Pep Guardiola và Jurgen Klopp: Hai nguồn cảm hứng pressing ở Premier League

Tác giả CG - Chủ Nhật 10/04/2022 14:11(GMT+7)

Có thể nói, tác động của những HLV chú trọng vào pressing như Guardiola hay Klopp lên xu hướng chiến thuật ở Premier League là vô cùng to lớn.

 
Khoảng hơn một thập kỷ trước, cách chơi kiểm soát bóng nắm thế độc tôn trong làng túc cầu, gần như mọi người đều cố gắng giữ bóng trong một thời gian dài, còn đối phương thì ngồi im và chờ đợi cơ hội đến để thi triển cách chơi tương tự. Nhưng cuối cùng thì nó cũng có một lời đáp trả tương xứng: thay vì ngồi im, lùi sâu và “mắt chữ o mồm chữ a” với khả năng chuyền bóng tuyệt vời của đối phương, chi bằng cách đội đẩy đội hình lên và cố gắng phá nó.
 
Gây áp lực (pressing) không phải một chiến thuật mới. Nó đã là đặc điểm của Ajax và ĐT Hà Lan trong thời kỳ “Bóng đá tổng lực” cực thịnh những năm 70 của thế kỷ 20 hay của AC Milan do Arrigo Sacchi dẫn dắt cuối thập niên 80. Ở Anh cũng có lịch sử đáng chú ý với cách chơi gây áp lực. Watford do Graham Taylor cũng từng là một đội gây áp lực khá gắt. “Lối chơi của chúng tôi dựa trên gây áp lực lên trái bóng ở bất cứ đâu. Vì thế, ngay cả khi hậu vệ phải của đối thủ cầm bóng sâu bên phần sân của họ, chúng tôi vẫn gây áp lực lên anh ta. Chúng tôi chơi thứ bóng đá cường độ cao, đồng nghĩa rằng chúng tôi phải rất sung sức”, cố HLV người Anh từng chia sẻ như vậy.
 
Nhưng ở xứ sở sương mù khi đó, cách đá này bị chế giễu một cách thiếu công bằng. Để rồi nhiều năm về sau, nó lại trở thành một phần tự nhiên ở Premier League. Trong một nền bóng đá đặt nặng tính thể lực, khả năng duy trì năng lượng và những cú tắc bóng thì việc áp sát, thu hẹp không gian của đối phương không phải vấn đề. Thế nhưng, pressing rất ít khi được nhắc đến trong hai thập niên đầu tiên của kỷ nguyên Premier League (bắt đầu từ năm 1992). Trong khoảng thời gian đó, các đội bóng thường được ca ngợi về tần suất hoạt động, các tiền đạo năng nổ được khen vì áp sát hậu vệ, nhưng thật khó để nhớ ra có đội bóng nào được ngợi ca vì gây áp lực tập thể lên đối thủ.
 
Thế nhưng, từ khoảng năm 2012 trở lại đây, chiến thuật đó lại trở thành khái niệm được nhắc đến nhiều bậc nhất tại Anh với hai nguồn cảm hứng tiêu biểu mang tên Pep Guardiola và Jurgen Klopp. Trong thế giới bóng đá, Barcelona của Pep Guardiola chính là đội bóng đã làm sống lại vai trò của việc pressing trên khắp toàn cầu, đặc biệt là trong mùa giải 2010/2011. Sự áp đảo của Barcelona trong trận chung kết Champions League 2011 trước Manchester United thực sự rõ nét khi họ gây áp lực không ngừng nghỉ và chặn đứng những đường phát triển bóng của đối phương. “Chúng tôi chơi bóng ở phần sân đối thủ nhiều nhất có thể. Chúng tôi là một đội bóng khủng khiếp khi không cầm bóng, vì thế tôi muốn chúng tôi đoạt lại nó nhanh nhất có thể”, Guardiola chia sẻ.
 
Những cảm nhận đầu tiên của bóng đá Anh về pressing có lẽ là vào tháng 4/2010, khi Barcelona hành quân đến sân Emirates đối đầu Arsenal ở tứ kết lượt đi Champions League. Trước trận đấu, người ta nói nhiều đến khía cạnh đây là hai đội chơi kiểm soát bóng, nhưng trong khi Arsenal chỉ đơn thuần giữ bóng thì Barca cân bằng với cả việc phá lối chơi kiểm soát bóng của đối thủ. Arsenal đã bị choáng ngợp bởi cường độ và sự áp sát quyết liệt từ Barca, hậu vệ phải Dani Alves dâng cao đến mức có thời điểm ép hậu vệ trái Gael Clichy của Arsenal đến cột cờ góc.

Dani Alves và Gael Clichy trong trận tứ kết Champions League mùa giải 2009/2010. Ảnh: Getty Images
 
Trong giờ nghỉ giữa hai hiệp, Wenger đã cố gắng khích lệ các học trò gây áp lực giống như đối phương, thế nhưng kết quả là họ không thành công. Việc gây áp lực là công việc đòi hỏi tính tổ chức cao của toàn đội thay vì chỉ dùng nguồn năng lượng đơn thuần. Dù sau đó Arsenal của Wenger đã cân bằng tỷ số 2-2 sau khi bị dẫn trước 2-0 bằng việc tung Theo Walcott vào sân để dùng tốc độ khai thác khoảng trống phía sau hàng phòng ngự Barcelona, thế nhưng điều tổng kết cho sự thống trị của Barca là tương quan dứt điểm trúng mục tiêu của hai đội: 14-2 nghiêng về Blaugrana. Sau trận, Pep Guardiola khẳng định đội bóng của ông đã cầm bóng và hoàn toàn không cho Arsenal chơi bóng.

Một HLV bị ảnh hưởng phong cách pressing của Guardiola là Andre Villas-Boas. Là môn đệ của Sir Bobby Robson và Jose Mourinho, sau chức vô địch Europa League 2011, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đã tri ân hai tiền bối của mình. Nhưng bất ngờ thay, Villas-Boas còn dành sự ca ngợi cho Guardiola, người mà ông chưa từng gặp.
 
“Ông ấy luôn là nguồn cảm hứng cho tôi về cách thức để đội bóng của mình chơi thứ bóng đá ngoạn mục. Trình độ và triết lý của ông ấy là khuôn mẫu cho tôi mỗi ngày”, Villas-Boas, người sau đó dẫn dắt Chelsea, cho biết. Ở Chelsea, ông cho đội bóng của mình chơi với “khối tầm cao” – một thuật ngữ trước đó ít khi được sử dụng ở bóng đá Anh. Villas-Boas là HLV đầu tiên ở Premier League kể từ sau thời George Graham mà chiến thuật được định nghĩa bởi những gì cầu thủ làm khi không bóng thay vì có bóng.
 
Sau đó, khi Villas-Boas trở thành HLV trưởng của Tottenham Hotspur, đội bóng này cũng dâng cao pressing rất gắt. Một đặc điểm nổi bật chính là vị trí đứng rất cao của Hugo Lloris – người đảm nhiệm vai trò “thủ môn quét” (sweeper-keeper) và thường xuyên lao ra ngoài vòng cấm để thực hiện những pha phá bóng. Tất nhiên, pressing là một chuyện, cách áp dụng nó sao cho phù hợp là chuyện khác. Cả hai lần nhà cầm quân người Bồ Đào Nha bị Chelsea và Tottenham sa thải đều vì ông quá ám ảnh với hàng phòng ngự dâng cao – một yếu tố trong hệ thống pressing.
 
Song, ở giai đoạn làm việc tại Spurs, Villas-Boas không còn là nhà cầm quân đại diện cho lối chơi pressing ở Premier League nữa. Khi đó có một gương mặt mới nổi lên là Mauricio Pochettino – người được bổ nhiệm làm HLV trưởng Southampton vào tháng 1/2013. Thời điểm ấy, Pochettino là một nhà cầm quân trẻ đầy triển vọng, một người đặt yếu tố pressing lên hàng đầu trong triết lý huấn luyện. Nguồn cảm hứng chính của ông là Marcelo Bielsa – một trong những thần tượng của Guardiola. Pochettino đã biến Southampton thành một đội bóng khó chịu ở Premier League với lối chơi hấp dẫn. Chính điều đó đã thuyết phục ban lãnh đạo Tottenham mời chiến lược gia người Argentina về làm việc.

Ảnh: Getty Images
 
Tottenham của Pochettino không gây áp lực dữ dội như Southampton của ông, nhưng họ vẫn tập trung vào việc đẩy đội hình dâng cao và thu hẹp không gian của đối phương một cách nhanh chóng. Ngoài ra, họ gây áp lực một cách thông minh khi hai tiền vệ biên di chuyển vào trung tâm mỗi khi đối phương có bóng ở cánh đối diện, điều đó sẽ đẩy đối thủ ra sát đường biên.
 
Về khía cạnh pressing, trận đấu điển hình nhất của Tottenham là ở mùa giải 2015/2016 – trận hoà không bàn thắng trên sân nhà trước Liverpool. Điều đáng chú ý, đó là trận đấu đầu tiên của “Lữ đoàn đỏ” dưới thời Jurgen Klopp.
 
Khi ấy, Klopp đã khẳng định bản thân là một HLV hàng đầu sau quãng thời gian làm việc ở Dortmund. Thứ bóng đá đầy phấn khích của đội bóng vùng Ruhr với những tình huống chuyển trạng thái nhanh, cường độ cao và những bước chạy trực diện đã nhận được nhiều cảm tình của người hâm mộ. Trên hết, lối chơi mà Klopp áp dụng dựa trên khả năng gây áp lực.
 
Cụ thể hơn, hệ thống của Klopp dựa trên gegenpressing, từ tiếng Đức dịch ra có nghĩa là “counter-pressing”. Cách chơi này khác so với cách pressing mà Villas-Boas và Pochettino áp dụng – liên tục khiến đối thủ bối rối ở những khu vực tầm cao. Dortmund của Klopp đôi khi đá theo cách đó, nhưng điểm mấu chốt là cách pressing của họ chủ yếu dựa vào tính thời điểm thay vì vị trí; counter-pressing bao gồm việc gây áp lực ngay lập tức sau khi mất quyền kiểm soát bóng.
 
Gegenpressing đã cố gắng tái định nghĩa lại bản chất được đa số chấp nhận về 4 chu kỳ trong một lối chơi. Cụ thể, một đội bóng sẽ có hai giai đoạn kiểm soát bóng và không kiểm soát bóng. Xen giữa hai giai đoạn đó là những giai đoạn chuyển đổi trạng thái – khái niệm mà Mourinho từng làm bật lên trong thời kỳ đầu ở Chelsea. Nói cụ thể hơn thì bốn giai đoạn đó là: kiểm soát bóng, chuyển đổi trạng thái sang phòng ngự, không kiểm soát bóng, chuyển đổi trạng thái sang tấn công. Và mọi thứ lặp lại. Bạn sẽ luôn ở một trong bốn giai đoạn đó.
 
Tuy nhiên, gegenpressing của Klopp đã thay đổi điều đó – một tình huống gegenpressing sẽ thay thế cho giai đoạn chuyển đổi trạng thái sang phòng ngự và cho phép đội bóng ngay lập tức trở lại trạng thái kiểm soát bóng. Điều này đã hiệu quả ở Bundesliga, một giải đấu mà triết lý các đội dựa trên quá trình chuyển đổi trạng thái. 
 
