Patrice Evra: I love this game! (P1)

Tác giả CG - Thứ Tư 31/07/2019 10:42(GMT+7)

Bất cứ ai cũng đều có thể hạnh phúc – bất cứ ai đều có thể yêu trò chơi này. Nếu không có suy nghĩ ấy, bạn tôi, tôi sẽ không ngồi đây với tư cách một hậu vệ trái vừa giải nghệ đã từng thi đấu cho đội tuyển Pháp, Juventus và Manchester United.

Tôi chẳng có gì, chúng tôi chẳng có gì cả. Nhưng tôi đang sống như thể có tất cả mọi thứ vậy. Nếu có thể kể cho các bạn một bí mật về cuộc đời mình, thì chính là đây. Bất cứ ai cũng đều có thể hạnh phúc – bất cứ ai đều có thể yêu trò chơi này. Nếu không có suy nghĩ ấy, bạn tôi, tôi sẽ không ngồi đây với tư cách một hậu vệ trái vừa giải nghệ đã từng thi đấu cho đội tuyển Pháp, Juventus và Manchester United.

Patrice Evra: I love this game!
1. Có thể tôi sẽ ngồi ở bên ngoài một cửa hiệu ở Paris, xin tiền để mua một cái sandwich. Tôi không đùa đâu. Khi lớn lên ở Les Ulis, một xã ở ngoại ô Paris, tôi sống cùng cha mẹ và các anh chị em. Tổng cộng tôi có 24 anh chị em (Tôi không hề giỡn đâu nhé!) Vì thế chúng tôi có hàng chục người cùng sống trong một ngôi nhà. Cha tôi mang về nguồn thu nhập lớn từ công việc của một đại sứ. Đó là lý do gia đình tôi từ Senegal, nơi tôi chào đời, tới Brussels và sau đó là Les Ulis. Nhưng năm tôi 10 tuổi, cha mẹ tôi ly dị. Ông mang theo chiếc sofa, chiếc TV và những chiếc ghế ngồi.
Tôi vẫn yêu ông cho đến cuối cuộc đời nhưng tình thế mà ông bỏ lại cho chúng tôi thật khó khăn. Tôi phải chia sẻ tấm đệm với hai anh trai và một người trong chúng tôi phải nằm ngược lại để người kia được nằm thoải mái. Khi đồ ăn đã sẵn sàng, bạn phải chạy thật nhanh để đảm bảo có phần. Một vài anh chị tôi có việc làm để giúp đỡ gia đình nhưng rồi sau đó họ cũng chuyển đến sống cùng với người yêu. Cuối cùng chỉ còn mẹ, em gái tôi và tôi.
Đó là lúc tôi phải đi ra ngoài đường. Tôi rất ghét khi mọi người dùng từ “xã hội đen” (gangster). Khi bạn lớn lên ở một khu vực mà các băng đảng thường xuyên nổ sung vào nhau và thỉnh thoảng có một vụ giết người thì tôi không quan tâm bạn là ai, bạn làm gì để tồn tại. Bởi vậy tôi đã phải chiến đấu cật lực. Tôi phải ăn cắp đồ ăn, quần áo, các trò chơi điện tử. Tôi ngồi bên ngoài các cửa hàng để xin tiền.

Tôi phải nói “Ông ơi, ông có thể cho con một vài franc được không?”
Và mọi người đáp lại rằng “Cút. Mày nghĩ tiền từ trên trời rơi xuống đấy à?”
Đó là tuổi thơ tôi. Đó là Les Ulis. Nhưng hãy nghe này: Tôi hạnh phúc. Tôi vẫn luôn hạnh phúc.
Tôi biết các bạn đã xem những video của tôi trên Instagram, nơi tôi luôn làm những trò điên rồ và nói “I love this game!” (Tôi yêu trò chơi này) Với tôi, nó có nghĩa là “I love this life” (Tôi yêu cuộc sống này). Và các video là cách tôi chia sẻ niềm hạnh phúc tới người khác. Nhưng không phải tôi quyết định làm chúng khi mình đã giàu có và nổi tiếng. Nếu bạn đã ghé thăm căn nhà của tôi ở Les Ulis, bạn sẽ thấy tôi làm những điều tương tự. Tôi sẽ nhún nhảy, hát, mặc các bộ trang phục, đội tóc giả và đùa nghịch với các chị em của mình. Tôi thích làm cho họ cười. Giờ đây khi họ nhìn thấy các đoạn video của tôi, họ sẽ nói “Ôi Chúa ơi, chị nhớ cậu làm trò đấy lúc 5 tuổi…”
Làm sao tôi có thể hạnh phúc khi rất túng thiếu như vậy? Tất cả là vì mẹ tôi. Tôi thấy mẹ phải làm việc rất vất vả để nuôi chúng tôi và tôi nhận ra mình không có quyền phàn nàn về bất cứ điều gì hết. Điều gì là quan trọng? Tại sao lại không tích cực lên? Nếu bạn tin những điều tốt sẽ tới với mình thì nhất định nó sẽ tới.
Để tôi đưa ra một ví dụ. Vào ngày đầu tiên đến trường, chúng tôi phải trình bày với cả lớp mình muốn trở thành gì. Rất nhiều bạn học của tôi viết là “luật sư” hay “bác sĩ”. Còn tôi viết “cầu thủ bóng đá”. Và thế là giáo viên bảo tôi đứng trước lớp, “Patrice này, em thực sự nghĩ rằng trong số 300 đứa trẻ, em sẽ là người trở thành cầu thủ bóng đá sao?”
Tôi nói “Vâng”. Cả lớp phá lên cười.

2.
Suốt nhiều năm, có vẻ như giáo viên đã đúng. Tôi chơi bóng ở mức độ khá nhưng không nhận được bất cứ lời đề nghị nào cả. Tuy nhiên đến năm 1998, năm 17 tuổi, tôi thi đấu ở một giải trong nhà cùng các bạn thì một người đàn ông hỏi tôi liệu có muốn thử việc ở Torino không. Tất cả những gì tôi biết về ông ấy là ông sở hữu một nhà hàng ở Paris thế nên tôi nghĩ là “Có nên tin ông ta không nhỉ?” Tôi quyết định nói có. Ông ấy nói sẽ gọi tôi vào ngày hôm sau.
Tôi trở về nhà và nghĩ ông ấy sẽ không bao giờ gọi lại.
Ngày hôm sau, ông ấy gọi cho tôi. Tôi tới Turin cùng ông. Cuối cùng, CLB không có đề nghị nào với tôi cả nhưng một trong những người có mặt ở buổi thử việc đó là một vị giám đốc ở Marsala, CLB vùng Sicily đang thi đấu ở hạng Ba. Ông hỏi tôi có muốn gia nhập đội bóng của ông không. Tôi nói có.
Tôi bay trở về Paris và nghĩ CLB nhỏ ở Sicily này chính là cánh cửa đưa mình tới thiên đường.
Nhưng trước hết tôi phải đi qua nó cái đã. Tôi được nói rằng sẽ gặp các đồng đội mới ở ngôi làng tại vùng núi phía bắc Italia, nơi họ đang tập luyện. Tôi chưa bao giờ đi ra nước ngoài một mình cả, tôi cũng không biết nói tiếng Italia. Tôi rời khỏi nhà mà không có gì ngoài một mẩu giấy ghi số điện thoại nhà trên đó. Tôi đi tàu tới Milan, nơi tôi dự kiến sẽ chuyển sang một chuyến tàu nữa đưa tôi tới ngôi làng miền núi. Tại ga Milan, tôi thấy một màn hình lớn mà trên đó các chữ cái thay đổi liên tục như ở các rạp chiếu phim cũ vậy. Tôi nhìn vào nó. Tôi nhìn vào tấm vé của mình. Tàu của tôi ở đâu?
Sau đó một người lạ đến gần tôi. Điều duy nhất mà tôi có thể kể về anh ta là anh ta tới từ Senegal và bị mù một bên mắt. Anh ta nói “Hey, khỏe không người anh em? Nhìn cậu trông như bị lạc ấy nhỉ, trông cậu có vẻ buồn”.
Tôi đáp: “Vâng, tôi không biết đi đâu”.
Tôi chìa tấm vé của mình cho anh ta. Anh ta bảo “Tàu của anh bạn đã đi rồi, nó vừa rời một tiếng trước”.
Wow…
Tôi cho anh ta số điện thoại của mình. Anh ta gọi và mẹ tôi nhấc máy. Khi mẹ biết tôi vừa lỡ chuyến tàu và đang đứng ở ga cùng một người lạ, bà đã rất hoảng hồn. Mẹ bảo “Hãy đưa thằng bé lên tàu về Paris!”
Nhưng anh bạn người lạ kia như một thiên thần vậy. “Cô đừng lo. Ngày mai tôi sẽ đưa cậu ấy lên đúng tàu”, anh ta bảo với mẹ tôi như vậy.
Người đàn ông đó đưa tôi về nhà của anh ta. Anh đưa tôi đồ ăn và để tôi ngủ trên sàn cùng tám người lạ khác. Vào 6 giờ sáng, anh ta đánh thức tôi dậy, đưa tôi đến ga và tìm đúng chuyến tàu cần đi. Đến ngày hôm nay, tôi vẫn không biết anh ta là ai nhưng lời cảm ơn dành cho anh là không đủ. Cuối cùng tôi đã lên đúng chuyến tàu.
Lúc này tôi không biết khi nào thì xuống. Tôi chỉ biết tên của nhà ga vì anh bạn thiên thần kia đã viết ra giấy cho tôi. Bởi vậy, tại mỗi điểm dừng tôi lại hỏi mọi người “Có phải là đây không ạ? Có phải là đây không?”
Sau một khoảng thời gian, người duy nhất còn lại trên tàu là tôi và ba nữ tu. Tôi hỏi họ “Ở đâu rồi? Đâu rồi?”
“Chưa, chưa, không thấy biển báo”.
Sau lần thứ ba hay thứ tư, họ bắt đầu nổi cáu với tôi. Nhưng dù sao cuối cùng tôi cũng đến được nơi cần đến. Tôi bước ra và nhìn xung quanh. Tôi đã thấy gì nhỉ?
Không có gì hết, ngay cả một cái ghế. Chỉ có gió mà thôi. Shhhh.
Tôi nghĩ là OK, giờ mình hoàn toàn bị lạc rồi. Không điện thoại. Không thiên thần. Không ni cô. Mình sẽ giải quyết tình huống này thế nào?
Tôi quyết định chờ sự giúp đỡ. Năm phút trôi qua. 10 phút. Nửa tiếng. Một giờ. 2 giờ. Chẳng có ai đến cả. Trời thì bắt đầu tôi. 6 tiếng trôi qua.

