Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng chính là một bức tranh thu nhỏ của xã hội. Ở đó có mọi hỉ nộ ái ố, vui buồn của cuộc sống. Ở đó có những con người ngày ngày nỗ lực làm việc để cống hiến, có những người có năng khiếu thiên bẩm, chơi bóng đơn giản chỉ vì niềm vui.
|
Paul Gascoigne1 |
Nó có cả những con người với thành tựu vĩ đại sẽ mãi được lưu truyền nhưng đồng thời không thiếu những “nỗi buồn dở dang”, những “nốt trầm” mà khi nhắc lại hay nhớ về, ta chỉ biết thở dài và dùng hai từ “giá như” như một cách để khỏa lấp đi nỗi buồn và sự tiếc nuối.
Nước Anh được xem như cái nôi của bóng đá hiện đại. Giờ đây họ đang có giải vô địch quốc gia hấp dẫn cổ động viên trên toàn thế giới bởi kim tiền, những ngôi sao hàng đầu và tính giải trí vào loại bậc nhất. Bóng đá Anh xưa nay không thiếu những tài năng. Từ thuở “sơ khai” của túc cầu giáo hiện đại, bánh xe lịch sử lăn qua thế hệ vinh quang trên đỉnh thế giới của những Bobby Charlton, Bobby Moore, Gordon Banks và rồi là những Alan Shearer, David Beckham, Michael Owen cuối thế kỉ XX đầu XXI khi Premier League đã gần như là món ăn tinh thần không thể thiếu,… Tất cả làm nên diện mạo của Tam sư qua nhiều thế hệ.
Nhưng đằng sau sự hào nhoáng luôn là những khoảng tối. Dù ở đâu hay bất cứ vấn đề gì, đó là những thứ luôn song hành với nhau. Xứ sở sương mù từng sở hữu một cầu thủ tài năng, thu hút, ấn tượng và cũng đầy tiếc nuối. Anh là Paul Gascoigne.
Sinh ngày 27/5/1967 tại Dunston thuộc vùng Gateshead của nước Anh, cái tên Paul John Gascoigne được đặt dựa vào tên của hai nhân vật nổi tiếng nhất trong Tứ quái huyền thoại The Beatles: Paul McCartney và John Lennon. Anh bộc lộ những năng khiếu bẩm sinh cho môn thể thao vua ngay từ những ngày ấu thơ. Và trải qua các cấp độ của bóng đá học đường, Gascoigne bắt đầu tạo dựng được tên tuổi ở mức độ nào đó và được các tuyển trạch viên của những đội bóng chuyên nghiệp chú ý.
Và ở tuổi 13, Gascoigne chính thức gia nhập Newcastle - đội bóng mà anh cổ vũ và yêu mến - để rồi năm năm sau, Gazza chính thức ra mắt đội một của “Chích chòe” và kí vào bản hợp đồng có thời hạn 2 năm với mức lương 120 bảng/tuần. Anh không mất quá lâu để tạo được dấu ấn của mình trong màu áo đội bóng vùng Đông Bắc nước Anh. Kết thúc mùa giải 1986/1987, Paul Gascoigne được vinh danh cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm và có tên trong đội hình tiêu biểu của giải đấu cao nhất xứ sở sương mù. Lúc này, những sự chú ý đã xuất hiện nhiều hơn, trong đó nổi bật hơn cả là Manchester United và Tottenham Hotspur.
|
Paul Gascoigne trong màu áo Newcastle United |
Một lời hứa gia nhập sân Old Trafford đã được đưa ra với Alex Ferguson. Nhưng tất cả đã không bao giờ có thể trở thành hiện thực. Irving Scholar - chủ tịch khi đó của Tottenham - đã cố gắng làm tất cả để thực hiện một cuộc “lật kèo” ngoạn mục. Ông đưa ra lời đề nghị về một căn nhà nếu Gascoigne chuyển tới London thay vì thành Manchester.
“Tốt, đó là những gì ta đang chờ” - Gazza sau này nhớ lại lời của cha mình khi ấy. Không dừng lại ở đó, ông cũng muốn một chiếc xe hơi và thuyết phục cậu con trai mình liên hệ với Scholar. Và chủ tịch Tottenham một lần nữa hứa sẽ đáp ứng yêu cầu. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Gascoigne nói về những gì xảy ra sau đó:
“Lần này đến lượt chị gái của tôi. Cô ấy nói: ‘Nếu mẹ đã có một ngôi nhà mới và bố có một chiếc xe hơi thì chị muốn một chiếc ghế để nằm phơi nắng’. Tôi lại gọi cho Irving Scholar một lần nữa và nói: Nghe này, ông sẽ không tin đâu nhưng còn một thứ nữa. Nếu tôi kí hợp đồng, ông có thể mua cho chị một chiếc ghế nằm phơi nắng được không?”
Và bản hợp đồng với Gà trống Bắc London đã được kí, một trong những tài năng hứa hẹn nhất nước Anh thời điểm đó đã thuộc về Tottenham Hotspur. Có Gazza trong tay, huấn luyện viên Terry Venables sở hữu một tiền vệ tấn công với kĩ năng đi bóng mạnh mẽ, kĩ thuật cá nhân điêu luyện cùng khả năng dứt điểm chính xác - một điều mà chúng ta có thể bắt gặp ở Wayne Rooney sau này. Ngay trong mùa giải đầu tiên, Paul Gascoigne đã giúp Gà trống cán địch vị trí thứ 6 ở giải vô địch quốc gia. Phong độ xuất sắc của cầu thủ người Anh tiếp tục giúp Tottenham lần lượt cán đích ở vị trí thứ ba và lọt vào trận chung kết FA Cup trong hai mùa giải 1989/1990 và 1990/1991.
Nhưng rồi, chỉ sau 15 phút bóng lăn của trận chung kết FA Cup năm 1991, một pha cao chân của Gary Charles bên phía Nottingham Forest đã cướp đi toàn bộ mùa giải 1991/1992 sau đó của cầu thủ lúc đó mới 24 tuổi vì đứt dây chằng đầu gối. Đó như một lời chào chẳng lấy gì làm vui vẻ cho chuyến hành trình đến với một chân trời mới đầy bất ngờ và thử thách - Serie A.
Những tin tức về việc anh chuyển tới Lazio tràn ngập các trang báo ở nước Anh và Italia. Và điều đó đã thành sự thật. Gascoigne cập bến sân Olympico với cái giá 5,5 triệu bảng cùng mức lương 22 nghìn bảng/tuần. Một bản hợp đồng đầy hứa hẹn với Biancazzurri. Anh trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông Italia.
|
Các CĐV Lazio say mê và ngưỡng mộ chàng cầu thủ ngoại quốc của mình. |
Các cổ động viên Lazio say mê và ngưỡng mộ chàng cầu thủ ngoại quốc của mình. Tầm ảnh hưởng của Gascoigne với các Laziale vẫn rất lớn cho đến thời điểm hiện tại. Các ultra cuồng nhiệt trên khán đài Curva Nord của sân Olympico yêu anh như người hùng Paolo Di Canio của mình. Thậm chí, một cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt đã diễn ra khi anh nhận lời làm khác mời danh dự trong cuộc đối đầu giữa Lazio và Tottenham tại Europa League 2012.
Dino Zoff - huấn luyện viên trưởng thời điểm đó của Lazio - chia sẻ về cậu học trò:
“Gascoigne khiến tôi lo lắng nhiều nhưng thực sự tôi dành một tình cảm rất tốt đẹp cho cậu ấy vì đó là một nghệ sĩ và một chàng trai tốt.”
Nhưng quãng thời gian ở Italia thực sự là một nỗi thất vọng về mặt chuyên môn với tiền vệ người Anh. Ba mùa giải, 41 trận đấu và vỏn vẹn 6 bàn thắng là quá ít so với số tiền mà Lazio đã bỏ ra. Thậm chí, huấn luyện viên Dino Zoff đã từng phải yêu cầu học trò của mình giảm 13kg nếu không muốn đánh mất vị trí của mình.
Những chấn thương như một phần lí do giải thích cho quãng thời gian chơi bóng eo hẹp tại đội bóng thủ đô Italia. Và hồi kết cho quãng thời gian tại đây đã điểm với Gascoigne khi huấn luyện viên Zdeněk Zeman xuất hiện. Gascoigne bị gạt ra khỏi kế hoạch của ông thầy người Séc và được thay thế bằng Roberto Di Matteo. Chỉ vỏn vẹn 2 lần ra sân trong mùa giải cuối cùng như một dấu chấm hết. Gazza quyết định ra đi.
Điểm đến tiếp theo là Scotland với Glasgow Ranger. Anh tiếp tục nhận được sự yêu quý của các cổ động viên nơi đây. Ba năm, 74 trận đấu và 30 bàn thắng và có tên trong danh sách cầu thủ xuất sắc nhất năm của Scotland ngay trong mùa giải đầu tiên là những gì mà ngôi sao người Anh để lại ở xứ Scotland. Nhưng không chỉ có thế. Những tranh cãi, những ẩu đả, những hiềm khích anh tạo ra trong những trận Derby Old Firm với Celtic càng khiến Gazza trở thành thần tượng tại sân Ibrox.
Rời Ranger, Gascoigne tiếp tục lang bạt khắp nước Anh (và thậm chí đến Trung Quốc) để rồi giải nghệ vào năm 2004 ở Boston United. Paul Gascoigne là một tiền vệ có tài năng vượt bậc mà bóng đá Anh từng sản sinh. Bảo tàng Bóng đá Quốc gia Anh mô tả cựu cầu thủ Newcastle và Tottenham là “Tiền vệ Anh có năng khiếu thiên bẩm nhất thời đại của mình”. Người ta sẽ luôn nhớ về anh với những pha đi bóng sức mạnh và tốc độ, bàn thắng tuyệt vời vào lưới Scotland ở Euro 1996 và pha ăn mừng đặc biệt khi nằm im để rót nước vào miệng sau đó. Stuart Peace thì từng ca ngợi Gazza là cá nhân kiệt xuất nhất mà mình từng có dịp thi đấu cùng.
Nhưng tất cả - sự nghiệp và cả con người anh - đều đã bị chứng nghiện rượu phá hoại và che lấp đi quá nhiều. Anh đã từng rất nhiều lần phải đến những trại cai nghiện rượu cả thời điểm trong và sau sự nghiệp cầu thủ.
|
Paul Gascoigne đã tàn tạ quá nhiều vì thói nghiện rượu |
Người ta thường tìm đến hơi men khi có những nỗi u uẩn và góc khuất nào đó cần che giấu. Và có lẽ Gascoigne không tránh khỏi điều đó. Huấn luyện viên Alex Ferguson từng viết về một trong những bản hợp đồng “hụt” của mình trong cuốn tự truyện năm 1999:
“Có một cái gì đó rất kì lạ và hấp dẫn tỏa ra từ cậu ấy. Có lẽ đó là sự dễ tổn thương. Bạn sẽ cảm thấy mình có thể muốn trở thành một người cha hay anh trai của cậu ấy. Bạn có thể muốn bắt tay hoặc cho cậu ấy một cái ôm. Chắc chắn sẽ có điều gì đó truyền đi khi bạn đến với cậu ấy.”
Cựu tiền đạo Gary Lineker thì chia sẻ:
“Một phần của cậu ấy là thiên tài, một phần là những sự lung linh kì diệu. Và thực tế là cậu ấy rất dễ tổn thương. Nếu không có cái phần dễ tổn thương, cái phần vô tư lự đó, nếu không có tất cả những gì đã xảy ra với Gazza thì tôi nghĩ Paul Gascoigne sẽ không trở thành một cầu thủ như thế.”
|
Paul Gascoigne với màn ăn mừng độc đáo đã lùi về quá khứ |
Đã 48 tuổi nhưng có lẽ hiện giờ không còn ai nhận ra một Paul Gascoigne từng làm biết bao người say mê ngày nào. Thay vào đó là những dòng tít: “Gascoigne say ngoắc cần câu”; “Gascoigne khoe thân trên phố”; “Gascoigne phải nhập viện vì say xỉn”…Trong một số báo ra vào tháng Ba vừa qua, The Sun - tờ lá cải hàng đầu nước Anh - đã đăng trên trang nhất của mình hình ảnh một Gascoigne tiều tụy với khuôn mặt bầm dập chảy máu sau một đêm say mèm cùng dòng tít: “Bi kịch của máu” kèm sapo “Trong tuần lễ mà Cruyff qua đời, người hâm mộ sửng sốt với khuôn mặt bị tàn phá bởi rượu bia của một biểu tượng nước Anh”. Quả là “bi kịch” của một thiên tài!
CG (TTVN)