Pep Guardiola và chuyến phiêu lưu thú vị ở Italy

Tác giả CG - Thứ Sáu 24/04/2020 21:34(GMT+7)

Zalo

Cuộc hành trình của Pep Guardiola ở Italy tuy không dài nhưng cũng khá thú vị. Chắc chắn ở đó, ông đã được định hình để trở thành một HLV tài ba về sau này.

Ngày 24 tháng 6 năm 2001, khi tiếng còi chung cuộc trên sân Camp Nou vang lên, Barcelona gục ngã trước Celta Vigo sau 2 lượt trận vòng bán kết với tổng tỷ số 1-4. Thất bại này khiến gã khổng lồ xứ Catalunya trải qua mùa giải thứ 2 trắng tay. Nhưng đáng chú ý hơn, đây còn là đoạn kết buồn, một lời chia tay chua xót với Pep Guardiola.
 
Pep Guardiola và chuyến phiêu lưu thú vị ở Italy hình ảnh
 
Barcelona đã có thời gian chuẩn bị cho sự ra đi của tiền vệ đội trưởng. Ngày 11 tháng 4, Guardiola tổ chức một cuộc họp báo để thông báo quyết định rời khỏi đội bóng chủ sân Camp Nou sau mùa giải 2000/2001. Trưởng thành từ lò đào tạo La Masia, Guardiola đã gây dựng danh tiếng tại Barcelona và giành tới 16 danh hiệu cùng CLB. Tuy vậy bước vào tuổi 30, ông quyết định tìm cho mình một thử thách mới.
 
Guardiola chính là hình ảnh thu nhỏ của Barcelona. Lối chơi của ông phản ánh nét văn hóa do Johan Cruyff truyền tải vào CLB. Ông là một cầu thủ thông minh, có khả năng lựa chọn vị trí xuất sắc và là bậc thầy về sử dụng không gian trên sân bóng. Guardiola đã thể hiện tất cả những phẩm chất này trong suốt quãng thời gian từ đội trẻ lên đội một và chính là một tiền vệ nguyên mẫu cho La Masia.
 
Tuy nhiên, mọi thứ càng về sau càng khó khăn. Mùa giải 1999/2000 là một thất bại to lớn, Barcelona không giành cả Champions League, La Liga lẫn Copa del Rey. Mùa giải tiếp theo mọi thứ gần như không lạc quan hơn là mấy. Họ bị loại khỏi Champions League ngay từ vòng bảng, hành trình tại UEFA Cup cũng không thể đi trọn vẹn, chỉ xếp thứ 4 tại La Liga và tất nhiên là dừng bước ở bán kết Copa del Rey.
 
Đó là mùa giải thảm họa của Barcelona và với Guardiola cũng vô cùng đáng quên. Bởi những chấn thương mà ông phải ngồi ngoài trong toàn bộ 6 trận vòng bảng Champions League của đội bóng, đồng thời ông cũng không còn tái hiện lại được phong độ như những năm trước nữa. Khi hợp đồng ngày càng gần đến thời điểm đáo hạn, ông quyết định thoát khỏi vùng an toàn và nói lời chào tạm biệt với ngôi nhà thân thương.
 
Bản thân Guardiola cũng không chắc điểm dừng chân tiếp của mình là nơi nào. Là cầu thủ tự do trên thị trường chuyển nhượng, ông nhận được không ít những lời đề nghị từ các đội bóng tiềm năng khắp châu Âu, những người rất muốn có sự phục vụ của tuyển thủ Tây Ban Nha. Tuy nhiên sau những năm tháng ở Barcelona, Guardiola muốn chờ đợi và kiên nhẫn trước khi gia nhập một môi trường mới.
 
