Paco Gento: Khi cơn bão xứ Cantabria trút hơi thở cuối cùng

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Tư 26/01/2022 16:20(GMT+7)

Sau Ferenc Puskas (qua đời năm 2006) và Alfredo Di Stefano (qua đời năm 2014), người vĩ đại còn lại của ba con người vĩ đại nhất lịch sử Real Madrid, Francisco Gento hay Paco Gento, cũng đã rời xa nhân thế.

 
 
Ngày 18 tháng 01 vừa qua, Paco (Francisco) Gento Lopez trút hơi thở cuối cùng, ra đi ở tuổi 88. Một ngày sau đó, với sự tinh tế và nhạy bén thông thường của mình, nhật báo MARCA mang đến một trang bìa đặc biệt tưởng nhớ huyền thoại người Tây Ban Nha. Trên phông nền màu trắng là 6 chiếc cúp C1 được sắp đặt thành hình Thánh giá. Không cần bất kỳ một dòng tít nào, ngần ấy là đủ để truyền tải thông điệp, cũng như là đủ để khắc họa sự vĩ đại trong sự nghiệp chơi bóng của Paco Gento. 
 
Là một trong những huyền thoại mọi thời của bóng đá Tây Ban Nha, Paco Gento chưa từng bỏ lỡ một trận đấu nào trong lịch sử Cúp C1 từ năm 1955 đến 1970 của Real Madrid, với 80 trận đấu tổng cộng theo trí nhớ của sử gia bóng đá Brian Glanville. Nhưng trên tất cả, lịch sử không chứng kiến một ai giành được nhiều chức vô địch C1/Champions League như Paco Gento, 6 chiếc cúp bạc danh giá. Paco Gento góp mặt trong cả 5 chiến thắng liên tiếp của Real Madrid ở chung kết C1 từ 1956 đến 1960. Năm 1966, ông là thủ quân của tập thể với đội hình ra sân toàn Tây Ban Nha thuộc thế hệ “Yé-yé” Real Madrid giành chức vô địch C1 thứ sáu trong lịch sử CLB. 
 
Từ 1955 đến 1960 là giai đoạn hoàng kim trong lịch sử Real Madrid với 5 chức vô địch C1 liên tiếp thống trị tuyệt đối bóng đá châu Âu. Đó cũng có lẽ nên là kỷ nguyên Galactico đầu tiên trong lịch sử Real Madrid, cho đến khi khái niệm này thật sự trở nên phổ biến vào đầu những năm 2000 dưới thời chủ tịch Florentino Perez. 
Steven G. Mandis viết trong quyển “The Real Madrid Way” như thế này: Năm 1947, cố chủ tịch Santiago Bernabeu muốn những cầu thủ xuất sắc nhất phải chơi bóng cho Real Madrid.

Ảnh: Real Madrid
Và để chi trả cho họ, ông làm nên một cuộc cách tân của thời kỳ này. Bernabeu chấp nhận mạo hiểm để xây dựng một SVĐ lớn nhất nhằm gia tăng nguồn doanh thu từ việc bán vé. Ông tin rằng những ngôi sao xuất sắc nhất không chỉ giúp mang lại chiến thắng cho đội bóng, mà còn thu hút đông đảo người hâm mộ tới sân. Để có tiền xây dựng SVĐ, Bernabeu bán đi trái phiếu cho các hội viên CLB và các CĐV. Bấy giờ, nhiều người hoài nghi “một SVĐ quá tầm cỡ với một CLB còn quá nhỏ bé”. Nhưng canh bạc của Bernabeu đã thành công, với số lượng người mua vé tới sân tăng lên, Real Madrid đủ sức mạnh tài chính để mang về những cầu thủ chất lượng.
 
Năm 1953, Santiago Bernabeu tiếp tục làm một điều chưa từng có tiền lệ. Với chiến lược đầy tham vọng, ông chiêu mộ những ngôi sao tầm cỡ world-class nhất từ nước ngoài, nổi tiếng nhất là Alfredo Di Stefano, từ đó xây nên một đội bóng đa quốc gia đầu tiên của thế giới. Sau Di Stefano, Bernabeu tiếp tục mang về những Hector Rial, Ramond Kopa, Jose Santamaria, Rogelio Dominguez, Ferenc Puskas, Canario và Didi. Những cầu thủ còn lại là những gương mặt tài năng của Tây Ban Nha, gồm Luis del Sol và Francisco “Paco” Gento. 
Hàng công Real Madrid thời kỳ này khuynh đảo toàn bộ cựu lục địa, với Di Stefano chơi trung phong nhưng có tầm hoạt động rộng, một enganche. Hai cánh là Gento và Kopa. Hai hộ công là Puskas và Rial. Tất cả đều là những cá nhân kiệt xuất và ưu tú trong dòng chảy bóng đá. Nhưng chính Di Stefano, Puskas cùng Gento mới là những biểu tượng bất tử của thời kỳ này và là bộ ba vĩ đại nhất lịch sử Real Madrid. 

Ảnh: Real Madrid
Sự vĩ đại của Di Stefano hay Ferenc Puskas là điều không cần phải bàn thêm. Riêng với Paco Gento, ông không chỉ gắn bó lâu hơn những tượng đài cùng thời khác, không chỉ là người duy nhất giành 6 chức vô địch C1 trong lịch sử, mà còn là chứng nhân và nhân tố của một giai đoạn mà Real Madrid làm mưa làm gió ở Tây Ban Nha với 12 danh hiệu LaLiga từ 1954 đến 1969. 
 
Khi “mũi tên bạc” qua Espanyol và Puskas giải nghệ, vẫn còn đó Gento trở thành gạch nối giữa “Galactico 1.0” và thế hệ “Yé-yé”, là chứng nhân của thời đại bóng đá qua radio và bóng đá của những khung hình trắng-đen trên truyền hình. Trên tất cả, trong một thời kỳ mà bóng đá bóng đá Nam Mỹ để lại quá nhiều ảnh hưởng, Paco Gento giữ lại hồn cốt Tây Ban Nha cho Real Madrid. 
 
“Paco là người đội trưởng vĩ đại của chúng tôi,” Amancio Amaro, một thành viên nổi tiếng khác của Real Madrid thập niên 60, người gia nhập đội bóng từ Deportivo La Coruna vào năm 1962 cho đến khi giải nghệ vào năm 1976, nhớ lại. “Ông ấy chỉ huy, dẫn dắt các đồng đội mà không cần phải nhận được sự chú ý. Khi tất cả những tên tuổi xuất chúng khác đều rời CLB, Paco vẫn ở lại và dạy bảo chúng tôi thế nào là Real Madrid. Với Paco làm thủ quân, chúng tôi cùng nhau giành chức vô địch C1 thứ sáu trong lịch sử CLB.” 

Ảnh: Real Madrid
11 năm trôi qua như một cơn bão
 
Sinh ra tại một ngôi làng có tên Guarnizo của vùng Cantabria ở Tây Bắc Tây Ban Nha, Gento thường xuyên trốn công việc vắt sữa bò và cho gia súc ăn để đi chơi đá bóng. Cha của ông, từng là một tiền vệ của Cultural de Guarnizo, không muốn Gento trở thành một cầu thủ. Nhưng bất cứ khi nào có thể, Gento đều lén đi đá bóng. 
 
Ông bắt đầu chơi bóng cho CLB lớn gần quê nhà nhất là Real Santander ở tuổi 19. Trong quyển “Morbo” của cây bút Phil Ball, tác giả kể lại rằng một đợt dịch cúm ập vào CLB đã mang đến cơ hội được đôn lên đội một đối với Gento. Quãng thời gian ấy, Santander tiếp đón Real Madrid và từ chính màn trình diễn trong cuộc đụng độ đó, Los Blancos chiêu mộ Gento chỉ 3 ngày sau, vào năm 1953. Vài tuần sau, Di Stefano cũng cập bến Real Madrid.
 
Trái với bóng đá Nam Mỹ khoáng đạt và đậm tính biểu diễn quãng thời gian này, bóng đá châu Âu đề cao sự kỷ luật và khuôn phép, chú trọng vào sự chính xác và thận trọng. Nói đơn giản, trọng tâm lối chơi là hướng đến chiến thắng, và trong một số trường hợp, là không để thua. 
 
Lịch sử bóng đá Tây Ban Nha đã thật sự sang trang bởi người Argentina. Tour lưu diễn xuyên Đại Tây Dương của San Lorenzo vào năm 1946 đã trở thành bản lề thay đổi tư tưởng cả nền bóng đá đất nước bán đảo Iberia. Bằng thứ bóng đá kỹ thuật, điệu nghệ, đội bóng của Argentina năm đó khiến các ông lớn nhất Tây Ban Nha lẫn đội tuyển quốc gia nước này được dịp mở mang tầm mắt. Người Tây Ban Nha bái phục đến nỗi họ gọi San Lorenzo là “đội bóng mạnh nhất thế giới”. 

 
Khi LaLiga “bế quan tỏa cảng” vào năm 1962, họ cấm mọi cầu thủ nước ngoài đến Tây Ban Nha chơi bóng. Song, ngoại lệ là những “oriundos”, tức cầu thủ ngoại mang nguồn gốc Tây Ban Nha. Hầu hết những oriundos này lại đến từ Argentina. Suốt một thời kỳ, Tây Ban Nha đầy rẫy cầu thủ Argentina. Dấu ấn lớn nhất đến từ “mũi tên bạc” Di Stefano. 
 
Thời điểm Di Stefano đến Tây Ban Nha vào năm 1953, tất cả đều nghĩ ông đá trung phong cắm, vị trí số 9. Nhưng rồi, huyền thoại của Real Madrid chép lại mọi cuốn sách chiến thuật truyền thống của Tây Ban Nha, thông qua phong cách chơi bóng hoa mỹ, thường xuyên lùi về, kết nối và vận hành cả đội bóng.
 
Bằng tài nghệ chơi bóng, sự nỗ lực không ngừng nghỉ và niềm kiêu hãnh, Di Stefano “hữu xạ tự nhiên hương” và trở thành vị thủ lĩnh mặc nhiên của tập thể Real Madrid. Những ngôi sao tầm cỡ thế giới khác đều nghe theo sự chỉ huy của Di Stefano, cầu thủ đậm chất kỹ thuật nhất trong đội hình. Họ nhìn vào ông trên sân tập và học lấy những động tác xử lý bóng của ông.

Trên sân tập, Alfredo không ngừng sáng tạo ra những động tác dứt điểm và rê bóng. Cứ như thế, đều đặn suốt 11 năm chúng tôi là đồng đội của nhau.
 Chính Paco Gento đã từng chia sẻ như vậy trong quyển “Di Stefano” của ký giả Ian Hawkey. 
 
Trên sân bóng, các đồng đội gần như đều nghe theo sự sắp đặt của Di Stefano. Huyền thoại bóng đá người Argentina xem Paco Gento là hộ pháp số 1, nhưng đồng thời cũng bắt ông phải chơi bám biên trong vai trò tiền đạo cánh trái. Có những lúc Gento di chuyển bó vào phía trong, liền bị Di Stefano “chỉnh”: “Ê Paquito! Quay trở lại ra biên và cứ tạt bóng vào trong cho anh. Tạt cho chuẩn vào đấy!”.
 
Qua lời kể của sự gia Brian Glanville, sau này, khi đã giải nghệ và về già, Gento mới trút hết bầu tâm sự. “Tôi không thỏa mãn với sự nghiệp cầu thủ của mình,” người đã giành 6 chiếc cúp C1, nói. “Không phải vì Real Madrid, không phải vì chuyện hợp đồng, cũng không phải vì lối sống của bản thân. Với những gì thuộc về bản thân, những kỹ năng thô sơ ngày đầu, tôi đã nỗ lực hết sức, không ngừng hoàn thiện để trở nên hiệu quả và có ích. Nhưng tôi vẫn không cảm thấy thỏa mãn với vai trò là một tiền đạo cánh trái. Tôi chỉ vui vẻ chấp nhận vị trí ấy vì tôi biết đó là nơi tôi trở nên giá trị nhất cho Real Madrid.” Rõ ràng, Gento đã từng mong ước được đá sâu hơn vào trung lộ, nhưng lịch sử mãi nhớ đến ông như một tiền đạo cánh chính thống. 

 
Với nhiều cầu thủ Real Madrid, nghe theo sự chỉ đạo trên sân của Di Stefano không phải lúc nào cũng là điều dễ chịu. Nhưng Gento không quan tâm việc phải đứng dưới cái bóng của “mũi tên bạc” suốt nhiều năm liền, bởi ông thật sự ngưỡng mộ và yêu quý người đồng đội.

Alfredo có thể nói những lời khó nghe, nhưng ông ấy là một người đàn ông đích thực và là cầu thủ vĩ đại nhất tôi từng sát cánh. Thật may mắn là tôi không phải trở thành đối thủ của ông ấy suốt 11 năm.
 
Quãng thời gian đầu của Gento tại Real Madrid không dễ dàng. Bản thân thương vụ chuyển nhượng của ông cũng đã là một cuộc phiêu lưu. Ký giả Enrique Ortega kể lại những hồi ức của Gento trên tờ El Pais: “Tôi ký hợp đồng bí mật trong một ga-ra. Các CĐV Santander muốn đánh người đại diện của Real Madrid. Họ truy đuổi theo chúng tôi khắp cả thành phố. Họ không muốn tôi rời Santander. Chúng tôi đã rất sợ hãi, trốn trong xe và ký hợp đồng trên đó trong một ga-ra.”
 
Những tháng đầu tại thủ đô Madrid cũng không mấy suôn sẻ với Gento. Madrid quá rộng lớn và ông phải sống trong một nhà trọ. “Thành phố khiến tôi buồn vì nó quá rộng lớn,” Gento nhớ lại. Bên cạnh đó, ông cũng không cảm nhận được tình yêu của các Madridista.

“Một trong những ngày đáng quên nhất trong đời tôi là khi ngồi xem một trận đấu. Tôi ngồi trên khán đài, vì ngày hôm đó tôi không ra sân. Một CĐV ngồi ngay phía trước tôi liên tục chế giễu cầu thủ mang áo số 11 trên sân của Real Madrid, vì ông ta nghĩ rằng đó là tôi (Gento gắn với chiếc áo số 11 trong màu áo Real Madrid). ‘Tay Gento này đá dở tệ, lúc nào hắn ta cũng xử lý cùng một kiểu. Cứ chờ xem, thể nào hắn cũng bị thay ra cho mà xem. Chả hiểu sao cứ phải tung hắn ta vào sân…’ Ông ta cứ liên tục nói những lời đó, rất dõng dạc là đằng khác. Tôi ngồi sau ông ta, không nói một lời nào. Ngày hôm ấy, tôi về nhà và cảm thấy rất buồn. Các CĐV nghĩ tôi là một cầu thủ tệ ngay cả khi tôi không có mặt trên sân.”
 
Gento chắc chắn sẽ không bao giờ quên cuối mùa giải đầu tiên tại Real Madrid, Santiago Bernabeu muốn đẩy ông sang Osasuna vì tài năng của ông không nở rộ như kỳ vọng. Chính Di Stefano đã ra mặt, xuất hiện trong văn phòng của ngài chủ tịch và đòi giữ Gento ở lại. Những câu nói của huyền thoại người Argentina mãi về sau được nhớ đến (cả trên Wikipedia):

Paco nhanh nhất đội, cậu ấy sút quả bóng mạnh như một khẩu đại bác. Paco là bất khả xâm phạm, cậu ấy phải ở lại đây. Những phẩm chất như thế không tài nào học được, vì chúng phải có sẵn trong người. Paco có khiếu chơi bóng bẩm sinh, những kỹ năng còn lại, cậu ấy sẽ học được, vì chúng tôi sẽ chỉ dạy cậu ấy.
 
Thế là 11 năm trôi qua nhanh như một “cơn bão”. Trong mắt Amancio Amaro, Gento là người đã dạy bảo cho những cầu thủ đàn em thế nào là giá trị của Real Madrid, nhưng với chính Gento, 11 năm khoác áo đội bóng là 11 năm học hỏi không ngừng nghỉ từ tất cả. Một người Argentina khác, Hector Rial, đã dạy Gento cách làm chủ và phát huy tốc độ khủng khiếp ông sở hữu. Từ đó, cái biệt danh ‘La Galerna del Cantabrico’ hay ‘Cơn bão vùng biển Cantabria’ của Gento được ra đời. 
 
