Paul Scholes – Yêu là chết trong lòng một ít

Tác giả Gem - Thứ Sáu 20/05/2016 16:38(GMT+7)

Zalo
Sự nghiệp lẫy lừng của Paul Scholes ở Man United đã được nhắc tới rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó là một Paul Scholes rất khác, một con người trầm lắng, luôn nghĩ về gia đình và cống hiến thầm lặng cho đội bóng.

Paul Scholes – Yeu la chet trong long mot it hinh anh
Paul Scholes – Yêu là chết trong lòng một ít
- Một ngày lý tưởng của anh diễn ra như thế nào?
- Sáng tôi đi tập, chiều về đón con, tối đến thì đưa chúng đi ngủ còn mình tôi ra xem TV một chút.
Từ từ đã, có chút gì đó nhầm lẫn ở đây. Đây có đúng là đoạn phỏng vấn một cầu thủ, một ngôi sao trong một đội bóng có lượng cổ động viên đông nhất nhì không vậy? 
 
Đáng nhẽ ra câu trả lời phải kiểu “Tôi thư giãn cùng đồng nghiệp sau giờ tập luyện căng thẳng, chúng tôi tụ tập ở bar cuối tuần, ngày trong tuần thì nhẹ nhàng la cà pub, tôi đi đánh golf rồi đưa bạn gái đi shopping…”. Đó mới là chuẩn-mốt-cầu-thủ chứ. Chứ trả lời thế kia, ai mà buồn tò mò hay hứng thú đời tư của chàng-cầu-thủ-nhạt-nhẽo này nữa.
 
Nhưng không ai quan tâm cũng được, chẳng tò mò lại càng đỡ phiền, chàng cầu thủ tóc vàng ấy cho rằng ánh sáng flash từ máy ảnh chẳng hợp với mình. Anh có sân khấu cho riêng mình rồi, là sân cỏ với 90 phút để chiến đấu. Anh cũng có những fan hâm mộ cuồng nhiệt và trung thành nhất rồi, là Claire và 3 nhóc tì vẫn đang chờ bố đến đón ở ngoài kia.
 
Paul Scholes – Yeu la chet trong long mot it hinh anh 2
Scholes luôn chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình
Nói một từ để gợi ý cho mọi người biết chàng cầu thủ phía trên là ai? Từ trung thành, tài năng hay trầm lặng? Từ nào cũng đúng cả, vì anh chàng đó có lẽ cũng không mấy quan tâm. Anh ta khi ấy còn mải cầm nhịp trận đấu, chơi bóng, chuyền dài, kiến tạo, sút volley, thân hình nhỏ bé bật lên để đánh đầu dũng mãnh hạ gục thủ môn. 
 
Bài viết này sẽ không đề cập đến bảng thành tích dài ngoằng danh hiệu tập thể mà Scholes giành được cùng United, quãng thời gian 27 năm đầy vinh quang của Sir Alex, đâu thể thiếu được cậu “con trai” cùng dòng màu đỏ. Bài viết này cũng không nhắc lại danh sách phát biểu của các danh thủ, huyền thoại về Paul Scholes. Chỉ cần hiểu ngắn gọn là, người khác nói về Paul Scholes, đều là những lời khen không dứt dành cho một cầu thủ tài năng thực sự như một điều hiển nhiên. Có đúng là ngôi sao trầm lặng hay không, khi ngôi sao đó được cả bầu trời tinh tú công nhận và đề cao. Bài viết này sẽ đề cập đến những góc khác của Paul Scholes – chàng hoàng tử tóc vàng? Không, là cầu thủ lầm lũi với mái tóc vàng thì đúng hơn!
 
ĐỎ VÀ ĐEN
 
Hai màu đối lập trong cuộc đời mỗi người thường là đen và trắng. Nhưng với Scholesy, chính xác hơn đó phải là đỏ và đen. 
 
Phần đỏ tượng trưng cho vinh quang, cho những thành quả anh đã đạt được cùng United. Màu đỏ mang ý nghĩa của một chiến binh không ngừng chiến đấu. Màu đỏ ấy đem những bàn thắng mang tính quyết định của trận đấu. Đó là năm 1999 với bàn thắng gỡ hòa 1 – 1 vào phút 88, nhấn chìm đi hết hy vọng tiến vào bán kết của đội bóng Xanh-đen thành Milan. Dù sau này có vắng mặt trong trận chung kết nhưng ai cũng hiểu rằng, Scholesy đã đóng góp một phần không hề nhỏ. Lại nói đến lần M.U vô địch Champions League năm 2008. Tại trận bán kết, tận dụng đường chuyền sai địa chỉ của Zambrotta bên phía Barcelona, Paul Scholes đã tung ra cú sút không thể cản phá từ ngoài vòng cấm, khiến Victor Valdes và các đồng đội phải buồn bã ra về. Vậy là cả 2 lần M.U vô địch giải đấu cấp cao nhất dành cho CLB tại Châu Âu, chẳng phải chàng trai tóc vàng này đều đóng vai trò quyết định hay sao?
 
