Patrice Evra: I love this game! (P2)

Tác giả CG - Thứ Tư 31/07/2019 18:44(GMT+7)

Sau khi rời Juve, tôi đã đánh mất một phần văn hóa chiến thắng ấy. Giờ đây tôi đã 38 tuổi và cảm thấy đã đến lúc giải nghệ. Hiện tại tôi chưa có kế hoạch gì cho bóng đá cả Mục tiêu duy nhất của tôi là trở thành người tốt nhất có thể.

Phần 1: Patrice Evra: I love this game! (P1)
Phần 2:

 
3. Một năm sau, tôi gia nhập Monza ở Serie B và đến mùa giải kế tiếp, tôi chuyển đến Nice ở giải hạng Hai Pháp. Thời điểm ấy tôi đá tiền đạo nhưng khi hậu vệ cánh trái dính chấn thương, HLV Sandro Salvioni đã chỉ định tôi đá ở hàng phòng ngự. Tôi rất điên tiết và bảo ông ấy rằng “Ông không thể làm như thế được! Tôi là tiền đạo cơ mà!
”. Vấn đề của tôi là khi ấy tôi đang thi đấu tốt. Một ngày, Salvioni nói với tôi: “Pat này, cậu có biết tại sao cậu lại đá rất hay ở vị trí này không? Vì cậu ghét thi đấu ở đó”.
 
Ông ấy nói đúng. Tôi đã lên tham gia tấn công như điên vì tôi muốn thể hiện cho mọi người thấy mình là một tiền đạo. Tôi chuyển sự tức giận vào trận đấu. Sang năm thứ hai, tôi lọt vào danh sách đội hình tiêu biểu của mùa giải và chúng tôi thăng hạng. Monaco chiêu mộ tôi, họ là một trong những CLB lớn nhất nước Pháp. Tôi được nhận khoản lương lớn lần đầu tiên trong đời.
  

Và tôi mua cho mẹ một căn nhà. Tuy nhiên tôi vẫn phải đối diện với rất nhiều thử thách. Mọi người nói về tôi khi chúng tôi lọt vào chung kết Champions League 2004, nhưng điều điên rồ nhất ở Monaco là sau khi tôi chơi một trận cho đội U21 Pháp. Một cầu thủ đối phương giẫm vào chân tôi và sau đó tôi bị thương rất nặng. Trong bệnh viện, tôi trò chuyện với HLV Didier Deschamps của Monaco rằng “Em đau quá, em không thể thi đấu hay thậm chí là đi lại!”.
 
Tuy nhiên, đội bóng cần tôi nên các bác sĩ đã làm hết sức để đẩy lùi cơn đau. Không hiệu nghiệm. Rồi ai đó từ ban HLV bảo rằng “Sao cậu không ‘về trường cũ’ nhỉ?”
 
Mọi người đáp lại: “Ý anh là gì?”
 
Người kia trả lời: “Tức là đặt một miếng thịt gà vào trong giày của cậu ấy”.
 
Điều này nghe thật là điên nhưng bạn biết tôi mà, đầu óc tôi luôn cởi mở. Và thế là tôi đến cửa hàng thịt ở khu nhà mình. Người bán thịt nói “Cậu muốn cái gì?”
 
“Một miếng thịt gà, nhưng chỉ cần nhỏ thôi”, tôi đáp.
 
“Một miếng nhỏ? Nhỏ thế nào”, người bán thịt hỏi lại.
 
Tôi trả lời: “Tôi sẽ nhét nó vào trong giày”.
 
Anh ta chỉ cười. Còn tôi về nhà cùng với một con gà. Tôi đặt một đôi giày mới: một đôi chiếc có cỡ 42,5 và chiếc còn lại là 44. Tôi đã chuyền được bóng. Ồ. Cảm giác thật ổn. Hơi đau nhưng ổn. Sau đó tôi đã thi đấu với một miếng thịt gà trong giày suốt 4 tháng. Tôi không tập luyện cùng với nó – mẹ sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi vì lãng phí đồ ăn – nhưng trước mọi trận đấu tôi đều ghé thăm cửa hàng thịt.
 
“Chào buổi sáng, Patrice. Vẫn như mọi khi hả?”
 
Con gà giúp tôi thi đấu tốt tới nỗi vào tháng 1/2006, tôi đã được Manchester United chiêu mộ. Các bạn hãy nhớ rằng tôi có trận ra mắt trong chuyến làm khách đến sân của Manchester City, một trận derby lớn. Trận đấu bắt đầu vào lúc 12h45, một điều không bình thường với người Pháp như tôi. Tôi không khoái những bữa sáng truyền thống nên tôi không biết phải ăn gì để sẵn sàng thi đấu. Tôi ăn pasta và đậu. Tôi bị ốm và nôn. Tôi về phòng với nỗi thắc mắc không biết phải làm gì.

 
Liệu có nên nói với Ferguson rằng tôi không thể thi đấu, tôi bị ốm hay không? Không, Patrice, mày không thể! Nhìn mày có vẻ mềm oặt và sợ hãi. Mày phải thi đấu.
 
Trên chuyến xe buýt đến sân vận động, tôi thấy chóng mặt. Trời nắng và rất nóng. Ở Manchester! Thôi nào… Tôi bước lên đánh đầu với Trevor Sinclair. UỲNH! Một cái khuỷu tay va vào mặt tôi, máu chảy khắp nơi. Tôi mất rất nhiều máu. Các bạn có biết các bộ phim hoạt hình mà có một quả bong bóng thể hiện nhân vật đang suy nghĩ hay không? Quả bong bóng của tôi nói rằng “Chúa ơi, những người này quá nhanh, quá khỏe. Khi còn ở Monte Carlo quả thực quá tuyệt…”
 
Kết thúc hiệp một, chúng tôi bị dẫn 2-0. Ferguson nổi trận lôi đình. “Và CẬU, Patrice”, ông quát lên. “Quá đủ dành cho cậu rồi! Từ giờ cậu hãy ngồi xuống và quan sát vì cậu phải học về bóng đá Anh”. Tôi cởi giày, lau chút máu. Chúng tôi thua 1-3, tôi thực sự rất thất vọng.
 
Vài tháng sau, đội tuyển Pháp công bố danh sách tham dự World Cup 2006. Các đồng đội Louis Saha và Mikaël Silvestre của tôi có tên trong danh sách còn tôi thì không. Lần này thì tôi không thất vọng mà phát điên lên. Tôi đã dành cả mùa hè để tập gym, theo dõi các đồng đội đưa tuyển Pháp… tới trận chung kết. Là trận chung kết đấy! Hãy tưởng tượng mà xem! Tôi biết rằng đáng lẽ mình phải có mặt ở đó! Rất nghiêm túc là tôi muốn đập phá mọi thứ. Tôi lao vào tập luyện như điên. Khối lượng tăng lên, tăng rep (số lần tập liên tục trong một hiệp tập) nhiều hơn, đau đớn nhiều hơn. Thậm chí tôi không có ngày nghỉ luôn.
 
Tôi chưa hiểu cần những gì để thi đấu cho United. Tôi nghĩ rằng mình là cầu thủ có tài năng tuy nhiên United còn lớn hơn tất cả mọi thứ. Bạn có thể chơi một trận đấu cúp trước một đội hạng năm và 76.000 khán giả vẫn đến sân. Tại Monaco, chúng tôi thi đấu trước 6.000 người, bầu không khí yên lặng đến nỗi bạn có thể nghe thấy những tiếng nhạc chuông điện thoại phát ra từ khán đài. Tôi không đùa đâu.
 
Khi tôi trở lại tập trung chuẩn bị cho giai đoạn trước mùa giải ở United, tôi đã mạnh mẽ và nhanh nhẹn hơn bao giờ hết. Và sau đó,… tôi không thể bị ngăn cản. Đó là lý do tôi nói rằng trận đấu với City chính là điểm nhấn sự nghiệp của tôi ở United. Tôi cần trải nghiệm đó, tôi cần cảm thấy rằng mình chẳng là ai cả.
 
