Pep Guardiola: Nhà cách tân không ngừng đổi mới bản thân

Tác giả CG - Thứ Hai 17/05/2021 17:26(GMT+7)

Zalo

Pep Guardiola không ngừng đổi mới, sáng tạo. Đôi khi những thử nghiệm của ông thất bại, nhưng có một điều cần nhớ là nếu không thử nghiệm, bạn không bao giờ phát triển.

Pep Guardiola
Ảnh: These Football Times

Năm 2012, Pep Guardiola tới New York để nghỉ ngơi trong 1 năm. Sau 4 mùa giải huấn luyện và giành 14 danh hiệu cùng Barcelona, chiến lược gia người Catalunya trở thành nhân vật được ngưỡng mộ nhất trong giới cầm quân. Song, ông cần những ý tưởng mới. Ông đã tóm được chúng ở New York thông qua: dự các lớp về kinh tế ở Đại học Columbia, suy nghĩ về chiến thắng của ông Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trò chuyện cùng đạo diễn Woody Allen và kỳ thủ Garry Kasparov. Guardiola “bóng đá hóa” mọi thứ ông học được, áp dụng những kiến thức mà ông thu nạp được vào lĩnh vực của mình.
 
Trong một bữa tối, Kasparov bảo Guardiola rằng: “Thời điểm tôi giành chức vô địch thế giới thứ hai vào năm 1986, tôi đã biết người sau cùng sẽ đánh bại mình”.
 
“Ai vậy?”, Guardiola hỏi. Kasparov trả lời ngắn gọn: “Thời gian”.
 
Thời gian hủy diệt mọi thứ rất nhanh, đặc biệt trong bóng đá. Các HLV giỏi liên tục rơi vào tình trạng trở nên lỗi thời. “Bóng đá là một cuộc tiến hóa”, Guardiola đã chia sẻ như vậy với nhà văn Martí Perarnau. Duy chỉ có ông là liên tục cập nhật, làm mới bản thân. Tuần qua, Guardiola đã giành chức vô địch Premier League cùng Manchester City, chức vô địch quốc gia thứ 9 của ông ở 3 quốc gia trong 12 mùa giải theo nghiệp huấn luyện. Ngày 29 tháng 5 tới, Man City sẽ gặp Chelsea ở chung kết Champions League. Làm cách nào Guardiola đã và vẫn là một HLV hàng đầu của thế giới bóng đá?
 
50 năm trước, Guardiola chào đời tại Santpedor, một ngôi làng tại Catalunya mà nhiều người dân địa phương đã nói thứ ngôn ngữ bị chính quyền thời đó cấm. Khi còn là cậu thiếu niên ở lò đào tạo trẻ của Barcelona, ông đã được HLV trưởng Johan Cruyff, nhà sáng tạo của bóng đá thế kỷ 21, phát hiện. Guardiola gầy gò, chậm và không biết xoạc bóng, song Cruyff đưa Guardiola lên đội một đơn giản vì ông biết đọc trận đấu. Cầu thủ chậm nhất lại chính là người luân chuyển bóng nhanh nhất.
 
“Tôi chẳng biết gì về bóng đá cho đến khi gặp Cruyff”, Guardiola sau này thừa nhận như vậy. Tại Barca, ông đã tiếp thu các nguyên tắc của thứ chủ nghĩa mà Cruyff theo đuổi trong bóng đá: những đường chuyền chéo một chạm ở sân nhà, đoạt lại bóng ngay khi để mất, tạo không gian hoặc thu hẹp nó, và kiên định với những ý tưởng của mình.
 
Ông luôn học hỏi mọi thứ, từ thơ ca của Catalunya cho đến chiến thuật trong bóng rổ. Năm 2008, đội một của Barcelona khiến thế giới bóng đá bất ngờ khi bổ nhiệm HLV trẻ 37 tuổi vào vị trí HLV trưởng, chỉ sau 1 mùa giải ông dẫn dắt Barca B. Trong vòng 10 tháng, ông đã đoạt LaLiga, Copa del Rey và Champions League. “Sự nghiệp của tôi kết thúc rồi vì tôi đã đạt được mọi thứ”, ông nói đùa, hoặc nửa đùa nửa thật.

Pep Guardiola
Pep Guardiola ảnh hưởng nhiều từ người thầy Johan Cruyff của mình. Ảnh: The Mirror
 
Guardiola là một HLV tuân theo lý tưởng của Johan Cruyff, nhưng khắt khe và giàu trí tuệ cảm xúc hơn người thầy. Huyền thoại người Hà Lan từng nói Guardiola và Dennis Bergkamp là những cầu thủ có tầm nhìn xa trông rộng và lý trí nhất ông từng dẫn dắt: “Bạn có thể xin họ lời khuyên vì họ có thể nghĩ về những vấn đề của người khác”. Guardiola cũng có thể nói rõ ý tưởng của mình cho các cầu thủ. Ông áp đặt họ thực hiện “quy tắc 15 đường chuyền” (hoàn thành 15 đường chuyền trước khi cố gắng ghi bàn) và “quy tắc 5 giây” (sau khi mất bóng, dành ra 5 giây để đuổi theo, đoạt lại).
 
Vừa là HLV, ông cũng là một nhà phân tích video. Trong một ngày làm việc, ông có thể dành ra 90 phút để huấn luyện đội bóng và 6 tiếng đồng hồ ngồi trong văn phòng, xem các băng hình về đối thủ trong tương lai. Ông cho biết mình sẽ xem đến khi thấy “cuối cùng thì khoảnh khắc rực rỡ cũng đến khiến nghề nghiệp của tôi có ý nghĩa”.
 
Có thể chỉ trong 1 phút, ông sẽ sung sướng khi phát hiện ra những lỗ hổng chết người trong hệ thống của đối thủ: “Tìm ra rồi, chúng ta sẽ giành chiến thắng”. Sự kiện nổi tiếng nhất có lẽ là một buổi tối tháng 5 năm 2009, Guardiola phát hiện ra khoảng trống trước hàng phòng ngự Real Madrid mà Lionel Messi, cầu thủ xuất sắc nhất trong tay ông, có thể khai thác. 
 
Xavier Sala-i Martín, người bạn của Guardiola và cũng là giáo sư kinh tế của Đại học Columbia, so sánh ông với thương hiệu thời trang Zara, nơi mà cứ khoảng 2 tuần những nhà thiết kế có thể tung ra 1 bộ sưu tập mới. “Pep không ngừng đổi mới”, Sala-i Martín  nhấn mạnh.
 
Hầu như không ai tự nguyện rời FC Barcelona, hoặc tiếp tục đổi mới khi đã lên đỉnh cao, nhưng Guardiola thì khác. Ông nhận ra để tiếp tục học hỏi thì ông phải đi, phải xê dịch. Sau khi rời New York, ông đưa cả gia đình tới Đức và tiếp tục đổi mới bản thân tại Bayern Munich. Ông định hướng lối chơi của đội bóng thiên về trung lộ và tiếp thu tốc độ của bóng đá Đức. Mục tiêu của Guardiola chưa bao giờ chỉ là giành chiến thắng mà ông muốn chơi thứ bóng đá hay nhất.
 
Pep Guardiola thích đánh golf, xem phim, ăn uống và bình luận về chính trị Tây Ban Nha, nhưng không bao giờ kéo dài được lâu. Trợ lý Manuel Estiarte của ông, một người từng là cầu thủ bóng nước huyền thoại, đề ra “luật 32 phút”, nó là quãng thời gian lâu nhất mà Guardiola có thể làm việc gì đó mà không nghĩ đến bóng đá.

Pep Guardiola
Sự sáng tạo, không ngừng đổi mới bản thân giúp Guardiola vẫn duy trì đỉnh cao suốt hơn 10 năm qua. Ảnh: 2020 Visionhaus
 
Năm 2016, Manchester City theo đuổi và cuối cùng chiêu mộ được Pep Guardiola. Ông chọn đội bóng thành Manchester chủ yếu vì niềm tin vào bộ sậu của CLB: trong đó giám đốc điều hành Ferran Soriano và giám đốc bóng đá Txiki Begiristain đã từng làm việc với ông ở Barca. 
 
Guardiola không ngừng đổi mới, sáng tạo. Đôi khi những thử nghiệm của ông thất bại, nhưng có một điều cần nhớ là nếu không thử nghiệm, bạn không bao giờ phát triển. Mùa giải này, ông thường xuyên tung vào sân đội hình không có tiền đạo đúng nghĩa. Vào thời điểm tháng 11, khi đó Man City còn xếp thứ 10 ở Premier League, ông vẫn rất vui khi đang dẫn dắt một đội bóng biết tiếp thu và không hề thỏa mãn với bản thân. Guardiola có một tính cách hiếm hoi trong một công việc đầy sự cuồng loạn mà ông đang tham gia vào: đánh giá quá trình thay vì kết quả.
 
Nhưng tiếp theo, Guardiola sẽ cập nhật, cải tiến bản thân ở đâu? Ông sẽ không thể tìm thấy một môi trường làm việc nào vừa ở trình độ cao nhưng cũng ít xung đột như Man City. “Tôi đã từng ở Tây Ban Nha, Đức và tôi có thể nói rằng ở Anh là giải đấu khó khăn nhất”, chiến lược gia tới từ Catalunya nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, ông sẽ tiếp tục phát triển bởi thế giới quan của ông yêu cầu điều đó. “Các con tôi sẽ giỏi hơn tôi bây giờ. Và các HLV trong tương lai chắc chắn sẽ vượt qua tôi”, Pep Guardiola chia sẻ. Nhưng có lẽ đó là câu chuyện của tương lai chứ không phải hiện tại.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

X
top-arrow