Cuối cùng tôi thấy ánh đèn từ một chiếc xe hơi đang đi tới. Đó là giám đốc của CLB. “Tôi vô cùng xin lỗi”, ông nói. “Chúng tôi nghĩ cậu đã lỡ chuyến tàu. Blah-blah-blah”. Ông ấy đưa tôi tới khách sạn của đội ở trong làng, tôi được phát đồ tập luyện. Tôi đứng trước gương và thốt lên “Ôi Chúa ơi”. Khi ấy tôi là cậu bé hạnh phúc nhất thế giới. Và tôi gọi cho mẹ “Mẹ à, mẹ có thể tin những con người này không? Họ đang phục vụ đồ ăn cho bọn con đấy! Chúng con ngồi đây ăn với ba bộ dao nĩa!”.
Mẹ tôi bắt đầu khóc. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày đầu tiên ở Sicily. Tôi vừa tới thì một đứa trẻ đi cùng bố đã chỉ vào tôi và hỏi liệu nó có thể chụp một bức hình với tôi không? Cảm xúc của tôi kiểu như “Cái gì? Mình thậm chí còn chưa chơi một trận đấu nào và những người này còn chưa biết mình là ai cơ mà?”
Tôi hỏi thằng nhóc lý do tại sao nó muốn chụp ảnh. Nó nói “Vì bọn em chưa bao giờ thấy một người da đen ở đây bao giờ”.
Wow… Chào mừng bạn tới Sicily.
Các đồng đội cũng bất ngờ khi gặp tôi. Tôi là cầu thủ da màu duy nhất trong đội. Có rất nhiều điều mà mọi người ở đó không hiểu về người da màu nhưng đó là sự thiếu hiểu biết hơn là phân biệt chủng tộc. Thực tế, người Sicily rất quảng giao. Tôi có thể đi bộ trên phố và họ sẽ mời tôi vào nhà dùng bữa tôi. Họ bảo tôi rằng “Cậu là một trong số chúng tôi”.
Những thứ tồi tệ chỉ đến khi tôi đang thi đấu. Bọn họ làm tiếng khỉ, họ nhai chuối. Thật sự rất khó khăn. Nhưng tôi tới từ Les Ulis, tôi là người mạnh mẽ. Điều đó chỉ càng làm tôi quyết tâm hơn mà thôi. (còn nữa)
Dịch từ bài viết “Let Me Tell You Why I Love This Game” trên The Players’ Tribune

CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.