Sau khi thi đấu trận cuối cùng cho Barca vào tháng 6, Guardiola phải đợi tới tháng 9 để xác định bến đỗ tiếp theo. Với những tính toán kỹ lưỡng, Guardiola quyết định điểm đến này phải có lợi cho tham vọng của ông: World Cup 2002 đang tới gần và ở ngưỡng hoàng hôn sự nghiệp, đó có thể là giải đấu lớn cuối cùng của Guardiola. Do đó, việc được thi đấu thường xuyên là rất quan trọng. Để đảm bảo bản thân luôn sẵn sàng cho bất kỳ thử thách nào, ông đã thuê một HLV cá nhân để duy trì thể lực lẫn phong độ trong suốt quãng thời gian là cầu thủ tự do.
 
Nhiều người nghĩ huyền thoại Barca sẽ gia nhập một đội bóng lớn nào đó bên ngoài Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Guardiola chưa bao giờ làm mọi thứ theo suy nghĩ thông thường và bến đỗ tiếp theo của ông khiến rất nhiều người ngạc nhiên: Brescia Calcio, đội bóng của Serie A.
 
Thời điểm ấy dù những huyền thoại như Gheorghe Hagi hay Roberto Baggio đã và đang khoác áo của Le Rondinelle (biệt danh của Brescia) nhưng rõ ràng đây vẫn chỉ là một đội bóng nhỏ, không hào nhoáng và danh tiếng. Tuy nhiên với Brescia thì bản hợp đồng Guardiola thực sự là bom tấn và họ tỏ ra rất quyết tâm. Trong ngày ra mắt CLB mới, Guardiola chia sẻ: “Đội bóng tìm đến tôi. Họ khao khát có tôi hơn bất cứ đội bóng nào khác trong vài tuần gần đây”.
 
Guardiola đã bị thuyết phục bởi Brescia và viễn cảnh sống ở vùng Lombardy khiến ông tò mò xen lẫn thích thú. Sau khi đã giành phần lớn thời gian sống ở Catalunya thân thương, ông bảo với bạn bè rằng điểm đến tiếp theo sẽ không chỉ phụ thuộc vào bóng đá mà còn ở văn hóa lẫn lối sống nơi ấy. Và Brescia đáp ửng đủ mọi tiêu chí.
 
Gino Corioni, chủ tịch đội bóng trong 22 năm, rất khao khát đưa những ngôi sao toàn cầu về sân Mario Rigamonti. Ông bị ám ảnh với những tên tuổi lớn và đặc biệt hạnh phúc khi đưa Baggio tới vào năm 2000 từ Inter. Do đó, khi Guardiola đặt bút ký vào bản hợp đồng ở Brescia thì chính Corioni là một trong những lý do.

Pep Guardiola Brescia
Pep Guardiola và chủ tịch Gino Corioni của Brescia
 
Cùng thời gian đó, Roma được cho là cũng muốn chiêu mộ Guardiola sau khi họ giành Scudetto mùa giải 2000/2001 tuy nhiên tiền vệ Tây Ban Nha quyết định không tới đội bóng thủ đô vì lo ngại sẽ không có nhiều thời gian ra sân. Như đã nói, ông rất quyết tâm ở mùa giải ấy bởi năm sau sẽ là kỳ World Cup tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
 
Guardiola ngay lập tức gây ấn tượng với HLV Carlo Mazzone. Nhà cầm quân người Italy thực sự ấn tượng khi cậu học trò thường phân tích các trận đấu của đội, tham gia thảo luận cùng ban huấn luyện sau các trận đấu đồng thời thử thách sự nhạy bén chiến thuật. Trong khi hầu hết các cầu thủ Brescia ăn mừng mỗi khi chiến thắng hoặc ủ dột mỗi khi thất bại thì Guardiola có một nỗi ám ảnh riêng: tìm ra những vấn đề và đưa ra các giải pháp.
 
Trong khi thế giới bóng đá tò mò tại sao tiền vệ huyền thoại của Barca chuyển từ Camp Nou hào hoa tráng lệ sang một nơi kém quyến rũ hơn như Mario Rigamonti thì HLV Mazzone cũng có thắc mắc tương tự là điều gì đã đưa Guardiola đến Brescia. Thực tế, mong muốn tận hưởng cuộc sống ở Lombardy đã thôi thúc cựu đội trưởng Barcelona nhưng giấc mơ được thi đấu với một nhân vật cũng là yếu tố quan trọng khiến ông từ chối những lời đề nghị khác thời điểm đó.
 
