Vài ngày trước khi Euro 2020 khởi tranh, thủ thành Manuel Neuer đã ngồi lại với nhà báo Raphael Honigstein của the Athletic để bàn luận về khía cạnh kỹ thuật và những sự chuẩn bị chi tiết mà anh thực hiện, qua đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các màn trình diễn tuyệt vời và cực kỳ ổn định của anh.
Ảnh: UEFA EURO 2020
Chào Manu. Chúng tôi sẽ cho anh xem lại một số pha cứu thua tuyệt vời nhất của mình sau 1 phút nữa. Thành thật mà nói, khá khó để chọn ra “top 9”, bởi vì có quá nhiều tình huống cản phá tuyệt vời…
Điều anh đang thực sự muốn nói là tôi đã khá già và hành nghề thủ môn rất lâu rồi, phải chứ?
Không phải đâu, tôi không có ý đó. Tất cả những gì tôi muốn nói là anh đã thực hiện rất nhiều pha cứu thua. Có tình huống nào mà anh đặc biệt yêu thích nhất không?
Khó nói lắm. Tôi không nghĩ là có. Giờ thì hãy xem những tình huống mà anh đã chọn nào.
Được rồi, bắt đầu thôi.
***
Vs. Neymar (Paris Saint-Germain), chung kết Champions League, ngày 23 tháng 8 năm 2020
Có hai điều thú vị ở đây. Trước tiên, anh đã bắt đầu với việc hạ cơ thể xuống khá thấp. Thứ hai, đầu gối phải của anh đã được kéo vào phía trong để tạo thành một rào cản tầm thấp.
Việc đặt đầu gối như vậy là để phòng tránh một pha “tunnel” (“xỏ háng” trong tiếng Đức). Thực sự thì tôi đã lao người sai hướng trong tình huống này sau pha cản phá đầu tiên. Tôi đáng lẽ phải lao người sang phải trước về phía quả bóng, nhưng tôi đã phải ứng biến do cách mà pha cứu thua đầu tiên diễn ra. Bằng cách đó, tôi đã có thể làm tốt hơn trong việc sử dụng đà và phản ứng với pha bóng hai, qua đó ngăn cản cú tạt. Angel Di Maria đang không bị theo kèm ở trung lộ. Đó sẽ là một cơ hội ngon ăn; có thể trở thành một bàn thua.
Pha cứu thua đầu tiên, với đầu gối được kéo vào phía trong, là một hình ảnh khá điển hình ở anh.
Đúng vậy, nhưng nó còn tùy thuộc vào các tình huống. Góc sút trong tình huống này không quá hẹp. Cậu ấy có vài sự lựa chọn, nhưng bạn sẽ làm mọi thứ hơi khác biệt một chút khi một tiền đạo đang lao về phía mình từ một khu vực lệch ra cánh hơn là trung lộ. Khi khung thành rộng mở hơn, bạn có thể bị đánh bại bởi nhiều cách khác nhau. Ở đây, cậu ta hơi lệch ra cánh và tôi đã thu hẹp được góc sút, vậy nên mối nguy lớn nhất là một pha xỏ háng. Đó là lý do vì sao điều quan trọng là phải hạ đầu gối xuống. Quả bóng cũng đã đập vào tay tôi; tôi đã giữ nó hơi ở phía sau cơ thể để tạo nên một khối vật cản lớn hơn trước cậu ta.
Tôi nhớ Robert Enke quá cố cũng thường làm điều đó với đầu gối của anh ấy. Phải chăng anh ấy chính là người đầu tiên? Chúng ta đâu có thấy việc này từ các thủ môn 20 năm trước.
Tôi không thể khẳng định liệu anh ấy có phải là người đầu tiên hay không. Đây không phải là một hành động lúc nào cũng giống nhau, nhưng là một trong những động tác mà bạn có thể sử dụng nếu góc sút phù hợp để dùng đến nó. Tuy nhiên, nó phụ thuộc vào các tình huống cụ thể.
Có phải anh luôn làm điều đó trong những tình huống kiểu vậy, từ thời còn ở học viện đào tạo cầu thủ trẻ của mình, hay sau này anh mới áp dụng nó?
