Patrice Evra: "Im lặng là tội ác. Chúng ta không thể tiếp tục im lặng nữa." (P1)

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 30/08/2020 16:18(GMT+7)

Zalo

Người đàn ông 39 tuổi cũng nhớ lại những định kiến đã đeo bám theo anh trong xuyên suốt sự nghiệp cầu thủ, và đến tận lúc này vẫn chưa chịu buông tha cho mình. “Sự im lặng là một tội ác,” Evra nhấn mạnh. “Chúng ta không thể tiếp tục im lặng nữa.”

Cựu hậu vệ của đội tuyển Pháp và Manchester United chia sẻ về việc mình từng hóa trang thành một chú gấu trúc để tuyên truyền thông điệp chống phân biệt chủng tộc và sự ngưỡng mộ của anh dành cho Sir Alex Ferguson.
 
Patrice Evra Im lặng là tội ác hình ảnh
 
“Đôi khi, tôi chẳng hề muốn nói về mấy chuyện này bởi vì, trong thâm tâm, tôi đang khóc,” Patrice Evra tâm sự khi chúng tôi ngồi trên băng ghế yêu thích của anh ở London. Cựu hậu vệ người Pháp dụi đôi mắt của mình, hôm đó là ngày hè nóng bức nhất, và chúng tôi đang nhìn qua sông Thames ở một góc kín đáo của Battersea. Evra đã dẫn tôi đến băng ghế bí mật của anh, vì chúng tôi có thể nói chuyện hơn hai tiếng đồng hồ ở đây về cuộc sống phức tạp mà anh đã trải qua.
 
Những đoạn video mà Evra đăng tải trên Instagram đã thu hút rất nhiều sự chú ý, trong đó, anh hét lên “I love this game” trong khi hát hò các ca khúc của Marvin Gaye, đôi khi có Paul Pogba góp mặt, và thỉnh thoảng hóa trang thành một con gấu trúc như một cách thức hài hước để tuyên truyền thông điệp chống nạn phân biệt chủng tộc.

“Tôi muốn truyền tải thông điệp tích cực đó,” anh chia sẻ, trong khi cũng thừa nhận “nguồn năng lượng đen tối” của bản thân. Sau khi bị xúc phạm chủng tộc, anh đã lao vào đá một fan hâm mộ của Marseille hồi năm 2017. Evra cũng từng phải chịu đựng những hành vi tương tự từ Luis Suárez vào năm 2011. Anh đã chơi trong 5 trận chung kết Champions League và là một trong những cầu thủ được Sir Alex Ferguson yêu thích nhất trong 5 mùa giải vô địch Premier League.
 
Cuộc phỏng vấn này được diễn ra trong một năm 2020 đầy kỳ lạ và khó khăn, rất nhiều biến cố đã xuất hiện. Evra thường làm tôi phải bật cười, nhưng giờ đây, trông anh thật u ám. Anh hồi tưởng lại những ngày tháng mà bản thân – thành viên của một gia đình có đến 24 người con – phải đi ăn mày và trộm cướp trên các con phố ở Paris. Người đàn ông 39 tuổi cũng nhớ lại những định kiến đã đeo bám theo anh trong xuyên suốt sự nghiệp cầu thủ, và đến tận lúc này vẫn chưa chịu buông tha cho mình. “Sự im lặng là một tội ác,” Evra nhấn mạnh. “Chúng ta không thể tiếp tục im lặng nữa.”
 
Evra lớn lên ở Les Ulis, một công xã đầy phức tạp của Paris, nơi đã rèn giũa nên sự kiên cường của anh. Cựu cầu thủ người Pháp hiện tại thông thạo đến 6 ngôn ngữ, nhưng trong giai đoạn đầu đời, những cơ hội vươn mình của anh là vô cùng ít ỏi. “Lần đầu tiên tôi học về người da màu là ở trường, và đó là những bài học liên quan đến chế độ nô lệ. Nói đến nước Pháp, người ta luôn kể về những cuộc cách mạng và Napoleon. Nhưng cứ đề cập đến những người da màu, thì câu chuyện lại gắn liền với chế độ nô lệ. Ngay cả hiện tại, vẫn có những người bạn nói với tôi rằng: ‘Patrice, bọn tớ quý cậu lắm. Nhưng sẽ rất khó để con trai hoặc con gái bọn tớ cặp kè với một người da màu, bởi vì ông bà của bọn tớ sẽ không đời nào chấp nhận chuyện đó.’ Nhưng dù sao thì những con người đó cũng cần phải sống một cách thật mạnh mẽ giống như tôi đã gồng mình lên cả đời.”
 
