Ngôi vị “Nhà vua”, cầu thủ vĩ đại nhất luôn là chủ đề gây tranh cãi. Pele cũng nằm trong nhóm đó, chỉ có điều sự nghiệp huy hoàng của ông không được điểm tô bởi truyền hình.
Ngoại trừ những ngày tháng đầu tiên của sự nghiệp cầu thủ, Edson Arantes do Nascimento luôn được gọi là “Vua”, biệt danh mà nhà báo, nhà soạn kịch Nelson Rodrigues đặt sau khi chứng kiến Pele 17 tuổi ghi 4 bàn trên sân Maracana.
Rodrigues viết trên tờ Manchete Esportiva vào tháng 3 năm 1958 là điều Pele được thiên phú không chỉ là tài năng mà còn là sự tự tin và niềm kiêu hãnh.
“Trên tất cả, thứ mà chúng ta gọi là hoàng gia, quý tộc nằm ở thần thái. Và Pele có lợi thế đáng kể so với những cầu thủ khác: đó là cậu ấy cảm giác mình hoàn toàn là nhà vua. Khi cậu ấy cầm bóng và rê qua đối thủ chẳng khác nào cậu ấy đang xua đuổi một người dân thường không xứng với mình”, Rodrigues viết.
Địa vị nhà vua của Pele nhanh chóng lan rộng. Sau 2 chức vô địch Copa Libertadores, 2 Intercontinental Cup, 2 danh hiệu World Cup và ghi 1000 bàn trước khi bước sang tuổi 30, ông được ca ngợi là cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại. Sau khi ông giải nghệ, vị thế đó vẫn không hề thay đổi cho đến khi Diego Maradona xuất hiện, tỏa sáng, vô địch World Cup cùng đội tuyển Argentina năm 1986 và đưa Napoli đến vinh quang ở Italy.
Pele không vui khi vị thế của mình bị thách thức. Suốt vài thập kỷ, ông đã công khai công kích Maradona, một đấu sĩ đường phố không lạ gì những lời lăng mạ. Hãy tưởng tượng Pele sẽ cảm thấy sao nếu ông phải cạnh tranh với Lionel Messi. Cầu thủ người Brazil đã dành hơn nửa cuộc đời để khẳng định địa vị bản thân.
Khi được phóng viên tờ Folha de S.Paulo hỏi liệu Messi có xứng đáng là đối thủ hay không, Pele nói: “Một số người lại so sánh những thứ mà họ không nên. Làm sao mà các anh lại có thể so sánh một người chơi đầu tốt, biết dứt điểm chân trái và chân phải với người chỉ chỉ dứt điểm một chân, có một kỹ năng duy nhất và không chơi đầu tốt? So sánh kiểu gì?”.
Ngày hôm nay, Pele bước sang tuổi 80 và ông vẫn còn ám ảnh với câu hỏi đó. Sau hàng thập kỷ kiên quyết bảo vệ di sản của mình, ông vẫn không tin được sao nhiều người lại nghi ngờ ông không phải là cầu thủ vĩ đại nhất.
“Mọi người luôn hỏi tôi: ‘Khi nào thì Pele mới được sinh ra?’. Không bao giờ. Cha mẹ tôi ‘đóng cửa nhà máy’ rồi”, ông chia sẻ trong quá khứ.
Vừa qua là một năm khó khăn với huyền thoại người Brazil. Sau ca phẫu thuật hông, ông đau đớn và phải làm bạn với chiếc xe lăn. Trong khi đó, con trai Pele tiết lộ vào tháng 2 là ông đã bị trầm cảm do không còn thể chất mạnh mẽ một thời. Sau đó đại dịch COVID-19 ập đến cướp đi sinh mạng 150.000 người ở Brazil và chia rẽ đất nước vốn đã mất đoàn kết vì những yếu tố chính trị.
