Ngày hôm nay, Patrick Vieira sẽ gặp lại Arsenal, nơi ông đã gắn bó quãng thời gian đẹp nhất sự nghiệp cầu thủ của mình.
Về cơ bản, những kỷ niệm của Patrick Vieira với Arsenal gắn liền với sân Highbury bởi khi đội bóng thành London chuyển sang sử dụng sân Emirates, tiền vệ người Pháp đã rời khỏi đội bóng. Nhưng dịp tái ngộ của ông với Arsenal tới đây vẫn thực sự đáng chú ý, mà như chính HLV trưởng Crystal Palace thừa nhận là “nó sẽ rất giàu cảm xúc”.
Đêm nay (theo giờ Việt Nam) tại sân Emirates sẽ là cuộc chạm trán của hai cựu đội trưởng Arsenal trong hai thời kỳ, hai học trò của Arsene Wenger. Nhưng so với Mikel Arteta, sự nghiệp của Vieira tại “Pháo thủ” đồ sộ và vĩ đại hơn rất nhiều. 9 năm gắn bó, ông giành 10 danh hiệu bao gồm 3 chức vô địch Premier League, trong đó có một chiến tích kỳ vĩ, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Premier League.
“Chiến tích đó lớn hơn tất cả mọi thứ”, đó là chia sẻ của Sir Alex Ferguson về chức vô địch bất bại của Arsenal mùa giải 2003/2004. Cho đến nay, đây vẫn là chiến tích độc nhất vô nhị của Premier League, đội hình năm đó của “Pháo thủ” vẫn là huyền thoại của họ. Và thủ lĩnh của tập thể ấy chính là Patrick Vieira.
Ở Arsenal lúc này chỉ hai huyền thoại được dựng tượng là Thierry Henry và Dennis Bergkamp. Nhưng dù không có một bức tượng nào về Vieira được dựng lên thì tầm ảnh hưởng của ông trong những năm tháng khoác áo Arsenal vẫn rất kỳ vĩ, thậm chí cây bút Nick Ames tin rằng không cầu thủ nào trong đội hình Arsenal thời kỳ đó vượt qua được cựu tiền vệ người Pháp về tầm ảnh hưởng.
Trong khi đó, cây bút Christopher Weir viết trên These Football Times như sau: “Ở thời kỳ đỉnh cao của mình, Patrick Vieira là Death Star (Ngôi sao Tử thần) của bóng đá, một người sở hữu kỹ thuật và thể chất xuất chúng có thể định đoạt các trận đấu bằng một cú tắc bóng chính xác hoặc đường chuyền sắc bén. Nếu Thierry Henry là siêu sao của Arsenal thì Vieira là linh hồn, một sức mạnh không thể cưỡng lại và biến khu vực trung tuyến của anh thành nơi không thể chống lại”.
Ảnh: Getty Images
Vieira đến Arsenal vào năm 1996 sau quãng thời gian khó khăn ở AC Milan. Chính Arsene Wenger - người cũng nắm quyền dẫn dắt “Pháo thủ” vào năm 1996 - đã đề nghị Phó Chủ tịch David Dein chiêu mộ hai cầu thủ người Pháp là Remi Garde và Vieira. Và Vieira đã tạo ra tác động ngay lập tức. Với làn gió mới mà Wenger mang tới - sau quãng thời gian đội bóng thi đấu theo trường phái bảo thủ, cứng nhắc của George Graham - Arsenal kết thúc mùa giải 1996/1997 ở vị trí thứ ba.
Trong quãng thời gian sau đó, Vieira cùng với người đồng hương Emmanuel Petit hợp thành cặp đôi tiền vệ trung tâm xuất sắc của Premier League, họ cùng nhau giành những danh hiệu trong đó bao gồm cú đúp Premier League Premier League và FA Cup trong mùa giải 1997/1998.
Dù vậy, vẫn có những vết gợn về Vieira trong quãng thời gian này. Ví dụ như khi ông nhổ nước bọt vào Neil Ruddock của West Ham khiến ông bị treo giò 6 trận và nộp phạt 45.000 bảng. Năm 2001, ông bày tỏ mong muốn rời khỏi Arsenal vì không hài lòng với hoạt động chuyển nhượng của “Pháo thủ” và cho rằng đội bóng thiếu tham vọng cạnh tranh.
Mùa hè năm đó ông đã gặp Wenger và Phó Chủ tịch Dein chỉ 2 ngày trước chuyến đi nghỉ tới Mỹ để thông báo ý định không gia hạn hợp đồng lần thứ ba. “Vấn đề không liên quan đến tiền bạc. Vấn đề là tham vọng cá nhân của cá nhân tôi. Tôi cảm thấy mình cần thử thách mới sau 5 năm ở CLB. Tôi cảm thấy nếu đến môi trường mới, tôi sẽ bước lên tầm cao khác”, Patrick Vieira chia sẻ trên tờ Mirror vào thời điểm ấy.
Lúc đó Sir Alex Ferguson rất muốn chiêu mộ được Vieira về Manchester United. “Giáo sư” Wenger thì chỉ trích “Quỷ đỏ” vì đã “đi đêm” với tiền vệ người Pháp. Nhưng rồi mọi thứ cũng được giải quyết êm xuôi. Ông trở lại tập luyện trước mùa giải 2001/2002 như bình thường và được bầu làm đội phó của CLB. Mùa giải đó, Arsenal gặt hái thành công khi họ giành thêm một cú đúp Premier League và FA Cup nữa.
Ảnh: Getty Images
Và ông thực sự bước lên đỉnh cao sau khi tiếp quản tấm băng đội trưởng của Tony Adams ở mùa giải sau đó. Vieira thi đấu liên tục, là bức tường thành vững chãi ở tuyến giữa của Arsenal. Với sự xuất hiện của Gilberto Silva, Vieira đã có điều kiện để dâng cao nhiều hơn. Chiến tích vĩ đại nhất của tập thể Arsenal ấy chắc chắn là mùa giải 2003/2004 bất bại.
Nhưng cuộc vui nào cũng đến lúc dừng lại. Năm 2005, Juventus đưa ra lời đề nghị trị giá 14 triệu bảng để đổi lấy sự phục vụ của Vieira. Khi đó, Arsene Wenger cảm nhận thấy học trò của mình đã có phần sa sút trong khi tài năng trẻ Cesc Fabregas đang nổi lên, chính vì vậy Arsenal đã để tiền vệ người Pháp ra đi. Năm 2016, Vieira kể lại về cuộc chia tay của mình với “Pháo thủ” như sau: “Sau 9 năm ở Arsenal, lúc đó tôi đã 29-30 và 30 tuổi trong bóng đá là bắt đầu già rồi.
HLV khi đó không tin tưởng tôi như trước nữa. Đây là một phần của bóng đá. Chúng tôi có cầu thủ trẻ Fabregas, người được đôn lên từ học viện và chơi rất tốt. Chính vì thế tôi cảm nhận thấy thời gian của mình ở Arsenal đã hết.
Tôi phải chấp nhận là đã đến lúc dừng lại và đưa ra quyết định khó khăn vì rời Arsenal, nơi tôi đã gắn bó 9 năm, khiến tôi bị tổn thương một chút. Là cầu thủ, tôi muốn được ra sân mọi trận đấu và tôi quyết định trở về Italy”.
Nhưng chức vô địch bất bại mùa giải 2003/2004 của Vieira cùng tập thể Arsenal năm ấy vẫn là danh hiệu Premier League gần nhất của đội bóng chủ sân Emirates cho đến nay. Và kể từ khi Vieira ra đi, chưa một tiền vệ nào của Arsenal có thể khỏa lấp cái bóng quá lớn mà ông để lại. Abou Diaby đã bị những chấn thương làm khuất phục còn Alex Song chưa bao giờ vươn tới đẳng cấp cao nhất. Và người mới nhất được so sánh với Vieira là Thomas Partey vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng.
Nhưng điều đó cũng nói lên tầm vóc và di sản vĩ đại của Patrick Vieira Arsenal.
Đây là Bryan Mbeumo! Cầu thủ hiện đang đứng thứ hai trong danh sách vua phá lưới tại Premier League mùa này với 8 bàn thắng sau 9 lần ra sân, chỉ kém 3 bàn so với người dẫn đầu là Erling Haaland.
Raphinha có vẻ không thích phỏng vấn lắm, nhưng anh cũng không tỏ ra khó chịu khi được chúng tôi (tờ El Pais – Tây Ban Nha) tiếp cận. Anh nói chậm rãi, lướt qua một số câu hỏi, nhưng không hề né tránh: Raphinha là kiểu người thẳng thắn.
Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.
Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.
Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.