Một bầu máu nóng, một khoảnh khắc điên rồ đã thay đổi cách tất cả mọi người nhìn Paolo Di Canio. Đó là vòng đấu quan trọng của Sheffield Wednesday trước các nhà đương kim vô địch Arsenal mà Di Canio, Patrick Vieira và Martin Keown là trung tâm của tất cả. Trung vệ của Arsenal và tiền đạo người Italia đã bị đuổi khỏi sân nhưng hành động phản kháng của Keown lại khiến Di Canio không thể chấp nhận được. Ông liền đẩy trọng tài Paul Alcock, người đang hành động một cách chậm rãi và cẩn trọng, ngã xuống sân.
Cú ngã của Alcock có thể “chậm” nhưng những thứ ập xuống với Di Canio lại diễn ra rất nhanh chóng. Ông bị phạt 11 nghìn bảng và cấm thi đấu 11 trận. Chưa đầy một năm sau khi gia nhập Wednesday từ Celtic với mức giá hơn 4 triệu bảng, câu lạc bộ đã không còn mặn mà trong việc giữ ông ở lại. Không một ai cảm thông. Dường như sự nghiệp thi đấu tại Anh của ngôi sao sinh ra ở Rome đã khép lại trước khi nó thực sự bắt đầu.
Tuy nhiên, Di Canio là chân sút số một của Wednesday trong mùa giải 1997/1998 và điều đó chứng minh rằng ông có tài năng. Đây là đủ để huấn luyện viên Harry Redknapp của West Ham mang ông về trong tháng Một với số tiền 1,5 triệu bảng.
Dù khả năng đã được chứng minh nhưng với một cầu thủ 30 tuổi mà danh tiếng đã bị ảnh hưởng nặng nề thì mức giá đó vẫn khiến người ta phải đặt những sự nghi ngờ và chế nhạo. Thời điểm đó, quyết định của Redknapp được xem là một sự mạo hiểm vô cùng lớn. Thế nhưng, ông khẳng định: “Các bạn có những suy nghĩ của mình nhưng rồi cuối cùng tôi sẽ đúng.” Và đó là điều chắc chắn đã xảy ra khi ông ở lại câu lạc bộ trong bốn năm rưỡi, thi đấu 141 trận trong màu áo đỏ-xanh, ghi được 52 bàn thắng và khắc tên mình vào trong trang sử của West Ham.
Tình yêu thì không phải chỉ có một chiều. Và Di Canio cũng thể hiện tình yêu của mình với câu lạc bộ bằng cách xăm lô gô của đội bóng lên cánh tay. Có một thứ cảm xúc được ông bộc phát ngay tức thì và khi đến sân Upton Park, cựu cầu thủ người Italia đã nói: “Tôi đã phạm phải một sai lầm và tôi rất lấy làm tiếc. West Ham cho tôi một cơ hội lớn và tôi vô cùng hạnh phúc vì họ là đội bóng tốt hơn Sheffield Wednesday.”
Điều này có thể là một cách “đá xoáy” đội bóng cũ nhiều hơn là thể hiện tình yêu với câu lạc bộ mới. Tuy nhiên nó đã cho thấy sự biết ơn mà ông dành cho một câu lạc bộ đã ủng hộ ông vượt qua sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp tính đến thời điểm ấy.
|
Paolo Di Canio và Trevor Sinclair |
Nhiều cổ động viên của West Ham đã sửng sốt và bất ngờ vì quyết định này nhưng họ ngay lập tức ủng hộ tân binh của mình. Màn ra mắt của ông không có gì đáng chú ý khi chỉ là trận hòa 0-0 trước Wimbledon. Tuy nhiên ông không mất nhiều thời gian để chứng minh cho các khán giả ở Boleyn là tại sao huấn luyện viên của họ lại kiên quyết muốn mang anh về như vậy. Chỉ cần đến trận đấu thứ tư cho The Hammers, Di Canio đã trở thành ngôi sao của trận đấu trong chiến thắng 2-0 trước Blackburn Rovers. Ông kiến tạo cho Stuart Pearce trong bàn mở tỉ số và mở tài khoản bàn thắng chỉ bốn phút sau đó.
Cầu thủ người Italia tiếp tục ghi bốn bàn trong 12 lần ra sân đá chính và trở thành một cầu thủ được mến mộ trong lòng các cổ động viên dù mới chỉ là nửa mùa giải đầu tiên ở Upton Park. Ông giúp West Ham xếp thứ năm chung cuộc và có một vé dự cú châu Âu nhờ thành tích vô địch Intertoto Cup.
