|
Tao sẽ tự sát nếu 5 năm nữa chưa có một triệu USD trong túi
- Pablo Escobar tuyên bố vào năm 20 tuổi |
|
|
Pablo Escobar làm bóng đá: Lớn mạnh bằng những đồng tiền phi pháp |
Cuộc đời Escobar xoay quanh mục đích duy nhất là làm ra và bảo vệ một núi tiền bằng mọi giá. Từ một tên ăn trộm ô-tô, ông ta trở thành tội phạm lớn nhất thế kỷ. Dưới trướng Escobar, tập đoàn Medellin là tổ chức đầu tiên sản xuất và phân phối cocaine ở quy mô công nghiệp, đưa Escobar trong vòng vài năm lên vị trí những người giàu nhất thế giới.
Ông hoàng ma túy, tên giết người máu lạnh, gã buôn người, tên trộm, … Đó là tất cả những gì người ta nghĩ đến khi nhắc về người đàn ông đáng sợ này. Nhưng không chỉ có sự kinh sợ, đối với một số người, ông ta không khác gì một vị thánh. Một lá cờ lớn in hình Escobar vẫn được cắm lên đầy trang trọng ở lối vào khu dân cư mà ông ta xây dựng trên một bãi rác cũ để dung nạp những người nghèo khổ. Trên những con đường của thành phố Medellin, quê hương của ông, những chiếc sticker dán xe được ưa chuộng nhất ở đây bao gồm các bức hình về Jesus, Hello Kitty, The Simpsons; và Sticker về “Pablito” chính là mặt hàng bán chạy nhất của họ.
NIỀM ĐAM MÊ VỚI BÓNG ĐÁ.
Không ít người tỏ ra ghê tởm Pablo Escobar. Rodrigo Lara Restrepo, con trai của bộ trưởng tư pháp Colombia Lara Bonilla, người đã bị ám sát theo lệnh Escobar vào ngày 30/4/1984, cho rằng việc hình ảnh của ông ta vẫn được bày bán tràn lan cho đến nay là “Bằng chứng về sự thành công của cái văn hóa mà Escobar đã tạo ra … một thứ văn hóa xem trọng lợi nhuận hơn tất cả.”. Đối với nhiều người, gã đàn ông này đã phá hủy và cướp đoạt đất đai của họ. Nhưng không ai có thể phủ nhận một điều: Cái tên El Patron là một phần không thể tách rời của nền lịch sử Colombia.
|
Trùm ma túy Pablo Escobar tới xem Higuita thi đấu |
Không chỉ tạo ra sự thống trị tuyệt đối ở thế giới ngầm, thế lực của Escobar còn ảnh hưởng đến cả chính phủ và cảnh sát. Tuy nhiên, có vẻ ít ai để ý đến việc ông ta đã làm thể nào để vươn vòi bạch tuột của mình vào thế giới bóng đá.
Pablo chơi, theo dõi và thảo luận về bóng đá bất cứ khi nào có thời gian rãnh – Ông ta cũng là người đứng sau sự nổi lên và sụp đổ của nền bóng đá Colombia trong gian đoạn từ năm 1984 đến World Cup 1994 diễn ra ở Mĩ. “Pablo rất yêu bóng đá.”, chị gái ông, Luz Maria cho biết, trong bộ phim tài liệu mang tên The Two Escorbas của ESPN. “Đôi giày đầu tiên của nó là một đôi giày đá bóng.”
SỐ TÀI SẢN KHỔNG LỒ.
Sinh ra ở làng Rionegro trong Antioquia, Colombia, là con thứ 7 trong gia đình cha là Abel de Jesus Escobar, một nông dân, và mẹ là Hemilda Gaviria, một giáo viên tiểu học. Gia đình Escobar phải sống trong một ngôi nhà nhỏ không có điện. Do không đủ tiền đóng học phí, ông bị nhà trường buộc thôi học và bắt đầu sa vào con đường tội lỗi. Sự tàn nhẫn của người đàn ông này đã được bộc lộ từ rất sớm. Vào khoảng thời gian cùng người anh trai Roberto tham gia vào các phi vụ nhỏ, Escobar đã biết phân tích những con đường có thể giúp họ kiếm tiền một cách nhanh nhất.
