Pablo Escobar làm bóng đá: Lớn mạnh bằng những đồng tiền phi pháp (P3)

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Ba 07/08/2018 09:33(GMT+7)

Phần 3:

COLOMBIA HỖN LOẠN

 
Năm 1989 là một năm đẫm máu của Pablo Escobar. 
 
Nỗi sợ hãi lớn nhất của ông ta luôn là việc bị dẫn độ sang Mĩ. Để không bị dính vào tình trạng này, Pablo Escobar giành lấy chiếc ghế Ủy viên dự khuyết của Hạ viện Colombia, một phần của đảng Tự do Colombia, nhờ vào sự ủng hộ của tầng lớp lao động. Tuy nhiên, ông ta lại tiếp tục gặp rắc rối khi bộ trưởng tư pháp Lara Bonilla tuyên bố sẽ mở ra một “chiến dịch thực thi công lý”. Escobar đã cử hai sát thủ đi moto, ám sát ông bộ trưởng trong ô tô công vụ trên một đường cao tốc gần Botoga. 
 
Pablo Escobar làm bóng đá: Lớn mạnh bằng những đồng tiền phi pháp
Một làn sóng phẫn nộ nhanh chóng nổi lên, và ứng viên số một của chiếc ghế tổng thống Luis Carlos Galan của Đảng tự do, ngày càng được nhiều người ủng hộ bởi tinh thần anti-cartel của mình. Nhưng vào năm 1989, các thuộc hạ của Escobar đã giết hại Galan, cũng như thổi bay một chiếc phản lực với hơn 100 hành khách (vì nghĩ rằng người kế vị của Galan, Cesar Gaviria đang ở trên đó) và một chiếc xe tải chở hàng của cơ quan an ninh Colombia. Cuối cùng, Gaviria được bầu làm tổng thống, ông tuyên bố sẽ làm mọi cách để hủy diệt tập đoàn tội phạm của “gã trùm điên loạn” Escobar.
 
Trong khi các đường phố ở Colombia lúc nào cũng bị đặt vào tình trạng nguy hiểm vì những cuộc đối đầu giữa chính phủ và Cartel, thì đội tuyển quốc gia của họ chỉ để thua đúng một trận duy nhất trong 34 trận tại vòng loại World Cup 1994. Năm 1991, sau khi thoát được lệnh dẫn độ sang Mĩ, Escobar tuyên bố gác kiếm đầu hàng, bù lại sẽ được Nhà nước cho phép tự xây cho mình ... một nhà tù như ý. “La Catedral” có lẽ không nên gọi là trại giam, mà là khách sạn 5 sao với văn phòng, phòng tập thể hình, vũ trường, sân bóng đá ... Các ngôi sao bóng đá nổi tiếng ở Colombia là những vị khách thường xuyên đến đây nhất, để tham gia vào các trận đấu do chính Pablo tổ chức giữa họ và những tù nhân hoặc các vệ sĩ của ông ta, ngay cả trong giai đoạn giải VĐQG Colombia đang diễn ra. “Huấn luyện viên nói rằng buổi luyện tập đã bị hủy bỏ”, Pereja nhớ lại. “Ông ấy đâu có gan từ chối những lời mời từ La Catedral. Escobar thường bàn luận về bóng đá – ông ta biết rõ mọi thứ. Ông ta thường nói với tôi: ‘Việc quái gì anh phải tốn công gào thét với đám trọng tài nhiều thế? Tôi trả tiền cho mấy gã ấy cả rồi.’”

VỊ KHÁCH MỜI DANH DỰ
  

Năm 1991, một vị khách đến gặp Diego Maradona, anh ta nói rằng một nhân vật cực kì quan trọng ở Colombia sẽ trả cho ngôi sao người Argentina “một khoản tiền khổng lồ”, nếu ông chấp nhận tham gia vào trận đấu giao hữu do chính nhân vật kia tổ chức, cùng với những người như Rene Higuita. Maradona nhớ lại: “Tôi bị đưa đến một nhà tù được bao quanh bởi hàng ngàn cảnh vệ. Tôi thốt lên: ‘Cái đéo gì đang diễn ra thế này? (What the fuck is going on?) Tôi bị bỏ tù à ?!’ Mà thật ra thì nơi này trông giống như một khách sạn sang trọng hơn là một nhà tù. Họ nói với tôi : ‘Diego, đây là El Patron’. Tôi không thường xuyên đọc báo hay xem tivi, nên chẳng biết gì về cái tên này cả ! Chúng tôi trò chuyện cùng nhau trong một văn phòng và Pablo tự nhận mình là fan hâm mộ của tôi, ông ta nói rằng cảm thấy đồng cảm với tôi, bởi vì, giống như ông ta, tôi cũng đã phải trãi qua một khoảng thời gian nghèo khó trước khi làm nên sự nghiệp. »
 
"Chúng tôi đã có một trận đấu và mọi người đều thích thú với nó. Tối hôm ấy, một bữa tiệc xa hoa được tổ chức, ở đó có những cô nàng bốc lửa nhất mà tôi từng thấy trong đời. Không thể tin được, tất cả những điều này được diễn ra trong một nhà tù ! Sáng hôm sau, ông ấy trả tiền cho tôi và nói lời tạm biệt."
 
Thông thường, các cầu thủ được mời đến La Catedral một cách bí mật, họ che kín mặt với những chiếc mũ khi đến đây, nhưng một sự cố đã xảy ra khiến việc này bị bại lộ. Rene Higuita, thủ môn cao 5ft 9in có biệt danh là El Colo (gã điên), đã mắc sai lầm khi nói chuyện với cánh phóng viên lúc đang trên đường đi đến nhà tù. Cả đất nước tỏ ra vô cùng phẫn nộ, làm sao họ có thể chấp nhận được việc niềm tự hào của họ lại có quan hệ thân thiết với một tên tội phạm khét tiếng ?
 
Thủ thành huyền thoại Rene Higuita ký tặng người hâm mộ trước trận đấu.
Higuita bị bắt giam vào năm 1993, khi Pablo bị buộc tội tổ chức bắt cóc con gái của Carlos Molina, một ông trùm ma túy kình địch, Higuita bị nghi ngờ là người đóng vai trò trung gian của cuộc trao đổi tiền chuộc cô bé với khoản tiền nhận được là 64.000 USD trong tổng số khoản tiền chuộc là 300.000 USD. Nhưng theo The Two Escobars, mối quan hệ của thủ môn người Colombia với cartel mới chính là lý do thật sự khiến ông bị bắt. « Tất cả những gì họ muốn thẩm vấn tôi đều là về Pablo, » Higuita kể lại. « Ông ấy luôn quan tâm đến những người nghèo khổ, xây nhà cửa và sân bóng cho họ. Nhưng ông ấy cũng phải chịu trách nhiệm cho những cuộc chiến khủng khiếp. Tuy vậy, tôi vẫn luôn muốn cảm ơn Pablo vì những gì ông ấy đã làm cho mình. Tôi không nghĩ là mình đã làm gì vi phạm pháp luật. » Huấn luyện viên Maturana cũng ra sức bảo vệ học trò của mình, ông nói : «Nếu Don Corleone mời tôi đi ăn tối, tôi sẽ sẵn sàng chấp nhập lời mời. ». Nhưng kết cuộc là sau 7 tháng bị giam giữ (từ 1993), Higuita mất cơ hội dự World Cup 1994.
 
KỶ NGUYÊN VÀNG SỤP ĐỔ
 
Pablo ngày càng dính vào nhiều rắc rối hơn. Những vụ giết người đã xảy ra ngay bên trong La Catedral, dưới áp lực của truyền thông, chính phủ quyết định ông ta cần phải bị « giam giữ » đúng cách. Và Escobar đã bỏ trốn.
 
Ngay cả trong những tình huống ngàn cân treo sợi tóc, bóng đá vẫn ám ảnh lấy tâm trí Pablo. Popeye kể lại:
 
"Trong một lần chúng tôi đang ẩn náu thì phát hiện ra cảnh sát đang càn quét ráo riết ở khu vực xung quanh. Mồ hôi đổ như tắm, tôi siết chặt khẩu M16 của mình và bố trí đàn em thì bỗng nghe tiếng Pablo gọi to 'Popeye! Popeye!' Tôi vội vàng chạy đến, Pablo ghì lấy tôi, radio vẫn ở bên tai, gào rất to: “Vào rồi! Columbia ghi bàn rồi!" Bóng đá là niềm vui, là cuộc sống của ông ấy. »
 
Nhưng Pablo Escobar đã không còn cơ hội để được chứng kiến đội tuyển quốc gia Colombia thi đấu tại World Cup 1994: Tháng 12 năm 1993, ông ta bị cảnh sát Colombia bắn chết trên một mái nhà ở Medellin. Khi chết, Escobar vẫn còn mang một đôi giày bóng đá. Sự ra đi của ông ta đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. 
  

Những cuộc chiến đẫm máu liên tiếp nổ ra, cả trong thế giới cartel lẫn thế giới bóng đá của Colombia. Vào khoảng thời gian USA 94 diễn ra, anh trai của Chonto Herrara đã bị giết chết trong một vụ tai nạn xe hơi. Tiền vệ Barrabas Gomez, đồng thời cũng là em trai của trợ lý huấn luyện viên Hernan, đã rời khỏi đội sau khi phải nhận hàng loạt tin nhắn nặc danh, đe dọa đến tính mạng, yêu cầu anh không được thi đấu. Và sau đó, ngày 2 tháng 7 năm 1994, hậu vệ trẻ của Nacional Andres Escobar, người đá phản lưới nhà khiến Colombia bị loại khỏi giải đấu, đã bị bắn bên ngoài quán bar El Indio ở ngoại ô Medellín. Theo lời kể lại của bạn gái anh, tên sát nhân hét lên "Gooooooooooooool!" (nhại theo tiếng hô của các bình luận viên thể thao Nam Mỹ mỗi khi có bàn thắng được ghi) với mỗi phát súng trong 12 phát bắn vào Escobar.

Vụ án mạng được cho rằng là sự trừng phạt về bàn thắng vào lưới nhà. Tuy nhiên không rõ tên sát nhân tự ý thực hiện hay do một trong những kẻ cá cược - đã mất một khoản tiền lớn vào cửa Colombia đoạt cúp, hay ít ra vào được vòng sau - thuê. Tang lễ của Escobar đã có 120.000 người đến dự. Tại lễ tang, thủ tướng Colombia lúc đó, ông Cesar Gaviria đã phát biểu: "Cầu thủ này là nạn nhân của một hành động bạo lực ngu xuẩn. Cái chết của anh khiến cả đất nước cảm thấy đau thương". Mỗi năm, các cổ động viên mang hình Escobar đến các trận đấu như một hành động tưởng nhớ đến anh. 
 
“Những điều này sẽ không bao giờ xảy ra nếu Pablo còn sống,” Gaviria tuyên bố. “Anh ấy có những quy tắc của riêng mình.”
 
Kỷ nguyên vàng của bóng đá Colombia đã lụi tàn ngay khi còn chưa kịp bắt đầu. Lo sợ những mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, nhiều tuyển thủ đã giã từ ĐTQG. Sự tham gia của những băng nhóm tội phạm vào các câu lạc bộ đã hoàn toàn bị loại bỏ, qua đó, những nguồn tiền đầu tư mau chóng cạn kiệt. Colombia rơi từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 34 trên bảng xếp hạng FIFA. Không còn nguồn lực tài chính dồi dào như trước, Nacional lâm vào tình trạng khát danh hiệu suôt 11 năm, trong khi đó, không một đội bóng nào ở Colombia có thể đăng quang tại Copa Libertadores thêm lần nữa, mãi cho đến năm 2004.
 
TÀN DƯ
 
“Người ta cho rằng sự nổi lên của bóng đá Colombia là nhờ vào những đồng tiền buôn ma túy,” ông Juan Jose Bellini, chủ tịch liên đoàn bóng đá Colombia nói. “Tất cả chúng ta đều thừa nhận điều đó. Tất cả chúng ta đều tham gia vào nó.” Chính Bellini sau đó đã bị buộc tội rửa tiền.
  
Liệu “Narco-football” đã chết cùng Pablo Escobar ? Đó vẫn còn là một câu hỏi bị bỏ ngõ. Năm 2007, tạp chí Semana của Colombia đã chặn được một cuộc gọi từ Rodrigo Tovar Pupo - có biệt danh “Jorge 40”, kẻ cầm đầu nhánh phía bắc của tổ chức bán quân sự cực hữu khét tiếng tàn ác AUC – cho giám đốc của Valledupar FC, đề nghị ông đưa các cầu thủ “những người mang ơn tôi” đến chơi cho America De Cali dưới dạng cho mượn. Một tên buôn người có biệt danh “Macaco” bị nghi ngờ đang kiểm soát Pereira Fc và cố gắng thâu tóm đội bóng của El Mexicano trước đây, Millonarios. Những khoản tiền phi pháp vẫn được đổ vào đầu tư cho bóng đá; chỉ là nó không còn được thực hiện một cách công khai như triều đại của Pablo Escobar khi trước.
  

Maturana thừa nhận, miễn là xã hội Colombia vẫn còn những con người sẵn sàng đổ máu để kiếm tiền, linh hồn của đất nước này sẽ tiếp tục bị gặm nhấm. “Đây là một xã hội đầy những khiếm khuyết.” Ông nói.

Lược dịch từ bài viết “Narcos: When Pablo Escobar did football – and changed the game in Colombia forever” của Fourfourtwo.com

Nam Khánh (TTVN)
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.