“Hãy nghĩ về những đường chuyền mà bạn phải thực hiện để cầu thủ ‘số 10’ của bạn ở vị trí mà anh ta có thể thực hiện một đường chuyền thiên tài. Gegenpressing cho phép bạn đoạt lại bóng gần khung thành hơn, và chỉ một đường chuyền cũng có thể giúp bạn có cơ hội tốt. Không tiền vệ sáng tạo nào trên thế giới giỏi như một tình huống gegenpressing tốt”, đó là chia sẻ của Klopp nhiều năm về trước.
 
Giống như Guardiola ở Barcelona, cách chơi mà Dortmund của Klopp thực hiện đã chứng minh sự hiệu quả đến mức triết lý của ông đã được phổ biến một phần ở Premier League từ trước khi ông xuất hiện tại giải đấu này. Nhưng quả thực Klopp đã khơi dậy lại sức sống cho Liverpool sau giai đoạn cuối của Brendan Rodgers ở đây. “Tôi tin vào một triết lý thi đấu giàu cảm xúc, rất nhanh và đầy mạnh mẽ”, Klopp nhấn mạnh trong buổi họp báo đầu tiên trên cương vị HLV trưởng Liverpool.

Jurgen Klopp trong trận đấu đầu tiên dẫn dắt Liverpool. Ảnh: Getty Images
 
Ngay từ trận đấu đầu tiên – cuộc chạm trán Tottenham – dù Klopp mới chỉ nhậm chức vài ngày trước đó và không có nhiều thời gian làm việc với toàn bộ đội hình song hiệu quả đã được thể hiện. Liverpool thi đấu với sơ đồ 4-3-2-1 và thống trị khu trung lộ, họ gây áp lực ngay sau khi mất bóng. Điều này tạo ra một trận đấu giàu tốc độ. Klopp hài lòng với tần suất hoạt động của Liverpool, nhưng chiến lược gia người Đức lại thừa nhận rằng “vấn đề là khi có bóng, chúng tôi thi đấu không đủ tốt, chúng tôi không sử dụng những kỹ năng của mình, chúng tôi quá cuồng nhiệt và không tìm ra phương án đúng đắn”.
 
Sau đó, càng ngày Klopp càng phát triển lối chơi ở Liverpool. Ông không sử dụng tiền đạo truyền thống mà dùng Roberto Firmino – một tiền vệ tấn công – để đá ở vị trí tiền đạo cắm về lý thuyết. Sự năng nổ trong việc di chuyển và gây áp lực của tiền đạo người Brazil là khởi đầu cho đợt pressing mà Liverpool tạo ra. 
 
Trong hệ thống của Klopp, nhiệm vụ của Firmino là chia phần sân ra làm đôi, buộc đối thủ phải để hậu vệ cánh của họ cầm bóng rồi từ đó gây áp lực lên hướng chuyền bóng giữa hậu vệ biên và trung vệ gần nhất, trong khi các đồng đội của anh sẽ dâng cao và áp sát các lựa chọn chuyền bóng gần đấy. Trong giai đoạn đó, Liverpool vẫn thường chơi hay trước các đội mạnh nhưng gặp khó trước các đội bóng yếu, lý do một phần vì các đội mạnh thường áp dụng chiến thuật triển khai từ hàng phòng thủ, và điều đó sẽ kích hoạt hệ thống pressing của “Lữ đoàn đỏ”.
 
Có thể nói, tác động của những HLV chú trọng vào pressing như Guardiola hay Klopp lên xu hướng chiến thuật ở Premier League là vô cùng to lớn. Sau đó, Guardiola đến Manchester City, đưa đội bóng này lên một tầm cao mới trong khi Klopp tiếp tục hoàn thiện Liverpool thành một cỗ máy chiến thắng. Có thể nói Liverpool và Man City, Klopp và Guardiola là những kỳ phùng địch thủ của nhau suốt vài năm qua đồng thời là hình ảnh tiêu biểu nhất cho sự mạnh mẽ của Premier League ở thời điểm hiện tại.

Lược dịch từ cuốn sách “The Mixer” của tác giả Michael Cox.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.