Đó là điều khiến tôi nhận ra “Bạn phải tập luyện chăm chỉ, anh bạn của tôi à”.
 
4. Tôi cảm thấy mình đã tìm thấy cá tính ở United. Hãy để tôi giải thích điều này. Nếu bạn bước vào phòng thay đồ trước một trận đấu, bạn sẽ nói “Đây là điều không thể”. Chúng tôi ở đó sẽ nhảy và hát. Tôi sẽ làm DJ, chơi nhạc rock, rap, R&B. Nếu Ferguson bước vào – ông ấy sẽ thốt lên kiểu “Thứ âm nhạc quái quỷ gì đây?” – và tôi sẽ bật cho ông ấy nghe một vài bài của Sinatra. Khung cảnh khi đó là một buổi tiệc lớn. Nhưng khi trận đấu diễn ra, và HLV hắng giọng thì giống như thể ai đó đã bật công tắc vậy. Nhạc sẽ bị tắt, những cuộc nói chuyện dừng lại. Chúng tôi trở thành những chiến binh, sẵn sàng chết vì nhau. Sự chuyển đổi thật tuyệt vời.
 
Đó chính là cá tính và sự chuyên nghiệp của chúng tôi ở United. Chúng tôi rất vui vẻ nhưng khi đã đến giờ làm việc thì chúng tôi tập trung làm việc. Nó cũng chính là 100% DNA của tôi, là lý do mà tôi gắn kết với đội bóng. Có thời điểm tôi thực sự cống hiến rất nhiều thời gian cho United đến nỗi nó ảnh hưởng đến cả gia đình mình. Tôi bắt đầu nghĩ “Chà, có lẽ mình đang đi quá xa rồi”.
 
Các bạn có biết tấm biểu ngữ mà người hâm mộ mang theo không? “UNITED, KIDS, WIFE – IN THAT ORDER”.
 
Thật hài hước. Nhưng nghiêm túc mà nói, đó là những điều cần để thành công ở United. Thi đấu cho đội bóng này là đi kèm với rất nhiều trách nhiệm. Ví dụ, một trong những điều đầu tiên tôi làm ở United là mua một chồng đĩa DVD và tìm hiểu lịch sử CLB. Khi bạn tới đâu thì cần phải biết về lịch sử CLB vì bạn là người nối tiếp nó.
 
 
Rời United năm 2014 là quyết định khó khăn nhất tôi từng phải đưa ra. Tôi sẽ kể về nó nhiều hơn vào một ngày khác nhưng tôi có thể nói rằng tôi muốn giải nghệ ở United. Tuy nhiên khi quyết định ra đi, tôi cũng rất hạnh phúc vì được gia nhập Juventus. 18 tháng ở Juve khiến việc thi đấu cho United trước kia như một kỳ nghỉ. Chúng tôi phải chạy rất nhiều. Nếu chúng tôi giữ sạch lưới, chúng tôi sẽ bị bảo là thủng lưới từ quá nhiều tình huống phạt góc. Khi chúng tôi dẫn đầu giải vô địch quốc gia với 15 điểm hơn đội xếp sau nhưng thua Torino, bầu không khí trên sân tập ngày hôm sau như thể có ai đó qua đời vậy. Tôi nhớ trong một buổi tập, Claudio Marchisio bị nôn và phải dừng lại. Khi buổi tập khép lại, mọi người đang rời khỏi sân, các HLV bảo cậu ấy rằng “Không, không, cậu phải hoàn thành nốt những gì đang làm đã”. Cậu ấy đang bị ốm nhưng vẫn hoàn thành buổi tập.
 
Đó chính là Juventus. Nhưng United thì khác. United đơn giản… chỉ là tôi.
 
5. Sau khi rời Juve, tôi đã đánh mất một phần văn hóa chiến thắng ấy. Giờ đây tôi đã 38 tuổi và cảm thấy đã đến lúc giải nghệ. Hiện tại tôi chưa có kế hoạch gì cho bóng đá cả Mục tiêu duy nhất của tôi là trở thành người tốt nhất có thể.
 