Đó không phải là một trong những điều mà tôi được dạy khi còn nhỏ, nhưng tôi đã cản phá vài cú sút theo cách này, và về sau biến nó thành một phần trong lối chơi của mình. Một vài thủ môn có khuynh hướng đương đầu với những tình huống thế này theo kiểu tạo thành một khối bằng cách khuỵu gối xuống và hai tay tạo thành nắm đấm, nhưng tôi không thích làm vậy bởi vì đó là một tư thế khá bị động. Có một chút giống như khi ở ngay tại mành lưới trong môn bóng chuyền, cố gắng chặn một cú đập – bạn chỉ có thể đưa tay ra và hy vọng về điều tốt nhất. Nếu cú sút đến ở cự ly gần, bạn có thể chỉ đơn giản là phải biến bản thân mình thành một vật cản, nhưng tôi không muốn rơi vào tình thế đó nếu có thể tránh được.
Có điều gì đó kiểu như khoảng cách lý tưởng mà anh muốn tạo nên giữa mình và tiền đạo để tối đa hóa cơ hội cứu thua không? Hay là nó luôn phụ thuộc vào góc sút?
Có đấy. Nếu đường chuyền này của Kylian Mbappé trôi sâu hơn một chút, tôi có thể xông xáo hơn một chút trong việc lao ra, nhưng đây là một đường chuyền được căn chỉnh quá tốt, khiến tôi phải thiên về thế thủ. Tất nhiên, luôn là tuyệt vời nhất nếu tôi có thể đoạt được bóng trước, nhưng đó là điều không thể trong tình huống này. Theo kinh nghiệm của tôi, càng đến gần bóng, tôi sẽ càng dễ cản phá hơn, tuy nhiên, tôi cũng sẽ gặp rắt rối nếu đến được gần bóng nhưng cuối cùng dừng lại với tư thế hai bàn chân đặt vuông góc với nhau trên mặt đất, nếu sau đó tiền đạo rê bóng qua, tôi sẽ khó mà di chuyển để ngăn cản.
***
Vs. Robert Lewandowski (Borussia Dortmund), ngày 4 tháng 2 năm 2011
(Tình huống ở phút 3:03)
Đây là một tình huống “đậm chất Manuel Neuer”. Việc lao ra khỏi khung thành cho đến nay là một trong những “thương hiệu” của anh.
Tôi không làm điều đó vì muốn “chơi trội”, tạo nên một lời tuyên bố về phong cách của bản thân. Ý tưởng của tôi là cố ngăn chặn các tình huống nguy hiểm trước khi chúng phát sinh. Đúng là có thể trông rất mạo hiểm nếu tôi lao ra khỏi vòng cấm của mình 30 mét, nhưng tốt nhất là nên can thiệp sớm hơn thay vì để tiền đạo đối phương chạy về phía bạn với tốc độ cao mà không có ai cản trở.
Trong trường hợp này, tôi thực sự đã đưa ra một sự lựa chọn sai lầm. Tôi không đến được với quả bóng trước đối phương nên cuối cùng đã ở trong một tình thế rất nguy hiểm. Mặc dù vậy, tôi không thể dừng lại. Nếu tôi dừng lại, anh ấy sẽ lốp bóng qua tôi. Tôi phải tiếp tục chạy, hy vọng có thể đến đủ gần để anh ta sút vào mình. Nhờ một chút may mắn, tôi đã tạo nên được một cái kết tuyệt vời từ một quyết định tệ hại.
Nếu anh không may mắn, anh ấy sẽ sút vào tay anh và anh sẽ bị đuổi khỏi sân.
Tôi đã cố giữ hai cánh tay của mình tránh xa quả bóng hết mức có thể bằng cách giơ chúng lên cao, nhưng nếu anh ấy lốp bóng, tôi sẽ phải nhận thẻ đỏ.
Tình huống cứu nguy này có sự góp phần của việc tùy cơ ứng biến. Đây có lẽ không phải là ví dụ xuất sắc nhất về khía cạnh “thủ môn quét” của anh, nhưng anh thường quyết định việc lao ra hay ở lại dựa trên cơ sở nào?
