Nicolas Pepe: “Arsenal đã chi rất nhiều tiền cho tôi và tôi đã phải trả giá”

Tác giả Tú Nguyễn - Chủ Nhật 01/12/2024 19:34(GMT+7)

Khi nói đến Nicolas Pepe và Arsenal, mọi chuyện dường như luôn hướng tới những con số.

 

72 triệu bảng. 80 triệu euro. 90 triệu USD. Dù tính theo đơn vị tiền tệ nào đi chăng nữa, mức phí chuyển nhượng của Pepe đã khiến anh trở thành cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử Arsenal, khi họ chiêu mộ anh từ Lille vào mùa hè năm 2019. Đó là một con số lớn, đủ để gây sự chú ý tức thì. Tuy nhiên, nó cũng trở thành gánh nặng đè lên vai Pepe.

Tiền đạo người Bờ Biển Ngà khi ấy mới 24 tuổi. Những video về màn trình diễn đầy cảm xúc của anh tại Ligue 1 đã dấy lên sự kỳ vọng trong lòng người hâm mộ Arsenal. Nhưng Pepe vẫn là một sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện, một người – theo lời thừa nhận của chính anh – cần thời gian để thích nghi với những yêu cầu của một giải đấu cạnh tranh hơn và một đất nước xa lạ.

 

Tuy nhiên, những con số ở trên không cho phép điều đó xảy ra.

Pepe đã có những khoảnh khắc đáng nhớ ở Bắc London – nhiều hơn những gì bạn có thể nhớ, nhiều hơn những gì các bài viết về những “bom xịt” của Premier League thường đề cập. Nhưng anh không bao giờ có thể thoát khỏi những kỳ vọng quá cao đi kèm với mức giá ấy. Khi rời Arsenal (ban đầu là theo dạng cho mượn tới Nice (Pháp) và cuối cùng chuyển đến Trabzonspor (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 9 năm ngoái), đó là sự giải thoát cho tất cả các bên.

 

Chỉ hơn 1 năm sau, Pepe đang trên đà hồi sinh. Hiện tại, anh đang chơi tại La Liga cho Villarreal, đội bóng gây bất ngờ lớn ở mùa giải này. Anh cũng thi đấu khá tốt, dù chấn thương đùi đã khiến anh vắng mặt trong trận hòa 2-2 trên sân khách trước Osasuna hôm Chủ nhật vừa qua.

“Khi 1 CLB trả nhiều tiền như vậy cho bạn, những chi tiết nhỏ chẳng còn quan trọng,” Pepe chia sẻ với The Athletic. “Tôi còn trẻ; đó là lần đầu tiên tôi rời nước Pháp để chơi bóng ở nước ngoài. Tôi phải thích nghi với nhiều thứ, nhưng mọi người không thấy điều đó. Họ chỉ nhìn vào những gì xảy ra trên sân.”

“Dĩ nhiên, người đầu tiên bị chỉ trích luôn là cầu thủ đắt giá nhất. Bạn phải ghi bàn, kiến tạo, luôn là như vậy. Mọi người mong đợi tôi ghi 30, 35, thậm chí 40 bàn mỗi mùa. Nhưng chỉ có Messi và Ronaldo mới làm được điều đó.”

“Arsenal đã chi rất nhiều tiền cho tôi và tôi phải trả giá vì điều đó.”

Câu chuyện về Arsenal của Pepe bắt đầu với 1 cuộc điện thoại (chính xác hơn là 2 cuộc gọi). Đó là vào mùa hè năm 2019, khi cầu thủ chạy cánh trẻ tuổi vừa hoàn thành mùa giải thứ hai với Lille, ghi được 22 bàn và kiến tạo 11 lần tại Ligue 1, giúp Lille đứng thứ hai chỉ sau PSG.

