Paulo Ferreira: Nhà vô địch bình dân

Tác giả Ole - Thứ Ba 18/01/2022 17:48(GMT+7)

Sở hữu gương mặt hiền hậu, dáng vẻ thư sinh cùng một lối chơi thanh thoát, nhẹ nhàng, dường như chỉ có sự bình dị mới khiến cho những danh hiệu của Paulo Ferreira trở nên mờ nhạt trong con mắt người đời.

 
 
Mùa Hè năm 2004, bên cạnh những tên tuổi hàng đầu như Deco hay Carvalho thì Paulo Ferreira cũng là một nhân tố được đánh giá rất cao trong đội hình FC Porto. Dưới triều đại HLV Jose Mourinho, khi ấy vẫn còn là một chiến lược gia trẻ tuổi đang gây chú ý khắp châu Âu, Paulo Ferreira thậm chí được xem là một trong những hậu vệ cánh phải hàng đầu thế giới. Chỉ trong vòng hai mùa giải khoác áo đội bóng chủ sân Dragao từ năm 2002 đến 2004, cầu thủ người Bồ Đào Nha đã mang về cho mình những danh hiệu đáng mơ ước, đáng kể nhất là một chức vô địch Champions League, một UEFA Cup cùng hai lần đăng quang giải VĐQG. 
 
 
Tất nhiên, tham vọng của Porto không thể nào đủ sức níu kéo Mourinho và các học trò, những người trẻ tuổi đang ôm trong mình khao khát bước lên đỉnh cao thế giới. Dưới tư cách nhà vô địch Champions League, thành phố London đã trở thành điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp của Paulo Ferreira. Tại Chelsea, anh được tái hợp cùng ông thầy cũ giàu cá tính Mourinho cùng người đồng đội ăn ý Ricardo Carvalho. Rất nhanh chóng, đội bóng chủ sân Stamford Bridge đã có đủ nguyên liệu cần thiết để xây dựng nên một hàng phòng ngự chắc chắn bậc nhất, với Petr Cech trong khung gỗ, bộ đôi trung vệ Terry – Carvalho, William Gallas án ngữ hành lang cánh trái trong khi Ferreira ở cánh đối diện. 
 
Ở thời điểm ấy, Chelsea mạnh tới mức cả Premier League phải bàn tán về bí quyết làm thế nào để có thể ghi bàn vào lưới The Blues. Thậm chí, một tờ báo lá cải ở Anh từng đưa tin “treo thưởng 10.000 bảng” cho cầu thủ đầu tiên ghi được bàn vào lưới Chelsea trong mùa giải mới 2005/06. Phải chờ đến tận cuối tháng 9, khoản tiền này mới chảy vào túi của Luke Moore bên phía Aston Villa, sau khi chứng kiến 6 đội bóng khác nhau liên tục thất bại trong nỗ lực làm tung mành lưới của những nhà ĐKVĐ. 
 
Về phần Paulo Ferreira, đây thực sự là một giai đoạn hoàng kim của cầu thủ người Bồ. Anh thi đấu với phong độ ổn định, chắc chắn và trở thành lựa chọn tối ưu cho hành lang cánh phải đội bóng chủ sân Stamford Bridge. Sở hữu vóc dáng tương đối mảnh khảnh nhưng Paulo Ferreira chưa bao giờ e ngại các tình huống chạm trán “một một” trên sân cỏ khi mà thứ vũ khí mạnh nhất của hậu vệ này chính là khả năng phán đoán. Giống như người đồng đội Carvalho, Paulo Ferreira cũng phòng ngự chủ yếu dựa vào nhãn quan chiến thuật, kinh nghiệm cùng sự nhạy bén của một cầu thủ ở đẳng cấp hàng đầu. Đây chính là những yếu tố quan trọng giúp cho bộ đôi này dễ dàng thích nghi trong môi trường bóng đá Premier League, vốn đề cao sức mạnh, đồng thời mang đến sự yên tâm gần như tuyệt đối cho hàng phòng ngự của HLV Mourinho. 
 
 
Lần lượt những danh hiệu mới đã xuất hiện trong bộ sưu tập của Paulo Ferreira, từ chức vô địch Premier League (2004/05, 2005/06) cho đến FA Cup, League Cup hay Community Shield… Tuy nhiên, chính sự bình dị cùng với thái độ hòa nhã của ngôi sao người Bồ Đào Nha đã khiến cho anh phần nào trở nên kém nổi bật, nhất là khi Chelsea sở hữu quá nhiều cá tính mạnh trong đội hình, như Terry, Lampard, Drogba… Bước sang mùa giải 2006/07, phong độ của Paulo Ferreira bắt đầu đi xuống, cộng thêm sự xuất hiện sau đó của Juliano Belletti trong khi những Michael Essien hay Lassana Diarra có thể chơi đa năng đã khiến cựu cầu thủ Porto không còn giữ được vị trí đá chính. Trong suốt nhiều mùa giải tiếp theo, mọi thứ vẫn không có gì biến chuyển khi mà sân Stamford Bridge luôn trở thành điểm đến của nhiều tân binh đắt giá, kể cả ở vị trí hậu vệ cánh, như Jose Bosingwa hay Branislav Ivanovic. 
 