Tôi luôn kiễng chân. Tôi cố phán đoán trước các tình huống và đọc trận đấu. Tôi cố hỗ trợ hàng thủ, cắt những đường chuyền sâu. Các chi tiết tạo nên sự khác biệt. Quả bóng có đang nảy lên và khó kiểm soát đối với tiền đạo? Đường chuyền có được thực hiện theo kiểu “backspin” để bóng nảy ra khỏi tôi hay không? Mặt sân có thuận lợi cho việc chạy với tốc độ cao không hay đang ướt nhẹp? Nếu có, điều đó sẽ giúp ích cho lối chơi của tôi vì tôi sẽ có một vị trí xuất phát cao hơn. Còn nếu nó ướt nhẹp, tôi phải ở lại một vị trí dưới sâu hơn.
Anh có luôn muốn sử dụng đôi chân của mình không?
Tôi luôn là một thủ môn muốn tham gia thật nhiều vào cuộc chơi. Tôi muốn trở thành một “cầu thủ outfield” (thuật ngữ dùng để chỉ 10 cầu thủ không phải thủ môn trên sân) thứ 11 của đội, thay vì là một thủ môn chỉ ở yên tại khung thành để chờ đợi. Tôi đã xem các video của Edwin van der Sar tại Ajax, anh ấy là thủ môn đầu tiên, theo tôi nhớ, đã thi đấu trong một vai trò tích cực đến vậy, bằng cách chuyền bóng và di chuyển ra khỏi khung thành khá nhiều.
Tại Schalke, tôi thường tham gia tập luyện với các cầu thủ “outfield” bất cứ khi nào chúng tôi không có một buổi huấn luyện thủ môn cụ thể. Khi tôi 13 tuổi, CLB thậm chí còn cân nhắc biến tôi trở thành một cầu thủ “outfield” vì những thủ môn khác đều cao hơn tôi rất nhiều. Nhưng sau đó, các HLV đã nhìn vào bố mẹ tôi và thấy rằng họ khá cao. Họ đã nghĩ: Rồi tôi cũng sẽ phát triển chiều cao đến như vậy, và thế là tôi được tiếp tục “đóng vai” thủ môn. Đó không phải là một quyết định tồi.
Việc ai là người đang lao đến anh có phải là một vấn đề lớn không?
Xét về khả năng dứt điểm, thì đúng là vậy, và điều đó cũng cực kỳ quan trọng đối với cách mà trận đấu có thể diễn ra. Những cầu thủ nhanh nhẹn, tốc độ thường đẩy bóng dài hơn sau khi được phục vụ với những đường chuyền trực diện; những cầu thủ chậm hơn thì thích kiểm soát quả bóng một cách cẩn thận ở dưới chân. Ở một mức độ nào đó, bạn có thể đoán trước được rằng mình đang phải đối mặt với những kiểu tấn công nào, từ đó lựa chọn lối chơi thích hợp.
***
Vs. Erling Haaland (Borussia Dortmund), DFL Supercup 2020, ngày 30 tháng 9 năm 2020
(Tình huống ở phút 1:55)
Đây là người đang lao đến anh: Erling Haaland
Cậu ấy được phục vụ bằng một đường chuyền sâu, được thực hiện tốt. Haaland có một cái chân trái rất mạnh mẽ và đã tạo ra được một khoảng cách tuyệt vời giữa mình và Niklas Sule bởi vì cậu ấy quá nhanh. Cậu ấy có 2 sự lựa chọn: Nhắm vào góc xa hoặc góc gần. Cậu ấy đã chọn góc gần, nhưng tôi đã gặp may trong tình huống này, bởi vì cú sút mà cậu ấy tung ra có một độ cao lý tưởng đối với tôi. Góc sút dành cho cậu ấy không hoàn hảo và tôi đã có một vị trí khá tốt. Yếu tố quyết định ở đây là phải có một cái cổ tay mạnh mẽ để bảo vệ cột gần đó. Nó thậm chí còn khiến quả bóng nảy ngược đến một hậu vệ.
Điều tôi cảm thấy thích thú nhất là vị trí đôi tay anh đặt ban đầu: Chúng ở gần cơ thể. Có phải điều đó tạo đà cho anh để thực hiện một chuyển động thật mạnh mẽ về phía quả bóng?
Đó là một pha cản phá dựa vào khả năng phản xạ. Tôi thấy cậu ấy kéo chân ra phía sau để thực hiện cú sút, cậu ấy sút, và tay tôi giơ lên, và đà chuyển động khi đó đã giúp tôi. Nếu cú sút bay đến từ một khoảng cách xa hơn, thì sẽ càng khó có được một sức mạnh đủ để thực hiện cản phá. Khi nó đến từ một khoảng cách ngắn hơn, bạn có thể sử dụng vai và các bắp tay để tăng thêm sức mạnh và sự chắc chắn. Rất nhiều điều đã diễn ra một cách thuận lợi đối với tôi trong tình huống này.
Việc Haaland thuận chân trái có tác động như thế nào đối với khâu chọn vị trí của anh?
Không nhiều cho lắm. Nó có thể diễn ra theo cách tương tự khi đối phương thuận chân phải, với Marco Reus, nhưng có những yếu tố khác mà bạn cần tính đến, ví dụ là kiểu dứt điểm của các tiền đạo. Haaland là một chân sút rất mạnh mẽ, dứt khoát. Anh có thể nhận thấy điều mà cậu ấy sẽ làm khi thực hiện pha chạm bóng cuối cùng đó và sẵn sàng để sút nó.
Anh biết trước rằng cậu ấy sẽ không lốp bóng qua đầu mình ư?
Đúng vậy, tôi đang ở một vị trí quá thấp để cậu ta có thể làm điều đó và không phải tiền đạo nào cũng thích thực hiện một cú lốp bóng. Nếu tôi tiếp cận gần hơn, cậu ấy có thể sẽ muốn rê bóng vượt qua tôi.
Anh đã nghiên cứu nhiều đến thế nào về phong cách dứt điểm ưa thích của các tiền đạo mà mình phải đối mặt?
Tôi không cần phải làm điều đó khi chạm trán Borussia Dortmund, bởi vì bạn đã đối đầu với họ rất nhiều lần và hiểu rõ các cầu thủ của họ. Nhưng trước các đối thủ ở Champions League, tôi sẽ phân tích sâu hơn một chút. Chúng tôi xem xét cách mà các tiền đạo, các cầu thủ dự bị của đối phương di chuyển và dứt điểm. Toni Tapalovic, HLV thủ môn của tôi, làm điều đó cùng tôi. Chuyện này sẽ tiêu tốn một chút thời gian, nhưng xứng đáng để làm vậy.
Anh đã bao giờ ngồi xuống và nói chuyện với một trong các tiền đạo của đội mình về suy nghĩ của họ trước khung thành chưa?
Chưa từng, nhưng chúng tôi thường tự mình tung ra những cú sút trong các buổi huấn luyện thủ môn và cố ghi nhớ những sự lựa chọn mà chúng tôi đang thực hiện trong các tình huống khác nhau, để sau đó đưa ra những phản ứng phù hợp với nó.
***
Vs. Yuya Osako (Koln), ngày 4 tháng 3, năm 2017
(Tình huống ở 2:43)
Tôi nhớ mình đã từng phân tích anh ấy trước đây. Tôi biết anh ấy là một chuyên gia đánh đầu; anh ấy đã ghi rất nhiều bàn thắng ở Nhật Bản. Tôi cảm thấy rằng anh ấy sẽ có thể thực hiện một cú đánh đầu với quả tạt. Tôi đã làm tốt khâu chọn vị trí. Tôi đã có thể thực hiện một bước nhảy nhỏ đầu tiên trước khi bay người. Điều quan trọng đối với tôi là đôi chân tôi đã chạm đất sau bước giậm nhảy ban đầu vào đúng thời điểm thích hợp để bay người – khi đầu anh ta kết nối với quả bóng.
Hãy nói cho chúng tôi cụ thể hơn về bước nhảy đó. Tại sao anh lại thực hiện nó?
Bởi vì việc đẩy bản thân lên khỏi mặt đất sẽ dễ dàng hơn khi cơ thể đang chuyển động, thay vì đứng yên một chỗ. Đối với các hậu vệ, điều này cũng tương tự. Họ không thể ở yên bên cạnh cầu thủ tấn công, chờ đợi đối phương hành động rồi mới phản ứng. Bạn phải hành động một cách chủ động, đưa bản thân vào một điều kiện lý tưởng để phản ứng.
Và anh đã để đầu gối của mình cong xuống một chút, nhằm có được một lực đàn hồi lý tưởng để thực hiện pha bay người tuyệt vời đó.
Chính xác. Bạn cần có được tất cả những góc độ lý tưởng ở hông, đầu gối và mắt cá chân. Nếu đứng thẳng, tôi sẽ không thể bật nhảy xa được. Nhưng nếu tôi nghiêng hông, đầu gối và mắt cá chân, tôi có thể tạo ra năng lượng từ ba bộ phận đó.
Anh có một “Sprungbein”, một chân trụ mà bản thân ưa thích hơn để thực hiện các pha bay người không?
Ở trường học, tất cả mọi người đều tham gia thi đấu trong một sự kiện “track and field” (các môn điền kinh) hàng năm, gọi là “Bundesjugendspiele”. Nó bao gồm nhảy xa và sau đó, là nhảy cao, đây là lý do vì sao mọi đứa trẻ tại Đức đều biết rõ chân trụ sở trường để chúng bật nhảy là chân nào. Đối với tôi, đó là chân trái. Ban đầu, tôi cảm thấy khoái hơn khi bay người về phía bên trái của mình. Còn ở bên phải, tôi sẽ bị bầm tím vì tiếp đất vụng về hơn, nhưng với tư cách một thủ môn chuyên nghiệp, bạn phải sử dụng 2 chân giỏi như nhau. Chúng tôi đã cố gắng cải thiện điều đó.
***
Vs. Bartosz Bialek (Wolfsburg), ngày 16 tháng 12 năm 2020
(Tình huống ở phút 7:18)
Tôi nghĩ anh ấy đã muốn nhắm vào góc xa của khung thành, nhưng cú sút đã ăn khá nhiều vào giữa, hướng đến đầu của tôi. Đó là một pha cứu thua dựa vào phản xạ, bởi vì tôi đã nghĩ rằng anh ấy sẽ dứt điểm về phía bên phải mình. Tôi đã gặp may trong tình huống này vì vẫn có một tư thế có thể đưa tay lên cao để cản phá.
Anh có thể rèn luyện khả năng phản xạ của mình không?
Tôi không thể sợ hãi cú sút đang đến với mình. Nhưng quan trọng nhất, tôi phải trải qua quá trình này hàng nghìn lần để biết chính xác những sự lựa chọn mà mình cần thực hiện để tạo ra một pha can thiệp thành công mà không cần thời gian để suy nghĩ.
Áp lực mà một cầu thủ phòng ngự tạo ra với người sút có tác động như thế nào đến nhiệm vụ của anh?
Tác động của việc đó rất lớn đấy, kịch bản lý tưởng nhất là nó sẽ khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn với đối phương. Một tiền đạo sẽ sút theo kiểu khác nếu anh ấy có không gian và thời gian khi cầm bóng. Một pha tắc bóng tốt sẽ thu hẹp góc sút, nhưng không phải lúc nào cũng là một lợi thế khi có một hậu vệ áp sát cầu thủ dứt điểm.
Tại sao?
Đôi khi, tôi thích 1 đối 1 với tiền đạo mà không có sự ảnh hưởng của một hậu vệ. Điều đó có thể tạo nên một chút khó chịu và ảnh hưởng đến việc chọn vị trí của tôi, đặc biệt là nếu hậu vệ thực hiện một bước di chuyển dài và để mở ra một khoảng cách lớn giữa hai chân anh ta, tạo điều kiện cho tiền đạo tung ra một cú sút hướng đến góc xa. Đó là một vấn đề. Điều này có hơi giống như trong môn bóng ném.
Nếu có một vật chắn trước mặt, bạn cần phải hơi di chuyển sang một bên để có được một góc nhìn rõ ràng, nhưng điều đó sẽ khiến cho khung thành của bạn có một góc được mở rộng ra hơn một chút. Nhưng tất nhiên, bạn không thể trách móc các hậu vệ vì đã cố hết sức để truy cản và ngăn chặn cú dứt điểm của đối phương.
Anh từng chơi bóng ném ư?
Không. Nhưng tôi luôn quan tâm đến cách các thủ môn trong môn bóng ném hoạt động và thực hiện rất nhiều pha cứu thua xuất thần.
***
Vs. Marcel Sabitzer (RB Leipzig), ngày 14 tháng 9 năm 2019
(Tình huống ở phút 0:01)
Đây là một tình huống có một chút khác biệt: một cú sút xa và quả bóng đổi hướng hoàn toàn ngay giữa không trung.