Thành tích đó cùng với phong cách chơi bóng đầy phóng khoáng của Pepe giúp anh lọt vào tầm ngắm của 1 số CLB hàng đầu châu Âu. Đến tháng 7, danh sách các đội theo đuổi anh đã thu hẹp còn 2 lựa chọn chính.

 

“Tôi đã nhận một cuộc gọi từ Carlo Ancelotti, người khi đó là HLV của Napoli,” Pepe nhớ lại. “Nó kéo dài khoảng 5 phút. Nửa giờ sau, tôi nhận được một cuộc gọi khác, lần này từ Unai Emery (khi đó là HLV của Arsenal). Nó kéo dài 1 giờ.”

“Ông ấy nói chi tiết những gì ông ấy tìm kiếm, mọi điều ông ấy mong đợi từ tôi nếu tôi gia nhập Arsenal. Ông ấy nói về chiến thuật, những điều ông ấy muốn tôi làm, vị trí sẽ sử dụng tôi cũng như cách tôi có thể cải thiện dưới sự dẫn dắt của ông ấy. Rất nhiều chi tiết. Và cho dù tiếng Pháp của ông ấy không tốt lắm, ông ấy đã nói tiếng Pháp với tôi suốt một giờ. Đó là một chi tiết nhỏ, nhưng nó làm tôi ấn tượng. Tôi cảm nhận được sự khao khát làm việc cùng tôi của ông ấy.”

“Đó là lý do tôi ký hợp đồng với Arsenal. Không phải vì Arsenal, mà vì Emery. Khi ai đó thực sự muốn bạn như vậy, bạn sẽ đồng ý.”

Mọi chuyện bắt đầu khá suôn sẻ với Pepe. Anh có những pha kiến tạo trong các trận đấu với Tottenham, Eintracht Frankfurt và Bournemouth cùng một quả penalty quan trọng trước Aston Villa. Một mình anh giúp Arsenal giành chiến thắng 3-2 trước Vitoria Guimaraes tại Europa League, khi vào sân từ ghế dự bị và ghi 2 quả đá phạt đẹp mắt chỉ trong 13 phút.

Việc Emery bị sa thải chỉ sau 2 tháng rưỡi của mùa giải là một cú sốc, nhưng không làm gián đoạn ngay lập tức đà thăng tiến của Pepe. Anh ghi bàn mở tỷ số trong trận thắng đầu tiên dưới thời Mikel Arteta (trước Manchester United trên sân nhà vào ngày đầu năm 2020) và truyền cảm hứng cho chiến thắng 4-0 trước Newcastle vào tháng sau. Anh cũng chơi trọn 90 phút trong trận chung kết FA Cup với Chelsea, nơi anh kiến tạo bàn thắng duy nhất cho Pierre-Emerick Aubameyang.

“Tôi đã có một vài khoảnh khắc tuyệt vời,” Pepe nói với nụ cười. “Rất nhiều kỷ niệm trong số đó sẽ mãi ở lại với tôi.”

Anh kết thúc mùa giải đầu tiên với Arsenal với 8 bàn thắng trên mọi đấu trường. Trong năm thứ hai, con số đó tăng gấp đôi – một thành tích khá ổn nếu xét đến vị trí của anh. Tuy nhiên, những đợt sóng ngầm bắt đầu nảy sinh. Vấn đề lớn nhất nằm ở mối quan hệ giữa anh và HLV Mikel Arteta.

“Với Arteta, ban đầu mọi thứ khá tốt,” Pepe nói. “Nhưng sau đó, sự tự tin không còn nữa. Tôi được ra sân ít hơn; điều đó dẫn đến sự thất vọng. Tôi không phải kiểu người thích ngồi dự bị tuần này qua tuần khác mà không có lý do chính đáng. Điều đó đã tạo ra một chút căng thẳng.”

 

Ngoài ra, còn có sự chỉ trích dai dẳng về phong độ của Pepe, đặc biệt là từ người hâm mộ trên mạng xã hội. Nhiều cầu thủ bóng đá hoàn toàn tránh xa mạng xã hội. Những người khác tuyên bố rằng họ xem nhẹ những lời công kích từ công chúng. Nhưng xem ra Pepe rất để ý đến điều này.