Phần màu đỏ có thể hiện hữu trước mắt, còn màu đen, ẩn sau phía con người mãi không chịu bước ra ánh sáng kia. Scholesy cũng có những góc tối của riêng mình, anh chơi ở vị trí cầm nhịp trận đấu, nhưng đôi lúc, đánh rơi một vài nhịp, khi chiếc thẻ vàng thứ 2 được trọng tài rút ra dành cho mình. Vị trí tiền vệ trung tâm không cần quá hào hoa nhưng chí ít phải giữ được sự bình tĩnh. Scholesy cũng bình tĩnh chứ, chẳng qua bởi vì, cá tính của anh là vậy. Đã chơi là chơi hết mình, đội nhà bị phản công à, cần phải lao ra để cản cậu tiền đạo đang chạy như vũ bão kia thôi. Đội bóng tránh được một pha tiếp cận khung thành nguy hiểm của đối phương, nhưng đội bóng đó, cũng đồng thời mất đi một người.
 
Thế mới nói, thứ tình yêu Paul Scholes dành cho United thật kì lạ. Bất chấp và sống hết mình với tình yêu đó. Cũng vào năm 2008, khi Manchester United gặp Zenit tại trận tranh siêu cúp châu Âu. Phút 90 NHM được chứng kiến 1 bàn thắng điên rồ, M.U khi ấy bị dẫn 1 – 2 và bàn thắng đến từ Paul Scholes sau đường tạt bóng của Wes Brown… Nhưng thay vì một cú đánh đầu sấm sét, Scholes lại dùng cánh tay với uy lực như một vận động viên bóng chuyền đưa trái bóng vào lưới. Tất nhiên là trọng tài phát hiện ra hành động này, ông rút chiếc thẻ vàng thứ 2 và yêu cầu cầu thủ mang áo số 18 rời sân. Chàng trai ấy, mất trí trong một vài tích tắc vì muốn có được bàn thắng giải nguy cho đội nhà, rời sân mà vẫn nhận được tràng pháo tay từ người hâm mộ. Cầu thủ xếp thứ 3 trong danh sách các cầu thủ nhận nhiều thẻ vàng nhất trong lịch sử Premier League, nhưng anh ta không bị ai chỉ trích là chơi xấu hay đá láo bao giờ. Phải chăng ai cũng yêu quý nên đều bỏ qua cho anh chàng này?
 
Paul Scholes – Yeu la chet trong long mot it hinh anh 3
Pha ghi bàn bằng tay của Scholes trong trận tranh Siêu cúp với Zenit
Mọi thứ đều có lý do của nó, người ta bỏ qua những lỗi lầm này, vì anh ta đem lại cho khán giả, nhiều giá trị hơn thế. Đó là một nhãn quan thi đấu tuyệt vời, tầm nhìn bao rộng khắp sân. Ở đâu có điểm nóng, ở đó có Paul Scholes. Phận là tiền đạo thì cứ chạy lên khu vực vòng cấm của đối thủ đi, phía dưới đã có Scholes lo, một cú phất bóng loại bỏ hết các cầu thủ đội bạn, bóng sẽ tự tìm đến chân đồng đội Scholes mà thôi. Beckham là một trong những người nắm rõ nhất điều này, không biết bao lần anh nhận đường chuyền từ Paul Scholes, tạt bóng cho cầu thủ bên trong đánh đầu ghi bàn, hay đơn giản chính anh là người kết thúc. Scholes hội tụ mọi yếu tố của một tiền vệ trung tâm mẫu mực. Trong nền bóng đá hiện đại còn mấy ai có khả năng chọn vị trí, sút bóng sống từ tuyến hai, tung ra những cú Volley đẹp mắt như Scholesy. M.U tìm mỏi mắt một Scholes mới, nhưng rõ ràng, bản gốc đẳng cấp với những kĩ năng thượng thừa như thế, tìm bản sao đã khó nói gì đến bản nâng cấp.
 
Thêm một chấm màu đen nữa, khiến cho sự nghiệp cầu thủ của Paul Scholes còn thiếu chút ít để trọn vẹn. Scholes có thể hạnh phúc với danh sách dài các danh hiệu cùng CLB, nhưng nhìn lại bản thân mình, anh chưa từng được vinh danh ở giải thường dành cho cá nhân. Cũng chỉ tại anh thôi, ai bảo mọi kĩ năng đều quá tốt, không phải bình bình mà chẳng qua mọi thứ cứ tốt một cách cao cấp và tương đương nhau. Chẳng cho FIFA thấy được anh có thể hoa mỹ như Ronaldinho, qua người kỹ thuật và dứt điểm lắt léo như Zidane hay sút phạt đẳng cấp như Pirlo, người ta biết trao giải cho anh kiểu gì?
 
Một cầu thủ chỉ trung thành trong một màu áo cũng không phải chuyện hiếm trong thế giới bóng tròn nữa rồi. Maldini như một rào cản khiến đối thủ nản lòng khi phải đối đầu với khung thành Milan trong suốt 24 năm. Totti vẫn mang danh “hoàng tử thành Rome” từ năm 1992 đến giờ. Khi một cầu thủ dành trọn tình yêu cho một đội bóng, anh ta không muốn đi đến nơi nào khác là điều dễ hiểu. Nhưng khi đã có tuổi, các cầu thủ đều hiểu rằng cả vị trí trong đội hình thi đấu chính thức và mức lương của mình sẽ không được đảm bảo. Biết đâu ở cái tuổi đầu 3 đuôi chơi vơi, sẽ có một CLB Mỹ nào đó đề nghị sở hữu anh với một mức lương trên trời thì sao?
 
Những giả thiết này tất nhiên đã không xảy ra, mà nếu có xảy ra, Scholes cũng sẽ buông lời từ chối. Hiểu rõ điều này phải kể đến chủ tịch Inter Milan, ông Morrati đã từng đưa ra lời đề nghị khủng cho United và cả Paul Scholes nhưng câu trả lời của chàng danh thủ này chỉ vỏn vẹn vài chữ: “Nếu ông muốn tôi chơi cho đội của ông, chỉ còn cách ông mua cả CLB này.” Thay vì trung thành “mù quáng” như nhiều người vẫn trêu chọc, Scholesy chứng tỏ mình đã trung thành một cách hết sức có “tầm nhìn”. Anh biết rõ rằng, chỉ ở đây, nơi có Sir Alex và những đồng đội thuộc thế hệ 92, nơi có những người đàn em ưu tú và cả một tập thể CĐV nhiệt thành tiếp lửa đội bóng mỗi tuần, anh mới có thể thi đấu xuất sắc và là chính mình.
 
Nhìn cách một cầu thủ hành xử với CLB, dễ đoán ra được cách anh ta đối xử với tình yêu, hay cụ thể hơn là gia đình của mình. Tuýp cầu thủ trung thành như Paul Scholes, 10 người thì 9 người rơi vào một kịch-bản-cuộc-đời, đó là kết hôn với người bạn thời thơ ấu, hạnh phúc bên con cái và tránh xa những thị phi ngoài sân cỏ.
 
Paul Scholes – Yeu la chet trong long mot it hinh anh 4
Các CĐV tại Old Trafford xếp hình trong buổi lễ chia tay Hoàng tử tóc vàng
Nhưng kịch bản của cuộc đời Paul Scholes, giá như được bình yên như thế. Gia đình Scholes có 3 thiên thần: anh cả Aaron, cô công chúa Alicia và cậu út Aiden. Từ nhỏ Aiden đã không may mắc phải chứng bệnh tự kỉ. Dù cha mẹ tìm đủ mọi cách chữa trị, cậu nhóc vẫn chưa thể hồi phục. Chuyện này được Scholes tiết lộ vào 5 năm trước trong cuốn tự truyện của mình. Giới truyền thông tá hỏa vì sao giờ này mình mới hay tin, nhưng cũng đúng thôi, có bao giờ Scholes nói về bản thân mình đâu. Chẳng ai có thể ép anh ý làm việc mà bản thân không thích, vấn đề nằm ở suy nghĩ “hướng nội” của người đàn ông này mà thôi.
 
Vậy nên đến giờ, tình hình của bé Aiden sau 5 năm cùng gia đình “thích nghi và chiến đấu” với bệnh tật ra sao, chẳng thấy báo nào đề cập đến. Những câu nói cuối cùng của Scholes về chuyện này là, anh và Claire sẽ cố gắng chữa trị cho con, và dù kết quả có thế nào, điều anh mong muốn sau cùng vẫn là con mình có được hạnh phúc bên những người thân và gia đình. Mỗi trận đấu trên sân, Scholes không chỉ thi đấu cho bản thân mình, thi đấu cho đồng đội hay khán giả, anh còn thi đấu cho gia đình, thi đấu cho bé Aiden hằng ngày vẫn đợi anh ở nhà.
 
Ngày hè năm 2013, Paul Scholes chơi trận đấu cuối cùng trong màu áo Quỷ đỏ. Lần này là lần cuối thật sự, anh chào tất cả mọi người và không quên cảm ơn vì quãng thời gian tuyệt đẹp sát cánh bên nhau. Đó chắc chắn là một ngày buồn, như đoạn điệp khúc “TV in Black and White” của Lana del Rey cứ vang vọng…
 
“Living without you is like TV in black and white”
 
Những trận đấu thiếu anh rồi, United sẽ nhạt nhẽo lắm đây, như màn hình TV chỉ còn hai màu đen và trắng…
 
Còn đối với các Mancunians, tình yêu của họ dành cho M.U vẫn vậy, nhưng xem chừng đã “chết” đi một phần máu lửa của ngày xưa rồi. Chiếc áo số 18 cần một người có ý chí mãnh liệt như vậy, chiếc áo số 22 thì rộng quá biết tìm ra ai mặc vừa…
 
Một bài viết của Gem (TTVN)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

X
top-arrow