Nicklas Bendtner: “Tôi đã sống một cuộc đời thú vị”

Tác giả CG - Chủ Nhật 11/10/2020 14:48(GMT+7)

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với ký giả Donald McRae trên The Guardian, tiền đạo Nicklas Bendtner chia sẻ những lý do anh lạc lối trên con đường sự nghiệp.

 
Khoảng 3 giờ sáng một ngày mùa hè năm 2011, khi Nicklas Bendtner vẫn 23 tuổi và sự nghiệp đầy hứa hẹn của anh ở Arsenal đang bắt đầu có dấu hiệu đi chệch, anh đến sòng bạc yêu thích của mình ở London. Bendtner nhớ lại: “Tôi quá say để có thể ngồi vào bàn. Nhưng trò roulette thì lại là vấn đề khác. Đỏ, đen, đỏ, đen. Khó lắm.

Sau 90 phút, tôi mất 400.000 bảng. Tôi không có tiền. Tôi đã rút thấu chi số tiền trong tài khoản và sẽ phá sản nếu vận may không đến. Tôi bước loạng choạng vào nhà vệ sinh và hất nước lên mặt. Sau đó tôi đi đổi 50.000 bảng chip”.
 
Ký ức này là một trong những điều khiến cuốn tự truyện của Bendtner trở thành một cuốn sách giúp các cầu thủ trẻ có cái nhìn thấu đáo về những gì mà họ có thể phải gánh chịu nếu họ đánh mất sự nhiệt huyết và bị sự giàu có xen lẫn hào nhoáng của Premier League cuốn đi. 7 năm sau, sau khi đã bị loại khỏi đội hình đội tuyển Đan Mạch tham dự World Cup 2018, Bendtner “đã ngồi khóc cạn nước mắt”.
 
Anh chia sẻ: “Tôi dần trở nên quá yêu cuộc sống gắn liền với tiền. Tôi muốn quay ngược thời gian và dùng búa đập vào đầu cậu trai đó để khiến cậu ta hiểu giá trị của cơ hội, rằng cậu ta có điều gì đó đặc biệt - một thứ mà cậu ta cần phải nuôi dưỡng”.
 
Giờ đây, khi đang ngồi trên ghế sofa ở Copenhagen bên cạnh người bạn Rune Skyum-Nielsen - nhà báo Đan Mạch đã giúp anh viết cuốn tự truyện - Bendtner gật đầu thừa nhận: “Chắc chắn có những điều tôi hối tiếc khi tôi không thể đưa sự nghiệp tiến theo cách tích cực. Nhìn lại, chắc chắn tôi rất buồn vì có những thời điểm vô cùng đau lòng và thật khó để nói.

Song, tôi không thể chỉ viết một cuốn tiểu sử thể thao ca ngợi bản thân. May mắn là tôi hoàn toàn tin tưởng Rune và có thể mở lòng để nói: ‘Có một cách duy nhất tôi có thể làm và đó là phải hoàn toàn thành thật”.
 
Nicklas Bendtner và nhà báo Rune Skyum-Nielsen, người chấp bút cuốn tự truyện cho anh.

Bendtner ngừng lại khi nhà báo Donald McRae hỏi về cảm giác sau khi mất 400.000 bảng trong khoảng thời gian khó khăn liên quan tới sự nghiệp. “Khi bạn bị thua ít nhiều, bạn sẽ nghĩ: ‘Phải dừng lại thôi’. Tôi mất 400.000 bảng nhưng cuối cùng vẫn gỡ lại một ít”.
 
Khi bình minh ló dạng, Bendtner chỉ còn thua 20.000 bảng. Quả thực anh khá may mắn nhưng trả nghiệm đó cũng khiến cầu thủ người Đan Mạch giật mình. “Quá mạo hiểm, ngay cả đối với tôi. Đó là lời cảnh tỉnh giúp tôi thoát khỏi cơn u mê đó. Tôi chưa bao giờ là người bận tâm đến việc khoe khoang tiền bạc. Ban đầu, nó thiên về niềm vui và được ở bên những người bạn yêu quý”, anh bày tỏ.
 
Ngoài ra, anh giải thích những ảo vọng mà đôi khi anh đã trải qua trong sòng bạc: “Khi tôi dính chấn thương và không thể có được cảm giác phấn khích mà sân cỏ mang lại, cờ bạc đã mang lại adrenaline cho tôi. Rõ ràng rủi ro càng cao thì adrenaline càng lớn. Vì thế bạn đặt tiền rất cao”.
 
Trước đó 4 năm, khi mới 19 tuổi, Bendtner đã trải qua cảm giác hưng phấn tột độ khi adrenaline chảy trong người. Chưa đầy 2 giây sau khi vào sân từ ghế dự bị, anh đã ghi bàn đem về chiến thắng trước Tottenham sau tình huống bật cao đánh đầu từ quả tạt ở chấm phạt góc của Cesc Fabregas. Bàn thắng này đã đi vào lịch sử Arsenal. Nó thiết lập kỷ lục pha lập công nhanh nhất tại Premier League được ghi bởi một cầu thủ dự bị. Với Bendtner, nó “giống như việc được chấp nhận 100% vào Arsenal. Bạn vừa ghi bàn thắng đầu tiên tại Premier League và vì trước Tottenham, bạn không thể viết gì tốt hơn được nữa”.
 
Cú đánh đầu đó thể hiện sức mạnh, thể chất và kỹ thuật khiến Arsene Wenger tin rằng Bendtner có khả năng trở thành cầu thủ quan trọng ở Arsenal. Chính tài năng đã giúp anh rời Đan Mạch để gia nhập Arsenal năm 16 tuổi. Bendtner tự tin và thậm chí là có chút đặc quyền. Vài năm sau, khi niềm tin quá đà khiến anh sa lầy vào việc tận hưởng cuộc sống thượng lưu, anh bị chế giễu là Lord Bendtner. Nhưng điều quan trọng là cần hiểu nền tảng và quá khứ của anh.
 
 
Anh lớn lên ở đảo Amager gần Copenhagen và những cơ hội đổi đời ở đây thực sự bị hạn chế. Nhưng Bendtner tự hào về quê hương mình.
 
“Amager là nơi dành cho những tầng lớp thấp và nó luôn bị những người ở Copenhagen coi thường. Nó còn bị gọi là 'Đảo Phân' vì hệ thống cống rãnh của nó (cho đến thập niên 70 của thế kỷ trước, hòn đảo này là nơi đổ chất thải nhà vệ sinh). Đời sống ở đây khá khắc nghiệt nhưng người Amager vẫn giúp đỡ lẫn nhau”.
 
Dù môi trường xung quanh không thuận lợi nhưng Bendtner lại lớn lên trong một gia đình có thừa sự tự tin. “15 nguyên tắc của gia đình Bendtner” được ghim trên tủ lạnh. Nguyên tắc 1 là: “Bạn PHẢI nghĩ mình đặc biệt”. Nguyên tắc 2: “Bạn PHẢI nghĩ mình có thể làm được điều mình muốn”.
 
Tuy nhiên cha của Nicklas Bendtner lại không phải là tấm gương tốt cho anh. Cha của anh luôn đổ lỗi cho người khác với những sai lầm Bendtner phạm phải. Nó làm sai lệch suy nghĩ của Bendtner và anh thừa nhận “dù thế nào đi chăng nữa, cảm giác của việc biết rõ nhất vẫn ám ảnh tôi”. Anh cho biết “tốt hơn là nên nói lời xin lỗi. Nhưng đó là điều tôi vẫn đang làm vì nó không tự nhiên xuất hiện”.
 
Cảm giác thấm thía hơn là “cái cách tôi cảm nhận tình yêu của bố khi tôi thành công với bóng đá. Sự tự tin đó là thứ bạn được tưởng thưởng. Theo cái cách mà bố luôn ủng hộ tôi thì đó là người cha tuyệt vời nhất. Nhưng cách của bố không phải lúc nào cũng đúng và khi tôi đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, kiếm được nhiều tiền thì mối quan hệ giữa chúng tôi mới cân bằng”.
 
Bendtner nói rằng “Bố đã yếu khi có nhiều tiền”. Tiền đạo người Đan Mạch lắc đầu khi được hỏi rằng bố có thảo luận về cuốn sách cùng anh không. “Không. Tôi không nói chuyện với bố suốt nhiều năm rồi”.
 
Khi Bendtner bắt đầu sa đà vào những cuộc tiệc tùng và tiêu xài hoang phí, rõ ràng anh cần một người có tầm ảnh hưởng tác động lên suy nghĩ. Wenger là một người mẫn tiệp và nhân ái nhưng liệu ông có thể cứng rắn để đưa Bendtner đi đúng đường?
 
“Thật khó vì ông ấy không thể dành thời gian chỉ để tập trung vào một người. Tôi nghĩ nếu quá trình phát triển của tôi có một người đủ mạnh mẽ tạo ảnh hưởng thì có thể đã khác. Nhưng Arsene và tôi có mối quan hệ tốt, tôi vô cùng kính trọng ông ấy. Tôi không đổ lỗi ông ấy vì điều gì cả. Ông ấy luôn chân thành và hiểu có những điều tôi đã làm mà tôi không hề tự hào”.
 
 
Anh bị gán cho biệt danh “Lord Bendtner” vì những câu chuyện liên quan đến sự tự tin quá lối và những đánh giá sai lầm ngày càng tăng. Chân sút 32 tuổi bày tỏ: “Trên sân cỏ, tôi muốn thể hiện con người mình và tôi cần có sự tự tin. Sau đó, tôi trở thành một nhân vật của giới truyền thông vì một vài trò cười đã diễn ra. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ đặt bản thân mình lên trước đội bóng hay cố gắng là người mà tôi không muốn. Tôi thành thật với bản thân mình vì tôi không cố gắng trở nên giống như bất cứ người bình thường nào. Tôi muốn đưa ra ý kiến của mình”.
 
Nhà báo Skuym-Nielsen bày tỏ: “Điều khiến tôi thấy thú vị với tư cách một người đi phỏng vấn là tôi đã gặp nhiều nhân vật thể thao và khi bạn hỏi họ một câu, họ sẽ luôn nghĩ xem làm sao để trả lời ít ồn ào nhất. Nicklas lại rất khác vì cậu ấy luôn trả lời thành thật. Mọi người chế giễu cậu ấy trên Twitter và đến giờ vẫn đang hỏi xem liệu cậu ấy có muốn trở thành tiền đạo xuất sắc nhất thế giới hay không. Tất nhiên cậu ấy muốn điều đó và có thời điểm cậu ấy ghi nhiều bàn thắng cho Arsenal, đó là giai đoạn mùa xuân năm 2010 và ở Champions League”.
 
Sự nghiệp tại CLB của anh gặp những trắc trở, anh được cho mượn tới Birmingham City, Sunderland và Juventus trước khi chuyển đến Wolfsburg, Nottingham Forest, Rosenberg và Copenhagen. Tuy nhiên tại đội tuyển Đan Mạch, anh lại thi đấu ổn định và thiết lập thành tích 30 bàn trong 81 lần khoác áo đội tuyển. 
 
“Tôi luôn cảm thấy các đồng đội tin tôi có thể tạo ra khác biệt. Và HLV trưởng trong phần lớn giai đoạn tôi chơi cho đội tuyển Đan Mạch là Morten Olsen. Ông ấy hiểu tôi hơn bất cứ HLV nào. Ngay cả khi ông ấy nghe thấy điều gì đó, ông ấy sẽ gọi điện cho tôi và hỏi chuyện gì đã xảy ra, tôi cảm thấy sao, gia đình tôi thế nào. Ông ấy muốn tôi cải thiện trên khía cạnh cầu thủ lẫn con người”, Bendtner bộc bạch.
 
Khi đại dịch COVID xảy ra, anh đang chuẩn bị chấp nhận lời đề nghị tới Trung Quốc. Dù Bendtner hối tiếc khi không thể phát huy hết tiềm năng của mình, nhưng: “Tôi có thể thể thành thật mà nói rằng, ngoài việc con trai tôi ra đời và dành thời gian với thằng bé thì chẳng chuyện gì khiến tôi vui hơn ngoài chơi bóng. Bây giờ điều này thật khó vì COVID-19. Nếu có lời đề nghị nào liên quan đến công việc cầu thủ, tôi sẽ xem xét. Nếu không thì tôi đang chuẩn bị cho chương tiếp theo rồi”.
 
Bendtner hiện đang tham gia một chương trình truyền hình thực tế với bạn gái của mình. Nhưng quan trọng hơn, anh cũng đang chuẩn bị để trở thành HLV bóng đá. “Đó là khát khao của tôi ở thời điểm hiện tại và tôi sẽ bắt đầu khóa học huấn luyện vào tháng 12. Tôi sẽ làm các bài kiểm tra trước nhưng may mắn là tôi có nhiều bạn bè trong thế giới bóng để học hỏi kinh nghiệm”.
 
Nicklas Bendtner và HLV Morten Olsen, cựu HLV trưởng đội tuyển Đan Mạch.

Liệu những sai lầm đã phạm phải khi là cầu thủ có giúp anh huấn luyện các cầu thủ trẻ không? “Tôi nghĩ đó sẽ là một trong những thế mạnh của tôi. Tôi sẽ có nhận thức về nơi mọi người có thể sống trong đời giống như trải nghiệm của mình. Tôi cũng may mắn khi đã thi đấu dưới sự dẫn dắt của một vài HLV xuất sắc nên có lẽ tôi đang đi trước một bước”.
 
Vậy liệu đến thời điểm này, Bendtner còn theo dõi Arsenal như anh làm khi còn nhỏ không? “Tôi xem mọi trận đấu của Arsenal nếu có thể và thậm chí khi có điều gì xảy ra trong trận đấu, điện thoại của tôi sẽ reo lên. Tôi vẫn theo dõi Arsenal”.
 
Điều này nghe như thể Bendtner đang thấy bình yên với quá khứ rắc rối của mình. Cựu tiền đạo Arsenal cho biết: “Đúng, tôi tự hào với những gì mình đã đạt được và tôi đã sống một cuộc đời thú vị. Tôi mới chỉ 32 tuổi thôi. Tôi còn nhiều cuộc đời để sống và nhiều mục tiêu tôi đang cố gắng đạt được. Giống như hầu hết các cầu thủ chuyên nghiệp sẽ đến lúc phải giải nghệ, cách tốt nhất để nhìn nó là tôi vẫn còn 2/3 cuộc đời phía trước”.
 
Sau mọi thứ anh đã học hỏi từ 1/3 cuộc đời, Bendtner được quyền bước tiếp và không tiếc nuối. Khi ký giả Donald McRae hỏi liệu Bendtner có thể đạt được điều gì nếu phiên bản còn trẻ của anh nghe được những điều anh nói lúc này, anh hơi đăm chiêu: “Tôi có những giấc mơ, niềm hy vọng và đáng lẽ tôi có thể hoàn thành được nhiều hơn”.
 
Anh ngừng lại một chút. “Nhưng tôi không muốn đưa ra bất cứ giả định nào và lại đào sâu vào nó”. Anh bật cười khi hình ảnh “Lord Bendtner” dang dần lùi vào dĩ vãng. “Đó là câu trả lời vô cùng trưởng thành…”.

Dịch từ bài viết “Nicklas Bendtner: 'I became too fond of the lifestyle that came with the money'” của tác giả Donald McRae trên The Guardian.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.