“Thưa thầy, em muốn thi đấu cùng Baggio. Em đã trưởng thành với những huyền thoại về Baggio, họ đã đưa ra cho em cơ hội này và em thậm chí không cần đắn đo”, lời của Guardiola đã nói với Mazzone mà sau này nhà cầm quân Italy thuật lại. Bộ đôi ấy đã có quãng thời gian tuyệt vời khi sát cánh cùng nhau và các cổ động viên Brescia cũng hết sức yêu mến họ. Được chứng kiến 2 huyền thoại bóng đá khoác lên người chiếc áo xanh biểu tượng thực sự là điều gây phấn khích.
 
Guardiola giành sự kính trọng cho đàn anh và thể hiện tình cảm ấy với tiền đạo Italy trong chiến thắng 3-0 trước Fiorentina ngày 21 tháng 4 năm 2002. Sau nhiều tháng ngồi ngoài, Baggio đã trở lại đội hình thi đấu từ băng ghế dự bị. Hiệp 1 khép lại với tỷ số 1-0 nghiêng về Brescia do công của Luca Toni. Đội bóng vùng Lombardy đang rất cần điểm để thoát khỏi nhóm xuống hạng và Baggio được tung vào sân để giúp họ hoàn tất chiến thắng.
 
Các cổ động viên trên sân Mario Rigamontti đã đứng dậy để dành cho tiền đạo của họ những tình cảm nồng nhiệt. Còn Guardiola, ông có cách của mình. Nhận ra Baggio sẽ trở lại thi đấu sau quãng thời gian dài, Guardiola đã tháo chiếc băng thủ quân và trao nó lại cho tiền đạo Italy. Cả 2 đưa đẩy chiếc băng đội trưởng cho nhau khiến Mazzone tức giận và yêu cầu họ cần giải quyết nhanh vấn đề này. Cuối cùng, Guardiola cũng được toại nguyện. Còn Baggio trận đó đã ghi 2 bàn để giup đội bóng của mình giành chiến thắng quan trọng.
 
Mazzone không phải người theo chủ nghĩa lãng mạn, tuy vậy ông thừa nhận và đánh giá cao hành động của Guardiola. Và ông đã dự đoán chính xác tương lai của cậu học trò. “Peppe này, ngày hôm nay chúng ta giành chiến thắng thì phải gửi lời cảm ơn đặc biệt tới cử chỉ của cậu. Cậu sẽ trở thành HLV xuất sắc nhất thế giới trong tương lai”, Mazzone nói với Pep Guardiola.
 
Mùa giải đầu tiên của Guardiola đã kết thúc với những khoảnh khắc tích cực, bên cạnh đó ông cũng giúp đội bóng xếp thứ 13 trên bảng xếp hạng, hơn nhóm xuống hạng 1 điểm. Trong vai trò tiền vệ phòng ngự, là cầu nối giữa hàng phòng ngự và những cầu thủ tuyến trên, Guardiola thường lùi thấp để cầm bóng, xử lý thật đơn giản và tạo nền tảng cho giai đoạn tấn công.

Pep Guardiola Roberto Baggio
Pep Guardiola trao lại băng đội trưởng cho Roberto Baggio. Phía sau là sự sốt ruột của HLV Carlo Mazzone.
 
Những đường chuyền chính xác của Guardiola khiến những pha di chuyển sắc bén của các đồng đội càng trở nên nguy hiểm hơn. Tuy vậy mọi thứ không phải màu hồng. Nếu những năm tháng cuối cùng khoác áo Barcelona, chấn thương là thứ cản trở tiền vệ Tây Ban Nha thì trong mùa giải 2001/2002 là một lý do khác. Sau chiến thắng 1-0 của Brescia trước Piacenza vào tháng 10 năm 2001, ông đã không vượt qua bài kiểm tra doping và dương tính với chất nandrolone. Chỉ 2 tuần sau, ông lại nhận kết quả xét nghiệm dương tính sau thất bại 0-5 trước Lazio.
 
Guardiola bị treo giò 4 tháng, đồng nghĩa bỏ lỡ 16 trận đấu cho Brescia. Tuy nhiên ông quyết tâm chứng minh sự trong sạch của mình và theo đuổi cuộc chiến pháp lý kéo dài. Năm 2005, sau khi đã rời Italy, ông kháng cáo không thành công và bị tòa án Brescia tuyên án tù treo 7 tháng. Tuy vậy, theo luật Italy, Guardiola không buộc phải ngồi tù nếu đó là hành vi phạm tội lần đầu tiên và bản án không kéo dài quá 2 năm.
 
Guardiola đã nghiên cứu kỹ càng về luật phòng chống doping trong thể thao. Với sự giúp đỡ của người bạn thân Manuel Estiarte, ông đã kháng cáo thành công vào năm 2007. Đến năm 2009, Ủy ban Olympic của Italy (CONI) quyết định mở lại vụ án và Guardiola lại phải ra hầu tòa ở Brescia. Tuy nhiên, kháng cáo của ông vẫn được chấp thuận và dù đã phải chờ gần một thập kỷ thì HLV trưởng Barcelona thời điểm ấy cuối cùng cũng được chứng minh vô tội.
 
Rõ ràng danh tiếng của Guardiola vào năm 2001 đã bị ảnh hưởng bởi điều này. Ông chỉ có 12 lần ra sân cho Brescia trên mọi đấu trường trong mùa giải đầu tiên chơi bóng tại Italy. Với một người đã từng tạo dựng tiếng vang và vị thế ở Barcelona thì đó quả là điều đáng thất vọng. Đoàn quân của Mazzone bị ảnh hưởng bởi sự thiếu vắng ấy: họ chỉ thắng 2 trận ở Serie A trong suốt giai đoạn đó. Tuy nhiên sau khi trở lại, tuyển thủ Tây Ban Nha lại thể hiện màn trình diễn đẳng cấp trong chiến thắng 3-0 trước Perugia.
 
Lúc này, viễn cảnh tham dự World Cup 2002 của ông đang bị ảnh hưởng nặng nề. Chắc chắn ông sẽ bỏ lỡ 2 trận vong loại cuối cùng của Tây Ban Nha và rồi sau đó, Guardiola bị HLV José Antonio Camacho loại khỏi giải đấu. Lúc này, trong đội đã có một tài năng 22 tuổi trưởng thành từ  La Masia, tiền vệ đang khoác áo Barcelona có tên Xavi.
 
Điều này khiến Guardiola vô cùng thất vọng nhưng nó không ngăn ông bước tiếp trong sự nghiệp. Mùa hè 2002, Roma trở lại và lần này, tiền vệ người Tây Ban Nha quyết định gia nhập đội bóng thủ đô. Ở đây ông sẽ có cơ hội tận hưởng lại bầu không khí Champions League và quan sát những phương pháp huấn luyện của Fabio Capello. Và một lần nữa, việc trải nghiệm lối sống mới lại đóng vai trò quan trọng trong quyết định của Guardiola. Ông rất hào hứng khi chuyển từ Brescia tới Rome. Ngôi nhà mới của ông cách đền Pantheon không quá xa, một nơi thực sự lý tưởng để trải nghiệm văn hóa Italy.
 
Với AS Roma, họ rất muốn chiêu mộ tiền vệ mới để bổ sung lực lượng sau khi để mất chức vô địch Serie A với 1 điểm ít hơn Juventus. Franco Sensi, chủ tịch I Giallorossi, là người rất hâm mộ Guardiola và đã muốn chiêu mộ cựu thủ quân Barcelona về sân Olimpico từ năm 1998. Trong khi đó, Capello lại thích có một tiền vệ thiên về sức mạnh hơn như Edgar Davids của Juventus nhưng ý chí của Sensi là không thể lay chuyển.
 
Mazzone không hề muốn mất Guardiola tuy nhiên khi AS Roma ngày càng nổi lên như một bến đỗ tiềm năng thì HLV trưởng Brescia đã khuyến khích cậu học trò rời đi. Nhà cầm quân sinh năm sinh năm 1937 nói với Guardiola rằng: “Pep này, giúp tôi một việc nhé. Nếu cậu thực sự không muốn ở lại, hãy tới Roma vì Roma là đội bóng phù hợp dành cho cậu”. Mazzone, một người sinh ra tại Rome, đã dẫn dắt gã khổng lồ của bóng đá Italy từ năm 1993 đến 1996 và ông hiểu đội bóng Guardiola đến sẽ đến đặc biệt như thế nào.
 
Tuy vậy, xét trên khía cạnh bóng đá thì thương vụ này không hề sáng suốt. Lý do là bởi Capello không dành một vị trí trong đội hình cho Pep Guardiola và hệ quả là ông chỉ có 6 lần ra sân trong 189 ngày tại thủ đô. Tiền vệ người Tây Ban Nha chỉ đá chính vỏn vẹn 3 trận - 1 trong số đó là thất bại 0-3 trước Real Madrid ở Champions League - và phải ra đi trong kỳ chuyển nhượng mùa đông.

Pep Guardiola AS Roma
Lần ra sân hiếm hoi của Guardiola ở AS Roma.
 
Đây chính là thương vụ điển hình của việc chiêu mộ một cầu thủ vì tên tuổi anh ta chứ không phải vì anh ta phù hợp với triết lý và chiến lược của HLV. Capello miễn cưỡng để Roma chiêu mộ Guardiola và điều này được thể hiện trong giai đoạn đầu mùa giải. Guardiola không mạnh mẽ cũng không nhanh nhẹn. Ông chỉ thi đấu tốt nhất khi tự tin vào khả năng đọc trận đấu xuất sắc; nói cách khác, trí thông minh của ông đã che lấp điểm yếu thể chất. Thật không may, hệ thống của Capello lại đòi hỏi các cầu thủ có sức mạnh cũng như ít chỗ cho các cựu binh.
 
Tuy nhiên, cả Capello lẫn Guardiola vẫn giành cho nhau sự tôn trọng. Guardiola thường học hỏi phương quản trị, huấn luyện của nhà cầm quân huyền thoại người Italy: cách ông điều hành các buổi nói chuyện trong đội, các khái niệm chiến thuật, mối quan hệ với các cầu thủ.
 
Capello nhận xét về cậu học trò như sau: “Cậu ấy là một trong vài trí thức mà tôi thấy trong phòng thay đồ. Sự hiểu biết nằm ở chỗ cậu ấy suy nghĩ đến rất nhiều thứ. Tất nhiên là có bóng đá rồi, nhưng ngoài ra còn cả văn học và những điều liên quan tới văn hóa nữa”. Có rất nhiều cầu thủ nói nhiều cũng như không. Còn Guardiola luôn nói chuyện chính xác, đúng trọng tâm”.
 
Cựu đội trưởng Barcelona vẫn luôn là một người có tư duy rất nhanh nhạy cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Và tại Roma, ông đã khẳng định mình chính là một thủ lĩnh dù không thể thể hiện trình độ chơi bóng ở trên sân. Tiền đạo Marco Delvecchio cũng có cùng quan điểm với Capello: “Khi đó anh ấy đã sẵn sàng trở thành một HLV. Nếu bạn ngồi cạnh anh ấy ở cabin, hãy lắng nghe anh ấy nói. Anh ấy luôn biết can thiệp ở đâu khi có những điều không ổn với đội. Anh ấy thực sự có tư tưởng rõ ràng về bóng đá. Anh ấy thấy trận đấu sẽ diễn ra như thế nào trước mọi người”.
 
Sau tất cả, Guardiola đã quen với việc theo dõi trận đấu từ đường biên và hiểu những gì đang diễn ra. Năm 2009, khi cùng Barcelona trở lại Rome để đối đầu Manchester United trong trận chung kết Champions League, ông đùa: “Tôi hiểu băng ghế ở sân Olimpico hơn là sân bóng”. Và Capello quyết định rằng Guardiola rời Roma trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2002/2003 là điều tốt nhất mặc cho trợ lý Franco Baldini ra sức khuyên ngăn. Ông thi đấu không hẳn tệ mà chỉ là không phù hợp với triết lý của HLV trưởng. Trong khi đó,  tiền vệ trẻ Daniele De Rossi đang trưởng thành và sẵn sàng lấp vào vị trí của Guardiola.
 
Dù vậy, De Rossi thừa nhận anh đã nhận được rất nhiều lời khuyên từ người đàn anh và khẳng định tầm ảnh hưởng của Guardiola tại Roma. “Anh ấy cố gắng truyền đạt những ý tưởng bóng đá của anh ấy, những nguyên tắc, ngay cả những điều sau đó anh áp dụng tại Barcelona, cho những cầu thủ trẻ như tôi và Alberto Aquilani”, cựu tiền vệ Roma bày tỏ.

Pep Guardiola AS Roma
Từ trái sang: Vicenzo Montella, Pep Guardiola, Vincent Candela.
 
Sau khi chỉ có 18 lần ra sân trong 2 năm ở Italy, thật bất ngờ khi Guardiola vẫn muốn tiếp tục kéo dài sự nghiệp ở các đội Serie A. Brescia lại chào đón ông trở lại chỉ sau vài tháng. Một lần nữa, Guardiola lại bừng sáng trong màu áo xanh của Le Rondinelle bằng những đường chuyền và khả năng phát động tấn công. Sự trở lại này giúp Brescia thăng hoa trong giai đoạn sau của mùa bóng và giành vị trí thứ 9 chung cuộc, chỉ kém Roma 7 điểm - đội bóng có mùa giải thất bại với vị trí thứ 8.
 
Kết thúc mùa giải 2002/2003, chuyến hành trình sự nghiệp cầu thủ ở châu Âu của Guardiola cũng khép lại. Ông chuyển tới Qatar để đầu quân cho Al Ahli. Tuy nhiên, dù chuyến hành trình của Guardiola tại Brescia nói riêng và Italy nói chung không dài nhưng vẫn là một kỷ niệm đáng nhớ. Năm 2011, sau nhiều năm rời xa Brescia, ông trở lại nơi đây. Ông vẫn luôn giữ tình cảm dành cho CLB cũng như mối quan hệ thân thiết với gia đình chủ tịch Gino Corioni. Ông Corioni đã quyết định mời HLV trưởng Barcelona khi đó đến quan sát buổi tập của HLV Giuseppe Ianchini với đội trước khi ở lại ăn tối. 
 
Lúc này, Guardiola đã là HLV tài năng bậc nhất thế giới. Corioni không ngần ngại đề nghị cựu cầu thủ của mình một ngày nào đó sẽ trở lại Lombardy để dẫn dắt đội bóng chủ sân Mario Rigamonti. Guardiola đáp: “Thưa chủ tịch, nếu trở lại Italy làm việc, tôi sẽ chỉ dẫn dắt Brescia mà thôi. Và tôi sẽ làm việc miễn phí”.
 
Nghe lời khẳng định này có lẽ hơi cường điệu, tuy nhiên có một điều chắc chắn là tình cảm mà Pep Guardiola dành cho Brescia là thật. Guardiola có đến Italy làm HLV ở Serie A hay không vẫn là câu chuyện tương lai. Ông đã thống trị ở Tây Ban Nha, Đức và Anh; ông đã cách mạng hóa lối chơi ở mỗi quốc gia mà ông đến làm việc. 
 
Chắc chắn, 2 năm chơi bóng ở Italy đã phần nào định hình nên một trong những HLV vĩ đại nhất mang tên Pep Guardiola. Và có lẽ, Serie A vẫn chưa được chứng kiến những điều tuyệt vời nhất của người đàn ông này đâu.
 
Lược dịch từ bài viết “When Pep went to Italy: The eventful two years in Serie A that helped shape Guardiola” của tác giả Luke Osman trên These Football Times.

CG

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

X
top-arrow