Đối với một thủ môn vừa giải nghệ, vai trò Cố vấn Chuyên môn và Kỹ thuật ở Chelsea (hay nhiều người coi là tương đương Giám đốc Kỹ thuật) rất hấp dẫn bởi nó khác biệt so với công việc của cầu thủ.
Petr Cech không xem TV nhiều. Như anh thừa nhận, việc để não nghỉ không hoạt động là điều không dễ. Anh nói rằng luôn muốn bộ não mình hoạt động từng phút trong ngày, không chỉ cho công việc và gia đình mà còn cả các thú giải trí. Với anh, việc ngồi xuống ghế sofa và không làm gì giống như lãng phí thời gian.
Năm nay Cech và cô vợ Martina đã bắt đầu xem “The Crown”. Dù vậy, anh không cho phép bản thân mình bị cuốn vào loạt phim của Netflix. Mỗi tập - anh đang xem đến mùa thứ hai - đều khiến não anh phải hoạt động vì cả kiến thức lẫn tính đúng đắn của lịch sử, điều gây nên tranh cãi của loạt phim.
“Rõ ràng nó không hoàn toàn chính xác”, Petr Cech nói. “Tuy nhiên có khá nhiều điều thú vị. Bạn bắt đầu tìm trên Google những phần của lịch sử nước Anh và nhận ra có nhiều điều mình không biết”. Điều đó tóm gọn một hình ảnh về Cech: Anh sẵn sàng ngồi 1 hoặc 2 tiếng khá nhàn nhã để xem TV trong khoảng thời gian chết hiếm hoi của mình, song anh không coi nó là dịp để giải trí mà là cơ hội học hỏi.
Việc Cech cuốn vào một cuộc tranh luận về khủng hoảng Kênh đào Suez (hay bất cứ vấn đề nào khác) không phải quá lạ. Thật khó để bắt Cech đứng yên khi một ngày chỉ có 24 tiếng. Hiện tại anh đang học lấy bằng MBA. Anh chơi trống đủ tốt để vào năm ngoái phát hành một đĩa đơn với tay trống Roger Taylor của Ban nhạc Queen.
Anh thông thạo 5 ngôn ngữ - tiếng mẹ đẻ Czech, ngoài ra là tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha và Pháp - nhưng có thể nói được tận 7 thứ tiếng. Anh thừa nhận rằng không thể viết tốt tiếng Italy và Bồ Đào Nha giống như nói chuyện, cứ như thể đó là khuyết điểm lớn. Anh cũng bắt đầu chạy bộ và thường xuyên cán mốc 10km vào mỗi sáng cuối tuần.
Cựu danh thủ người CH Czech nói rằng tất cả những điều này buộc anh “phải quản lý thời gian cho đúng”. Dù sao đây cũng chỉ là hoạt động ngoại khóa. Anh cũng có một công việc phải suy nghĩ tới. Thực tế, nói chính xác là anh có 2 công việc.
Cech giải nghệ nghiệp cầu thủ vào năm 2019 - sau một sự nghiệp rực rỡ ở Rennes, Chelsea và Arsenal. Anh đã đưa ra quyết định trước khi nó buộc anh phải thực hiện; trong vòng vài tháng, anh phát hiện ra “tâm trí của tôi bắt đầu thể hiện rõ là tôi có một động lực và niềm hạnh phúc mới”.
Anh trở lại phòng gym, miệt mài tập luyện. Như Cech thừa nhận, cuộc đời cầu thủ của anh đã khép lại. Anh nhận được nhiều lời đề nghị làm việc, một trong những thứ hấp dẫn nhất là vai trò Cố vấn Chuyên môn và Kỹ thuật tại Chelsea (mà nhiều người coi là Giám đốc Kỹ thuật).
Anh đã làm công việc này trong gần 1 năm khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Rồi bỗng nhiên, anh trở lại với cuộc đời mà anh nghĩ mình đã bỏ lại phía sau. Cựu thủ môn đội tuyển Czech bày tỏ: “Chúng ta may mắn khi có thể kết thúc mùa giải. Tuy nhiên không ai biết có bao nhiêu cầu thủ sẽ nhiễm virus và chúng có những hạn chế và số lượng nghiêm ngặt.
Bình thường, nếu một cầu thủ bị chấn thương, bạn sẽ đôn cầu thủ từ học viện lên. Song, vì chúng ta phải ở trong bong bóng nên điều đó là không thể. Có thời điểm, chúng tôi thiếu thủ môn nên giải pháp là tôi phải sắn tay vào làm hoặc một HLV thủ môn sẽ nhận nhiệm vụ. Tôi cảm thấy sung sức nên đồng ý”.
Đó được xem là phương án dự phòng trong trường hợp khẩn cấp, tuy nhiên Cech vẫn đủ tốt để làm một lựa chọn khả thi. Anh đã được đăng ký trong danh sách tham dự Champions League mùa giải này của Chelsea.
Dù vậy, trọng tâm chính của Cech, điều mà tất cả những mối quan tâm khác phải xoay quanh, chính là vai trò mới của anh. Theo tiêu chuẩn bóng đá Anh, Cech thuộc dạng hiếm. Ở một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, không ít những cầu thủ đẳng cấp cao bỏ qua công việc huấn luyện mà thay vào đó bước thẳng lên vị trí quản lý ngay sau khi giải nghệ: Marc Overmars và Edwin van der Sar ở Ajax hay gần như toàn bộ ban lãnh đạo của Bayern Munich là ví dụ.