“Tôi lúc nào cũng yêu bóng đá và tôi học từ tất cả mọi người. Nếu Di Stefano sút bóng bằng gót chân, tôi cũng sẽ thử. Nếu Rial tung ra một đường chuyền sắc lẹm, tôi cũng sẽ học. Tôi có tốc độ của một cỗ máy. Tôi có bóng, rồi cứ chạy, đến khi ngoảnh đầu nhìn lại, tất cả đều mới ở giữa sân, trong khi tôi đã ở trước khung thành. Với cái chân trái của mình, tôi có thể sút những quả bóng khiến tất cả kinh ngạc. Thứ mà tôi học được chính là biết khi nào thì hãm bóng dừng lại, và động tác ấy trở thành thứ vũ khí lợi hại nhất của tôi. Tôi sẽ tăng tốc, rồi bất chợt dừng lại, đối thủ lỡ đà và lao thẳng vào rào chắn. Nhiều khi tôi muốn nói lời xin lỗi với họ. Dần dần, các đối thủ nhìn ra điểm mạnh của tôi, họ tìm cách lao vào tôi từ phía sau, nhưng tôi đủ khôn ngoan để nghe thấy lúc nào họ đến gần, rồi nhảy lên.”

 
Trong 6 chức vô địch C1 từng giành được cùng Real Madrid, Paco Gento ghi bàn trong hai trận chung kết, bàn ấn định trước Fiorentina vào năm 1957 và bàn ấn định trước AC Milan vào năm 1958. Với Gento, bàn thắng mang về chiếc cúp C1 thứ ba trong lịch sử CLB luôn đáng nhớ nhất.

Tôi ghi bàn thắng mang về chức vô địch cho đội bóng ở phút thứ 107 trước Milan tại Brussels. Tôi còn nhớ lúc đó, Di Stefano nói với tôi rằng tất cả các cầu thủ trên sân đều đã mệt, chỉ tôi mới có thể định đoạt trận đấu. Ban đầu tôi cứ nghĩ ông ấy muốn giết tôi, nhưng đúng là tới hiệp phụ, tôi vẫn còn cảm thấy rất khỏe. Một trong những tố chất của tôi chính là sức bền.
Còn chiếc cúp C1 thứ sáu, đó vẫn là một kỷ niệm đặc biệt cùng thế hệ “Yé-yé”: “Tôi là trưởng lão của đội bóng. Một tập thể ra sân toàn Tây Ban Nha. Không một ai đánh giá cao chúng tôi cả, nhưng chúng tôi vẫn vào đến chung kết và vô địch. Tôi còn nhớ các cầu thủ trẻ trong đội đã đội những bộ tóc giả vào, hóa thân thành ban nhạc The Beatles và họ kéo tôi vào đứng ở giữa trong bức ảnh.”
 
Tháng 12 năm 2015, hơn 1 năm sau khi Alfredo Di Stefano qua đời, Real Madrid trao chức chủ tịch danh dự CLB lại cho Paco Gento. Với sự trầm tính và rụt rè như cái thuở lần đầu đến với Real Madrid, Gento luôn tìm cách ẩn danh. Ông chỉ thích ngồi ở vị trí quen thuộc của mình trên khán đài, thay vì khu vực trọng vọng tại Santiago Bernabeu. Và nếu có ai đó gọi đến nhà tìm gặp ông, đích thân Gento sẽ nhấc máy và lập tức đổi tông giọng, trả lời đầy ngắn gọn: “Ông ấy không có nhà, ổng đang dắt chó đi dạo rồi.” 
 
Jorge Valdano thì lại nhớ vào một ngày nọ, khi ông cùng các quan chức CLB, trong đó có Paco Gento, đến Đức để gặp gỡ những người đồng cấp phía Bayern Munich, Gento cứ mãi nhìn xa xăm. Và khi được hỏi, ông đã đáp: “Tôi đang nhớ tới chú chó ở nhà. Sáng nay rời khỏi nhà, nó chạy theo tôi ra tận cửa như muốn khóc.”
 
Paco Gento là vậy, luôn sẵn sàng tự miêu tả bản thân mình chỉ là “cái mũ của Di Stefano” nếu vào vai huyền thoại người Argentina. Nếu người đã giành 12 danh hiệu LaLiga cùng 6 chức vô địch C1 chỉ là cái mũ của Di Stefano, phần còn lại của lịch sử Real Madrid sẽ là gì? 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.