Nicolas Jover: Người hùng thầm lặng khắc phục những điểm yếu lớn nhất của Man City

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Sáu 08/11/2019 11:27(GMT+7)

Mùa hè vừa qua, Man City đã chiêu mộ về đội bóng Nicolas Jover từ Brenford để đảm nhận vai trò “chuyên gia về các tình huống cố định” full-time đầu tiên của họ, trong khi Dylan Jones cũng tham gia vào đội ngũ trợ lý của Pep với tư cách là “chuyên gia phân tích dữ liệu về các tình huống cố định” vài tháng sau đó.

Bạn có nghĩ rằng việc “cải thiện” một đội bóng vốn đã được xem là “hoàn hảo” ở một mùa giải trước đó là một nhiệm vụ khả thi? Pep Guardiola thì có, ông đã nhận thức được rằng, Manchester City có tồn tại một điểm yếu lớn. 

Chỉ có 11,6% số bàn thắng tại Premier League của họ (12 trên 95) là đến từ các tình huống cố định – tỷ lệ thấp nhất tại giải đấu hàng đầu nước Anh. Theo Sky, Man City đã tung ra đến 147 cú dứt điểm từ các tình huống bóng chết – cao nhất tại Premier League – và tỷ lệ chuyển hóa chúng thành bàn thắng chỉ đạt 8,2% - thấp nhất giải đấu. Ngược lại, Liverpool đã chuyển hóa thành công đến 20 bàn từ 142 cú dứt điểm bóng chết, tương đương với tỷ lệ 14%.
Thậm chí, ngay cả công tác phòng ngự bóng chết cũng là một vấn đề lớn với Man City, với 39,1% trong số những bàn thua của họ (9 trên 23) là đến từ những pha phạt góc và đá phạt – tỷ lệ cao nhất trong cả giải đấu. 
Với việc cuộc đua vô địch sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn khi Liverpool không ngừng phát triển và lớn mạnh thêm, Guardiola và đội ngũ trợ lý của ông hiểu rằng, họ cần phải mau chóng hành động để giải quyết các vấn đề trên.

Đó là lý do vì sao vào mùa hè vừa qua, Man City đã chiêu mộ về đội bóng Nicolas Jover từ Brenford để đảm nhận vai trò “chuyên gia về các tình huống cố định” (set piece specialist) full-time đầu tiên của họ, trong khi Dylan Jones cũng tham gia vào đội ngũ trợ lý của Pep với tư cách là “chuyên gia phân tích dữ liệu về các tình huống cố định” (set-piece analyst) vài tháng sau đó. 