Dù The Hammers không thể đạt được thành tích này thêm một lần nào nữa trong suốt quãng thời gian Di Canio ở đội bóng, sự yêu quý từ người hâm mộ đối với ông vẫn không mất đi. Khoảnh khắc kì diệu đã ghi tạc tên của cầu thủ Italia vào trong trang sử của cả West Ham lẫn Premier League đến ở mùa giải trọn vẹn đầu tiên mà ông khoác áo đội bóng đông London và cụ thể là trong chiến thắng 2-1 trước Wimbledon.
Trevor Sinclair tung một đường chuyền chéo sân vượt qua hàng hậu vệ The Dons và Di Canio dễ dàng bật nhảy lên trước khi tung cú vô lê đưa bóng vượt qua tầm kiểm soát của thủ môn từ một góc không tưởng. Một bàn thắng đẹp, có lẽ là đẹp nhất mà cả Upton Park và Premier League từng thấy. Tất cả mọi người có mặt ở sân vận động biết điều đó, đặc biệt là Di Canio.
Ông ăn mừng bằng cách lắc ngón tay của mình và lặp đi lặp lại từ “không” trong khi nhìn quanh sân vận động với một vẻ tự mãn và cao ngạo. Như thể ông muốn nói với West Ham và phần còn lại của thế giới rằng không có điều gì là ông không thể làm để có được sự tôn trọng và đánh giá đúng mức cho những gì đã làm trên sân cỏ.
Thực chất ông không phải làm bất cứ điều gì khác để chứng minh bản thân mình: Paolo Di Canio là cái tên luôn thường trực tên môi mọi khán giả ở East End với tất cả những lí do chính đáng. Hội cổ động viên của West Ham thường được xem là rất khó tính, thế nhưng khoảnh khắc kì diệu mà Di Canio đã mở ra một mối quan hệ khăng khít không thể lay chuyển giữa The Irons và cầu thủ Italia.
Pha lập công vào lưới Wimbledon không phải là đóng góp duy nhất của ông cho West Ham trong mùa giải 1990/2000. Ông kết thúc mùa giải ấy với 16 bàn thắng ở Premier League. Đó cũng là tất cả những gì khiến anh được người hâm mộ yêu mến; anh có sự kết hợp hoàn hảo giữa niềm đam mê và kĩ năng chơi bóng.
Di Canio cũng là một cầu thủ đẳng cấp, điều này được anh thể hiện trong cuộc đối đầu với Everton tháng 12/2000. Paul Gerrard bị đau đầu gối khi lao ra để cản bóng và trọng tài vẫn cho trận đấu được tiếp tục. Khi đó tỉ số đang là 1-1 và thay vì đưa bóng vào lưới trống, Di Canio đã giữ bóng trong tay khi bóng bay đến để thủ thành của đối phương được chăm sóc y tế. Hành động này khiến ông nhận được những tràng pháo tay từ khắp các khán đài tại Goodison Park. Bình luận viên của Sky Sports nhận xét:
“Suốt sự nghiệp của mình, Paolo Di Cannio chưa bao giờ thoát khỏi những cuộc tranh cãi. Tuy nhiên rất ít người có thể ngờ rằng tiền đạo có cái đầu nóng người Italia này lại tạo ra tin tức từ một màn trình diễn xuất sắc về tinh thần thể thao như vậy.” |
Paolo Di Canio gặp lại Martin Keown |
Đây chỉ là một trong nhiều lần trong sự nghiệp mà Di Canio hành động theo những gì ông tin tưởng hơn là tuân theo những gì người khác trông đợi. Nét tính cách đặc biệt này hoàn toàn được thử thách khi Sir Alex Ferguson rất muốn chiêu mộ cầu thủ người Italia trong suốt kì chuyển nhượng mùa đông tháng 1/2002. West Ham chỉ xếp thứ 15 mùa giải trước trong khi Quỷ đỏ là nhà đương kim vô địch. The Hammers đã bị tổn thất rất nhiều vì sự thiếu trung thành trong những năm gần đây - điều xảy ra với hầu hết các đội bóng bậc trung trong làng bóng đá hiện đại. Tuy nhiên, Di Canio hoàn toàn không có ý định rời bỏ Upton Park.
Ông từ chối lời đề nghị đó và khi được hỏi về quyết định này vào năm 2011, Di Canio giải thích: “Đã có những liên hệ. Nhưng cuối cùng tôi đã từ chối vì tôi không thể nào bán rẻ người hâm mộ, gia đình tôi là West Ham. Người hâm mộ luôn trong trái tim tôi, họ là đội bóng mà tôi đã cổ vũ đầu tiên. Tất cả mọi người đều biết điều này. Bây giờ tôi thuộc về họ và họ thuộc về tôi. Chúng tôi là một khối vì tôi là một cổ động viên và tôi không thể bán rẻ họ. Tôi không thể nào gia nhập một câu lạc bộ khác vì họ đã cho tôi mọi thứ, ngay cả khi tôi đã gần như kết thúc quãng thời gian thi đấu đỉnh cao.”
Tuy nhiên, khoảnh khắc đó cuối cùng cũng đến khi Di Canio rời Upton Park. Mùa giải 2002/2003, tiền đạo người Italia chỉ ra sân 18 lần ở giải vô địch quốc gia khi mà câu lạc bộ cũng phải trải qua một mùa bóng khó khăn. Họ bị tụt lại trên bảng xếp hạng sau một cuộc chỉ trích công khai với huấn luyện viên trưởng vào thời điểm đó là Glenn Roeder. Khi Roeder bị sa thải, Trevor Brooking được chỉ định làm huấn luyện viên tạm quyền và ngay lập tức hồi sinh Di Canio. Cựu cầu thủ Napoli và Juventus kết thúc mùa giải với tư cách chân sút số một của câu lạc bộ.
Một trong những pha lập công đó đến trong ngày cuối cùng của mùa giải, bàn thắng quân bình tỉnh số ở phút 89 trước Birmingham. Điều đáng tiếc, đó cũng là đóng góp có ý nghĩa cuối cùng của ông cho The Hammers và đội bóng phải xuống hạng sau một mùa giải nhạt nhòa dù sở hữu một trong những đội hình tài năng nhất Premier League.
Trong trận đấu trước khi West Ham bị xuống hạng, Di Canio đã ghi bàn đem về chiến thắng 1-0 trước Chelsea. Kết quả đó giúp đội bóng của ông có cơ hội để chiến đấu cho một vị trí ở lại Premier League. Một hình ảnh mang tính chất “anh hùng” cuối cùng đã xuất hiện tại Upton Park khi những giọt nước mắt đã rơi trên khuôn mặt của cầu thủ người Italia. Biết được rằng sự nghiệp của mình tại West Ham đang tới gần và nó chắc chắn sẽ thành hiện thực nếu họ phải xuống hạng, cảm xúc của Di Canio càng được đẩy lên cao khi ông nhận được những sự đón nhận nồng nhiệt từ các cổ động viên trung thành của West Ham.
Người con phóng khoáng của West Ham đã rời ngôi nhà của mình để trở về Italia như nhiều người dự đoán. Ông ra đi nhưng những kí ức thì sẽ mãi còn ở lại, đó là bàn thắng vào lưới Manchester United biến Fabien Barthez trở thành một gã hề, là pha tâng bóng qua đầu Martin Keown trước khi ghi một trong hai bàn thắng đánh bại Arsenal lần đầu tiên sau nhiều năm, là cú vô lê vào lưới Wimbledon, là vô số những pha xử lý, kỹ xảo và những bàn thắng “điêu đứng” khác.
Paolo Di Canio còn hơn cả một miền kí ức và cựu cầu thủ Italia sẽ luôn có một vị trí để tìm về ngôi nhà của mình là West Ham. Ông là một trong những cựu cầu thủ đã xuất hiện từ một chiếc taxi màu đen trên sân để cùng người hâm mộ chào tạm biệt Boleyn.
Dù trên tư cách một huấn luyện viên chưa thể hiện được nhiều điều nhưng cả Di Canio và rất nhiều cổ động viên West Ham đều muốn thấy cựu tiền đạo này trở lại trong một vai trò huấn luyện tại câu lạc bộ. Niềm đam mê, tài năng, sự tận tụy của ông là điều không phải bàn cãi và việc Di Canio trở lại phục vụ màu áo đỏ-xanh một lần nữa vẫn là một ý tưởng gây sự phấn khích với nhiều người.
Lược dịch từ bài viết Paolo Di Canio: the Italian wanderer who found a home in east London của tác giả Danny Lewis trên These Football Times
CG (TTVN)