Có lẽ tôi không nên nói điều này nhưng tôi đã mở 2 nhà tạm trú ở Senegal cho phép hơn 400 trẻ em được ăn ngon và đến trường. Đó là thành tựu lớn nhất sự nghiệp của tôi. Tôi sẽ tiếp tục đăng các video và “I love this game” vì tôi muốn chia sẻ niềm hạnh phúc với các bạn. Tôi không thể giải thích được sự tự hào khi ai đó bảo với mình rằng “Ồ, Patrice này. Tôi đã mất cha nhưng xem một trong những video của anh khiến tôi có thể cười”.
  

Điều này đưa tôi đến với gấu trúc. Trong một vài video, tôi ra ngoài cùng một chú gấu trúc hoặc tự mặc bộ đồ gấu trúc lên người. Tôi sẽ nhảy múa, hát và làm bất cứ thứ gì. Và tôi sẽ nói “Hãy là một chú gấu trúc! Tôi có da đen, da trắng, người châu Á và mũm mĩm. Hãy nói không với phân biệt chủng tộc”.
 
Đó là một thông điệp mạnh mẽ. Tôi hy vọng gấu trúc sẽ giúp mọi người nhận ra rằng tất cả chúng ta đều cùng là con người, rằng chúng ta nên làm mọi thứ để thế giới tốt đẹp hơn. Đừng phán xét người khác dựa vào trọng lượng, màu da, tóc hay đôi mắt họ. Chúng ta đều là con người, tất cả chúng ta là anh chị em. Chúng ta là một gia đình lớn.
 
Gấu trúc cũng nhắc tôi nhớ về bài nói chuyện mà Ferguson đã nói với chúng tôi trước thềm trận chung kết Champions League với Chelsea tại Moscow vào năm 2008. Chúng tôi đang ngồi trong phòng thay đồ thì HLV trưởng bước vào. Như thường lệ, nhạc tắt. Ferguson lên tiếng: “Ta đã giành chiến thắng rồi…”
 
Chúng tôi nhìn nhau. Ông lại nói “Tôi đã giành chiến thắng rồi. Chúng ta thậm chí không cần đá trận này”.
Chúng tôi đều thắc mắc như kiểu rằng “Ông ấy đang nói gì thế nhỉ? Trận đấu còn chưa bắt đầu mà”.
 
 
Sau đó Ferguson tới chỗ tôi. “Hãy nhìn Patrice mà xem”, ông nói. “Cậu ấy có 24 người anh chị em. Hãy thử tưởng tượng khi mẹ cậu ấy phải đặt thức ăn lên bàn…”.
 
Rồi ông quay sang Wayne Rooney. “Hãy nhìn Wayne mà xem. Cậu ấy lớn lên ở một trong những khu khó khăn nhất của Liverpool…”.
 
Ông chuyển sang Park Ji-sung. “Hãy nhìn Ji, cậu ấy tới từ Hàn Quốc…”.
 
Khi HLV trưởng nói về các câu chuyện của chúng tôi, chúng tôi bắt đầu hiểu ra ông đang nhắc tới một mối quan hệ anh em gắn kết. Chúng tôi không chỉ là một đội bóng, chúng tôi là những người tới từ khắp nơi trên thế giới, từ mọi nền văn hóa, chủng tộc và tôn giáo. Và giờ chúng tôi ở đây, ngồi cùng trong một phòng thay đồ ở Moscow, chiến đấu vì mục tiêu chung. Nhờ bóng đá, chúng tôi đã trở thành những người anh em.
“Đây là chiến thắng của ta!” Ferguson tuyên bố.
 
Tất cả chúng tôi đều nổi da gà. Sau đó chúng tôi bước ra sân và vô địch Champions League. Đó là Manchester United. Đó là lý do tôi yêu trò chơi này.
 
Dịch từ bài viết “Let Me Tell You Why I Love This Game” trên The Players’ Tribune

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.