Nhưng tuần này, từ ngôi nhà ở Santos, ông tỏ ra rất lạc quan. Huyền thoại Brazil chia sẻ với The Times: “Giờ tôi đã 80 tuổi rồi, tôi cần cảm ơn Chúa vì đã cho tôi sức khỏe để sống đến giờ này và sự minh mẫn dù không phải lúc nào tôi cũng nhanh trí. Bất cứ nơi nào tôi đi trên thế giới, tôi đều được chào đón nồng nhiệt, những cánh cửa luôn rộng mở chào đón tôi. Tôi hy vọng khi lên thiên đường, Chúa chào đón tôi giống như cách mọi người chào đón tôi ngày hôm nay nhờ tình yêu bóng đá”.
Khi trò chuyện, Pele không nhìn lại quá khứ, song không phải lúc nào cũng thế. Suốt nhiều năm, ông đau đáu việc viết lại di sản của bản thân. Tại Brazil, ông là vua nhưng ở những nơi khác như Argentina hay châu Âu - hiện nay là trung tâm của bóng đá thế giới - Pele và những thành tựu của ông không phải số một.
Bóng đá phát triển, những thứ diễn ra trong quá khứ không thể so sánh với những thứ diễn ra hiện tại. Sky Sports, Premier League và một Champions League với ngày càng nhiều những đội không phải nhà vô địch đã che mờ những điều xảy ra trước đây. Tiền bạc thay đổi mọi thứ bao gồm cả những điều đơn giản chẳng hạn như cuộc tranh cãi “Xuất sắc nhất mọi thời đại”.
Song, sự khó chịu của Pele cũng là điều dễ hiểu. Trong quá khứ, Pele thực sự rất “khủng khiếp”. Đến trước năm 1966, năm mà ông bị loại khỏi World Cup từ vòng bảng, trung bình ông ghi ít nhất 1 bàn mỗi trận ở các trận đấu chính thức. Ở thời đỉnh cao đầu thập niên 60, ông đã làm được những điều mà trước đó chưa ai làm được.
Những năm 1962 và 1963 không chỉ là thời kỷ đỉnh cao trong sự nghiệp Pele mà phong độ của danh thủ Brazil ở giai đoạn đó là xuất sắc nhất với bất cứ cầu thủ bóng đá nào. Trong thời kỳ này, Pele tham dự 11 giải đấu khác nhau trong màu áo Santos lẫn đội tuyển Brazil và 10 lần vô địch.
Ông giành 1 World Cup, 2 Copa Libertadores, 2 Intercontinental Cup, 2 Brazilian Cup, 1 chức vô địch bang Paulista và 1 cúp Rio-São Paulo. Danh hiệu duy nhất mà ông thất bại là Paulista 1963, giải đấu mà Santos thua Palmeiras khi buộc phải chơi một vài trận bằng đội hình dự bị. Suốt giai đoạn đó, Pele đá 79 trận chính thức và ghi 106 bàn. Có thời điểm từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1962, tên ông xuất hiện trên bảng tỷ số ở 20 trận liên tiếp. Tính cả giao hữu, ông ghi 172 bàn trong 124 trận từ tháng 1 năm 1961 đến tháng 12 năm 1962.
Và ông thường làm điều đó bên ngoài vùng an toàn của mình. Trong suốt sự nghiệp 18 năm ở CLB, Pele đá 1116 trận cho Santos nhưng chỉ 210 lần là trên sân nhà Vila Belmiro. Bởi thời gian di chuyển và vì nhiều trận đấu quan trọng được chuyển đến Sao Paulo hoặc Rio để thu hút nhiều cổ động viên hơn, Santos ít khi thi đấu trên sân nhà trước khán giả của mình.
Một trong những lập luận thường được dùng để hạ thấp sự vĩ đại của số lượng bàn thắng mà Pele đã ghi là nhiều trong số đó đến từ các trận giao hữu. Những nghi ngờ là có cơ sở và thật khó để tranh luận rằng những bàn thắng ghi vào lưới đội Hải quân hay Quân đội B có sức nặng tương đương những pha lập công ở Copa Libertadores hoặc World Cup.
Song, Pele chỉ đá 10 phút trong màu áo các đội bóng lực lượng vũ trang và ghi 13 bàn. Những pha lập công trước các đội tuyển hay bang có số lượng ít hơn 70 tuy nhiên chúng ghi vào lưới các đối thủ có những cầu thủ đẳng cấp nhất.
Lập luận càng yếu hơn khi những người đưa ra quan điểm đó đặt câu hỏi về tính chính danh của những pha lập công được ghi trong các trận giao hữu. Mỗi năm, Santos đều thực hiện các chuyến du đấu để kiếm tiền, cách duy nhất giúp họ có thể trả lương cho Pele. Khi ấy, đôi khi họ phải đối đầu những đội hạng ba, nhưng những trận giao hữu thời đó không giống như ngày nay. Những đội bước ra sân đối đầu với nhà vô địch Brazil đều biết họ đang chạm trán một trong những CLB mạnh nhất thế giới và thi đấu hết sức để chứng minh năng lực của mình.
Minh chứng cho điều đó là thành tích đáng nể trước các đội bóng hàng đầu châu Âu. Pele đã ghi bàn vào lưới AC Milan, Juventus, Napoli, Dynamo Zagreb, Red Stal Belgrade, Anderlecht, Panathinaikos và Feyenoord. Ông đã ghi 8 bàn trong 7 trận vào lưới Inter Milan, 6 bàn trong 5 trận trước Roma và 10 bàn trong 7 trận trước Benfica. Pele lập cú đúp trong chiến thắng 5-1 trước Barcelona trên sân Camp Nou; ghi 3 bàn trong chiến thắng 5-3 trước Atletico Madrid và 4 bàn trong thắng lợi 5-2 trước Eintracht Frankfurt.
Và sau đó xét đến vòng chung kết World Cup. Pele đã 3 lần lên ngôi tại ngày hội bóng đá số 1 hành tinh và là cầu thủ duy nhất trong lịch sử làm được điều này. Dù chỉ đóng góp một phần trong chiến dịch năm 1962 vì chấn thương song ông là nhân vật chủ chốt ở 2 giải đấu còn lại. Huyền thoại Brazil ghi 6 bàn ở các vòng tứ kết, bán kết và trận chung kết năm 1958 và nằm trong nhóm chân sút hàng đầu ở Mexico 1970.
Rất nhiều người coi Messi là đối thủ cạnh tranh ngôi vị vĩ đại của Pele, song họ lại khá giống nhau. Cả hai đều là những con người khiêm tốn, được tôn trọng và sự nghiệp của họ gần như chỉ gắn với 1 CLB.
Thế nhưng sự tương đồng lớn nhất là họ gắn kết với bóng đá, không chỉ ở tình yêu với môn thể thao này mà còn là những điều họ mang lại cho nó. Họ là những cầu thủ có tư duy chơi bóng đồng đội, hiểu đây là môn thể thao 11 đối đầu 11 và dù xuất sắc đến đâu thì họ cũng cần đồng đội hỗ trợ. Đối với cả 2, chơi bóng là điều quan trọng nhất còn phàn nàn hay ăn vạ chỉ làm tốn thời gian.
Ngoài ra, họ cũng khác những người đồng hương. Những cầu thủ bóng đá Nam Mỹ mà chúng ta thần tượng hay hâm mộ đều có một khuôn mẫu nhất định. Messi thiếu những phẩm chất của người Argentina, sự tinh quái và ma mãnh đã nâng tầm những người đồng hương của anh như Daniel Passarella, Diego Simeone, Claudio Caniggia, và tất nhiên cả Maradona.