Trong phi vụ bắt cóc đầu tiên mà mình thực hiện –Pablo đã đòi gia đình nạn nhân số tiền chuộc lên đến 100.000 USD – cho thấy ông ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để kiếm được tiền. Giữa thập niên 70, hai anh em Roberto và Pablo bắt đầu nhận ra rằng, không gì đem lại lợi nhuận nhiều bằng buôn lậu.
Và, Eureka ! … Làm quái gì còn thứ nào bán được nhiều tiền hơn cocain. Chính loại hàng này đã đem đến cho ông ta khối tài sản khổng lồ lên đến 50 tỷ Dollar sau này. Vào thời đỉnh cao của mình, Escobar chính là nguồn cung cấp đến 80% lượng coke của Mĩ. Chiến lược hành động của ông ta rất đơn giản – “Bạc hay kẹo đồng” - ban thưởng cho những ai ngoan ngoãn phục tùng mình và sẵn sàng loại bỏ những kẻ cản đường.
Nhưng Pablo Escobar lại gặp phải một vấn đề: Ông ta có quá nhiều tiền. Thu nhập bất chính thừa mứa tới mức chúng không thể gởi vào ngân hàng hết được mà cứ thế bó lại thành từng cục tiền rồi nhét vào kho chứa, chấp nhận mỗi năm suy suyển chừng 10% vì bị chuột bọ gặm nhấm. Trong khi các tay đại gia khác đốt tiền vào gái, siêu xe, những nông trại khổng lồ, v.v … thì Escobar lại đem tiền đi làm … công tác xã hội, quyết tâm sử dụng của cải của mình để giúp đỡ những người có nhu cầu. Ông ta đầu tư rất nhiều tiền để tu sửa các cơ sở vật chất ở vùng Medellin nghèo khó, chi tiền xây nhiều sân vận động, khu liên hợp, tài trợ đội bóng trẻ em. Ngoài ra, Escobar dùng số tiền bất chính xây trường học, bệnh viện, nhà thờ ở miền tây Colombia. Chính vì điều này, Escobar đã có được sự tin tưởng của đông đảo dân nghèo và được tung hô như một Robin Hood thời hiện đại. “Nó luôn tỏ ra hào phóng trong các công tác xã hội,” Luz Maria nói. “Trong khu phố của chúng tôi. Pablo tặng đèn pha và dụng cụ chơi bóng.”
THIÊN ĐƯỜNG RỬA TIỀN
Mỗi khi xỏ giày ra sân, Pablo luôn thể hiện mình là một cầu thủ sắc bén. Ông thuận chân phải, thích hoạt động bên cánh trái và di chuyển cắt vào trong. Các dự án về bóng đá mà Escobar thực hiện đã giúp ông ta gây dựng được tình bạn với khá nhiều cầu thủ danh tiếng. “Có rất nhiều giải đấu được tổ chức trong khu ổ chuột.” Chonto Herrara, người đã có 61 lần ra sân cho đội tuyển quốc gia, nhớ lại. “Khi bước vào sân bóng, người ta quên hết đi mọi lo toan thường nhật để hòa mình vào trận đấu. Thế giới bóng đá là một nơi vô cùng tuyệt vời, ở ngoài đời, chúng tôi rất nghèo, nhưng trong thế giới này, chúng tôi là những người hùng.”
Alexis Garcia, Chicho Serna, Rene Higuita và Pacho Maturana đều là những ngôi sao bước ra ánh sáng nhờ các sân bóng mà Pablo Escobar tạo ra, không quá ngạc nhiên khi những người này đều dành cho ông ta sự ngưỡng mộ tuyệt đối, với họ, ông ta không khác gì một người hùng. “Ai cũng nói về người đàn ông đã quyên tặng những sân bóng, ông ấy bị khinh bỉ vì là một trùm ma túy,” Leonel Alvarez, người đã có 101 trận đeo băng đội trưởng cho Cafeteros hồi tưởng. “Nhưng chúng tôi đều cảm thấy thật may mắn khi được Escobar giúp đỡ.”
Bóng đá cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các hoạt động trong thế giới ngầm của Pablo Escobar. Người anh trai Roberto - đồng thời cũng là kế toán trưởng của tập đoàn ma túy Medellin - muốn hợp pháp hóa những khoản tiền bất chính của họ. Một câu lạc bộ bóng đá là nơi vô cùng hoàn hảo để thực hiện ý đồ này. Với kế hoạch quay vòng các khoản tiền, họ dễ dàng tuyên bố mức thu nhập cao hơn nhiều so với con số thực, thường là 1 triệu Dollar hoặc nhiều hơn, và ngay lập tức “làm sạch” số tiền bẩn. Thủ đoạn tương tự cũng được sử dụng trong các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ. Thể thao là một thiên đường cho việc rửa tiền.
XÂY DỰNG ĐỘI HÌNH
Pablo Escobar bắt đầu vươn vòi bạch tuột vào thế giới bóng đá, quê nhà ông ta chính là điểm khởi đầu. Năm 1973, khoảng thời gian mà Escobar bắt đầu xây dựng thế lực của mình trong thế giới ngầm, Atletico Nacional chỉ mới 2 lần đăng quang tại giải đấu hàng đầu Colombia. Vào thập niên 80, Pablo quyết định sẽ đầu tư vào Nacional và biến họ trở thành đội bóng hùng mạnh nhất Nam Mỹ.
Tất nhiên, ông ta không ngớ ngẩn đến mức tự mình trở thành chủ sở hữu của đội bóng này, mối quan hệ giữa Escobar và Atletico Nacional là một sự bí mật. “Các khoản tiền “đen” của ông ấy đã giúp chúng tôi mang về câu lạc bộ những ngôi sao nước ngoài.”, Maturana, huấn luyện viên của Nacional từ năm 1987 đến năm 1990, cho biết trong The two Escobars. “Đồng thời, nó cũng giúp chúng tôi giữ lại những cầu thủ trụ cột. Phong độ của chúng tôi ngày càng bay cao. Nhìn vào sức mạnh của chúng tôi khi ấy, ai cũng đều chắc như đinh đóng cột rằng Escobar có nhúng tay vào đội bóng. Nhưng họ làm quái gì có bằng chứng để chứng minh điều đó.”
Escobar cũng đầu từ vào các đối thủ cùng thành phố của Nacional, Deportivo Independiente Medellin (DIM) là một trong số đó, ông ta thường xuyên có mặt trong các trận đấu diễn ra tại Estadio Atanasio Girardo. Không chỉ có Escobar, những “đồng nghiệp” khác của ông ta cũng bắt đầu nhìn ra lợi ích của việc đầu tư vào bóng đá. Đối tác của Pablo, Jose Gacha ( biệt danh El Maxicano) đổ vào Millonarios ở Botoga những khoản tiền khủng, trong khi đó, đối thủ của Escobar là Miguel Rodriguez Orejuela, người đứng đầu Cali Cartel, cũng rót tiền vào America de Cali. Triều đại “Narco-Football” chính thức được hình thành.
ÔNG VUA CỦA LỤC ĐỊA
Khi đã thao túng toàn bộ mọi đội bóng tại Medellin, Pablo bắt đầu đưa khái niệm “bóng đá siêu đẳng” lên một cấp độ hoàn toàn mới. Ông ta thường tổ chức các trận đấu tại chính nhà riêng của mình, đối thủ trong các trận đấu của Escobar chính là El Maxicano và đội hình những cầu thủ xuất sắc nhất do vị đối tác này tuyển chọn . “Đó là những trận giao hữu mang tính giải trí ,” em họ của Pablo, Jamie Gaviria cho biết. “Pablo sẽ nói rằng: “Chọn lấy đội hình ngon nhất của ông, đem đến đây và đấu cùng tôi một trận.” Các cầu thủ sẽ được thưởng tiền rất hậu hĩnh sau khi trận đấu kết thúc, và các tay máu mặt thường đặt cược hàng triệu Dollar vào những trận đấu như thế này. Tuy có một số ít cầu thủ, chẳng hạn như Andres Escobar của Nacional, đã tỏ ra rất khó chịu khi phải đi làm trò mua vui cho nhưng tên buôn người, những tên trùm ma túy …, nhưng đa số đều không suy nghĩ nhiều về điều này cho lắm, họ chỉ đơn giản là tận hưởng trận đấu.
Nacional của Maturana sau khi được đầu tư mạnh mẽ về mặt tài chính đã bắt đầu đặt ra những mục tiêu cao hơn: Họ muốn trở thành đội bóng đầu tiên của Colombia đăng quang tại Copa Libertadores. Năm 1989, họ nằm cùng bảng đấu với Millonarios. Đội bóng đến từ Botago của El Maxicano đứng đầu bảng sau chiến thắng 2-0 trước Nacional, nhưng cả hai đội đều giành quyền tiến thẳng đến vòng knock-out. Sau đó, Nacional đánh bại Racing Club của Argentina, còn Millonarios đánh bại Bolivar của Bolivia. Trận tứ kết chính là cuộc đối đầu giữa những người Colombia. Lần này, Nacional mới là đội giành chiến thắng với tổng tỷ số 2-1. Sau đó, họ tiếp tục đánh bại Danubio của Uruguay với tỷ số 6-0, và tiến vào trận chung kết, chạm trán với Olimpia của Paraguay. Sau thất bại 2-0 của Nacional tại Asuncion, trận lượt về diễn ra vô cùng căng thẳng.
Tuyến phòng ngự Nacional đứng vững nhờ sự xuất sắc của Andres Escobar ở hàng thủ và “El Loco” (gã điên) Rere Higuita trước khung thành, một pha phản lưới nhà của đối phương và một bàn thắng của tiền đạo Albeiro Usuriaga giúp họ san bằng cách biệt. Trận đấu bước vào loạt luân lưu, một bình luận viên người Colombia thốt lên: “Đây sẽ là một khoảng khắc lịch sử.”
Andres Escobar là người sút đầu tiên và đã thành công, Rene Higuita một lần nữa đóng vai trò người hùng khi vừa có những pha cản phá xuất thần, vừa sút thành công lượt sút của mình. Nhưng các đồng đội của họ lại không thể tận dụng lợi thế dẫn trước để đem về chiếc cúp vô địch cho Nacional. “Tôi đã bảo họ rằng: “Hãy dừng lại một khoảng khắc trước khi sút, tay thủ môn của bọn kia thường có xu hướng đổ người sớm,” Maturana nói. “Nhưng không ai lắng nghe cả … ngoại trừ Leonel.” Sau ba lượt đá hỏng của các cầu thủ Nacional, Leonel Alvarez bước lên chấm Penalty, chạy đà, bất ngờ khựng lại ngay lúc thủ môn đổ người và sút. Atletico Nacional lên ngôi vô địch châu lục.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN BÓNG ĐÁ
Cả sân vận động như bùng nổ. “Pablo nhảy múa và la hét trong sung sướng với mọi bàn thắng mà Nacional ghi được,” Jhon Jairo Velasquez Vasquez, biệt danh Popeye, tay sai của Pablo Escobar, kẻ đã nhúng tay vào 200 vụ giết người, cho biết. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông ấy vui đến như vậy. Bình thường, ông ấy lạnh như băng.”
Các cầu thủ được mời đến trang trại của Escobar để tham gia vào một bữa tiệc cực kì hoành tráng. “Họ đến vì khoản tiền thưởng mà Pablo tặng cho họ. Số tiền ấy lớn đến mức chất đầy cả một chiếc xe tải,” Jamie Gaviria cho biết. “Đối với Pablo, các cầu thủ không phải những món hàng, họ là bạn. Bao nhiêu tiền cũng không thành vấn đề. Ông ấy muốn họ luôn được hạnh phúc.”.
Với tư cách là huấn luyện viên ĐTQG Colombia, Maturana dẫn dắt một đội hình với nòng cốt là những cầu thủ của Nacional hướng về USA 94.
Bóng đá đã trở thành một niềm tự hào thật sự với người dân Colombia, và các ông trùm ma túy đã góp công không nhỏ vào điều này. Nhưng những mặt tối của nó bắt đầu được đưa ra ánh sáng. Tháng 11 năm 1989, Deportivo Independiente Medellin của Escoba đối đầu với America De Cali, đội bóng được đầu tư bởi Miguel Rodriguez - đối thủ cạnh tranh của Pablo, và một tin đồn nói rằng trọng tài chính của trận đấu, Alvaro Ortega, đã bị Miguel mua chuộc được lan truyền khắp nơi. “Thằng chó đó đã đánh cắp chiến thắng của chúng tôi,’ Popeye nói. “Pablo ra lệnh cho chúng tôi truy tìm và lấy mạng hắn.” Ortega bị bắn chết ngay sau đó bởi hai tay súng, nhóm sát thủ đã hét lên “sai lầm” của ông trước khi nã 20 viên đạn vào vị trọng tài này.
Các cầu thủ tại Colombia sớm nhận ra mặt tối của cái thế giới mà họ đang phục vụ. “Vừa trở về nhà sau trận đấu, tôi nghe được tin ông trọng tài đã bị giết,” Oscar Pareja, một tiền vệ của DIM, cho biết. “Chúng tôi sợ đến tê cứng người. Chúng tôi biết chủ sở hữu của đội bóng là một người rất mờ ám. Nhưng chúng tôi chỉ là những cầu thủ và chúng tôi không biết được quá nhiều chuyện.”
COLOMBIA HỖN LOẠN
Năm 1989 là một năm đẫm máu của Pablo Escobar.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của ông ta luôn là việc bị dẫn độ sang Mĩ. Để không bị dính vào tình trạng này, Pablo Escobar giành lấy chiếc ghế Ủy viên dự khuyết của Hạ viện Colombia, một phần của đảng Tự do Colombia, nhờ vào sự ủng hộ của tầng lớp lao động. Tuy nhiên, ông ta lại tiếp tục gặp rắc rối khi bộ trưởng tư pháp Lara Bonilla tuyên bố sẽ mở ra một “chiến dịch thực thi công lý”. Escobar đã cử hai sát thủ đi moto, ám sát ông bộ trưởng trong ô tô công vụ trên một đường cao tốc gần Botoga.
Một làn sóng phẫn nộ nhanh chóng nổi lên, và ứng viên số một của chiếc ghế tổng thống Luis Carlos Galan của Đảng tự do, ngày càng được nhiều người ủng hộ bởi tinh thần anti-cartel của mình. Nhưng vào năm 1989, các thuộc hạ của Escobar đã giết hại Galan, cũng như thổi bay một chiếc phản lực với hơn 100 hành khách (vì nghĩ rằng người kế vị của Galan, Cesar Gaviria đang ở trên đó) và một chiếc xe tải chở hàng của cơ quan an ninh Colombia. Cuối cùng, Gaviria được bầu làm tổng thống, ông tuyên bố sẽ làm mọi cách để hủy diệt tập đoàn tội phạm của “gã trùm điên loạn” Escobar.
Trong khi các đường phố ở Colombia lúc nào cũng bị đặt vào tình trạng nguy hiểm vì những cuộc đối đầu giữa chính phủ và Cartel, thì đội tuyển quốc gia của họ chỉ để thua đúng một trận duy nhất trong 34 trận tại vòng loại World Cup 1994. Năm 1991, sau khi thoát được lệnh dẫn độ sang Mĩ, Escobar tuyên bố gác kiếm đầu hàng, bù lại sẽ được Nhà nước cho phép tự xây cho mình ... một nhà tù như ý. “La Catedral” có lẽ không nên gọi là trại giam, mà là khách sạn 5 sao với văn phòng, phòng tập thể hình, vũ trường, sân bóng đá ... Các ngôi sao bóng đá nổi tiếng ở Colombia là những vị khách thường xuyên đến đây nhất, để tham gia vào các trận đấu do chính Pablo tổ chức giữa họ và những tù nhân hoặc các vệ sĩ của ông ta, ngay cả trong giai đoạn giải VĐQG Colombia đang diễn ra. “Huấn luyện viên nói rằng buổi luyện tập đã bị hủy bỏ”, Pereja nhớ lại. “Ông ấy đâu có gan từ chối những lời mời từ La Catedral. Escobar thường bàn luận về bóng đá – ông ta biết rõ mọi thứ. Ông ta thường nói với tôi: ‘Việc quái gì anh phải tốn công gào thét với đám trọng tài nhiều thế? Tôi trả tiền cho mấy gã ấy cả rồi.’”
VỊ KHÁCH MỜI DANH DỰ
Năm 1991, một vị khách đến gặp Diego Maradona, anh ta nói rằng một nhân vật cực kì quan trọng ở Colombia sẽ trả cho ngôi sao người Argentina “một khoản tiền khổng lồ”, nếu ông chấp nhận tham gia vào trận đấu giao hữu do chính nhân vật kia tổ chức, cùng với những người như Rene Higuita. Maradona nhớ lại: “Tôi bị đưa đến một nhà tù được bao quanh bởi hàng ngàn cảnh vệ. Tôi thốt lên: ‘Cái đéo gì đang diễn ra thế này? (What the fuck is going on?) Tôi bị bỏ tù à ?!’ Mà thật ra thì nơi này trông giống như một khách sạn sang trọng hơn là một nhà tù. Họ nói với tôi : ‘Diego, đây là El Patron’. Tôi không thường xuyên đọc báo hay xem tivi, nên chẳng biết gì về cái tên này cả ! Chúng tôi trò chuyện cùng nhau trong một văn phòng và Pablo tự nhận mình là fan hâm mộ của tôi, ông ta nói rằng cảm thấy đồng cảm với tôi, bởi vì, giống như ông ta, tôi cũng đã phải trãi qua một khoảng thời gian nghèo khó trước khi làm nên sự nghiệp. »
« Chúng tôi đã có một trận đấu và mọi người đều thích thú với nó. Tối hôm ấy, một bữa tiệc xa hoa được tổ chức, ở đó có những cô nàng bốc lửa nhất mà tôi từng thấy trong đời. Không thể tin được, tất cả những điều này được diễn ra trong một nhà tù ! Sáng hôm sau, ông ấy trả tiền cho tôi và nói lời tạm biệt. »
Thông thường, các cầu thủ được mời đến La Catedral một cách bí mật, họ che kín mặt với những chiếc mũ khi đến đây, nhưng một sự cố đã xảy ra khiến việc này bị bại lộ. Rene Higuita, thủ môn cao 5ft 9in có biệt danh là El Colo (gã điên), đã mắc sai lầm khi nói chuyện với cánh phóng viên lúc đang trên đường đi đến nhà tù. Cả đất nước tỏ ra vô cùng phẫn nộ, làm sao họ có thể chấp nhận được việc niềm tự hào của họ lại có quan hệ thân thiết với một tên tội phạm khét tiếng ?
|
Thủ thành huyền thoại Rene Higuita ký tặng người hâm mộ trước trận đấu. |
Higuita bị bắt giam vào năm 1993, khi Pablo bị buộc tội tổ chức bắt cóc con gái của Carlos Molina, một ông trùm ma túy kình địch, Higuita bị nghi ngờ là người đóng vai trò trung gian của cuộc trao đổi tiền chuộc cô bé với khoản tiền nhận được là 64.000 USD trong tổng số khoản tiền chuộc là 300.000 USD. Nhưng theo The Two Escobars, mối quan hệ của thủ môn người Colombia với cartel mới chính là lý do thật sự khiến ông bị bắt. « Tất cả những gì họ muốn thẩm vấn tôi đều là về Pablo, » Higuita kể lại. « Ông ấy luôn quan tâm đến những người nghèo khổ, xây nhà cửa và sân bóng cho họ. Nhưng ông ấy cũng phải chịu trách nhiệm cho những cuộc chiến khủng khiếp. Tuy vậy, tôi vẫn luôn muốn cảm ơn Pablo vì những gì ông ấy đã làm cho mình. Tôi không nghĩ là mình đã làm gì vi phạm pháp luật. » Huấn luyện viên Maturana cũng ra sức bảo vệ học trò của mình, ông nói : «Nếu Don Corleone mời tôi đi ăn tối, tôi sẽ sẵn sàng chấp nhập lời mời. ». Nhưng kết cuộc là sau 7 tháng bị giam giữ (từ 1993), Higuita mất cơ hội dự World Cup 1994.
KỶ NGUYÊN VÀNG SỤP ĐỔ
Pablo ngày càng dính vào nhiều rắc rối hơn. Những vụ giết người đã xảy ra ngay bên trong La Catedral, dưới áp lực của truyền thông, chính phủ quyết định ông ta cần phải bị « giam giữ » đúng cách. Và Escobar đã bỏ trốn.
Ngay cả trong những tình huống ngàn cân treo sợi tóc, bóng đá vẫn ám ảnh lấy tâm trí Pablo. Popeye kể lại:
"Trong một lần chúng tôi đang ẩn náu thì phát hiện ra cảnh sát đang càn quét ráo riết ở khu vực xung quanh. Mồ hôi đổ như tắm, tôi siết chặt khẩu M16 của mình và bố trí đàn em thì bỗng nghe tiếng Pablo gọi to 'Popeye! Popeye!' Tôi vội vàng chạy đến, Pablo ghì lấy tôi, radio vẫn ở bên tai, gào rất to: “Vào rồi! Columbia ghi bàn rồi!" Bóng đá là niềm vui, là cuộc sống của ông ấy. »
Nhưng Pablo Escobar đã không còn cơ hội để được chứng kiến đội tuyển quốc gia Colombia thi đấu tại World Cup 1994: Tháng 12 năm 1993, ông ta bị cảnh sát Colombia bắn chết trên một mái nhà ở Medellin. Khi chết, Escobar vẫn còn mang một đôi giày bóng đá. Sự ra đi của ông ta đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề.
Những cuộc chiến đẫm máu liên tiếp nổ ra, cả trong thế giới cartel lẫn thế giới bóng đá của Colombia. Vào khoảng thời gian USA 94 diễn ra, anh trai của Chonto Herrara đã bị giết chết trong một vụ tai nạn xe hơi. Tiền vệ Barrabas Gomez, đồng thời cũng là em trai của trợ lý huấn luyện viên Hernan, đã rời khỏi đội sau khi phải nhận hàng loạt tin nhắn nặc danh, đe dọa đến tính mạng, yêu cầu anh không được thi đấu. Và sau đó, ngày 2 tháng 7 năm 1994, hậu vệ trẻ của Nacional Andres Escobar, người đá phản lưới nhà khiến Colombia bị loại khỏi giải đấu, đã bị bắn bên ngoài quán bar El Indio ở ngoại ô Medellín. Theo lời kể lại của bạn gái anh, tên sát nhân hét lên "Gooooooooooooool!" (nhại theo tiếng hô của các bình luận viên thể thao Nam Mỹ mỗi khi có bàn thắng được ghi) với mỗi phát súng trong 12 phát bắn vào Escobar.
Vụ án mạng được cho rằng là sự trừng phạt về bàn thắng vào lưới nhà. Tuy nhiên không rõ tên sát nhân tự ý thực hiện hay do một trong những kẻ cá cược - đã mất một khoản tiền lớn vào cửa Colombia đoạt cúp, hay ít ra vào được vòng sau - thuê. Tang lễ của Escobar đã có 120.000 người đến dự. Tại lễ tang, thủ tướng Colombia lúc đó, ông Cesar Gaviria đã phát biểu: "Cầu thủ này là nạn nhân của một hành động bạo lực ngu xuẩn. Cái chết của anh khiến cả đất nước cảm thấy đau thương". Mỗi năm, các cổ động viên mang hình Escobar đến các trận đấu như một hành động tưởng nhớ đến anh.
“Những điều này sẽ không bao giờ xảy ra nếu Pablo còn sống,” Gaviria tuyên bố. “Anh ấy có những quy tắc của riêng mình.”
Kỷ nguyên vàng của bóng đá Colombia đã lụi tàn ngay khi còn chưa kịp bắt đầu. Lo sợ những mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, nhiều tuyển thủ đã giã từ ĐTQG. Sự tham gia của những băng nhóm tội phạm vào các câu lạc bộ đã hoàn toàn bị loại bỏ, qua đó, những nguồn tiền đầu tư mau chóng cạn kiệt. Colombia rơi từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 34 trên bảng xếp hạng FIFA. Không còn nguồn lực tài chính dồi dào như trước, Nacional lâm vào tình trạng khát danh hiệu suôt 11 năm, trong khi đó, không một đội bóng nào ở Colombia có thể đăng quang tại Copa Libertadores thêm lần nữa, mãi cho đến năm 2004.
TÀN DƯ
“Người ta cho rằng sự nổi lên của bóng đá Colombia là nhờ vào những đồng tiền buôn ma túy,” ông Juan Jose Bellini, chủ tịch liên đoàn bóng đá Colombia nói. “Tất cả chúng ta đều thừa nhận điều đó. Tất cả chúng ta đều tham gia vào nó.” Chính Bellini sau đó đã bị buộc tội rửa tiền.
Liệu “Narco-football” đã chết cùng Pablo Escobar ? Đó vẫn còn là một câu hỏi bị bỏ ngõ. Năm 2007, tạp chí Semana của Colombia đã chặn được một cuộc gọi từ Rodrigo Tovar Pupo - có biệt danh “Jorge 40”, kẻ cầm đầu nhánh phía bắc của tổ chức bán quân sự cực hữu khét tiếng tàn ác AUC – cho giám đốc của Valledupar FC, đề nghị ông đưa các cầu thủ “những người mang ơn tôi” đến chơi cho America De Cali dưới dạng cho mượn. Một tên buôn người có biệt danh “Macaco” bị nghi ngờ đang kiểm soát Pereira Fc và cố gắng thâu tóm đội bóng của El Mexicano trước đây, Millonarios. Những khoản tiền phi pháp vẫn được đổ vào đầu tư cho bóng đá; chỉ là nó không còn được thực hiện một cách công khai như triều đại của Pablo Escobar khi trước.
Maturana thừa nhận, miễn là xã hội Colombia vẫn còn những con người sẵn sàng đổ máu để kiếm tiền, linh hồn của đất nước này sẽ tiếp tục bị gặm nhấm. “Đây là một xã hội đầy những khiếm khuyết.” Ông nói.
Lược dịch từ bài viết “Narcos: When Pablo Escobar did football – and changed the game in Colombia forever” của Fourfourtwo.com
Nam Khánh (TTVN)