Một cú sút điển hình của Sabitzer. David Alaba cũng có những cú sút tương tự, khiến cho bóng đổi hướng trên không trung. Không phải ai cũng làm được như vậy. Tôi biết những cầu thủ nào có thể làm điều đó, vì vậy tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyện này, ở một mức độ nào đó. Bạn phải quan sát quả bóng càng lâu càng tốt bởi vì quỹ đạo bay của nó sẽ thay đổi. Và cổ tay của bạn cũng cần phải thật khỏe. Cú sút này đã bay vào cẳng tay của tôi. Không dễ cản phá chút nào.
Nói về chuyện bóng thay đổi quỹ đạo, các thủ môn đã từng than thở rất nhiều về việc này trước mỗi giải đấu cấp ĐTQG, nhưng điều đó dường như đã không còn diễn ra nữa trong thời gian gần đây. Phải chăng những quả bóng đã lại trở nên “tốt bụng” hơn?
Tôi chưa bao giờ phàn nàn, bởi vì tôi coi quả bóng là bạn của mình. Tôi cần phải nhìn nhận nó theo cách đó. Tôi không muốn kiếm cớ than phiền trước một giải đấu; tôi muốn quả bóng giúp đỡ mình trong suốt trận đấu, đó là lý do vì sao tôi tiếp cận khía cạnh này theo một cách khác biệt, nói chuyện một cách tích cực về quả bóng.
Anh có nhận thấy rằng những cú sút xa đang ít đi không? Về mặt thống kê, chúng đang giảm đi ở tất cả các giải đấu hàng đầu khi nhiều cầu thủ nhận thức được rằng khả năng thành công là rất thấp – ngay cả khi thủ môn không có mặt ở trong khung thành.
Tôi không thể đưa ra một lời khẳng định cho chuyện này. Tôi đoán nó phụ thuộc một chút vào kiểu đội bóng. Nếu bạn đang thi triển lối chơi kiểm soát bóng một cách “ngon lành cành đào”, bạn sẽ có khuynh hướng ít khi sút xa. Tôi tin rằng nhiều đội bóng đã trở nên tốt hơn trong việc kiểm soát bóng và sử dụng lối chơi định hướng vị trí, điều này làm giảm đi sự tín nhiệm và phụ thuộc của họ đối với các tình huống cố định hoặc những cú sút từ ngoài vòng cấm.
Màu sắc hay hoa văn của quả bóng có tạo nên ảnh hưởng gì không? Và sân vận động mà anh đang thi đấu thì sao? Jens Lehmann từng nói với tôi rằng anh ấy cảm thấy việc đánh giá đường bay của quả bóng trở nên khó khăn hơn khi thi đấu ở Anh, nơi tồn tại nhiều sân vận động có các sân thượng mang kích thước khác nhau.
Chà, chúng tôi không gặp vấn đề đó ở Allianz Arena. Quả bóng chủ yếu là màu trắng, nhưng các ghế ngồi thì không, vậy nên đó không phải là một vấn đề. Nhưng vị trí của các đèn pha và độ gắt của ánh sáng có thể gây ảnh hưởng. Bạn phải điều chỉnh bản thân để thích ứng với điều này.
***
Vs. Cristiano Ronaldo (Real Madrid), bán kết Champions League, ngày 25 tháng 4 năm 2012
Tình huống này diễn ra trong một loạt sút luân lưu. Trong trận đấu, anh ấy đã thực hiện thành công một quả penalty theo một cách sút khác. Tôi có thể chuẩn bị cho các quả penalty bằng cách nghiên cứu sở thích, khuynh hướng của các chân sút, nhưng những cầu thủ như Ronaldo thực hiện chúng một cách rất đa dạng, vì vậy, tôi sẽ phải lắng nghe trực giác của mình. Đôi khi cách đó hoạt động hiệu quả, đôi khi không.
Tôi đã quan sát khá nhiều tình huống penalty mà anh đối mặt và nhận thấy rằng anh thường thả hai tay xuống trong khi nhảy nhót. Tôi đoán anh làm vậy là để có thể phản ứng nếu đối phương thực hiện một cú sút thẳng, phải vậy không?
Chính xác luôn. Nếu anh ấy sút thẳng, tôi vẫn có thể giơ một cánh tay lên, chứ nếu tôi đã nhảy về một phía với hai cánh tay đang duỗi thẳng về hướng đó, tôi sẽ không thể làm vậy. Nói chung, bạn không thể thực sự phản ứng khi bạn đã mở rộng một chi. Đó là lý do vì sao tôi có khuynh hướng giữ đôi tay và đôi chân mình như vậy.
