20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, và cho dù không mang một ý nghĩa thiêng liêng đến thế, các ông thầy ngoại (HLV) cũng hoàn toàn xứng đáng nhận được những lời tri ân từ công việc cao quý của mình.
Những bài học của bóng đá Việt Nam
Hôm nay ngày 20/11, một ngày lễ để tri ân những Nhà giáo Việt Nam. Nhưng với truyền thống tôn sư trọng đạo, nửa chữ cũng là thầy, đối với các thế hệ bóng đá Việt Nam – các HLV như Park Hang Seo hay Alfred Riedl cũng là những người dạy học.
Bởi cách xưng hô của các cầu thủ với HLV tại bóng đá Việt Nam đều có một chữ “thầy”, nghe rất thân thuộc và gần gũi. Họ không chỉ là những HLV bóng đá không đâu. Nhưng để chỉ ra họ đã dạy cho bóng đá Việt Nam những bài học gì, e rằng quá dài và mang tầm vĩ mô. Ngày hôm nay, người viết sẽ kể những câu chuyện về họ.
Đầu tiên là HLV Alfred Riedl, người đã qua đời vào năm ngoái (2020). Với kiến thức bóng đá ít ỏi của mình, người viết nhớ rõ một câu chuyện về chiến lược gia người Áo tại kỳ AFF 2016. Khi đó, HLV đang mệnh danh là “vua về nhì” của bóng đá Việt Nam đang dẫn dắt ĐT Indonesia, chạm trán với chính tuyển Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Hữu Thắng, người là học trò cũ của ông.
Trong buổi họp báo trước trận, HLV Hữu Thắng đã rót nước cho ông thầy của mình – dù xét về vai vế thời điểm đó, họ ngang nhau. Đó chính là cái tình mà cả 2 đã dành cho nhau một cách đáng trân trọng. HLV Hữu Thắng vẫn đối xử với ông thầy cũ như thường lệ, còn HLV Alfred Riedl vẫn luôn chia sẻ ông coi Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình. Trong cơ thể của ông, có một quả thận được một CĐV hiến tặng.
“Không thành công cũng thành nhân”
Trái ngược với sự mềm mỏng, tình cảm của Alfred Riedl, người đưa tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF 2008 lại là một chiến lược gia cứng rắn – HLV Henrique Calisto. Ông Ngô Lê Bằng, trợ lý ngôn ngữ và đã có cơ hội làm việc với cả 2 HLV này cho biết: “Có thể nhiều người sẽ đồng tình với cách giải thích này của tôi. Ông Riedl ngày xưa là cầu thủ nổi tiếng nên hành xử theo kiểu danh thủ làm HLV. Ông Calisto thì là một chính trị gia làm HLV.”
Trước khi Việt Nam chạm trán Thái Lan ở trận chung kết 2008, toàn đội đã đánh bại Singapore với người hùng Quang Hải (Hải ‘gà’). “thầy Tô” đã nói với các cầu thủ: “Các anh có biết không? Khi đội mình thắng Singapore, Thái Lan xem TV trận bán kết, họ vỗ tay ôm nhau đấy.”
Tất nhiên là chẳng ai kiểm chứng được câu chuyện này rằng nó có thật hay chỉ là một chiêu trò tâm lý chiến. Nhưng điều đó không quan trọng. Bởi trước lời khích tướng kiểu “Thái Lan có coi các anh ra cái gì đâu”, thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam đã trình diễn 2 trận chung kết để đời, để “đường phố Bangkok không còn vang lên những điệu nhạc giáng sinh” (lời BLV Tạ Biên Cương).
Sau Calisto, HLV ngoại được nhiều người quan tâm là ông Toshiya Miura. Thực tế, Miura không để lại quá nhiều thành công, nhưng ông thầy người Nhật cũng từng chia sẻ những điều mà đến thời điểm này nghĩ lại, ta sẽ thấy nó rất chính xác.
Miura phàn nàn ở Việt Nam ca làm việc từ 8-17h, nhưng 8h30, thậm chí 9h nhân viên mới đến văn phòng. Trưa nghỉ 2 tiếng và chiều 16h30 bắt đầu ra về. Với sự chuyên nghiệp, Toshiya Miura cũng đích thân chạy bền trong các buổi tập của ĐT Việt Nam, khiến không ít người phải nể về thể lực của thầy.
Tiêu chí tập trung vào thể lực, hồi phục bằng nước đá đã giúp các cầu thủ Việt Nam thể hiện được hình ảnh tại Asiad và AFF 2014. Ông cũng nói rằng, bóng đá Việt Nam cần hướng tới những mục tiêu cao hơn, ra châu lục và thế giới. Những chia sẻ mà thời điểm đó bị coi như “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”.
Cuối cùng là HLV đã gắn bó với ĐT Việt Nam trong suốt 4 năm qua, ông thầy Park Hang Seo. Ngay trong chiến dịch lịch sử U23 châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc, HLV Park đã nhờ sự trợ giúp của trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa để chúc mừng sinh nhật 2 học trò Công Phượng và Đức Huy. Với nét viết tay vội, có gạch xóa, ông thầy người Hàn luôn chú trọng đến những chi tiết nhỏ nhất, quan tâm đến từng cầu thủ của mình.
Park Hang Seo không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam, mà ông cũng rất được yêu mến tại quê nhà Hàn Quốc của mình. Về điều này, người viết từng có cơ hội ‘gặp gỡ’ thầy Park trong một lần tới Trung Quốc năm 2018.
Tôi đứng trên đỉnh một ngọn núi của tỉnh Hồ Nam và muốn lưu giữ lại khoảnh khắc ấy. Sau đó lần lượt 1, 2, 3 rồi 4 người đứng đó, đưa máy ảnh và nhờ tôi chụp tập thể cho họ. Tôi đoán là họ cũng khá hài lòng, bởi nhận lại những lời ‘xie xie’ từ họ - điều tuyệt vời nhất bạn được nghe sau khi đi bộ 4 giờ đồng hồ.
“Việt Nam à? Park Hang Seo phải không?”
Câu nói của cậu bé khiến tôi bật cười trong 5 phút, ở độ cao 3 nghìn mét. Tới nay đó vẫn là một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất của tôi về HLV Park Hang Seo, dù thực tế cũng chẳng có mặt ông trong đó. Có lẽ với dân Hàn, HLV Park như một “người đại diện” của Việt Nam.
Những người thầy của bóng đá Việt Nam |
Nhân ngày 20/11, xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các giáo viên, những người lái đò luôn nhiệt huyết trong sự nghiệp dạy dỗ các thế hệ học sinh. Hay trong khuôn khổ bài viết này, là những HLV ngoại đã từng làm việc và để lại các bài học giá trị cho nền bóng đá Việt Nam, mà trong đó có HLV không còn trên đời nữa.
Đó là những thầy giáo không có bằng sư phạm, nhưng họ cũng cao quý và đáng trân trọng như bất kỳ nhà giáo nào.