“Nó rất nặng nề và không công bằng,” anh nói. “Tôi đã thấy rất nhiều bình luận ác ý. Khi bạn thấy những gì người khác nghĩ về mình, điều đó ảnh hưởng đến bạn và gia đình, dù bạn có muốn hay không.”

Sự chỉ trích không chỉ gây khó chịu ở thời điểm đó; nó còn bắt đầu thay đổi cách Pepe thi đấu. “Bạn sẽ thấy ảnh hưởng khi bạn không ổn về mặt tinh thần,” anh giải thích. “Đôi khi, tôi ra sân trong tâm trạng khó chịu. Sau đó, bạn không thể làm được những gì mà mình biết là có thể làm.

“Tôi là kiểu cầu thủ thích mạo hiểm. Nhưng khi bạn khó chịu trong đầu, bạn sẽ không còn muốn liều lĩnh nữa. Tôi không muốn thực hiện một đường chuyền mạo hiểm hoặc thử đi bóng, vì biết rằng mọi người sẽ chỉ trích nếu tôi làm hỏng. Vì vậy, tôi chỉ làm những điều tối thiểu: Kiểm soát bóng, tìm người không bị kèm trước khi chuyền ngang hoặc chuyền về phía sau.

“Bạn muốn thể hiện bản thân, muốn khiến mọi người im lặng và tự hào về mình. Nhưng nếu đầu óc bạn không ổn, bạn sẽ chỉ muốn chuyền về một cách vô thức. Đó không hẳn là vấn đề về cá tính. Tôi là người có cá tính và giàu lòng tự tôn. Nhưng đôi khi thật khó khăn.”

 

Pepe nói rằng đến một lúc nào đó, sự tự ti và lòng căm ghét đã tạo ra hiệu ứng quả cầu tuyết lăn (một vật bắt đầu có hình dạng nhỏ, sau đó tự trở nên lớn hơn và có thể gây hại – ND).

“Bạn nghĩ rằng, ‘Nếu những người hâm mộ này đang chỉ trích mình, thì có lẽ các đồng đội cũng vậy’,” anh tiếp tục. “Quá nhiều thứ xuất hiện trong đầu bạn. Bạn tự nhủ, ‘Được rồi, có lẽ mình đang gặp vấn đề tâm lý’. Nhưng mọi người không thấy điều đó. Họ chỉ nói rằng bạn không di chuyển đủ nhiều, bạn không cố gắng, không còn sắc bén như trước. Đó là những gì họ thấy. Nhưng bạn lại cảm thấy khác vì có những điều này trong đầu.

“Thật khó chịu khi mọi người tiếp tục chỉ trích khi bạn gặp khó khăn. Tôi không quen với việc bị chỉ trích nhiều đến vậy.”

Chúng ta sẽ quay lại với những con số ở đầu bài viết. “Bạn biết mình có giá 80 triệu euro và mọi người sẽ nói về bạn nếu mọi chuyện không ổn,” anh nói. “Vô thức, điều đó ảnh hưởng đến bạn. Bạn có thể tuyên bố rằng nó không làm bạn phiền lòng, nhưng thực sự là có. Đó là một trong những khó khăn của bóng đá ngày nay. Có những cầu thủ rất giỏi nhưng lại có giá quá cao. Nhưng đó không phải lỗi của họ.”

Pepe cho biết Arsenal đã hỗ trợ anh. Nhưng cầu thủ người Bờ Biển Ngà cũng tự hỏi mọi thứ có thể diễn ra khác đi ra sao. “Có sự khắt khe, như thể mọi người không quan tâm đến quá trình thích nghi,” anh nói. “Họ chỉ yêu cầu, ‘Bạn phải thi đấu tốt.’