Chính vì thế, đôi khi anh trông có vẻ đã không thực sự nỗ lực khi chọn sai hướng.
Một số người không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng tôi chẳng thèm để tâm đến họ. Tất cả những gì tôi quan tâm là cản phá những cú sút – không phải những điều mà một số nhà phê bình có thể nói. Tôi tự hiểu được những gì mà mình làm.
Ngày càng có nhiều cầu thủ đá penalty có khuynh hướng chờ đợi thủ môn hành động trước. Anh đối phó với họ như thế nào?
Mọi thứ đã trở nên khó khăn hơn đối với cánh thủ môn chúng tôi vào thời nay khi mà các luật lệ đã trở nên khắt khe hơn. Bạn có thể làm gì? Bạn có thể chờ đợi càng lâu càng tốt. Đó là một cuộc đấu trí. Bạn chỉ có thể cố tìm ra những gì đối phương đang định làm.
Anh có thể phán đoán liệu cầu thủ đá penalty sẽ sút ngang khung thành hay dứt điểm vào góc không?
Ở cấp độ này, chuyện đó rất khó. Những cầu thủ cực kỳ giỏi sẽ không thay đổi bước chạy đà của họ mà chỉ mở rộng chân luôn – hoặc không – vào giây cuối cùng. Cristiano là một ví dụ.
***
Vs. Anderson (Manchester United), bán kết Champions League, ngày 4 tháng 5 năm 2011
(Tình huống ở phút 1:01)
Anh đã cản phá cú sút của Anderson với tay “không thuận” của mình trong tình huống này. Tại sao anh không sử dụng tay trái?
Vấn đề ở đây chỉ đơn giản là khả năng chạm vào được quả bóng. Khi tôi đang bay theo một hướng, việc cản phá sẽ dễ dàng hơn khi đưa cánh tay ở phía “không thuận” lên trên đầu. Điều này có thể hơi giống một khuynh hướng, nhưng tôi nhớ mình đã luyện tập với (cựu thủ môn Bayern và ĐT Đức) Sepp Maier từ nhiều năm trước và trước đó, Oliver Kahn cũng từng làm như vậy.
Khi nào thì anh sử dụng lòng bàn tay và khi nào thì dùng nắm đấm?
Điều đó phụ thuộc vào tình huống và bản năng, trực giác. Nó phụ thuộc vào việc các đối thủ ở đâu, bao xa, có bao nhiêu hậu vệ ở gần tôi, bao nhiêu yếu tố có thể tác động đến tình huống. Tôi thường cố bắt lấy quả bóng, nhưng trước tiên phải xem mình còn bao nhiêu thời gian. Quả bóng sẽ lao đến mình như thế nào? Mình chắc bao nhiêu phần trăm về khả năng bắt lấy nó. Trong các buổi tập, tôi có thể sẽ cố bắt lấy một vài cú sút mà thường thì mình sẽ chọn đấm bóng trong một trận đấu vì phương án đó ít rủi ro hơn.
***
Vs. Karim Benzema (Pháp), tứ kết World Cup, ngày 4 tháng 7 năm 2014
Tôi rất thích pha cản phá này bởi vì anh đã thực hiện nó một cách đơn giản đến mức chẳng khác nào đón một chiếc taxi trên đường phố. Và đó cũng là một pha cứu thua khá quan trọng, đảm bảo chiến thắng cho đội tuyển Đức.
Tôi đã dính một chấn thương vai khi bước vào giải đấu này và anh ta đã sút bóng hướng đến ngay phía vai đó. Sau đó, tôi mới biết rằng mọi thứ đã ổn. Một lần nữa, tôi đã ở một vị trí lý tưởng, cho phép tôi phản ứng theo bất kỳ hướng nào cần thiết. Lên, xuống, bên phải với tay tôi, và bên trái với chân tôi. Thật hạnh phúc, tôi đã cản phá được cú sút đó – ở phút 94 – và chúng tôi đã giành chiến thắng.
Anh ta không có một góc sút lý tưởng. Nếu anh không may, anh ta sẽ thành công trong việc xỏ háng anh hoặc tung ra một cú sút thật mạnh, vượt qua đầu anh và vào lưới.
Quả bóng đã lao đi với đích đến là ngay dưới xà ngang. Thời gian để phản ứng rất ngắn, nhưng với cổ tay khỏe và đà lý tưởng, tôi đã cứu thua thành công.
Anh có thể chia sẻ về việc lối chơi của mình đã phát triển như thế nào kể từ khi khởi đầu sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp không? Liệu lối chơi của Manuel Neuer từ năm 2006, khi anh ra mắt Schalke, về cơ bản có giống với lối chơi của Manuel Neuer phiên bản 2021?
Giống nhau cả đấy. Các sắc thái liên tục thay đổi theo những đội bóng mà bạn khoác áo và các chiến thuật của họ Chỉ cần chỉ ra hai điều thôi, đó là tôi phải thích nghi với cách mà chúng tôi triển khai bóng từ hàng thủ và đưa quả bóng lên hàng công.
Vào mùa giải trước, anh đã phải thích nghi với một hàng thủ dâng cao thường bị xuyên phá. Bayern đã để thủng lưới tận 44 bàn tại Bundesliga và anh đã có rất nhiều việc để làm. Anh có “thầm” thích thú điều đó không? Hay anh muốn mình bớt bận rộn hơn?
Tôi vui vì mình được cần đến và có nhiều cơ hội để giúp đội bóng. Nhưng mặt khác, chúng tôi không thể nào vui vẻ được với sự bất ổn ở hàng thủ và số bàn thua mà chúng tôi đã để thủng lưới ở mùa giải vừa qua (2020/2021). Chuyện này cần phải được cải thiện ở mùa giải tới.
Sự hiểu lầm lớn nhất về vai trò thủ môn là gì?
Có quá nhiều sáo ngữ được lan truyền rộng rãi. Ví dụ, có ý tưởng cho rằng thủ môn không nên bị đánh bại tại cột gần. Tôi thường nghe điều đó được nói bởi những người không thực sự ở một vị trí hợp lý để đánh giá đúng về cuộc chơi của một thủ môn.
Nhiệm vụ của chúng tôi rất phức tạp. Chúng tôi phải bao quát khung thành càng nhiều càng tốt, nhưng cũng phải sẵn sàng cho một đường chuyền vào trong vòng cấm. Có gã nào đang không bị theo kèm ở trung lộ không? Quả bóng đang ở chân thuận hay chân không thuận của đối thủ? Bạn phải tính toán tất cả các khả năng trong một phần nhỏ của một giây; rất nhiều điều khác nhau có thể xảy ra.
Đôi khi, tôi nhận thấy mình đang suy nghĩ nhiều quá mức, cố gắng trở thành một người cầu toàn quá mức. Việc bị đánh bại ở cột gần có thể là bởi một sai lầm – tôi không phủ nhận điều này – nhưng sẽ không đúng nếu bảo mọi bàn thua từ đó đều là bởi một sai lầm. Bạn phải đánh giá tất cả mọi tình huống một cách riêng biệt. Có lẽ cánh thủ môn chúng tôi cần nói về chuyện kỹ thuật nhiều hơn một chút, để giải thích quá trình suy nghĩ của chúng tôi cho mọi người.
Tuyệt vời. Vậy chúng ta có thể làm lại việc này sau 1000 pha cứu thua tiếp theo của anh chứ?
Ngày trở lại Anfield rạng sáng thứ Tư này của Xabi Alonso không phải là dịp để bản thân anh lẫn người hâm mộ Liverpool cảm thấy nuối tiếc. Mà là để hồi tưởng lại những năm tháng xưa cũ, và để trao cho nhau lời chào trọn vẹn còn thiếu.
Đây là Bryan Mbeumo! Cầu thủ hiện đang đứng thứ hai trong danh sách vua phá lưới tại Premier League mùa này với 8 bàn thắng sau 9 lần ra sân, chỉ kém 3 bàn so với người dẫn đầu là Erling Haaland.
Raphinha có vẻ không thích phỏng vấn lắm, nhưng anh cũng không tỏ ra khó chịu khi được chúng tôi (tờ El Pais – Tây Ban Nha) tiếp cận. Anh nói chậm rãi, lướt qua một số câu hỏi, nhưng không hề né tránh: Raphinha là kiểu người thẳng thắn.
Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.
Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.