Những "thần đồng thất bại" ở các lò đào tạo Premier League

Tác giả KDNX - Thứ Ba 05/07/2022 13:48(GMT+7)

Xuyên suốt lịch sử bóng đá hiện đại, chúng ta thường xuyên nghe tới tên của những "thần đồng bóng đá" của các lò đào tạo hàng đầu Châu Âu. Tuy nhiên, rất ít trong số đó trở thành tài năng lớn. Đương nhiên, ở Premier League, nơi nổi tiếng khắc nghiệt nhất bóng đá Châu Âu, mọi chuyện cũng diễn ra tương tự như vậy. Dưới đây sẽ là câu chuyện của những "thần đồng thất bại" như thế.

 

Trong thời đại của Twitter, Youtube và tin tức cập nhật 24h, các tài năng trẻ càng ngày càng được để mắt tới, nhất là khi các CLB thường xuyên đăng tải những đoạn clip về khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cầu thủ trẻ đó trong các trận đấu ở cấp độ trẻ, giúp NHM được tiếp cận với tài năng trẻ đó nhiều hơn.

Có tài năng đi lên và thành công thì cũng sẽ có tài năng không thể thành công. Tuy nhiên, điều đó vẫn không khiến sự trông chờ vào các tài năng trẻ giảm đi một chút nào.

Vậy, điều gì đã xảy ra với những cầu thủ không thể thành công? Chuyện gì xảy ra với người ghi nhiều bàn thắng nhất ở đội U18? Tại sao tiền vệ trẻ mà NHM ưa thích nhất lại không thể có được thành công sau khi ra sân lần đầu ở đội một ?

Chúng tôi đã nhờ các cây viết của mình trả lời cho câu hỏi sau đây: Điều gì đã xảy ra với những kẻ "thất bại" của các lò đào tạo hàng đầu Premier League? Dưới đây là câu trả lời của họ.

Arsenal — Arturo Lupoli


 

Ở một vài thời điểm, Arturo Lupoli đã được coi là thần đồng của bóng đá Châu Âu. Ở mùa giải 2002-2003, cầu thủ trẻ người italia ghi được 45 bàn chỉ sau 22 trận cho đội U17 Parma. Điều đó đã khiến Arsenal quyết định đưa anh về học viện của mình, nơi anh thi đấu cực kỳ gắn kết với Nicklas Bendtner.

Vào năm 2004, Lupoli có màn ra mắt ở trận League Cup gặp Manchester City, sau đó, anh ghi cú đúp vào lưới Everton ở vòng đấu tiếp theo. Có cảm giác 2 bàn thắng đó sẽ mở đầu cho một chuỗi rất nhiều bàn thắng của anh trong màu áo Arsenal. Tuy nhiên, kể từ ngày đó, Lupoli không ghi thêm bàn nào nữa và chỉ ra sân ở một vài trận trước khi rời London sau khi hợp đồng của anh hết hạn vào năm 2007.

Cơ hội vẫn mở ra cho Lupoli. Fiorentina và Napoli quyết tâm giành được chữ ký của anh.Dù trước đó đã đạt được điều khoản miệng với Napoli, Lupoli lại quyết định chọn đội bóng thành Firenze.

Rút cục, đây lại là nỗi thất vọng cay đắng nhất đời Lupoli. "Fiorentina là điểm đến tệ nhất trong sự nghiệp của tôi. Trước đó tôi đã đồng ý với Aurelio De Laurentiis rồi. Thế nhưng, những sức ép từ bên ngoài đã khiến tôi chọn Firenze. Tôi có được rất nhiều tiền, nhưng lại sa sút về mặt kỹ thuật. Vài năm sau đó, chẳng ai muốn có tôi nữa. Thế là sự nghiệp của tôi coi như rơi vào cõi hư vô."

Lupoli sau đó trở lại Anh thi đấu trong màu áo Norwich City và Sheffield United, tuy nhiên, anh chẳng ở lại đâu lâu. Vì những chấn thương dai dẳng, Lupoli trở thành kẻ du mục. Thống kê cho thấy, kể từ khi ra sân lần đầu, anh đã thi đấu cho 18 CLB khác nhau. Giờ đây, khi đã bước vào tuổi 34, Lupoli vẫn đang chinh chiến cùng với SSD Imperia 1923, đội bóng thi đấu ở giải hạng 4 Italia.

Brentford — Henke Johansson

Có rất nhiều tài năng sinh ra và lớn lên ở Brazil, tuy nhiên, chỉ có một số ít là đạt được đẳng cấp của Pele. Một trong những người đó chính là Garrincha, đồng đội cũ của Pele, người đã giúp ĐTQG Brazil nâng cao danh hiệu World Cup vào các năm 1958 và 1962. Khi Pele bị chấn thương ở trận đấu thứ 2 và phải ngồi ngoài ở phần còn lại của giải đấu, Garrincha, "chú chim nhỏ" của bóng đá Brazil đã vào thay thế. Kết thúc World Cup, ông ghi được 4 bàn, trong đó có cú đúp ở trận thắng 4-2 trước chủ nhà Chile ở trận bán kết, nhờ đó mà ông đạt được giải thưởng QBV cho cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu năm đó.

Khi Brentford tuyên bố họ đã ký kết một bản hợp đồng có thời hạn 2 năm với Henke Johansson, cháu ngoại của Garrincha vào tháng 1 năm 2017, NHM Brentford đã mơ về những bước chạy đậm chất Samba của cầu thủ trẻ người Thụy Điển trên các sân cỏ của đội nhà.

Tuy nhiên, quãng thời gian của anh ở Tây London lại chẳng có gì hơn ngoài chấn thương, vì vậy, vào năm 2019, anh quyết định rời khỏi nước Anh để thi đấu cho CLB Trelleborgs ở giải hạng 2 Thụy Điển.

Hiện tại, tài năng người Thụy Điển vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đứng của mình ở quê nhà. Tệ hơn, ở mùa giải trước, anh được đem cho mượn ở đội hạng 3 Angelholms.

Ở tuổi 24, anh vẫn đang còn rất nhiều cơ hội, nhưng Henke Johansson có lẽ sẽ không bao giờ đạt được sự vĩ đại mà ông ngoại anh từng đạt được trong quá khứ.

Chelsea — Jeremie Boga


 

Có rất nhiều lý do khiến các tài năng trẻ không thể thành công ở Chelsea trong nhiều năm trở lại đây, nhưng hiếm có tài năng nào lại rơi vào cái lý do "trời ơi đất hỡi" như Jeremie Boga: thẻ đỏ của Gary Cahill.

Boga là một trong những tài năng trẻ được nhắc đến nhiều nhất bởi NHM Chelsea, một phần vì những đoạn băng thể hiện tài năng của anh trên Youtube.

Chàng tiền vệ công trẻ tham gia học viện ở tuổi 12 sau khi gia đình anh chuyển đến nước Anh từ Marseille. Ngay lập tức, Jeremie Boga cho thấy tài năng của mình dù anh phải cạnh tranh với những tài năng trẻ khác như Ruben Loftus-Cheek, Andreas Christensen và Tammy Abraham.

Sau khi thi đấu tốt dưới dạng cho mượn ở Rennes thuộc giải Pháp và Granada ở giải Tây Ban Nha. Có cảm giác anh sẽ được tạo cơ hội ở đội một sau khi Antonio Conte đưa anh vào danh sách thi đấu cho trận mở màn Premier League mùa giải 2017-2018 của ĐKVĐ Chelsea gặp Burnley.

Tuy nhiên, màn ra mắt của anh chỉ kéo dài 18 phút, không phải bởi lỗi của Jeremie Boga.

Cahill phải rời sân sau khi nhận thẻ đỏ vì phạm lỗi với Steven Defour, vì vậy Conte đưa Christensen vào thay Boga, một quyết định có thể hiểu được khi Chelsea lúc đó đang cần một trung vệ để bảo toàn trận đấu. Nhưng lạ thay, HLV người Italia không bao giờ lựa chọn Jeremie Boga ở các trận đấu sau đó. Đến cuối tháng 8, anh được đem cho mượn ở Birmingham City ở giải Championship. Thế là một ngày đáng nhớ của Boga trở thành một ngày đáng quên.

Vì sao mọi sự lại không thành ? Lý do lớn nhất nằm ở chỗ Chelsea khi đó đã có Eden Hazard, Willian và Pedro, thêm vào đó, Chelsea bắt đầu chuyển sự chú ý sang Callum Hudson-Odoi, người đang thi đấu rất tốt ở cấp độ trẻ.

Conte rời khỏi Chelsea 1 năm sau đó. Thay thế ông là Maurizio Sarri, một người không mấy mặn mà với công tác đào tạo trẻ.

Dù vậy, Boga vẫn để lại dấu ấn của mình ở Serie A khi thi đấu hơn 100 cho Sassuolo sau khi chuyển đến đây với mức giá 3,5 triệu Bảng 4 năm trước. Hồi tháng 1, anh quyết định gia nhập Atalanta dưới dạng cho mượn kèm điều khoản mua đứt ở mùa hè này với mức giá 15,5 triệu Bảng.

NHM Chelsea vẫn có thể theo dõi các đoạn video clip của Boga trên Youtube, nhưng giờ đây, Boga đang thi đấu cho một giải đấu khác và cho một đội tuyển khác, Bờ Biển Ngà, chứ không phải đội tuyển Anh.

Everton — Michael Branch

Michael Branch từng là thần tượng của Wayne Rooney, thậm chí, có thông tin cho rằng huyền thoại của sân Old Trafford từng treo ảnh của Michael Branch trong phòng ngủ của mình.

Branch được coi là tài năng trẻ sáng giá nhất ở học viện Everton khi Rooney vẫn đang ở cấp độ trẻ. Sau khi ghi bàn liên tục ở cấp độ trẻ của Everton, Branch có màn ra mắt đội một ở trận gặp Manchester United vào năm 1996. Khi đó, anh mới 17 tuổi. Một tháng sau đó, anh ghi bàn thắng đầu tiên ở cấp độ một của mình trong trận hòa trên sân khách trước Chelsea.

Và thế là các thông tin về một tài năng khác của đất Cảng thách thức Michael Owen bắt đầu tuôn ra. Một số người thậm chí còn so sánh anh với một huyền thoại đất Cảng khác, đó là Robbie Fowler. Nhưng Branch không những không xây dựng được danh tiếng của mình từ bước đệm này, mà thậm chí còn tuột dốc không phanh kể từ khi rời khỏi sân Goodison Park vào năm 2000.

Sau khi thi đấu ở Wolverhampton Wanderers, Reading, Hull City, Bradford City, Chester City và Halifax Town, Branch dần sa đà vào nợ nần, thậm chí phải đi tù 3 năm vì tội tàng trữ và buôn bán ma túy trái phép trong nhà.

Đáng mừng thay, Branch có được một kết thúc "có hậu".

Sau khi ra tù, Branch theo học ngành kế toán và cố vấn trong tù, giờ đây, anh quyết tâm giúp đỡ những người từng rơi vào hoàn cảnh của mình thông qua các quỹ từ thiện của Everton.

Liverpool — Adam Pepper


 

Adam Pepper, người sẽ bước vào tuổi 31 ở tháng 12 năm nay, giờ đây là một thợ điện cho hệ thống đường sắt của thành phố và thi đấu ở vị trí tiền vệ cho CLB nghiệp dư Mayfair ở giải Liverpool Business Houses League.

Ít ai biết rằng hai thập kỷ trước, Pepper được định giá 5 triệu Bảng, con số khiến anh trở thành cậu bé 11 tuổi đắt giá nhất lịch sử bóng đá.

Ở thời điểm đó, có khá nhiều CLB muốn có được chữ ký của anh, từ Manchester United, Chelsea, Barcelona, Liverpool, Everton cho tới Ajax. Thậm chí, anh được coi là cái tên sáng giá nhất của bóng đá cấp độ trẻ của xứ sở Sương Mù khi đó.

Khi bước vào tuổi 14, cậu bé từng hâm mộ Everton quyết định gia nhập học viện của Liverpool sau khi nhận được học bổng có thời hạn 3 năm kèm điều khoản kéo dài thêm 3 năm nữa khi bước vào giai đoạn chuyên nghiệp.

Kể từ đó, anh trở thành đội trưởng ở mọi cấp độ trẻ của Melwood dưới thời Rafa Benitez. Nhưng vào năm 2009, một chấn thương nghiêm trọng đã khiến sự nghiệp Pepper đi xuống không phanh, cùng với đó là giai đoạn hỗn loạn của Tom Hicks và George Gillett. Rút cục, ở TTCN hè 2010, Adam Pepper quyết định rời khỏi Liverpool khi còn 2 năm hợp đồng nữa.

"Có cảm giác tương lai của tôi đã chấm dứt. Thú thực nhé, lúc đó tôi chỉ muốn chết quách cho rồi," Pepper chia sẻ với The Athletic hồi tháng 3.

Sau khi rời khỏi Liverpool, Pepper chuyển đến Jersey ở đảo Channels, nơi anh tìm lại bản thân sau nhiều năm chìm đắm trong sự nổi tiếng. Khi anh trở lại nước Anh, Pepper gia nhập Aberystwyth Town ở giải VĐQG Wales, Stalybridge Celtic và Nantwich Town, nơi anh được yêu mến kể cả khi cái tên của anh không còn tạo được tiếng vang như cách đây 20 năm trước.

Manchester City — Vladimir Weiss


 

Vladimir Weiss hiện tại đã bước vào tuổi 32. Trước đó, anh bắt đầu sự nghiệp dưới danh nghĩa tài năng trẻ đầy sức hút của Manchester City, là người đã ghi bàn cho Manchester City ở giải FA Youth Cup 2008 và được ra sân lần đầu ở Premier League trong ngày cuối cùng của mùa giải sau đó.