“Một trong những người anh của tôi tên là Mamadou. Có một lần anh ấy gọi điện xin việc, ngay lúc nói tên mình là Mamadou, người ta cúp máy luôn. Anh ấy đã đổi tên thành Claude và rất nhanh chóng kiếm được một vài công việc. Tôi biết là chuyện này chẳng hề dễ dàng, nhưng chỉ nói không với phân biệt chủng tộc là chưa đủ. Cần phải đưa vấn đề này vào hệ thống giáo dục nữa.”
VIDEO: Park Ji-sung: “Evra là người bạn tốt nhất cuộc đời tôi”
Khi còn ở Manchester United, Patrice Evra và Park Ji-sung là những người bạn thân thiết. Trên trang chủ Manchester United, cựu tiền vệ người Hàn Quốc kể lại...
Patrice Evra: I love this game! (P2)
Sau khi rời Juve, tôi đã đánh mất một phần văn hóa chiến thắng ấy. Giờ đây tôi đã 38 tuổi và cảm thấy đã đến lúc giải nghệ. Hiện tại tôi chưa có kế hoạch gì...
Evra thích thú chỉ vào một chú chim bồ câu bù xù đang trôi trên dòng sông xám xịt. “Tôi rất thích những khoảnh khắc như thế này,” anh nói. “Ngồi ở đây, trò chuyện với mọi người, ngắm những chú chim bồ câu.” Đây chính là điểm hấp dẫn của Evra. Anh nắm chặt lấy tay tôi hoặc reo lên bất cứ khi nào có điều gì đó khiến mình rung động.
 
“Vào năm 17 tuổi, tôi chuyển đến Sicily,” anh chia sẻ, hồi tưởng lại câu lạc bộ chuyên nghiệp đầu tiên mà mình gia nhập, Marsala, thi đấu ở Serie C, vào năm 1998. “Một cậu bé và bố của mình cứ nhìn tôi chằm chằm. Họ đến gần và người bố lên tiếng: ‘Bọn tôi chụp với cậu một bức ảnh được chứ?’ Tôi nghĩ thầm: ‘Quá ngon. Mình trở thành người nổi tiếng rồi.’ Cậu bé bắt đầu chạm vào da tôi. Người bố bảo: ‘Nhưng tại sao cậu không tắm rửa cho sạch sẽ thế?’”
 
Liệu đó có phải là lần đầu tiên họ nhìn thấy một người da đen ở Sicily? “Chính xác. Tôi không tức giận, bởi vì họ đâu có được giảng dạy về vấn đề này. Các đồng đội của tôi cũng vậy. Họ chào đón tôi rất nhiệt tình, nhưng lại đi đặt câu hỏi: ‘Cậu có biết sử dụng điện thoại không thế?’ Tôi nghĩ rằng họ chỉ đơn thuần là thiếu hiểu biết thôi, vậy nên tôi không hề cảm thấy buồn. Tôi yêu Sicily và mọi người ở đó.”
 
Patrice Evra Im lặng là tội ác Chúng ta không thể tiếp tục im lặng nữa (P1) hình ảnh gốc 2
 
“Đã rất nhiều lần người ta ném chuối và giả tiếng khỉ chế giễu khi tôi đang thi đấu. Nhưng những chuyện đó đã giúp tôi trở nên mạnh mẽ, gai góc hơn. Sau vài năm, tôi được mua bởi Monza, đội bóng khi ấy đang chơi ở Serie B. Họ từng có trong đội hình một cầu thủ da đen khác và gọi anh ta là Nero (Da đen trong tiếng Ý). Khi có người hét lên với tôi rằng: ‘Này, Nero, chuyền bóng cho tớ,’ Tôi đã dừng thi đấu ngay lập tức. Sau đó đáp lại: ‘Mày biết là mẹ tao có đặt cho tao một cái tên đàng hoàng. Nó là Patrice. Nếu mày gọi tao là Nero, tao sẽ gọi mày là Bianco di Merda.’ Nghĩa là ‘Cục phân trắng’. Từ đó trở đi, không còn ai gọi tôi là Nero nữa. Có một số người không đủ can đảm để đáp trả giống như tôi. Vậy nên chúng ta cần phải động viên họ hãy dũng cảm lên.”
 
“Chúng ta có thể thi đấu với những chiếc áo mang dòng chữ Black Lives Matter, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc các ông bố bà mẹ dạy cho con họ những gì. Mục đích của việc mặc một bộ trang phục gấu trúc mỗi khi tôi truyền tải thông điệp chống phân biệt chủng tộc là vì tôi muốn dạy dỗ cho bọn trẻ. Những chú gấu trúc có màu đen, trắng và trông mũm mĩm. Tôi muốn bọn trẻ cũng giống như gấu trúc. Sống thật ngầu, vui vẻ, nhưng phải biết tôn trọng mọi người.”
 