Nước Anh bây giờ mới bắt kịp điều đó. Đa phần khi các CLB Premier League tuyển một giám đốc kỹ thuật, đó được xem là vị trí dành cho một chuyên gia về chuyển nhượng, nói một cách hình tượng thì là người có thể điều hướng dòng nước đầy biến động và khó đoán của thị trường chuyển nhượng bóng đá. Edu Gaspar ở Arsenal và Cech ở Chelsea là những ngoại lệ.
Đối với Cech, sự hấp dẫn của công việc nằm ở chỗ nó khác so với việc chơi bóng. Anh đã suy nghĩ rất thấu đáo về công việc mình sẽ làm sau khi giải nghệ. Anh nói rằng bản thân đã nhận ra sau khi chấn thương sọ vào năm 2006 là “chỉ chậm một tích tắc là cuộc đời anh sẽ kết thúc”. Anh biết mình phải có sự chuẩn bị.
Chính vì thế Cech đã học lấy bằng huấn luyện khi còn đang thi đấu - trong lúc tập trung đội tuyển CH Czech, anh nói “luôn có thời gian” - nhưng anh nhận ra về cơ bản các HLV vẫn sống cuộc đời như một cầu thủ: “Bạn dành thời gian cho tập luyện, di chuyển, đến các trận đấu, ở trong khách sạn. Các thói quen vẫn vậy”.
Ngược lại, một vai trò quản lý “cho phép bạn gần với trận đấu nhưng tổ chức các vấn đề theo một cách khác”. Thách thức là bóng đá trong trận đấu và bóng đá trong toàn bộ ngành công nghiệp là 2 thứ riêng biệt; một cuộc sống này không hoàn toàn chuẩn bị cho cuộc sống khác. Vì thế Cech “bắt đầu từ con số 0”.
Ở một mức độ nào đó, kể từ đấy anh đã được mở rộng tầm mắt. Cech đã đã chọn những người đại diện cho mình khi mới 17 tuổi và đến giờ họ vẫn đại diện cho anh. Anh luôn nói rõ rằng anh không chỉ biết rõ những gì họ đang làm mà cả cách họ làm nữa. Tất nhiên, anh biết hiện tại không phải cầu thủ nào cũng kỹ lưỡng như vậy và không phải người đại diện nào cũng minh bạch.
“Rất nhiều cầu thủ để mọi việc cho người đại diện toàn quyền xử lý. Có nhiều điều trong bóng đá vô cùng đáng kinh ngạc theo nghĩa tiêu cực”, Cech khẳng định.
Bởi tất cả những sự đáng kinh ngạc đó, những kết quả ban đầu cho thấy Cech vô cùng phù hợp với vai trò mới. Hóa ra sự nghiệp cầu thủ của anh không hoàn toàn là không liên quan. Khi còn là cầu thủ, anh luôn tham gia vào các ban liên lạc khác nhau để thể hiện tiếng nói và cảm xúc của cầu thủ với đại diện CLB. Đến nay, anh vẫn cảm thấy rằng nhờ bản năng, anh biết các cầu thủ sẽ phản ứng ra sao trước những tình huống nhất định.
Sự nghiệp thi đấu chói sáng của anh cũng có thể là một lợi thế. Mùa hè vừa qua, anh đã bay tới Đức để gặp Kai Havertz, cầu thủ mà Chelsea đã chi ra 62 triệu bảng. Cech gây ấn tượng với gia đình Havertz không chỉ nhờ những phân tích chuyên sâu mà còn cả sự tinh tế của mình: anh dành nhiều thời gian để thảo luận về việc nuôi dạy con cái ở London và những ký ức của chính anh khi chuyển tới Anh với tư cách một cầu thủ trẻ giống như Havertz 21 tuổi.
Dù vậy, đơn thuần sự xuất hiện của anh đã góp phần thuyết phục Havertz: Tuyển thủ Đức vô cùng ấn tượng khi cầu thủ mà anh từng chứng kiến giành chức vô địch Champions League 2012 đã đến gặp trực tiếp mình.
Các kỹ năng khác của Cech cũng rất hữu ích. Đầu năm nay, Chelsea đã cố gắng chiêu mộ tiền đạo Timo Werner. Lúc đó Liverpool cũng đang tiếp cận và HLV Frank Lampard cũng đội ngũ chuyển nhượng Chelsea do Scott McLachlan đứng đầu đang rất muốn tìm ra một lợi thế để vượt lên.
Trong một bữa trưa nọ ở khu tập luyện của CLB, Cech chia sẻ là anh biết nói tiếng Đức. Vì thế nếu anh gọi điện trực tiếp cho Werner thì sao? Những nhân vật tham gia vào thương vụ này coi đó là một thời điểm mang tính quyết định.
Nhưng sau tất cả, có một điều gì đó lớn hơn đã giúp quá trình chuyển đổi công việc của Cech diễn ra suôn sẻ. Vị trí giám đốc kỹ thuật ở mỗi CLB và mỗi quốc gia lại có sự khác biệt. Ở Chelsea, nó giống như một cầu nối gắn kết các bộ phận khác nhau trong chiến lược thể thao của CLB, là mấu chốt đứng giữa đội một, học viện và bộ phận chuyển nhượng. Trong khi đó công việc kinh doanh sẽ do Giám đốc Marina Granovskaia - trên thực tế là Giám đốc Điều hành - đảm nhiệm.
Nói cách khác, công việc giám đốc kỹ thuật đòi hỏi người đó phải biết cân bằng giữa rất nhiều những nhu cầu và sự ưu tiên khác nhau. Đó là một người có thể suy nghĩ thấu đáo để đảm bảo những yếu tố khác nhau có thể được đáp ứng. Đó phải là một người giống như Cech, tức là “không thích lãng phí thời gian”.
Dịch từ bài viết của tác giả Rory Smith trên New York Times.