Nỗi sợ của Jose Mourinho

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 11/04/2021 18:54(GMT+7)

Zalo

Nhiều năm trước, đã có một cuộc tranh luận sau trận đấu rất sôi nổi trên Sky Sports giữa Graeme Souness và Gordon Strachan.

Nỗi sợ của Jose Mourinho
 
Chủ đề của cuộc tranh luận đó là cách thức tối ưu để phòng ngự trong những tình huống phạt góc, bởi vì hai vị danh nhân người Scotland vừa theo dõi một đội bóng sử dụng chiến thuật “zonal marking” (phòng ngự khu vực) để thủng lưới bởi một tình huống cố định. 

Strachan là người vẫn tin tưởng vào đấu pháp phòng ngự khu vực trong các tình huống phạt góc, ông chỉ ra các số liệu thống kê về sự hiệu quả của nó và giải thích rằng nó sẽ giúp khóa chặt các khu vực tấn công mà đối phương có thể sử dụng. Souness khăng khăng rằng “man-marking” (phòng ngự kèm người) là cách tiếp cận tốt hơn. Luận điểm chính của ông – đã được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần – là “zonal marking sẽ cho phép các cầu thủ đối phương được tự do, không bị ai kiểm soát.”

Souness, cho dù ông có nhận thức được chuyện này hay không, trong lúc đang bàn luận một cách hăng say đã thể hiện rằng sở thích chiến thuật của mình xuất phát từ tâm lý muốn đổ lỗi việc để thủng lưới lên một cầu thủ. Nếu đấu pháp zonal marking thất bại, hệ thống – thứ do chính vị huấn luyện viên trưởng lựa chọn và triển khai – sẽ được coi là đối tượng để chỉ trích. Nhưng trong hệ thống man-marking, nếu một cầu thủ nào đó bị đối thủ đánh bại, làn sóng chỉ trích sẽ hướng vào cầu thủ này. 

Và do đó, những nguyên nhân làm dấy lên một cuộc tranh luận chiến thuật, trên thực tế, không chỉ có chuyện chiến thuật. Đó thực sự còn là một cuộc tranh luận về khía cạnh quản lý con người, về mối quan hệ giữa các cầu thủ và huấn luyện viên trưởng của họ, về mức độ của tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm của một nhà cầm quân đối với những thất bại của họ trên sân cỏ. Strachan tập trung vào những điều tốt nhất cho đội. Còn Souness hướng đến những điều tốt nhất cho ông ấy. 

Cuộc tranh luận diễn ra từ một thập kỷ trước này rất đáng để nhắc đến vào thời điểm hiện tại, sau phản ứng của Jose Mourinho khi Tottenham Hotspur bị cầm hòa bởi Newcastle United trong tình thế đã dẫn trước 2-1 lúc trận đấu đang còn lại 6 phút, đồng thời được ghi nhận thống kê “bàn thua kỳ vọng” cao nhất của họ trong một trận đấu ở Premier League 2020/2021 cho đến hiện tại. Phóng viên Juliette Ferrington của BBC đã hỏi Mourinho tại sao đội bóng của ông lại liên tục đánh mất lợi thế dẫn trước tỷ số, trong khi trước đây những tập thể do nhà cầm quân người Bồ Đào Nha dẫn dắt luôn nổi tiếng về khả năng bảo toàn nó. “Thầy vẫn vậy, nhưng trò thì khác trước rồi,” Mourinho trả lời.  

Đây không phải là lần đầu tiên, một câu trả lời được đưa ra xuất phát từ một câu hỏi dựa trên những thành công trong quá khứ của ông – Mourinho có thói quen đưa ra các câu trả lời chi tiết hơn cho những câu hỏi được mở đầu kiểu như “Jose, với tư cách là một nhà cầm quân đã giành được rất nhiều thành tựu đáng nể …”

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra câu trả lời từ lối chơi của các cầu thủ Spurs trên sân.  

Ở các mức độ khác nhau, những cái tên như Toby Alderweireld, Eric Dier và Davinson Sanchez trước đây đã thi đấu trong hệ thống phòng ngự nghiêm ngặt của Spurs dưới thời Mauricio Pochettino. Đó là một phong cách phòng ngự hoàn toàn khác, dựa trên khả năng thực hiện pressing của các cầu thủ chơi ở phía trên và một hàng thủ dâng cao. 

Khi đấu pháp phòng ngự đó bị xuyên phá, chúng ta có xu hướng bàn tán về hàng thủ dâng cao hơn là các cá nhân. 
Chẳng hạn, chuyện này cũng tương tự với trường hợp của Bayern Munich dưới thời Hansi Flick, đội bóng đã sử dụng một hàng thủ dâng cực kỳ cao trong cuộc hành trình vươn đến chức vô địch châu Âu vào năm ngoái. Bạn sẽ không thể quan sát họ phòng ngự trước Barcelona ở vòng 8 đội hoặc Paris Saint-Germain trong trận chung kết mà không có những khoảnh khắc suýt chút nữa nhảy ra khỏi chỗ ngồi của mình, sự táo bạo và can đảm của hàng thủ dâng cao mà họ triển khai thực sự quá ấn tượng.

Nếu Bayern Munich để thủng lưới bởi một đường chọc khe và một pha bứt tốc thoát xuống phía sau hàng thủ từ đối phương, Flick chắc chắn sẽ là người phải hứng chịu những chỉ trích. Nhưng có lẽ nhà cầm quân người Đức đã sẵn sàng gánh vác hết mọi trách nhiệm nếu có chuyện không hay xảy ra, bởi vì ông biết rằng một chiến lược “rủi ro cao, phần thưởng lớn” là sự lựa chọn tốt nhất cho đội bóng của mình. 
Jose Mourinho và Porto: Hang Rồng và sự nổi dậy của một Phiên dịch viênJose Mourinho và Porto: Hang Rồng và sự nổi dậy của một Phiên dịch viên
Màu áo sọc xanh trắng đang tràn lên bên phần sân đối phương. Porto đang phản công nhanh như vũ bão. Deco nhận bóng gần khu vực cấm địa, anh nhanh chóng dứt...
Mourinho từng áp dụng cách tiếp cận đó. Hãy xem lại đoàn quân Porto ngoạn mục của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha trong xuyên suốt giai đoạn knock-out của Champions League vào mùa giải 2003/2004, và bạn sẽ phải kinh ngạc với chuyện hàng thủ của ông dâng cao đến thế nào. Còn vào thời điểm hiện tại, hàng phòng ngự của ông chơi rất thấp, thường lui hẳn xuống vòng cấm của họ một cách nhanh chóng, đặc biệt là những lúc Tottenham dẫn trước tỷ số. Trong nhiều trường hợp ở mùa giải này, cách tiếp cận đó đã khiến họ phải trả giá. Dù cho Mourinho đã giải thích rằng đây là một phần trong chiến lược tấn công của ông, cố gắng kéo đối phương về phía trước và mở ra cho Spurs những khoảng trống để tổ chức phản công, nhưng hiếm khi nào đội bóng của ông thực hiện được những pha phản công một cách thường xuyên để có thể biện minh cho khuynh hướng chơi lùi sâu của họ. 

Vấn đề của đấu pháp phòng ngự lùi sâu là bạn đang yêu cầu các cầu thủ phòng ngự của mình phải thực hiện nhiều nhiệm vụ phòng ngự truyền thống hơn. Có nhiều pha tranh chấp không chiến hơn trong vòng cấm của bạn, có nhiều hơn những tình huống mà bạn phải kèm chặt một cầu thủ đang hiện diện ở một vị trí lý tưởng để ghi bàn, có nhiều sự nguy hiểm hơn để phán đoán và nhiều pha chặn bóng hơn sẽ được thực hiện. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ càng có nhiều hơn khả năng có những bàn thua không được quy cho chiến lược của nhà cầm quân. 

Ví dụ, khi Tottenham thua Liverpool với tỷ số 2-1 vào tháng 12, các bàn thua đã đến từ một pha bóng chệch hướng điên rồ, và sau đó là một tình huống cố định diễn ra vào cuối trận (dĩ nhiên, Tottenham đã triển khai đấu pháp “phòng ngự kèm người” trong tình huống này). 

Bàn thua đầu tiên là do xui xẻo, nhưng nếu bạn để đối phương cầm bóng đến 76% và tung ra 17 cú dứt điểm so với 8 cú sút của bạn, thì đương nhiên khả năng có một cú sút trong số đó đưa được bóng vào lưới của bạn là rất cao. Tương tự, nếu bạn chấp nhận chơi trong thế “gồng mình chịu trận”, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều pha phạt góc từ đối phương hơn những pha phạt góc mà bạn kiếm được (trong trường hợp này là 7 của Liverpool và 4 của Spurs), và khả năng một trong số đó dẫn đến một bàn thua càng cao hơn. 

Đôi khi người ta bảo rằng Mourinho rất cổ hủ về mặt chiến thuật; rằng việc nhà cầm quân người Bồ Đào Nha không thể giành được các danh hiệu trong thời gian gần đây là do ông đã không có những điều chỉnh đúng đắn cho chiến lược của mình. Rõ ràng là những yếu tố đó chắc chắn có góp phần tạo nên tình trạng được đề cập, so với Jurgen Klopp và Pep Guardiola, nhưng vấn đề chính của Mourinho chắc chắn là việc ông không có khả năng giành được sự tôn trọng của các cầu thủ một cách ổn định trong một thời gian dài, bằng chứng là những cuộc khủng hoảng diễn ra một cách bất ngờ trước khi gia nhập Tottenham, ở Chelsea và Manchester United. 

Chẳng có gì bất ngờ với chuyện, sau khi Mourinho phản ứng về trận hòa 2-2 vào hôm Chủ Nhật tuần trước tại Tyneside bằng cách đổ lỗi cho các cầu thủ của mình, một vài người trong số họ đã phản đối. Thật khó có thể tưởng tượng rằng có nhiều nhà cầm quân khác vào thời điểm hiện tại cũng sẽ có những hành động tương tự. 

Jose Mourinho và di sản bóng đá tại Tottenham
 
Nhưng chuyện đó là hợp lý nếu cách tiếp cận chiến thuật của Mourinho cũng khác với những người cùng thời với ông. Sự phát triển về khía cạnh chiến thuật của bóng đá, đặc biệt trong hai thập kỷ qua, là về tính phổ biến, về các nhiệm vụ cụ thể được thực hiện bởi toàn đội. Các đội bóng hiện đại pressing một cách quyết liệt ngay từ hàng công và triển khai bóng từ hàng thủ, có nghĩa là khâu phòng ngự sẽ được bắt đầu với các cầu thủ tấn công của bạn và khâu tấn công sẽ bắt đầu từ hàng thủ của bạn. Mỗi khái niệm trên là một nhiệm vụ của toàn bộ tập thể. 

Cách tiếp cận của Mourinho thuộc về một trường phái xưa cũ hơn. Ông dành ít sự tập trung hơn so với các nhà cầm quân đương thời khác cho việc chuẩn bị, lên kế hoạch về những phương án tấn công khi đội kiểm soát bóng, thích để cho các “playmaker” tự tìm kiếm các giải pháp. Trong một thế giới của những số 9 ảo, Mourinho luôn thích sử dụng các trung phong thực thụ như Didier Drogba, Diego Milito và Zlatan Ibrahimovic. Ông cũng thích những cầu thủ phòng ngự chủ yếu hoạt động trong vòng cấm: John Terry, Lucio, Ricardo Carvalho. 

Với cách tiếp cận này, việc đổ lỗi cho ai đó sẽ khả thi hơn khi mọi chuyện diễn ra không như ý muốn. Nếu có một bàn thua, rõ ràng lỗi của một cầu thủ phòng ngự là lớn nhất, chứ không phải hệ thống. Và chuyện này sẽ đưa chúng ta quay trở lại với cuộc tranh luận của Strachan và Souness, sự kiện đã chứng minh rằng việc đưa ra quyết định chiến thuật và quản lý con người không phải là những khái niệm hoàn toàn riêng biệt. 

Thanh danh của Mourinho chưa bao giờ bị giảm sút, đó là lý do tại sao ông quyết tâm đổ tội lên các cầu thủ và bảo vệ chính mình. 

Hoàn toàn có khả năng là việc đưa ra các quyết định chiến thuật của ông cũng hướng đến chuyện giúp bản thân không phải gánh vác những trách nhiệm nếu mọi thứ không diễn ra như ý muốn.

Hiện tại, Mourinho đang chiến đấu để chứng minh rằng mình xứng đáng được dẫn dắt Tottenham, thay vì đảm nhận vai trò trước đó: Ngồi trong studio của Sky Sports, gật gù cùng Souness.

Nguồn: Lược dịch từ bài phân tích “Mourinho’s tactics look like they’re designed to absolve him of blame and put pressure on Tottenham players” của tác giả Michael Cox, đăng tải trên The Athletic.  

 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow