Thoạt nhìn tựa đề có lẽ bạn sẽ thấy lạ. Tại sao một con số gần như “tuyệt chủng” lại có thể xuất hiện ở một xứ sở mà xưa giờ vẫn thường được biết đến là miền đất khô cằn vị nghệ thuật với lối chơi “kick and run” chủ đạo. Ấy thế mà nhìn lại những gì đã diễn ra ở mùa giải đã qua, và đặc biệt nhất là mùa hè rình rang vẫn còn động lại nhiều hồi cảm. Có vẻ như Ngoại Hạng Anh đang có sự thay đổi? Đương nhiên, “số 10” được nói đến trong bài viết này không phải là số áo nằm sau lưng các cầu thủ, mà là sự tưọng trưng cho lối đá kỹ thuật của họ. Hơn nữa, “số 10” này cũng không mang cá tính của “số 10 cổ điển” như nhiều người mong ngóng, mà đó chỉ là sự ảnh hưởng, niềm cảm hứng mà từ lâu những Joga Bonito đã từng đem lại cho các đội bóng, cũng như gieo những ký ức tốt đẹp bên trong người hâm mộ.
Những tuần vừa qua là những tuần ồn ào nhất mà lịch sử giải bóng đá cao nhất xứ sở Sương mù phải đón nhận. Thông tin Manchester United bỏ ra cái giá khổng lồ để mang Paul Pogba trở về ngôi nhà xưa đã khiến báo giới tốn khá nhiều giấy mực. Theo thông cáo báo chí của Juventus thì bản hợp đồng trị giá 105 triệu Euro (tức khoảng 89 triệu bảng Anh), vậy là nó đã bỏ lại số tiền mà Real Madrid đã chi ra để thuyết phục Tottenham nhả Gareth Bale vể Bernabeu cách đây vài năm.
Tại sao Quỷ đỏ lại phải tốn công đến thế để có được chữ ký của Pogba? Câu hỏi vẫn ấy vẫn còn đang được bỏ ngỏ cho những ai muốn đi tìm câu trả lời. Nhưng dĩ nhiên số 6 này sẽ không phải ngồi dự bị, anh sẽ luôn túc trực trong đội hình mà Mourinho xây dựng trong thời gian tới. Vậy Pogba sẽ chơi ở vị trí nào? Đương nhiên là nhạc trưởng sở trường chứ không thể nào đem anh về chỉ để khỏa lấp khoảng trống mà Carrick có thể để lại vì vấn đề tuổi tác, thậm chí thời gian gần đây, nhiều thông tin còn cho rằng Mourinho đang cố gắng đem Rooney về vị trí…cầm trịch và phân phối bóng. Số 10 tội nghiệp, 10 năm qua luôn phải làm nền cho đồng đội. Thật ra thì mùa giải trước, Rooney cũng đã được Van Gaal cho thử sức tại vị trí play-maker, nhưng có lẽ kết quả không mấy khả quan. Anh vẫn sung sức và đẳng cấp lắm, nhưng để có thể đứng tại một nơi luôn là tâm điểm của cảm xúc, thì có lẽ trong Rooney vẫn thiếu một chút gì đó, có thể là cái tính nghệ sĩ, cái đầu của nhà thơ để tung ra những pha bóng mà người hâm mộ chờ đợi. Những thứ mà luôn chảy trong huyết quản của những Ozil, Mahrez hay đặc biệt nhất là Payet.
|
Những số 10 trên sân cỏ nước Anh |
Cây viết Eamonn Foster đã từng miêu tả một trận đấu của Payet như thế này: “Đôi khi anh nhìn đường bóng được phát từ sân nhà và sử dụng ngực để đỡ lấy. Một vài đường chuyền anh tỏ ra thờ ơ, nhưng một vài pha khác lại đăm chiêu suy nghĩ một cách lãnh đạm. Anh nhìn hướng này nhưng có thể chuyền đến hướng ngược lại. Nếu không gian trở nên khó thở, anh sẽ đưa bóng về phía cánh đối diện. Còn cơ hội mở ra thì sẽ là một pha đập nhả cùng đồng đội để tìm đường đến mành lưới đối phương. Anh sút phạt và đắm chìm vào đường cong của mình tạo ra. Payet xuất hiện trong vòng cấm và bỗng biến mất, khiến đối phương có cảm giác như đang kèm một bóng ma. Mỗi pha chạm bóng là một lần ma thuật và nó luôn hướng đến lợi ích chung. Vào những phút cuối trận, trong khi đồng đội đang phải căng mình lên bảo toàn thành quả thì Payet cầm bóng trong chân, thậm chí đứng trong vòng cấm đội nhà và che bóng, anh làm tốt đến nỗi khiến đối phương chỉ biết tức giận mà phạm lỗi. Và thế là đội bóng vượt qua áp lực để giành chiến thắng”.
|
Payet và những đường cong đã trở thành thương hiệu |
Nếu như không có cái tên Payet, hẳn ta có thể liên tưởng đến những “số 10”, những cầu thủ với đôi chân kiệt xuất cùng một cái tôi khá ngông cuồng đang được vẽ nên bởi cây viết. Đó có thể là dòng những hồi tưởng về Riquelme, về Juninho hay Rivaldo. Hay là miêu tả một cầu thủ nào đó ở La Liga hoặc có thể là Serie A. Nhưng không, chính Ngoại Hạng Anh đang tồn tại những con người ấy. Payet cuối mùa giải được vinh dự nằm trong những cái tên xuất sắc nhất năm của PFA. Và người giành được giải thưởng là Ryad Mahrez cũng là một cái tên chiếm cảm tình bằng màn trình diễn y như những lời Foster đã miêu tả. Những màn nhảy mùa với trái bóng, xông thẳng vào trung lộ, dùng chân trái gặt nhẹ rồi cứa lòng hiểm hóc là một trong những thương hiệu của ngôi sao Leicester City này, anh khiến cho vai trò của tiền đạo Vardy và sự năng nổ của Kante chỉ đáng xếp vị trí thứ hai, thứ ba khi người ta tìm cách lý giải cho mùa bóng thần kỳ của Bầy Cáo.
Nhưng Ngoại Hạng Anh không chỉ có Mahrez hay Payet. Các fan của Arsenal mùa bóng vừa rồi hẳn rất sung sướng khi nhắc đến cái tên Ozil, anh thi đấu thanh thoát hơn, năng nổ hơn trong khâu ghi bàn và đi bóng, chứ không chỉ biết âm thầm kiến tạo nữa. Ta cũng chứng kiến một Kevin De Bruyne mới trở về nước Anh liền tạo nên cơn sốt với màn trình diễn ấn tượng, làm lu mờ cả những người đàn anh, trở thành trụ cột quan trọng nhất của đội hình Manchester City. Còn đó Coutinho trận nào cũng chiếm hết nửa sức mạnh của Liverpool. Rồi Eriksen, cầu thủ mà không ra sân thì khó mà Harry Kane có thể tỏa sáng. Hay màn trở lại ngoạn mục của Hazard cuối mùa giúp Chelsea ngáng chân Tottenham. Và ngay cả những đội bóng như Swansea cũng có trong đội hình một nhạc trưởng là Sigurdsson.
|
De Bruyne sẽ là một số 10 thành công của Man City? |
Những cầu thủ trên có một đặc điểm chung về chiến thuật. Đa số họ xuất phát từ cánh sau đó sẽ khoan vào trung lộ, đó là một cách để thoát khỏi những tiền vệ trung tâm đầy sức mạnh và sử dụng nhiều pha vào bóng thô bạo để ngăn chặn những đôi chân đang nhảy múa. Những hình ảnh nếu so sánh một chút với “số 10 tân thời” Messi, thì rõ ràng Mahrez, Payet hay Coutinho có nét tương đồng. Nhưng hình ảnh đó không hề mới ở nước Anh, nó đã tồn tại rất lâu rồi. Nếu như nhìn vào những thước phim còn sót lại của những “số 7” huyền thoại George Best hay Kenny Dalglish chúng ta có thể nhìn thấy được, nhưng càng về sau thì lại càng ít dần khi đội hình 4-4-2 phổ biến thay dần cho 4-2-4, sử dụng một cặp tiền đạo hỗ trợ nhau tốt, cùng những đôi chân tạt bóng thần sầu để đưa bóng vào vòng cấm. Bởi thế mà có lý do để Glen Hoddle muốn rời Anh sang Pháp, và mười năm sau là Steve Mcmanaman sang
Tây Ban Nha. Họ là những người Anh, nhưng đã quá chán với lối đá cứ bám biên và tạt trong giải đấu này, và đó chính là một trong những nguyên nhân họ tìm cách ra đi để thể hiện và thử sức với những lối đá mới.
Một đặc điểm chung nữa cần phải nói về nhân dáng: đó là nhỏ con, gầy gò và chơi bóng ít dùng sức. Một sự lạ lùng nếu như chúng ta nhìn lại hình ảnh của giải đấu cách đây 10 năm, thời mà những box to box, điển hình là Gerrard hay Lampard, hãy còn khuấy đảo những sân đấu, thậm chí như Rooney tuy mang tiếng là tiền đạo, nhưng cũng phải đá “bao sân” dựa vào nền tảng thể lực sung mãn. Thật ra thì cách đây vài năm, khi David Silva đến, thì vai trò của một playmaker đã tạo được dấu ấn, ngay cả trước đó rất lâu, vào những năm 2000, với những Bergkamp hay Zola thì những “số 10” cũng đem đến nhiều màu sắc, nhưng để có thể thành một cơn sốt như hiện nay thì quả nhiên đang có gì đó to lớn xảy đến ở sân chơi này.
Sẽ hơi lố bịch khi nói những “số 10” của Ngoại hạng Anh là những “số 10” cổ điển như Riquelme. Nhưng nếu nhìn vào những đóng góp và những gì họ thể hiện rõ ràng họ đang đóng một vai trò là niềm cảm hứng cho những đội bóng của mình như Riquelme đã từng làm. Họ là trái tim, là hơi thở và kể cả là bộ não của cả tập thể đang chạy trên sân. Đó có thể là một cuộc cách mạng thật sự trong bài vở chiến thuật của huấn luyện viên, có thể là xu thế tất yếu của thế giới. Nhưng đối với những người hâm mộ bóng đá Anh nói chung, nếu thật sự có một sự cách mạng về nhân sự thì đó là một điều đáng mừng. Như vậy thì chúng ta không chỉ trông chờ mùa giải mới ở màn đấu trí trên băng ghế huấn luyện, mà còn đó những trận chiến của những cá nhân kiệt xuất với đôi chân nghệ sĩ, và cái đầu thi sĩ thi thố với nhau bên trong sân cỏ.
Dữ liệu tham khảo: Inbedwithmaradona
Phương GP (TTVN)
⇒ Xem thêm: Nhận định kèo bóng đá hôm nay |