Khi được hỏi về tần suất tập luyện những tình huống cố định của các cầu thủ trong đội vào đầu mùa giải này, Guardiola đã trả lời “mỗi ngày.”
Cho đến hiện tại, kết quả mà họ thu được là rất tích cực. Các nhà đương kim vô địch nước Anh đã ghi được 6 bàn thắng từ những pha phạt góc và đá phạt chỉ sau 11 trận đấu ở mùa giải năm nay – đạt đến một nửa so với con số mà họ có được ở cả mùa trước và hơn 1 bàn so với Liverpool. 
Họ đã để thủng lưới 3 bàn từ bóng chết, nhưng đã không phải nhận thêm bàn nào nữa kể từ sau trận thua 3-2 trước Norwich vào ngày 14 tháng 9, khi bàn thắng đầu tiên mà the Canaries ghi được là từ một pha phạt góc. 
Chính vì vậy, có thể thấy rõ những ảnh hưởng, tác động mà Jover đã tạo ra tại Man City, giống như những gì ông từng làm được ở Brenford và thậm chí là trước đó nữa, tại Montpellier. Chúng tôi đã đặt câu hỏi với chuyên gia về “ball striking” (sút bóng), Bartek Sylwestrzak, người đã từng làm việc cùng với Jover tại Griffin Park trong hai mùa giải, để có thể hiểu thêm về các phương pháp của ông. 
“Mảng công việc của cậu ấy sẽ chú trọng vào chiến thuật, và tôi thì thiên về kỹ thuật định hướng, quan sát, phân tích cách mà đôi chân vung lên và tiếp xúc với quả bóng,” Sylwestrzak nói với TGG. “Còn công việc của cậu ấy là về vị trí của các cầu thủ, những pha di chuyển mà họ thực hiện, mưu kế và các biến thể chiến thuật dàn xếp tình huống cố định khác nhau có thể được triển khai.”
“Tôi sẽ hỏi cậu ấy, ‘Cậu muốn đưa quả bóng bay đi theo kiểu gì?’ ‘Đâu là nơi mà cậu muốn nó tới?’ ‘Ai là người mà chúng ta sẽ làm việc cùng?’và chúng tôi sẽ bắt đầu mọi thứ từ đó. Nicolas có thể nói tiếng Anh rất tốt, kỹ năng giao tiếp ngon lành và rất giỏi làm việc với các cầu thủ.”
“Đó là một trong những lý do đã giúp cậu ấy thành công trong sự nghiệp, bởi vì cậu ấy là một người rất dễ để làm việc cùng; không xung đột , không xích mích. Tôi chỉ có thể nói những điều tích cực về cậu ấy. Chắc chắn cậu ấy đã làm việc rất ăn ý với Dean Smith (Huấn luyện viên trưởng của The Bees cho đến tháng 10 năm 2018).”
Trên thực tế, sự xuất sắc của Brenford trong các tình huống cố định ấn tượng đến mức, ban huấn luyện của đội tuyển Anh cũng phải đích thân viếng thăm đội bóng này để có thể học hỏi được một số “chiêu thức”.
“(Trợ lý huấn luyện viên) Steve Holland đã đến Brenford để quan sát những gì mà chúng tôi làm trong các tình huống cố định trước khi đội tuyển Anh hành quân đến Nga để tham dự World Cup,” Smith tiết lộ.
Sau đó, các tình huống bóng chết đã trở thành một trong những thế mạnh nổi bật nhất của đội tuyển Anh trong một giải đấu mà họ đã lọt đến vòng bán kết.
Ở phía sau Jover cũng là một câu chuyện rất thú vị về con đường gây dựng sự nghiệp. Niềm đam mê với công việc phân tích dữ liệu video đã bắt đầu từ khi ông còn là một cậu sinh viên đại học tại Université de Sherbrooke ở Canada và nhận thấy tầm quan trọng của nó đối với các môn thể thao, tiêu biểu là bóng bầu dục Mĩ. 
Sau khi tốt nghiệp, Jover đã trở thành giám đốc kỹ thuật tại một câu lạc bộ ở địa phương, tên là Dynamik de Sherbrooke và tạo dựng được mối quan hệ với một cựu cầu thủ của Montpellier, Pascal Baills. Đó chính là cái cách đã giúp ông tìm được một công việc ở đội bóng nước Pháp – khi huấn luyện viên trưởng Rene Girard hỏi thăm rằng, liệu Baills có quen biết một tay chuyên gia phân tích dữ liệu video nào ngon lành không, Baills đã ngay lập tức đề cử Jover. 
Jover đã gia nhập Monperllier vào năm 2009, và sau đó trở thành một chuyên gia về các tình huống cố định, với công việc chính là tập trung nghiên cứu hàng nghìn pha ném biên, đá phạt và phạt góc. Tất cả những thứ đó đã trở thành một phần cực kì quan trọng trong “kho vũ khí” của Monperllier ở mùa giải mà họ giành được chức vô địch quốc gia đầu tiên trong lịch sử đội bóng, mùa 2011/2012. 
Sau đó, Jover đã gia nhập vào ban huấn luyện của đội tuyển quốc gia Croatia, dưới thời Niko Kovac, trước khi chuyển đến nước Anh và Brenford. 

Trong một cuộc phỏng vấn đầy thú vị với Christoph Biermann cho cuốn sách “Football Hackers: The Science and Art of a Data Revolution” của ông, Jover đã nói: “Giấc mơ của tôi là phát triển những tình huống cố định có phong cách riêng biệt, giống như cái cách mà các đội bóng xây dựng phong cách thi đấu,” và ông có thể sẽ tìm thấy một sự ăn ý đến hoàn hảo với Pep Guardiola tại Manchester City.
Chiều cao vẫn sẽ là một vấn đề lớn đối với nửa xanh thành Manchester trong khâu dàn xếp các pha bóng cố định, bởi vì, theo thống kê của CIES Football Observatory, họ là đội bóng “thấp bé” về chiều cao thứ hai ở Premier League, chỉ sau Norwich. 
Nhưng Guardiola và Jover rất tin tưởng vào một triết lý rằng, sự chuẩn bị và các thói quen thông minh sẽ có thể tạo nên được những sự khác biệt.

Nguồn: Lược dịch từ bài viết “How Nicolas Jover is helping to improve Man City's big weakness” của Simon Austin, được đăng tải trên Training Ground Guru. 

NAM KHÁNH (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.