Mặc dù vậy, Paulo Ferreira vẫn được xem là một trường hợp cực kỳ may mắn khi anh có cơ hội giành được rất nhiều danh hiệu cao quý trong suốt thời kỳ vàng son của Chelsea, bất chấp việc thường xuyên làm bạn với ghế dự bị. Ít người để ý rằng, cả hai danh hiệu vô địch Châu Âu đầu tiên mà The Blues giành được trong kỷ nguyên Abramovich (Champions League 2012 và Europa League 2013) đều có sự góp mặt của Paulo Ferreira. Theo đó, hậu vệ người Bồ Đào Nha cũng chính là một trường hợp hiếm hoi từng giành được cả Champions League lẫn UEFA Cup trong màu áo của hai CLB khác nhau. 
 
Đối với bản thân Paulo Ferreira, sự lựa chọn khoác áo Chelsea vẫn luôn mang đến nhiều hoài niệm, “Tôi đang khoác áo ĐTQG sau kỳ EURO 2004 và Jorge Mendes đã gọi điện cho tôi. Đó chính là thời điểm các phóng viên thấy tôi xuất hiện trên du thuyền của Abramovich, nơi tôi quyết định ký vào bản hợp đồng với đội bóng mới”. 
 
 
Ngoài ra, cựu ngôi sao Porto cũng dành tặng những lời khen chân thành dành cho ông thầy cũ Mourinho, người từng đưa sự nghiệp của anh vươn tới đỉnh cao, “Ông ấy là một con người giàu cá tính và luôn làm việc rất chi tiết. Mourinho muốn giành chiến thắng trong mọi trận đấu. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của mình, ông ấy có thể làm chủ bất cứ tình huống nào diễn ra trên sân”. 
 
Từng chứng kiến một người cha nghiện rượu và qua đời sau một cơn đau tim đột ngột, Paulo Ferreira hoàn toàn thấu hiểu giá trị của cuộc sống yên bình. Thay vì lựa chọn lối sống phóng túng giống như nhiều ngôi sao sân cỏ đương thời khác, hậu vệ người Bồ Đào Nha có phần trầm lắng hơn hẳn. “Thật là phức tạp khi nói về giai đoạn tuổi thơ của mình. Cha tôi nghiện rượu và luôn về nhà trong tình trạng say xỉn, thỉnh thoảng còn gây sự, đánh nhau hoặc tiểu tiện ngoài đường. Tôi cùng các anh mình sau đó đã phải giữ ông ấy ở nhà nhưng rồi điều đen đủi đã đến, ông ấy mất sau một cơn đau tim bất thường”. 
 
Có lẽ, cũng chính bởi những trải nghiệm như vậy mà xuyên suốt sự nghiệp của mình, Paulo Ferreira luôn cảm thấy bình thản trong mọi hoàn cảnh. Giai đoạn còn khoác áo Estoril, CLB chuyên nghiệp đầu tiên, cầu thủ sinh năm 1979 từng trải qua giai đoạn 6 tháng đi… nghĩa vụ quân sự, “Tôi có hai người anh trai, Luis và Delmar, đều tham gia quân ngũ, thế nên tôi thấy việc này hoàn toàn bình thường. Đó là thời điểm Estoril phải xuống chơi ở giải hạng Ba và tôi đã nhờ một đồng đội cạo tóc cho mình trước khi gia nhập doanh trại. Tôi đã đi nghĩa vụ quân sự trong vòng 6 tháng trước khi quay trở lại đá bóng”. 
 
 
Thời điểm hiện tại, ở độ tuổi 42, Paulo Ferreira đang cân nhắc bước vào sự nghiệp huấn luyện, có thể bắt đầu từ một vị trí trợ lý cho chính người thầy cũ Mourinho, “Tất nhiên là tôi luôn muốn làm việc cùng ông ấy rồi nhưng mọi thứ vẫn còn ở phía trước. Ai mà biết được chứ, cuộc sống mà, điều gì cũng có thể xảy ra. Một ngày nào đó, biết đâu tôi sẽ trở thành trợ lý của ông ấy”.
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.