Paolo Maldini: Tình yêu không mù quáng và cuộc phục hưng AC Milan trong vai trò mới

Tác giả CG - Thứ Tư 26/06/2019 17:54(GMT+7)

Maldini yêu nhưng cũng trân trọng màu áo đỏ đen. Và bởi trân trọng nên anh không cho phép bất cứ ai có những hành động phỉ báng tinh thần thể thao cũng như sự tôn nghiêm của AC Milan.

Những ngày qua, hình ảnh Paolo Maldini ngồi trò chuyện cùng Theo Hernandez của Real Madrid đã lan đi với tốc độ chóng mặt. Trên cương vị mới (Giám đốc Kỹ thuật), hậu vệ trứ danh ngày nào đang dốc hết sức để đưa cái tên AC Milan trở lại đỉnh vinh quang.

 
Gia đình Maldini là biểu tượng cho thành công của AC Milan. Với Paolo Maldini, anh tạo ra một chuẩn mực cả về lối chơi của một hậu vệ, tính thủ lĩnh và sự tận hiến. Nhưng không phải tất cả cổ động viên Rossoneri đều từng yêu mến Il Capitano, cho đến tận những ngày cuối cùng anh khoác chiếc áo sọc đỏ đen. Một thứ tưởng chừng khá lạ lùng nhưng kỳ thực đúng là như vậy.
 
Maldini là một người yêu AC Milan vô bờ nhưng không hề mù quáng. Anh từng công khai chỉ trích những cổ động viên Milan quá khích ném cam và những vật thể lạ vào sân trong cuộc đối đầu với Parma ở mùa giải 1997/1998 khiến trận đấu phải tạm hoãn 5 phút. Mùa bóng năm ấy, đội bóng của anh chỉ xếp vị trí thứ 10. Và còn nhiều hành động khác thể hiện sự thẳng thắn và rạch ròi giữa tình yêu và lý trí của Maldini. 
 
Chính vì vậy, số 3 huyền thoại chưa bao giờ hoàn hảo trong mắt tất cả người hâm mộ Milan bởi anh không chấp nhận những hành động phi lý của họ. Và tất nhiên, những cổ động viên cực đoan sẽ phản ứng. Trong cuộc chạm trán AS Roma ở vòng 37 Serie A mùa giải 2008/2009, Paolo Maldini có trận đấu cuối cùng thi đấu tại San Siro trước khi treo giày. Đó hẳn phải là một ngày đầy cảm xúc, các cầu thủ khách Roma bước ra từ đường hầm với chiếc áo in dòng chữ “Cảm ơn Paolo, người đội trưởng vĩ đại”.
 

Nhưng trên khán đài là một hình ảnh đáng xấu hổ. “Cảm ơn đội trưởng. Trên sân, anh là nhà vô địch bất tử nhưng anh không tôn trọng những người giúp anh giàu có”, một tấm biểu ngữ được giăng lên ở Curva Sud (khán đài của các ultra bên phía AC Milan). “Chỉ có một đội trưởng duy nhất, đó là Baresi", dòng chữ được in trên chiếc áo Milan khổng lồ có con số 6, số áo của thủ quân huyền thoại Franco Baresi.
 
Maldini yêu nhưng cũng trân trọng màu áo đỏ đen. Và bởi trân trọng nên anh không cho phép bất cứ ai có những hành động phỉ báng tinh thần thể thao cũng như sự tôn nghiêm của AC Milan. Có lẽ đó là lý do phải mất 9 năm kể từ khi treo giày, Maldini mới một lần nữa trở lại San Siro làm việc.
 
Sau khi triều đại của bộ đôi Silvio Berlusconi và Adriano Galliani khép lại vào năm 2017, những ông chủ mới người Trung Quốc rất tha thiết mời anh ngồi vào vị trí Giám đốc Kỹ thuật. Nhưng Il Capitano từ chối khi không cảm thấy chắc chắn về dự án của Sino-Europe Sport.
 
“Càng ngày tôi càng tin vào lựa chọn của mình, chủ yếu vì một tuần trước khi đưa ra quyết định, những nghi ngờ của tôi vẫn không hề thay đổi”, cựu thủ quân đội tuyển Italia và AC Milan chia sẻ trên kênh Rai Radio 2 vào tháng 3/2018. 
 
Có thể hiểu được sự cẩn trọng này của Maldini nếu nhìn sang trường hợp của Francesco Totti. Trong cuộc họp báo được tổ chức cách đây chưa lâu, Totti tiết lộ anh bị ban lãnh đạo Roma ép phải giải nghệ và sau đó được trao một chức giám đốc nhưng thực chất không hề có tiếng nói nào hết. Một cấu trúc thiếu ổn định hay một dự án không có sự đảm bảo đều có thể khiến bất cứ ai cũng có thể bị gạt ra ngoài cuộc chơi, ngay cả những huyền thoại. 
 
Paolo Maldini
Trở về với Maldini, đến khi ông Yonghong Li cùng bộ sậu của mình rời khỏi AC Milan, nhường chỗ cho Elliott Management, anh mới nhận lời “về nhà”. “Tôi chưa bao giờ nói không sẵn sàng. Giờ đây mọi thứ đã khác, Leonardo và chủ sở hữu đội bóng đã cho tôi xem dự án và tôi tin nó”, số 3 huyền thoại của AC Milan chia sẻ cảm xúc trong ngày nhậm chức Giám đốc Chiến lược và Phát triển thể thao mùa giải trước. Anh nói thêm: “Tôi đã gặp chủ sở hữu ở New York và tất cả diễn ra khá nhanh: vị trí mà họ trao cho tôi chính là mấu chốt để tôi đưa ra quyết định”.
 
Bước sang mùa bóng mới này, Maldini đã được đôn lên vị trí Giám đốc Kỹ thuật của Rossoneri. Mùa giải 2018/2019 khép lại với kết quả không như mong muốn của tất cả những người yêu đội bóng này. Dù đã có một vài dấu ấn bằng những bản hợp đồng tốt như Lucas Paqueta và Krzysztof Piatek nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Giám đốc Thể thao Leonardo đã từ chức, bản thân Maldini cũng khá thất vọng nhưng tầm nhìn của Giám đốc Điều hành Ivan Gazidis đã giữ anh ở lại để tiếp tục cuộc hành trình này. 
 
Những ngày tháng vinh quang trong nghiệp cầu thủ của anh đã ở lại phía sau, nó chỉ còn để hoài niệm hay giúp những Milanista được trở về quá khứ bằng những trận cầu tri ân giữa các huyền thoại mà thôi. Giờ đây, Maldini cùng những cộng sự mà anh mời về (Zvonimir Boban – Trưởng ban bóng đá, Frederic Massara – Giám đốc Thể thao) phải chứng tỏ mình đủ năng lực trong công tác quản lý, vận hành nếu không muốn phải đón nhận viễn cảnh ra đi không kèn không trống trong quá khứ của những huyền thoại khác như Clarence Seedorf, Filippo Inzaghi.
 
 
Maldini vẫn đang sục sạo khắp thị trường chuyển nhượng để mang về các tân binh, những cầu thủ đại diện cho một kỷ nguyên mới của Rossoneri. Sau tất cả, điều mà những cổ động viên AC Milan có thể làm là tiếp tục tin tưởng vào người đội trưởng đáng kính ngày nào của họ trong một vai trò mới sẽ đưa CLB trở lại đỉnh cao.

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.