Nửa năm ở Real Madrid của thợ săn Huntelaar diễn ra thế nào?

Tác giả Đức Thịnh - Chủ Nhật 14/08/2022 14:29(GMT+7)

Zalo

Từ kỳ vọng rất nhiều cho đến tràn trề thất vọng. Đó chính là cảm giác mà chân sút xuất sắc của bóng đá Hà Lan là Klaas-Jan Huntelaar từng nếm trải trong quãng thời gian ngắn ngủi tại Real Madrid. Nhân dịp “Thợ săn” chào đón sinh nhật thứ 39, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại xem liệu đâu là nguyên nhân khiến anh thất bại tại Bernabeu?

hunter
 

Ghi tổng cộng 367 bàn thắng sau 665 lần ra sân, nếu nhìn vào con số thống kê đó chúng ta cũng hiểu rằng Klaas-Jan Huntelaar đã từng là một chân sút đáng sợ đến thế nào. Anh là huyền thoại của Ajax Amsterdam và cũng là tượng đài bất diệt tại Schalke 04.

Trước khi Robert Lewandowski chuyển đến Bayern Munich và trở thành “Vua dội bom” tại đây, từng có giai đoạn Huntelaar làm nên điều kỳ diệu với việc ghi tới 29 bàn thắng tại Bundesliga 2011/2012, qua đó cân bằng kỷ lục về số pha lập công của huyền thoại Karl-Heinz Rummenigge đã tồn tại 35 năm trước đó. Cũng trong mùa giải năm đó, Huntelaar ghi liền 48 bàn/48 trận cho Schalke 04 trên mọi đấu trường.

Nửa năm ở Real Madrid của thợ săn Huntelaar diễn ra thế nào 1
Huntelaar từng ghi 48 bàn thắng trong màu áo Schalke 04 ở mùa giải 2011/2012.

Dù là một cây săn bàn đẳng cấp, tuy nhiên sự nghiệp chơi bóng của tiền đạo được mệnh danh là “Thợ săn” cũng có nhiều vết gợn. Anh đã thất bại khi chuyển sang thi đấu trong màu áo các đội bóng lớn tại Châu Âu. Tiêu biểu phải kể đến Real Madrid (2009) và AC Milan (2009/2010). Thậm chí, ký ức buồn trong 6 tháng ngắn ngủi tại Tây Ban Nha vẫn đeo bám Huntelaar cho đến ngày anh giải nghệ. Dù như chúng ta đã biết, đó cũng chẳng hoàn toàn là lỗi của anh.

Vậy rốt cuộc 13 năm trước đã xảy ra chuyện gì? Tại sao một tiền đạo tài năng là vậy lại phải bật bãi khỏi Bernabeu chỉ 6 tháng sau khi đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn tới 6 năm của Real Madrid?

Đó là một ngày mùa đông đầu tháng 12/2008, HLV Bernd Schuster nhận án sa thải từ chủ tịch Ramon Calderon chỉ nửa năm sau khi vị chiến lược gia người Đức giúp Real vô địch La Liga lần thứ 31 trong lịch sử đội bóng. Và đó cũng chính là lần duy nhất ở nhiệm kỳ chủ tịch của mình, Ramon Calderon ra quyết định “thay tướng” giữa mùa giải.

Real ở thời điểm Bernd Schuster bị sa thải đã tụt xuống vị trí thứ 5 trên BXH, kém Barcelona của Pep Guardiola tới 9 điểm. Ngoài ra, người đứng đầu Real cũng được cho là đã rất tức giận với phát ngôn của Bernd Schuster về việc Real gần như không thể đánh bại Barcelona tại trận El Clasico sẽ diễn ra vào ngày 14/12/2008. Ngay lập tức, Juande Ramos được bổ nhiệm thay thế. Và cựu thuyền trưởng của Tottenham cũng biết cách chiều lòng chủ tịch mới của mình bằng cách lên dây cót tinh thần toàn đội trước cuộc thư hùng với Barcelona bằng phát biểu: “Real là đội bóng luôn bước vào các trận đấu với tâm thế muốn giành chiến thắng. Chúng tôi biết rằng Barcelona đã lột xác dưới thời Pep Guardiola và có lợi thế sân nhà, tuy nhiên chúng tôi hành quân đến Camp Nou là để đánh bại họ”.

Thế nhưng lời nói nào đâu có đi liền với hành động. Juande Ramos trong lần đầu tiên nếm trải cảm giác của một trận El Clasico đã bố trí tới 5 cầu thủ ở hàng phòng ngự là Michel Salgado, Christoph Metzelder, Fabio Cannavaro, Sergio Ramos và Royston Drenthe. Đúng là Real đã cầm hòa được Barcelona trong hiệp 1, tuy nhiên “tấm khiên chắn” của họ cũng rơi vào tình trạng báo động khi có đến 3 trong số 5 cái tên kể trên dính thẻ vàng, sau những tình huống phạm lỗi khá thô bạo với đối phương. Đến phút 69, người dày dặn kinh nghiệm nhất hàng thủ là Michel Salgado cũng mắc sai lầm và biếu tặng Barcelona 1 quả phạt đền. Tuy nhiên trên chấm 11m, Samuel Eto'o đã không thể đánh bại Iker Casillas. Nhưng các Cules cũng chẳng phải chờ lâu bởi lẽ đến phút 83, Samuel Eto'o đã lập công chuộc tội bằng bàn thắng khai thông thế bế tắc. Để rồi Lionel Messi kết liễu Real bằng pha lập công ở phút 90+1, qua đó ấn định chiến thắng 2-0.

Việc Real thua trận là điều mà nhiều người có thể tiên lượng. Tuy nhiên thật khó chấp nhận khi nhìn vào các thông số sau trận đấu. Các chân sút của Real chỉ có 6 pha dứt điểm, bằng 1/3 số tình huống nguy hiểm mà phía Barcelona tạo ra. Rõ ràng kể từ khi Ruud van Nistelrooy dính chấn thương phải nghỉ hết mùa giải, Real thiếu đi một nhân tố có thể tạo ra sự uy hiếp cho khung thành đối phương. Đó là lý do vì sao Huntelaar được điền vào danh sách “buộc phải mua” ở phiên chợ đông 2009.

Nửa năm ở Real Madrid của thợ săn Huntelaar diễn ra thế nào 2
Real Madrid chiêu mộ Huntelaar để tăng cường hỏa lực cho lượt về mùa giải 2008/2009.

Thực chất thương vụ đưa thủ quân Ajax khi đến Bernabeu khi đó đã đi đến những bước cuối cùng. Lời đề nghị 20 triệu euro đã được phía đội bóng Hà Lan chấp nhận. Huntelaar đếm ngược từng ngày để chuyển đến Bernabeu, nơi anh sẽ đoàn tụ với “nhóm Hà Lan bay” với Ruud van Nistelrooy, Arjen Robben, Wesley Sneijder, Rafael van der Vaart và Royston Drenthe. Đây cũng là giai đoạn mà đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha khủng hoảng nhân sự trầm trọng bởi có tới 8 cầu thủ thuộc biên chế đội 1 dính chấn thương.

Là chân sút siêu hạng trong màu áo Ajax với 105 bàn thắng sau 136 lần ra sân, Huntelaar hứa hẹn sẽ đem đến luồng sinh khi trên hàng công của Real. Anh cũng có màn ra mắt đội bóng mới hoàng tráng bên cạnh huyền thoại Di Stefano cùng tuyên bố: “Tôi đang ở đội bóng lớn nhất thế giới và cần phải cố gắng rất nhiều để có một suất thi đấu chính thức”.