Nên nhớ, ở giai đoạn đó, Manchester City, dù bắt đầu trở thành "tay chơi" trên sàn chuyển nhượng Ngoại Hạng Anh nhờ những đồng tiền dầu mỏ của các ông chủ Ả Rập, vẫn còn khan hiếm rất nhiều cầu thủ chạy cánh phải, vì vậy Weiss nổi lên như cái tên hàng đầu cho vị trí này. Tuy nhiên, khi Roberto Mancini trở thành HLV, cầu thủ trẻ được đem cho mượn ở Bolton, nơi anh không thi đấu nhiều, sau đó là khoản thời gian cho mượn ở Rangers, nơi anh bắt đầu cho thấy sự tiến bộ.

Mọi sự bắt đầu tốt lên ở Glasgow, nhưng rồi anh lại được đem cho mượn ở Espanyol thuộc giải TBN. Sau đó, anh rời Man City để chuyển đến Pescara, nơi anh chỉ thi đấu một năm, và sau đó là Olympiakos ở giải VĐQG Hy Lạp. Điểm đến tiếp theo của anh là Qatar, nơi anh thi đấu 5 năm trước khi trở lại quê nhà Slovakia trong màu áo Slovan Bratislava, nơi bố của anh, cũng tên Vladimir Weiss, đang là HLV trưởng.

Từng là một cầu thủ quan trọng của ĐT Slovakia, khi đó được dẫn dắt bởi bố của anh, nhưng Vladimir Weiss lại không giữ được mình khỏi những cám dỗ của tiệc tùng, những trận đánh nhau. Vì vậy, vào năm 2018, anh quyết định giã từ sự nghiệp ĐTQG, khi đó không còn được dẫn dắt bởi bố của anh.

Vladimir Weiss sau đó quyết định trở lại ĐTQG ở kỳ Euro 2020 và sau đó là giải đấu Europe Nations League diễn ra vào tháng 6 năm nay.

Với 3 danh hiệu VĐQG ở 3 quốc gia khác nhau, trong đó có 3 danh hiệu VĐQG liên tiếp với Slovan Bratislava và 77 lần ra sân cho ĐTQG, mọi thứ có vẻ như không quá tệ với Weiss, chỉ là không đạt được như kỳ vọng của anh mà thôi.

Manchester United – Ryan Tunnicliffe


 

Ryan Tunnicliffe là "máy đánh nhịp của đội hình trẻ Man United từng vô địch FA Youth Cup mùa giải 2011. Trong khi các đồng đội khác của anh như Paul Pogba, Ravel Morrison và Jesse Lingard trở thành tâm điểm của sự chú ý từ giới truyền thông, thì Tunnicliffe lại trở thành "người hùng" trong mắt các CĐV đến sân ngày hôm đó vì những đóng góp của anh ở hàng tiền vệ.

Với một số người, Ryan Tunnicliffe khiến họ nhớ đến Roy Keane, số khác khi thì nghĩ đến Nicky Butt, một người con của thành phố Manchester cũng từng thi đấu đầy nhiệt huyết trong màu áo Man United. Màn trình diễn của Tunnicliffe ở mùa giải đó đã giúp anh đạt được danh hiệu Jimmy Murphy cho cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm, một phần thưởng từng được trao cho Ryan Giggs và Marcus Rashford.

1 năm sau, vào tháng 9 năm 2012, Tunnicliffe có màn ra mắt cho đội một ở tuổi 19 khi vào sân thay cho Wayne Rooney trong trận thắng Newcastle United ở League Cup, một bàn thắng đã giúp cha của anh, ông Mick Tunnicliffe thắng cược 10,000 Bảng.

Tunnicliffe sau đó chỉ ra sân một lần cho Man United từ ghế dự bị ở trận đấu vòng tiếp theo gặp Chelsea. Sau đó, anh được đem cho mượn ở Barnsley và Ipswich Town trước khi ký kết hợp đồng với Fulham, khi đó được dẫn dắt bởi người cũ của Man United, Rene Meulensteen. Anh có màn ra mắt ở đội một Fulham trong trận hòa 2-2 trước chính đội bóng cũ Man United.

Kể từ đó, anh lần lượt thi đấu ở Wigan Athletic, Blackburn Rovers, Millwall, Luton Town và hiện tại là Portsmouth, nơi anh ghi được 2 bàn sau 30 trận ở League One.

Dịch từ bài viết của các cây viết tới từ trang tin The Athletic.

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.