Những cầu thủ Brazil vĩ đại như Garrincha, Romário hay Ronaldinho là những gã trai hư trong khi Pele là “trai ngoan”, ông muốn trở thành tấm gương hoặc được xem như một hình mẫu. Tostão - đồng đội cũ của Pele - chia sẻ: “Pele rất tham vọng giống như những cầu thủ vĩ đại khác. Ngay cả ngày hôm nay, anh ấy vẫn khó chịu và lo lắng khi mọi người so sánh anh ấy với một cầu thủ khác. Anh ấy không cần như thế”.
Tostão tin Pele giỏi hơn Messi. Ông cho rằng ngôi sao người Argentina là một thiên tài còn Pele là thiên tài đầy sức thuyết phục. Hơn nữa, Pele có phẩm chất quyết định mà Messi thiếu: tâm lý. Các đồng đội của Pele là những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới bóng đá nhưng ông vẫn có thể truyền cảm hứng cho họ. Điều quan trọng, Pele ngang hàng với họ, khi ông không thi đấu tốt, các đồng đội sẽ cho ông biết.
Trong khi đó, những cầu thủ xunh quanh Messi có xu hướng tôn sùng anh và đối với họ, siêu sao Argentina dường như ở đẳng cấp khác. Khi Messi tỏa sáng và ghi bàn, không ai có thể ngăn cản anh. Nhưng khi ngọn lửa đó tắt, không ai có thể thắp lên được. Điều này đặc biệt đúng ở cấp độ đội tuyển khi Argentina chưa giành danh hiệu lớn nào kể từ Copa America năm 1993.
Có Messi trong đội, Argentina đã 1 lần lọt vào chung kết World Cup và 3 lần lọt vào chung kết Copa America. Song, chưa lần nào họ lên ngôi. Không có gì phải bàn cãi rằng Messi thiếu tầm ảnh hưởng mà Pele đã thể hiện trong những năm tháng đỉnh cao. Nếu có lời chỉ trích nào nhắm vào Pele thì không phải là chỉ trích ông lạc lõng.
Những người đã được chứng kiến Pele thi đấu như Tostao hiểu tại sao ông lại đặc biệt đến vậy. Nhưng đối với những người trẻ hơn, đặc biệt là những ai sống ở châu Âu, thì rõ ràng họ không có sự kết nối. Họ không biết vì sao những thế hệ đi trước lại tôn sùng ông đến thế. Nguyên nhân không chỉ bởi họ chưa từng xem ông thi đấu mà còn liên quan đến cán cân quyền lực trong thế giới bóng đá giữa châu Âu và Nam Mỹ.
Ngày nay, Premier League phát sóng ở 188 quốc gia trong khi giải VĐQG Brazil chỉ chiếu ở 79 nước. Thế hệ ngày nay không thể tưởng tượng được các giải đấu mà Pele đã tham dự cùng Santos có thể sánh với Premier League hoặc LaLiga. Đối với những thế hệ lớn lên cùng bóng đá hiện đại, ở đó các trận đấu diễn ra với tốc độ cao, các chi tiết được chú ý tỉ mỉ thì quá khứ là thứ gì đó không thể giải thích được.
Chắc chắn các cầu thủ ngày nay khỏe và nhanh hơn các tiền bối của họ. Những yêu cầu về tâm lý là không thể sánh được và họ cũng nhiều nhiệm vụ hơn. Thời nay những cú tắc bóng từ phía sau đã không còn được phép và không có cách nào để bạn thoát khỏi án phạt cho hành vinh nhổ nước bọt vào mặt đối thủ.
Ngày nay, trước và sau các trận đấu sẽ có các chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng, khoa học dữ liệu, các nhà trị liệu phần mô mềm, chuyên gia phân tích video và các HLV hiệu suất giúp các cầu thủ chuẩn bị cũng như hồi phục. Và rõ ràng, thi đấu trên một mặt sân bằng phẳng hơn, xỏ một đôi giày mềm hơn, đá một quả bóng tròn hơn dưới ánh đèn sáng hơn thì thuận lợi hơn nhiều.
Pele và người hâm mộ của ông muốn nhắc nhở mọi người những thực tế này. Những cầu thủ mà ông đối đầu mỗi tuần đều là những cầu thủ trong nhóm xuất sắc nhất mọi thời đại, song với khán giả đại chúng ngày nay họ tương đối xa lạ bởi những Didi, Gerson, Carlos Alberto hay Rivellino đều chưa bao giờ khoác áo một CLB châu Âu.
Thập niên 60, Brazil là trung tâm của vũ trụ bóng đá, quốc gia có giải vô địch mạnh nhất và những cầu thủ hàng đầu, chủ nhân của 3 chức vô địch World Cup. Nhưng ngày nay, bóng đá đang toàn cầu hóa và với thế hệ trẻ, sự hiện diện của các ngôi sao quốc tế từ Đức, Hàn Quốc, Colombia, Tây Ban Nha là minh chứng cho thấy các giải vô địch quốc gia châu Âu đang mạnh hơn.
Một yếu tố quan trọng không được thừa nhận nhưng mang tính quyết định trong cuộc cạnh tranh ngôi vị xuất sắc nhất mọi thời đại chính là truyền hình. Ví dụ, Messi trở thành siêu sao một phần nhờ lượng khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ và sử dụng internet. Truyền hình hiện đại đã giúp đỡ Messi rất nhiều.
Hình ảnh sắc nét, rõ ràng, 32 góc quay khác nhau, những hành động được quay chậm và phân tích chuyên sâu đã giúp sự chói sáng của Messi và những cầu thủ ngày nay được biết đến rõ hơn. Giờ đây, mỗi đường chuyền, bàn thắng hay một pha xâu kim đều có thể là sự kiện mang tính bước ngoặt được phát đi phát lại kèm màn ăn mừng cuồng nhiệt.
Pele thì không có được điều đó. Ông được nhớ đến nhiều nhất chủ yếu nhờ World Cup 1970 không phải bởi lúc này ông ở đỉnh cao mà vì giải đấu năm đó được phát trên truyền hình. Những thước phim đáng nhớ nhất chúng ta có về Pele không phải những gì ông đã làm mà là những tình huống ông suýt ghi bàn.
Minh chứng là tình huống suýt chút nữa ông ghi bàn từ giữa sân trong cuộc chạm trán Tiệp Khắc, cú đánh đầu mạnh mẽ bị Gordon Banks cản lại,… Không tình huống nào trong số này dẫn đến bàn thắng nhưng chúng là những khoảnh khắc in đậm trong tâm trí các khán giả. Mọi người nhớ đến chúng vì chúng được quay màu và có trên YouTube.
Nhưng những khoảnh khắc vĩ đại nhất của Pele lại không được ống kính nào ghi lại. Những gì còn sót lại từ thời hoàng kim của ông chỉ hiện diện qua những thước phim đen trắng, nhiễu hạt và gần như luôn dở dang. Bởi vậy, những thước phim của kỳ World Cup 1970 kém hơn về mặt ý nghĩa nhưng chúng vẫn mang tính huyền thoại. Ngày nay, người trẻ thường nói “Ghi hình lại hoặc nó không bao giờ xảy ra”. Vì vậy đối với họ, những chiến công siêu phàm của Pele gần như là điều khó tin.
Vài giờ sau khi Liverpool loại Barcelona khỏi Champions League mùa giải 2018/2019, CLB Santos đã đăng một tấm hình Pele lên Twitter. Bức ảnh của Santos không hề đề cập đến Messi hay Maradona. Nhưng, nội dung của nó đã nói lên tất cả. Nhà vua mặc hoàng bào, tay cầm quyền trượng, đầu đội chiếc vương miện, ông ngồi trên ngai vàng trong một căn phòng trang nghiêm.
“Chỉ có một mà thôi”, dòng chú thích ngắn gọn như vậy. Và có lẽ Pele cũng đồng ý.
Lược dịch từ bài viết “Pelé at 80: A true great battling for due supremacy in the era of Lionel Messi” của tác giả Andrew Downie trên The Times.