“Tôi trở thành một ví dụ cho những người đến sau. Bây giờ các CLB nghĩ rằng, ‘Nếu chúng ta chi lớn cho một cầu thủ, chúng ta phải bảo vệ họ.’ Arsenal đã bảo vệ tôi, nhưng tôi là trường hợp đầu tiên.

“Ngày nay, có những cầu thủ đắt hơn tôi nhiều và chơi kém hơn tôi, nhưng họ không bị chỉ trích. Tôi nghĩ rằng vụ chuyển nhượng của tôi đã gây sốc với một số người, vì đó là khoản tiền lớn đầu tiên Arsenal chi trả. Tôi nghĩ nếu bây giờ họ trả số tiền đó cho tôi, tôi sẽ không bị chỉ trích như vậy.”  

 

Sau khi rời Arsenal, Pepe không ngay lập tức tìm lại được phong độ. Anh vui mừng khi được chuyển sang Nice theo dạng cho mượn trong mùa giải 22/23, nhưng một loạt chấn thương đã ngăn anh duy trì sự ổn định. Việc chuyển đến Trabzonspor vào mùa hè vừa qua mang đến một khởi đầu mới, nhưng đó không hẳn là một bến đỗ lý tưởng.

“Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đến đó," Pepe nói. "Tất cả các TTCN khác đã đóng cửa và chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ (nơi có thời hạn chuyển nhượng muộn hơn). Tôi biết ơn họ vì đã cho tôi cơ hội, nhưng tôi cảm thấy khá xa rời các giải đấu lớn ở châu Âu.”

Khi Villarreal trao cho anh cơ hội chơi ở La Liga vào tháng 8 này, Pepe đã nắm lấy bằng cả 2 tay. Dù chưa phải là sự lựa chọn không thể thay thế trong đội hình, anh đã có vài khoảnh khắc thể hiện được đẳng cấp vốn có và tin rằng mình có thể để lại dấu ấn trong những tháng tới.

“Bóng đá Tây Ban Nha tĩnh hơn nhiều – nó thiên về kỹ thuật hơn so với ở Anh và Pháp," anh chia sẻ. "Đó là điều phù hợp với tôi nhất. Tôi nghĩ mọi người có thể thấy điều đó trên sân. Tôi phối hợp tốt với các đồng đội và cảm thấy thoải mái tại đây. Tôi cảm thấy rất ổn.”

 

Điều này càng trở nên thuận lợi hơn khi Villarreal hiện đang bay cao dưới sự dẫn dắt của HLV Marcelino Garcia Toral. “Tàu ngầm vàng” hiện đứng thứ tư trên bảng xếp hạng, với 1 trận chưa đấu so với hai đội xếp trên.

“Kết quả đang rất khả quan,” Pepe nói. “Marcelino nổi bật vì luôn nói chuyện nhiều với các cầu thủ. Dù bạn có được ra sân hay không, ông ấy vẫn rất quan tâm đến bạn. Điều đó giúp tôi rất nhiều. Ông ấy rất tỉ mỉ và là một người cầu toàn. Chúng tôi làm việc rất nhiều về chiến thuật để hiểu ông ấy muốn gì và tại sao. Ông ấy đã tạo ra sự gắn kết giữa các cầu thủ ở đây.”

Về phần mình, Pepe rõ ràng cảm thấy yên tâm trong môi trường mới.

“Với tôi, điều tuyệt vời nhất là được ra sân, tận hưởng bóng đá một cách trọn vẹn,” anh nói. “Đó là điều quan trọng nhất: cảm thấy vui vẻ. Tất cả những thứ khác – thống kê, kiến tạo, bàn thắng – sẽ đến một cách tự nhiên.

“Đây chắc chắn là một chương mới với tôi. Một giải đấu mới, một văn hóa mới, một trải nghiệm mới. Tôi cảm thấy như mình đã trở lại trung tâm của cuộc chơi.”

Theo New York Times

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.