Sự tôn trọng của Evra dành cho những vị huấn luyện viên mà anh từng làm việc cùng là rất rõ ràng và anh đã nhấn mạnh về tầm ảnh hưởng của Sandro Salvioni tại Nice trong giai đoạn 2000-2002, đó chính là người đã biến đổi anh từ một tiền đạo trung tâm thành một hậu vệ trái. “Salvioni từng nghĩ tôi là một tên lưu manh vì khi bắt tay với ông ấy, tôi luôn đội một chiếc mũ lưỡi trai. Tôi thường xuyên dính vào các cuộc ẩu đả vì liên tục có người xúc phạm mình, những lúc như vậy, tôi chẳng thể nào giữ nổi bình tĩnh. Ông ấy bảo: ‘Patrice, nếu cậu cứ vô giáo dục như thế, đừng mơ đến chuyện tôi cho cậu thi đấu.’ Salvioni đã thực sự không cho tôi ra sân và vào một ngày nọ, tôi đã lén cào xước chiếc xe của ổng bằng một chùm chìa khóa.”
 
Salvioni có điều tra ra được vụ đó không? “Không hề,” Evra thốt lên. “Tôi đã phát triển theo hướng khác. Một năm sau, tôi bắt đầu chơi bên cánh trái. Sau đó, hậu vệ trái của chúng tôi dính chấn thương trong một trận đấu. Salvioni bảo: ‘Patrice. Chịu khó trám vào vị trí hậu vệ trái nhé.’ Tôi đã chơi tuyệt hay và chúng tôi giành chiến thắng với tỷ số 2-1. Trận đấu tiếp theo, ổng lại nói: ‘Patrice, chơi tiếp hậu vệ trái nhé.’ Tôi đáp: ‘Không. Tôi đâu phải một thằng hậu vệ trái.’ Ông ấy bảo: ‘OK, vậy thì nhường suất đá chính cho đứa khác.’ Tôi đành phải thử sức với vai trò đó một lần nữa. Salvioni nói: ‘Cậu sẽ trở thành hậu vệ trái đỉnh nhất thế giới bởi vì cậu ghét vai trò đó.’”
 
Evra đã có 4 năm khoác áo Monaco, thi đấu dưới sự dẫn dắt của Didier Deschamps, khi họ lọt vào trận chung kết Champions League 2004. “Deschamps là một người thầy có ảnh hưởng rất lớn, bởi vì ông ấy đã dạy cho tôi cách để giành chiến thắng và ông ấy biết ngôi sao đích thực luôn luôn là tập thể. Khi Deschamps rời khỏi Monaco (để chuyển sang gia nhập Juventus), tôi đã đến nhà ông ấy và nói: ‘Ông đã dạy tôi rằng đừng bao giờ bỏ cuộc. Nhưng giờ thì ông lại bỏ cuộc. Ông đã khiến tôi và cả đội vô cùng thất vọng.’”
 
Nhà cầm quân người Pháp đã phản ứng như thế nào? “Deschamps đã đối đãi với tôi y như em trai của mình, bởi vì nhận thấy rằng tôi sẵn sàng chết vì ông ấy. Sau thất bại tại World Cup 2010 (khi Evra dẫn đầu các cầu thủ của đội tuyển Pháp chống đối huấn luyện viên trưởng của họ, Raymond Domenech) Laurent Blanc là người tiếp quản chiếc ghế thuyền trưởng và chúng tôi lại tiếp tục thi đấu không tốt. Tôi đã định từ giã sự nghiệp ở đội tuyển quốc gia, nhưng ngay lúc đó, Deschamps gọi điện thoại cho tôi: ‘Patrice, tôi sẽ là tân huấn luyện viên trưởng. Cậu biết rõ thỏa thuận rồi đấy. Cậu chơi tốt, tôi trọng dụng cậu.’ Và tôi đã tiếp tục thi đấu cho đội tuyển. Chúng tôi đã có một kỳ World Cup tuyệt vời vào năm 2014 và tại Euro 2016, chúng tôi đã tiến đến được trận chung kết. Deschamps là vậy đấy.”
 
Tuyen Phap roi cung se on voi Deschamps?
 
(còn nữa)

Nguồn: Lược dịch từ bài phỏng vấn: “Patrice Evra: 'Silence is a crime. You can’t be in silence any more'”, được thực hiện bởi ký giả Donald McRae, đăng tải trên The Guardian.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow