Novak Djokovic đã là GOAT của tennis thế giới?

Tác giả Bích Hiệp (Vu Trung Hiep) - Thứ Hai 30/01/2023 17:30(GMT+7)

Sau khi Messi lên ngôi ở World Cup 2022 trên đất Qatar, câu chuyện về ai là GOAT của thế giới bóng đá đã ngã ngũ. M10 đã sưu tập đủ các danh hiệu tập thể để sánh ngang được với những huyền thoại quá cố Pele, Maradona, hoàn thành sứ mệnh với đất nước. Messi sinh năm 1987. Và ngay sau vinh quang của siêu sao Argentina tại World Cup không lâu người ta lại được chứng kiến một tượng đài có năm sinh 1987 nữa thiết lập những kỳ tích tại bộ môn tennis. Đó không phải ai khác ngoài Novak Djokovic. 

 

Với chức vô địch tại Australian Open 2023, Nole là người đầu tiên trong lịch sử hoàn tất cú “La Decima” (10 lần vô địch) tại giải Grand Slam đầu tiên trong năm này. Trên thế giới cũng chỉ mới có Nadal làm được điều tương tự trên mặt sân đất nện của Roland Garros. 

22 Grand Slam (sau 33 lần vào chung kết, nhiều hơn Nadal và Fed), 38 ATP 1000, 6 ATP Finals, tổng cộng 66 danh hiệu. Thống kê của Nadal và Fed ở các hạng mục trên lần lượt là: 22/20 (30/31) - 0/6 - 36/ 28 - 59/54. Nếu xét về danh hiệu, Nole chỉ kém Nadal duy nhất chiếc HCV Olympic, còn lại anh đều vượt tay vợt Tây Ban Nha. Và, rất nhiều người tin rằng, nếu không vì vụ tiêm vaccine chống Covid thì giờ này Djoker đã vượt lên Nadal từ 1 đến 2 Grand Slam rồi. 

Vậy, nếu xét về danh hiệu thì tay vợt Serbia có lẽ đã đủ tư cách để trở thành GOAT rồi. Nhưng để thuyết phục hơn nữa, Nole cứ để giới mộ điệu tennis đợi đến cuối năm 2023 đếm số danh hiệu cũng chưa muộn. Vì với thể trạng, đẳng cấp và phong độ hiện tại, nếu không có những chấn thương bất thường thì thật khó để Nadal hay NextGen có thể là đối thủ của nhà đương kim vô địch AO 2023. 

Nhưng, vẫn tồn tại một quan điểm khác để xác định GOAT, đó là đánh giá về tài năng cá nhân thay vì chỉ xét danh hiệu. Nhưng đây là quan điểm dựa nhiều vào cảm tính. Và đã là cảm tính thì thật khó phân định đúng sai. Tuy thế, ở khía cạnh này, một cách khách quan, Nole rõ ràng sở hữu cho mình những phẩm chất khác biệt và vượt trội. 

“Djokovic không hay vẫn chiến thắng”. “Nole đánh rất bình thường vẫn vô địch”... Hẳn nhiều người đã từng có cảm giác như vậy, thắc mắc như vậy. Thật khó lý giải phải không? Nhưng “nghịch lý” đó mới chính là khác biệt và sức mạnh mang lại thành công cho Djoker. 

 

Trận chung kết AO 2023 hôm qua với Tsitsipas dễ quá, không có gì nhiều để phân tích. Chúng ta hãy quay ngược kim đồng hồ về với trận chung kết Roland Garros 2021, nơi mà Nole phải trả qua 5 sét trước chính tay vợt Hy Lạp để có chức vô địch sân đất nện thứ hai, nơi mà anh trở thành tay vợt thứ hai trong kỷ nguyên mở có 2 chức vô địch trở lên ở cả 4 Grand Slam. 

Trận đấu mở đầu với thế trận khá giằng co trong set 1 và Tsitsipas bất ngờ vươn lên dẫn trước sau loạt tie-break. Chưa dừng lại ở đó, tay vợt số 5 ATP khi đó thắng tiếp trong set 2 với tỷ số 6-2. Còn Djokovic có vẻ như vẫn chưa thực sự sẵn sàng. Nhưng thực tế là Nole đánh với đối thủ nào, giải to hay bé cũng vào trận từ tốn, đủng đỉnh vậy. Có lúc trông rất uể oải, nhìn như sắp ngủ gật. Thế nhưng nếu đối thủ coi như thế là tay vợt người Serbia đang mệt hay có vấn đề về tinh thần rồi hùng hổ lao lên ăn tươi nuốt sống mà không phân phối sức thì rất sai lầm. Và hôm đó Tsitsipas có vẻ như đã từng nghĩ như vậy. Để rồi cái kết đắng cho đại diện NextGen là bước sang set 4 và đặc biệt set 5 thì không còn đủ sức để theo được các đường bóng lúc ngắn lúc dài, lúc gắt lúc lỏng, bên trái bên phải của Nole. Tin được không, một tài năng trẻ 22 tuổi thua đối thủ bên kia lưới đã 34 tuổi về mặt thể lực. Nhưng đó là sự thực. Djokovic chính là một CR7 của tennis. 

Nhưng nói như thế không có nghĩa Djokovic chỉ thắng Tsitsipas nhờ thể lực. Nếu không có trình độ kỹ thuật thượng thừa, chiến thuật tinh quái, kinh nghiệm trận mạc đầy mình thì Nole cũng khó có thể kéo đối thủ đến tận set 5 để đấu thể lực như vậy. 

Djokovic, trừ 2 mùa giải 2011/12 chơi bùng nổ để lột xác, nâng tầm là có những cú quả high-end đóng nhãn Nole và được xếp chung mâm với những cú quả là biểu tượng của Federer và Nadal (Tức là xét ở cảnh giới cao nhất những cú quả này của mỗi tay vợt). Còn kể từ sau 2012 đến lúc này, nhìn chung Nole không thường xuyên tái hiện những cú quả kiểu như vậy nữa. Tôi cho rằng không phải Djokovic không làm được mà là anh lựa chọn sử dụng nó tiết kiệm hơn, chỉ sử dụng vào những tình huống, thời điểm then chốt nhất, còn lại anh đánh đơn giản, chính xác và hiệu quả. Djokovic đề cao sự hiệu quả và ổn định như lập trình để đảm bảo anh có thể kiểm soát mọi thứ ở mức cao nhất. Đó là lý do các fan của Roger, Rafa hay bất kỳ tay vợt nào khác luôn có xu hướng bất phục hoặc khó lý giải được cách chiến thắng của Nole trước idol của mình. Là bởi họ không thấy được các cú quả kiểu ào ạt, sắc lẹm, không thấy được cái khí thế cuộn trào áp đảo ở Nole. Xem lại bảng thông số sau trận đấu còn ức chế nữa. Vậy mà anh vẫn thắng. Vẫn vô địch. Là bởi anh biết thắng ở những điểm cốt tử. Thắng cả một trận đấu. Thắng liên tiếp nhiều giải đấu. Djokovic ngự trị trên đỉnh cao nhờ tiến hóa không ngừng theo thời gian, tối giản đi từng bước chân cho đến các động tác đánh. Và đó là lý do số quãng đường di chuyển của Nole thường ngắn hơn Nadal, Fed trong các trận đấu họ đối đầu. Và điều đó góp phần tiết kiệm thể lực cho anh, kéo dài phong độ đỉnh cao cho anh. Giống như C. Ronaldo tiến hoá từ một tiền đạo cánh thành sát thủ vòng cấm theo hành trình cựu tiền đạo của MU chuyển tới Real và sau đó là Juventus... 

 

Djokovic không đặt nặng các cú đánh phải đẹp, phải khiến khán giả đứng bật hết dậy vỗ tay. Kỹ thuật từ những cú đánh của anh là để kết thúc đường bóng, để kết liễu đối thủ. Khi chưa đúng thời điểm Nole sẵn sàng đánh cù cưa rất lì để đối thủ nôn nóng mắc sai lầm. Khi hai bên đang đôi công bằng những đường bóng mãn nhãn rất nặng và sâu về cuối sân, ra hai mang nhưng thấy mình bất lợi thì Nole sẵn sàng đánh một cú lỏng tay nhìn như đánh lỗi mà bóng vẫn trong sân khiến đối thủ mất hết nhịp, mất đi sự hưng phấn… Tuy thế, khi cần thiết (để dằn mặt đối thủ hay để tận dụng lợi thế), khán giả sẽ vẫn thấy những cú thuận tay, trái tay hiểm hóc, căng đét hay những cú bỏ nhỏ trứ danh của Nole mà bên kia dù có là ai cũng phải đứng hình. Để có thể đánh được mọi cú quả theo ý muốn như thế, để làm chủ cách chơi như thế nếu chỉ có thể lực hay chiêu trò (như anh vẫn hay bị anti fan nói vậy) đòi hỏi một nền tảng kỹ thuật siêu căn bản và độ nhuần nhuyễn đạt tầm nghệ nhân. Tất cả là thành quả của sự khổ luyện cùng sự thính nhạy, tinh quái khi nắm bắt thời điểm để đưa ra quyết định. 

Có người ví Djokovic như một cỗ xe dùng động cơ dầu, ban đầu rất ì nhưng một khi đã nóng máy rồi thì khó có gì cản nổi. Vì nó rất bền bỉ, nó có thể tăng tốc, giảm tốc rất ngọt theo ý muốn. Và lái chiếc xe đó là một tay đua lão luyện, lọc lõi. Sức mạnh đáng sợ nhất của Nole là dù rơi vào tình thế bất lợi thế nào, dù bị dẫn trước sâu đến đâu, dù có lỡ đánh rơi điểm số đáng tiếc cỡ mấy anh cũng không để cảm xúc đó ảnh hưởng quá nhiều đến tâm lý thi đấu của mình. Cái lạnh lùng, cái tức giận, cái cười của Nole dường như luôn có chủ đích chứ không phải bột phát. Trước các đối thủ ngang cơ như Nadal hay Fed khi bất lợi có thể Djokovic sẽ đập vợt, hét lên hay tranh cãi với trọng tài để đổi thủ phân tâm tưởng mình đang thắng thế mà lơ là. Nhưng trước các đàn em như Tsitsipas, Medvedev, Zverev, Rublev… thì Nole giữ nét bình thản như mặt hồ, âm u như hang động khiến kẻ đang đắc thắng thấy chưng hửng và có phần ớn lạnh. Trong bộ môn đấu trí 1vs1 căng thẳng tột độ như tennis, tâm lý, bản lĩnh đóng vai trò rất lớn. Sẽ là một cú thuận tay chéo sân bóng ăn vào góc chữ A, sẽ là một cú trái tay dọc dây bóng rơi đúng base-line, sẽ là một cú cắt bóng bỏ nhỏ ngay từ vạch cuối sân… hay đó đều là những cú đánh lỗi (unforced errors), tất cả nằm ở tâm lý và sự tự tin khi ra vợt. Ở khía cạnh này, tôi cho rằng Djokovic đứng trên Nadal và Federer còn nextgen thì “đường còn xa lắm”. 

 

“Không hay mà vẫn thắng, thật vô lý”. Đúng, rất vô lý. Là tôi nói người nói câu này vô lý đó. Vì không có ai thắng, thắng liên tục, thắng đến 22 giải Grand Slam mà không hay cả. Chỉ là cái hay đó theo quan điểm và hệ quy chiếu của mỗi người nó khác nhau thôi. Cái hay, cái đẹp của Djokovic là sự chính xác, hiệu quả đến cực đoan; là sự tiết chế, tối giản những hoa mỹ không cần thiết; là khả năng đọc thế trận, cảm nhận phong độ, tâm lý đối thủ một cách tinh vi và năng lực làm chủ bản thân đến độ hoàn hảo. 

Có thể sau này người ta sẽ tạc tượng Roger Federer với cú trái một tay tuyệt mỹ cùng dáng người như vũ công ballet đang lướt đi cùng điệu nhạc; Rafael Nadal là bức tượng với cú thuận tay vòng vợt qua đầu đưa bóng đi cuộn hình trái chuối như Beckham cứa lòng. Còn Novak Djokovic là tạo hình nào đây? Đơn giản, anh chỉ đứng đó, ngón tay chỉ vào thái dương ăn mừng đầy kiêu hãnh vì mình đã có tỷ lệ chiến thắng vượt trên hai huyền thoại kia khi đối đầu và là người hiên ngang tiến lên nắm giữ kỷ lục về số danh hiệu. Xin hãy nhớ cho rằng, khi Nadal đã có 9 Grand Slam, Federer thậm chí còn sở hữu tận 16, thì Djokovic mới chỉ có vỏn vẹn 1. Áp lực của kẻ bám đuổi luôn luôn là cực đại. 

Novak Djokovic có thể không đẹp nhất, nhiều fan nhất nhưng chắc chắn là tay vợt khó bị đánh bại nhất, hiệu quả nhất. Bởi anh sinh ra để chiến thắng, để vô địch, để chinh phục mọi thử thách, giới hạn và để trở thành biểu tượng của tinh thần không bao giờ ngừng tiến lên. 

Novak Djokovic đã là GOAT của thế giới banh nỉ chưa? Đó sẽ còn là câu hỏi tốn giấy mực, nhưng có một sự thực không thể bàn cãi, rằng, Nole là duy nhất, là một tài năng, tính cách khác biệt vĩ đại của lịch sử thể thao thế giới. 

Bích Hiệp (Vũ Trung Hiệp)

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.