Tuy vậy, những ngày tháng sau đó đã không diễn ra êm đẹp như trong suy tính của nhiều người. Tiền đạo sinh năm 1983 chỉ là kép phụ trong mắt tân HLV trưởng Juande Ramos. Dù có màn chào sân 54 phút trong chiến thắng 1-0 trước Villarreal ngay trận đấu đầu tiên của năm mới 2009, thế nhưng khi kết thúc tháng 1, Huntelaar chỉ có thêm 100 phút thi đấu nữa. Tất nhiên anh cũng chưa ghi bàn thắng nào trong màu áo mới cả. Đó là điều vốn chẳng dễ dàng gì với một người đang là cây săn bàn chủ lực trong màu áo Ajax, được ra sân đều đặn hàng tuần và là nỗi khiếp sợ của mọi hàng thủ tại giải vô địch quốc gia Hà Lan.

Đỉnh điểm của nỗi thất vọng là việc Huntelaar phát hiện mình bị loại ra khỏi danh sách tham dự vòng knout-out Champions League. Và người làm điều đó không ai khác chính là Juande Ramos. Sự thật thì chiến lược gia người Tây Ban Nha chẳng có hiềm khích gì với cậu học trò mới. Chính ông đã thúc giục BLĐ Real đã tìm mọi cách để làm việc với UEFA về trường hợp này. Nhưng luật là luật. Bởi lẽ cả Lassana Diarra lẫn Huntelaar đều đã thi đấu tại UEFA Cup trước đó tại Portsmouth và Ajax, nên Real chỉ được quyền đăng ký thêm 1 người cho giai đoạn lượt về. Và khi cân nhắc thiệt hơn, Juande Ramos chọn Lassana Diarra – tiền vệ dù mới đến nhưng đã đóng vai trò quan trọng ở tuyến giữa khi đó.

Cực chẳng đã, vào tháng 2/2009, trong một lần ăn tối với nhóm cầu thủ đồng hương, Huntelaar bộc bạch tâm trạng chán nản của mình: “Nếu tình cảnh này cứ mãi kéo dài, chắc tôi phải tính đường ra đi sớm thôi”. Ấy vậy thế nào mà câu nói nửa đùa, nửa thật đó lại ngay lập tức trở thành tiêu điểm cho bài viết được đăng trên trang nhất của tờ Marca vào ngày hôm sau. Để đến mãi sau này, Huntelaar vẫn không tin được rằng trong nội bộ những người mà anh cho là chiến hữu, lại có kẻ đâm sau lưng mình: “Có ai đó đã phản bội tôi và tôi không biết tại sao nữa. Lý do nào họ lại làm như vậy? Đó chỉ là câu nói vu vơ giữa những người bạn với nhau. Tôi đã ký hợp đồng 6 năm và thật điên rồ khi ra đi chỉ vì sau vài tháng không ưng ý”. Nhiều người cũng đã đặt giả thuyết khi cho rằng chính sự cạnh tranh khốc liệt tại Real khiến cho mối quan hệ của các cầu thủ trở nên bất hòa, dẫn đến chuyện bằng mặt nhưng không bằng lòng.

Nửa năm ở Real Madrid của thợ săn Huntelaar diễn ra thế nào 3
Huntelaar nhận về gáo nước lạnh từ một trong những người anh coi là chiến hữu.

Tuy vậy chỉ 1 tuần sau sự cố đó, ngày 15/02/2009, Huntelaar lần đầu được xếp đá chính. Anh ghi 1 bàn thắng vào lưới Sporting Gijon theo đúng phong cách sở trường của mình. Huntelaar chạy chỗ khéo léo đón đường chuyền bóng từ pha tranh chấp trên không của Gonzalo Higuain, trước khi lạnh lùng đánh bại thủ môn đối phương. Sau đó 1 tuần là cú đúp vào lưới Real Betis. Tổng cộng anh ghi 8 bàn trong sáu trận đấu liên tiếp tại La Liga, đều là bên trong vòng cấm, giúp Real có 5 chiến thắng và 1 trận hòa. Xen giữa là 2 bàn thắng trong màu áo ĐTQG trước Scotland và Bắc Marcedonia. Những tưởng quãng thời gian này sẽ giúp tiền đạo người Hà Lan tìm lại sự tự tin, thế nhưng đó lại chính là vệt sáng cuối cùng của Huntelaar vẽ lên bầu trời của Dải ngân hà Real.

Đầu tháng 4/2009, sự trở lại của Robben và Van der Vaart sau chấn thương khiến HLV Juande Ramos phải thay đổi cấu trúc đội hình. Real lúc này chuyển từ 4-4-2 sang 4-3-3, với chỉ một trung phong duy nhất. Và tất nhiên với vị thế của mình, Raul nghiễm nhiên được lựa chọn trở thành người đá cao nhất trên hàng công. Huntelaar dù không muốn cũng phải chấp nhận nhường vị trí thi đấu sở trưởng cho bậc đàn anh.

Nửa năm ở Real Madrid của thợ săn Huntelaar diễn ra thế nào 4
“Thợ săn” lạc lõng với sự thay đổi chiến thuật của HLV Juande Ramos giai đoạn cuối mùa giải.

 

Với một người được xem là “sát thủ vòng cấm” mà phải dạt cánh nhiều hơn, dễ hiểu khi anh ngày càng ít đất diễn. Mặt khác càng về cuối mùa, tập thể Real càng sa sút thảm hại. Từ chỗ nuôi mộng lật đổ Barcelona với khoảng cách chỉ 4 điểm, sau trận thảm bại 2-6 ngay tại sân nhà trước chính đại kình địch vào ngày 02/05/2009, Real dần buông cờ trắng trong cuộc đua vô địch với chuỗi 5 trận thua liên tiếp tại La Liga. Huntelaar cũng mất hút sau chuỗi thay đổi “đi vào lòng đất” của Juande Ramos.

Để rồi khi Florentino Perez đảo chính thành công vào mùa hè 2009 với tỉ lệ phiếu bầu áp đảo, tân chủ tịch Real tuyên bố sẽ làm một cuộc cách mạng về nhân sự để đưa Real trở lại với chu kỳ thống trị vốn có. Nói là làm, song song với việc sa thải Juande Ramos và bổ nhiệm Manuel Pellegrini trên băng ghế huấn luyện, ông trùm xây dựng cũng đưa về hàng loạt các ngôi sao như Xabi Alonso, Kaka, Karim Benzema và đặc biệt là siêu bom tấn Cristiano Ronaldo.

Ở chiều ngược lại, tàn dư của chế độ Ramon Calderon bị loại bỏ triệt để, đặc biệt là nhóm Hà Lan bay. Ruud van Nistelrooy hết hạn hợp đồng. Robben bị bán sang Bayern Munich. Sneijder cũng khăn gói chuyển đến Italia đầu quân cho Inter Milan. Huntelaar dù còn đến 5 năm hợp đồng cũng bị thanh trừng, bất chấp nguyện vọng muốn ở lại cạnh tranh một suất đá chính. Tháng 7/2009, AC Milan sau khi có tiền từ việc để Kaka chuyển đến Real, họ đã được chính đối tác chào mời mua Huntelaar.

Sau cùng thương vụ có phần gượng ép này cũng hoàn tất với mức giá 15 triệu euro. Phía Real chấp nhận lỗ 5 triệu euro chỉ 6 tháng sau khi ráo riết chiêu mộ Huntelaar từ Ajax. Ngoài lý do chuyên môn, thứ chủ tịch Florentino Perez cần là một dàn sao Galacticos 2.0 lấp lánh mọi mặt, từ trên sân cỏ cho đến giá trị thương mại, điều mà ông không thấy được ở nhóm cầu thủ người Hà Lan.

Với các Madridista, có lẽ không nhiều người nhớ đến sự hiện diện của Huntelaar. Nhưng với bản thân tiền đạo cao 1,86m, anh chưa bao giờ hối hận vì quyết định đầu quân cho Real. Với anh, việc khoác lên mình chiếc áo trắng, chơi bóng tại Bernabeu, mãi là trải nghiệm đáng trân trọng trong cuộc đời. Cách đây hai ngày, chàng trai mang số áo 19 của Real năm nào chào đón ngày sinh nhật lần thứ 39!

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow