụng độ Bayern Munich trong trận chiến quyết định ngôi vương của châu Âu. Trận đấu ấy kết thúc bằng tỉ số 2-1, với 2 bàn của Sheringham và  Solskjaer trong khoảng thời gian 3 phút bù giờ ngắn ngủi. Đến bây giờ, trận đấu ấy vẫn là một câu chuyện thần kỳ mà gần 20 năm sau vẫn được người ta nhắc lại như một kịch bản điên rồ bậc nhất đấu trường Champions League. Trong niềm vui hân hoan của Denis Irwin, David Beckham cùng các đồng đội khi trận đấu kết thúc, thì các cầu thủ Bayern Munich không thể tin được vào điều gì đã xảy ra. Họ gục ngã ngay trên thảm cỏ Camp Nou, kẻ khóc tức tưởi, người ném cái nhìn trống rỗng vào vô định.
 
Bất chợt, Pierluigi Collina, trọng tài bắt chính trận đấu, đến bên Oliver Kahn, quàng tay qua ôm lấy người thủ môn bại trận. Sau đó, ông vỗ vai Effenberg, người nằm thõng không chút sinh khí trên mặt cỏ, rồi đỡ một Kuffour trên gương mặt vẫn đầy nước mắt đứng dậy để lên bục nhận huy chương bạc. Ai mà chẳng biết Collina xuất sắc, lạnh lùng, đáng phục như thế nào trong khoảng thời gian 90 phút của trận đấu; nhưng chính những hình ảnh không có máy quay ghi lại ấy mới phản chiếu được con người ông. 
 
Về sau này, thủ môn đầy cá tính người Đức thừa nhận có 2 yếu tố để anh quyết định nhận Collina như người anh trai kết nghĩa của mình: một là chuyên môn mẫu mực, và hai là trái tim đầy trắc ẩn dành cho những kẻ thua cuộc chứ không phải những người nâng cúp. Có lẽ cũng bởi thế mà hai năm sau, chính Kahn là người đã tới an ủi Santiago Canizares sau khi Bayern Munich đánh bại Valencia ở trận chung kết Champions League 2001.
 
Hình ảnh cảm động của Collina sau trận chung kết Champions League 1999
Sau khi giải nghệ, việc đầu tiên Collina làm là thuê một chiếc du thuyền, giăng buồm tới vùng biển Liguria cùng những người bạn thân. Rời khỏi chiếc còi và các băng ghi hình, ông đưa bà vợ Gianna đi ngao du khắp nẻo đường nơi lục địa già. Họ xem bóng đá cùng nhau, cùng trò chuyện và chơi điện tử với hai người con gái. Cái ánh mắt sắc lẹm nhìn xéo tâm can cầu thủ của Pierluigi, sao khi nhìn Gianna lại đầy yêu thương và trân trọng đến thế. Sau 28 năm mải miết chạy trên các thảm cỏ từ châu Âu sang châu Á, Collina đã dành toàn bộ thời gian cho những người bên cạnh ông theo cách như vậy. Những lần ăn tối cùng các cầu thủ và HLV xuất hiện rất ít, bởi sự bình dị nhưng thoải mái mà vị trọng tài người Ý có được bên cạnh những người thân có giá trị hơn nhiều những cuộc ngoại giao nhuốm màu toan tính. Vị trọng tài đầu trọc hiểu rằng trong gần 3 thập kỷ ông đóng vai vua sân cỏ, gia đình và bạn bè ông là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
 
Pierluigi Collina có thể cho cả thế giới thấy hình ảnh của một ông chủ sân bóng đạo mạo, nhưng trong mắt những người hiểu ông tường tận, Collina chẳng khác nào một gã đầu trọc vui tính và một con người với trái tim bao la ẩn trong vỏ bọc dữ dằn.
 
VĨ THANH
Năm 2007, Pierluigi Collina trở về Serie A để làm nhiệm vụ phân công trọng tài. Giữa một thời kì loạn lạc hậu Calciopoli, Collina chẳng thể chứng minh được mình trong sạch hoàn toàn khi người ta ngửi thấy mùi dàn xếp trong các trận đấu. Hình ảnh của ông bị hoen ố tỉ lệ thuận với tốc độ leo dốc của bóng đá Ý. Xung quanh cuộc sống của Collina là những lời đe doạ đòi lấy mạng hay hàng trăm mối nghi ngờ về tính minh bạch bủa vây.
 
Hình ảnh này sẽ còn đọng lại mãi trong tâm trí người hâm mộ
Giữa hoàn cảnh đó, vị vua áo đen đến từ Bologna chẳng giải thích, chẳng phân bua. Ông từ chức với lời nói ngắn gọn: “Họ không còn tin trọng tài nữa. Đã không tin thì đừng bắt chúng tôi điều khiển các trận đấu. Đó là sự xúc phạm đối với chúng tôi”. Sự nghi ngờ kia chẳng khác nào một đòn giáng mạnh vào tự trọng của vị trọng tài công tâm nhất thế giới, người mà trước đó không bao lâu còn hào hứng tột cùng khi được mời về LĐBĐ Ý công tác. Sự minh bạch của một ông vua áo đen là cái duy nhất trong thâm tâm Collina khát khao người ta có thể nhìn thấy và cảm được.
 
Trọng tài sinh năm 1960 có 3 triết lý khi cầm còi. Một, trọng tài phải là người nổi bật nhất trên sân thì trận đấu mới trôi chảy. Hai, phạt đền là phạt đền, bất kể là phút 50 hay phút 90, bất kể quả phạt đền ấy có thay đổi kết quả trận đấu thế nào. Và ba, trận đấu 90 phút đòi hỏi 9 giờ liên tục nghiên cứu, tìm hiểu. Một người hết tâm hết lòng vì sự trong sạch của bóng đá, cũng như yêu bóng đá chẳng thua gì những kẻ tự xưng có tình yêu bóng đá vĩ đại nhất, có quyền không giải thích và để 28 năm cầm còi của mình làm câu trả lời xác đáng cho những nghi ngờ. Cũng như ông không bao giờ tốn công giải thích nhiều cho những chiếc thẻ đỏ được rút ra mà tất cả vẫn phải tâm phục khẩu phục.
TEDDY(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.