Những cầu thủ tấn công "gấp 3 nguy hiểm": Họ là những ai?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 17/11/2023 18:02(GMT+7)

Zalo

Erling Haaland có thể trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, nhưng anh không thể làm tốt việc rê bóng hay chuyền bóng. Nói chính xác hơn, anh có thể làm 2 việc đó, và đã thực hiện chúng tốt hơn bất kỳ người bình thường nào từ cố rê hoặc chuyền một quả bóng. Nhưng khi so sánh với các đồng nghiệp của mình – những cầu thủ tấn công giỏi nhất thế giới khác – thì ngôi sao người Na Uy cực tệ trong hai kỹ năng này.

371509538_170095499463175_1166970034852110984_n
 

Mặc dù chơi cho CLB giỏi kiểm soát bóng nhất thế giới, Haaland vẫn đứng dưới 94% các tiền đạo ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu về số đường chuyền trung bình mỗi trận trong năm qua. Còn về thống kê rê dắt bóng thì anh thua kém 73% các đồng nghiệp đá cùng vị trí – hãy xem 2 trận đấu ngẫu nhiên của Manchester City, và bạn sẽ thấy tiền đạo đá chính của họ chỉ rê bóng qua một hậu vệ duy nhất 1 lần. 

Nhà báo Ryan O’Hanlon của ESPN kể rằng khi ông trò chuyện với một nhân vật đã góp công giúp một đội bóng giành chức vô địch Champions League và nhiều danh hiệu quốc nội, người đó đã chia sẻ rằng khi chiêu mộ các cầu thủ tấn công, họ sẽ cố tránh những cầu thủ như Haaland. Cụ thể hơn, là những cầu thủ tuy ưu tú, nhưng đòi hỏi phần còn lại của đội phải hi sinh để bù đắp những thiếu sót của anh ta.  

Thay vào đó, nhân vật này và đội bóng của ông thích những cầu thủ mà họ gọi là “gấp 3 nguy hiểm”. “Nếu bạn có thể chuyền, dứt điểm và rê bóng, bạn là một cầu thủ ‘gấp 3 nguy hiểm” ông nói. 

Dù cho những cầu thủ này không sở hữu thành tích ghi bàn đứng trên 99% đồng nghiệp chơi cùng vị trí giống như Haaland (gọi ngắn gọn là “bách phân vị” 99), nhưng họ có thể đạt bách phân vị 80 trong cả 3 lĩnh vực trên, và lợi ích của những cầu thủ này là họ có thể dễ dàng hòa hợp và hỗ trợ cho nhau. Nếu một cầu thủ tấn công có thể dứt điểm, đi bóng và chuyền bóng bất cứ khi nào, thì hàng thủ sẽ phải cực kỳ e sợ anh ta; điều này mở ra các khoảng trống cho những cầu thủ tấn công khác, và phản ứng dây chuyền sẽ tiếp tục diễn ra khi họ chuyền bóng cho nhau. Thêm vào đó, sự đa tài này sẽ tạo nên những bước di chuyển đầy linh hoạt và khó đoán giữa một bộ ba tiền đạo, và việc khoả lấp vị trí của những cầu thủ dính chấn thương cũng sẽ dễ dàng hơn vì tất cả mọi người đều có thể chơi ở bất kỳ đâu, đảm nhận bất kỳ vai trò nào. 

Tất nhiên, chỉ có một số ít đội trên thế giới thực sự đủ khả năng mua được những cầu thủ dạng này. “Hầu hết các đội bóng đều phải chấp nhận thoả hiệp,” nhân vật kia chia sẻ. “Kiểu như giữa ngon, bổ và rẻ, bạn chỉ có thể chọn một trong ba mà thôi.” 

Nhưng tôi cho rằng sẽ là một bước đi rất thông minh nếu các đội bóng cố gắng tìm kiếm những cầu thủ tuy không có kỹ năng nào đặc biệt nổi bật nhưng lại đạt cấp độ trên mức trung bình trong mọi lĩnh vực. Do đó, trước tiên chúng ta sẽ thông qua một số thống kê cơ bản để xác định những cầu thủ “gấp 3 nguy hiểm” hàng đầu thế giới hiện nay, rồi sau đó tiếp tục tìm kiếm những gương mặt sở hữu tiềm năng đạt đến đẳng cấp tương tự trong tương lai.

NHỮNG CẦU THỦ “GẤP 3 NGUY HIỂM” HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

Do danh sách của chúng ta sẽ tập trung vào những cầu thủ hiện đang chơi ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, vậy nên sẽ hơi bất hợp lý khi liệt kê cả cái tên Lionel Messi. Tuy nhiên, người đàn ông này xứng đáng được đối đãi như một ngoại lệ, bởi vì nguyên nhân Messi trở thành cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất lịch sử là do anh chính là người rê dắt bóng, chuyền bóng và dứt điểm giỏi nhất thế giới – tất cả cùng lúc, trong hơn một thập kỷ.

Tôi sẽ xác định những cái tên mà chúng ta đang tìm kiếm dựa trên các tiêu chí sau đây – số liệu do Stats Perform cung cấp – tính từ đầu mùa giải trước ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu:

-    Đã chơi ít nhất 2.000 phút

-    Tần suất dứt điểm trung bình mỗi 90 phút ít nhất là 3,0

-    Tần suất chuyền bóng vào vòng cấm trung bình mỗi 90 phút ít nhất là 2,5

-    Tần suất rê bóng thành công trung bình mỗi 90 phút ít nhất là 2,0

Chỉ có 7 người đáp ứng được hết mọi tiêu chí đó. Ngoại trừ Messi, 6 người còn lại vẫn đang chơi bóng ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Trong khi tất cả những cái tên còn lại đều nằm trong độ tuổi từ 20 đến 27, thì Messi đã 36 tuổi. 

Trong màu áo Paris Saint-Germain vào mùa giải trước, Messi đã thực hiện trung bình 4,1 cú dứt điểm mỗi 90 phút, chuyền bóng vào vòng cấm trung bình 5,3 lần mỗi 90 phút và rê bóng thành công trung bình 3,2 lần mỗi 90 phút. Do đó, tuy đúng là việc Messi có lần thứ 8 giành được danh hiệu Ballon d'Or chủ yếu là nhờ chức vô địch World Cup cùng ĐTQG Argentina, nhưng anh không hề chỉ “ăn không ngồi rồi” ở Paris. Tại đó, anh vẫn làm những gì mà mình đã luôn làm: Cân hết mọi thứ, và đạt đẳng cấp vượt trên hầu hết mọi người khi thực hiện chúng. 

6 NGƯỜI CÒN LẠI GỒM NHỮNG AI?

Có lẽ rất nhiều người sẽ bất ngờ khi được biết rằng Kylian Mbappé cũng có tên trong danh sách này. Thậm chí chúng ta có thể gọi siêu sao người Pháp là một cầu thủ “gấp 4 nguy hiểm”. Anh không chỉ rực sáng khi có bóng trong chân, mà còn có thể phá vỡ tính tổ chức của đội hình đối thủ với mọi hành động mình làm khi không có bóng. Nếu bạn không cảnh giác cao độ với khả năng thực hiện những tình huống thoát ra phía sau hàng thủ của chàng trai này, bạn sẽ phải lấy rổ đựng bóng. 

Biểu đồ dưới đây thể hiện bách phân vị của Mbappé khi so sánh với các tiền đạo còn lại ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu trong những chỉ số chính yếu:

a1
 

Có thể thấy, ngoại trừ khâu phòng ngự – một khía cạnh mà anh được quyền không cần tham gia vào – thì siêu sao 24 tuổi có thể làm hết, và làm rất tốt, mọi thứ.

Giờ thì đến những cái tên khác. Đầu tiên sẽ là cặp ngôi sao chạy cánh của Serie A, 2 chàng trai có lẽ sẽ sớm tạo nên những vụ chuyển nhượng kỷ lục thế giới trong tương lai: Rafael Leão của AC Milan và Khvicha Kvaratskhelia của Napoli. 

Leão hiện 24 tuổi, nhưng với thâm niên chơi bóng đỉnh cao của anh cho tới hiện tại, chúng ta chẳng cần phải nói gì nhiều về tài năng của chàng trai này khi có bóng trong chân nữa. 

Trong khi đó, Kvaratskhelia chỉ mới 22 tuổi. Cùng với tình trạng sa sút phong độ của Napoli ở mùa giải này, có vẻ như ngôi sao bất ngờ thăng hoa vào mùa trước này đã quay trở lại mặt đất. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy. Tuy hiệu suất ghi bàn và kiến tạo của anh đang kém hơn mùa giải trước, nhưng chỉ số bàn thắng kỳ vọng không tính penalty + kiến tạo kỳ vọng của anh đã nhảy vọt đáng kể, từ mức 0,51 mỗi 90 phút ở mùa trước lên thành 0,78 ở mùa này. Kvaratskhelia cũng đang đi bóng vào vòng cấm nhiều hơn so với mùa trước, và thường xuyên đánh bại các hậu vệ hơn khi rê bóng.

a2
 

Phía sau 2 cái tên trên, Bayern Munich và Barcelona đều sở hữu cho riêng mình những ngôi sao “gấp 3 nguy hiểm” lừng danh đang ở trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp: Raphinha và Leroy Sane. Và đứng cạnh họ chính là cái tên thú vị nhất trong danh sách: Rayan Cherki của Lyon. 

Điều đáng ngạc nhiên là Cherki đã không có trận nào chơi hơn 52 phút kể từ tháng 9. Có lẽ đây chính là một phần nguyên nhân khiến cho Lyon hiện mới chỉ kiếm được 7 điểm sau 11 trận đã chơi và đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng Ligue 1. Cherki chỉ mới bước sang tuổi 20 hồi tháng 8, nhưng trong năm dương lịch vừa qua, anh đã đạt bách phân vị 88 về tần suất dứt điểm mỗi 90 phút trong danh sách các tiền vệ tấn công và cầu thủ chạy cánh ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, bách phân vị 99 về tần suất chuyền bóng vào vòng cấm mỗi 90 phút, và bách phân vị 97 về tần suất rê dắt bóng thành công.

Trong số những tài năng U21 chưa khoác áo một siêu CLB, thì anh chính là cái tên thú vị nhất thế giới hiện nay. Theo thuật toán của FBref, Top 3 cầu thủ có lối chơi tương đồng với Cherki nhất vào thời điểm này chính là Sane, Vinícius Júnior của Real Madrid và Kvaratskhelia. 

NHỮNG NGÔI SAO MAI ĐANG ẨN MÌNH

Nếu chúng ta hạ bớt 0,5 đối với các tiêu chuẩn đã đề cập – nghĩa là giảm xuống thành ít nhất 2,5 pha dứt điểm mỗi 90 phút, 2,0 đường chuyền vào vòng cấm mỗi 90 phút và 1,5 lần rê bóng thành công mỗi 90 phút – thì danh sách sẽ tăng lên thành 22 cầu thủ.

Hầu hết trong số họ đều là những cái tên đã có tiếng tăm rầm rộ hoặc chẳng còn phù hợp để được gọi là “sao mai” nữa. Trong phân khúc trên 30 tuổi, chúng ta có Adri Embarba (31 tuổi) của Almeria và Wilfried Zaha (30 tuổi) của Galatasaray. Họ chính là 2 cầu thủ lớn tuổi nhất trong danh sách loại trừ Lionel Messi.

Kế tiếp, chúng ta có một nhóm cầu thủ đã “chạm trần” tiềm năng đang chơi cho những CLB lớn hoặc từng khoác áo những CLB lớn: Paulo Dybala của Roma (29 tuổi), Kingsley Coman của Bayern Munich (27 tuổi), Marcus Rashford của Manchester United (26 tuổi), James Maddison của Tottenham (26 tuổi) và Ousmane Dembélé của PSG (26 tuổi). Hai tài năng trẻ Rodrygo của Real Madrid và Jamal Musiala của Bayern Munich tuy vẫn còn tiềm năng rất lớn để khai phá, nhưng tiếng tăm của họ hiện đang rất đình đám rồi. 

Chúng ta sẽ còn lại 6 cái tên. Một trong số họ vừa tạo nên một vụ chuyển nhượng có mức phí 55 triệu Euro vào mùa hè vừa qua: Moussa Diaby của Aston Villa, 24 tuổi. Một phần không nhỏ là nhờ khả năng đóng góp cho đội của mình theo 3 cách khác nhau, hiện tài năng trẻ người Pháp đã trở thành một trụ cột tại đoàn quân đang đứng thứ 5 ở Premier League, góp mặt trong 90% số phút thi đấu của họ.

b62e2f0e-28e8-4594-ac93-66c75dfece01
 

Hai trong số những người còn lại tuy chưa từng chơi cho CLB lớn nào nhưng đều thuộc diện có một sự nghiệp đã “đạt đỉnh” là Ademola Lookman của Atalanta (26 tuổi) và Eberechi Eze của Crystal Palace (25 tuổi). Lookman từng bùng nổ tại RB Leipzig hồi năm 2018, nhưng kể từ đó đã chẳng thể nào bứt phá lên được một tầm cao mới. Tại Atalanta, anh đã thể hiện rất tốt với một vị thế khiêm tốn hơn thay vì là một ngôi sao đá chính trong mọi trận đấu. Đương nhiên, việc thỏa mãn các thông số tiêu chuẩn mà chúng ta đã đặt ra sẽ dễ dàng hơn đối với những cầu thủ không ra sân nhiều.

Khác với Lookman, trong 2 mùa giải qua số phút thi đấu của Eze chỉ kém hơn 4 đồng nghiệp trong danh sách. Thật đáng nể, anh đã lọt được vào danh sách này dù cho thường xuyên ra sân trong vai trò tiền vệ tại một đội bóng hạng trung ở Anh. Với sự giàu có của Premier League hiện nay, mức giá của Eze chắc chắn sẽ không hề rẻ, nhưng tôi thực sự muốn được thấy bộ kỹ năng đa dạng của chàng trai này sẽ hoạt động ra sao ở một đội bóng cấp độ Champions League.

80G_Malen_2_bvbnachrichtenbild_regular
 

Còn Donyell Malen (24 tuổi) của Borussia Dortmund thì vốn đang chơi cho một CLB cấp độ Champions League, anh chính là cái tên đứng đầu trong danh sách các tiền vệ công và cầu thủ chạy cánh ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu về tần suất dứt điểm trung bình mỗi 90 phút trong 365 ngày qua. Lazar Samardzic (21 tuổi) của Udinese thì đã suýt nữa được khoác áo một CLB cấp độ Champions League, đáng tiếc là mong muốn gia nhập Inter Milan của anh hồi mùa hè đã không thể trở thành hiện thực. Xem xét độ tuổi của Samardzic và quy mô, chất lượng của đội bóng mà anh đang khoác áo, thì chàng trai này là một mục tiêu hấp dẫn hơn nhiều. Nhưng Malen đã từng khuấy đảo Eredivisie cùng PSV trong nhiều mùa giải trước khi tiếp tục gây ấn tượng mạnh tại Dortmund – một môi trường gian khó hơn. Với một hồ sơ sự nghiệp như vậy, tài năng người Hà Lan thực sự là một cái tên khó có thể phớt lờ. 

Tuy nhiên, hai người họ có chung 2 vấn đề. Đầu tiên, cả hai đều chỉ vừa đủ đáp ứng ngưỡng “đậu” trong tiêu chuẩn về khả năng chuyền bóng mà chúng ta đã đề ra. Thứ hai, số phút thi đấu của hai người họ ở đấu trường quốc nội tính từ đầu mùa giải trước thậm chí còn chẳng bằng một lão tướng như Lionel Messi. Nếu thời lượng thi đấu của hai tài năng trẻ này tăng lên, có lẽ thông số tần suất chuyền bóng vào vòng cấm mỗi 90 phút của họ sẽ càng sụt giảm, qua đó đánh bật họ khỏi danh sách của chúng ta. 

Cái tên cuối cùng là Armand Lauriente (24 tuổi) của Sassuolo. Chàng trai này là một chân rê bóng cừ khôi, nhưng chẳng có khía cạnh nào của anh tạo ra được những con số thống kê thực sự rực rỡ cả. Theo ước tính từ Transfermarkt, giá trị chuyển nhượng của Lauriente sẽ chỉ nằm đâu đó trong khoảng 18 triệu Euro. Tuy nhiên, cầu thủ người Pháp vẫn có thể đạt đủ điều kiện lọt vào danh sách này dù cho có thời lượng thi đấu tính từ đầu mùa giải trước tương đối lớn (3.264 phút) và CLB mà anh khoác áo là một cái tên hạng trung ở Serie A. Trên hết, các số liệu xác định tầm ảnh hưởng tổng thể của một cầu thủ cũng đánh giá Lauriente cao hơn nhiều so với những gì mà bạn đinh ninh về một cầu thủ chỉ ghi vỏn vẹn 6 bàn (không tính penalty) ở mùa giải trước. 

maxresdefault
 

Có lẽ Lauriente chính là cái tên lý tưởng nhất cho phần này của bài phân tích. Bản thân anh chẳng có một kỹ năng cụ thể nào đặc biệt nổi bật khi đặt cạnh hàng trăm cầu cầu thủ chạy cánh khác có thể mua được ngoài kia. Nhưng khi bạn cộng hết tất cả những gì chàng trai này có lại với nhau, bạn sẽ nhận được một cầu thủ mang giá trị chuyên môn cực cao. 

Nếu tôi là một CLB Premier League, tôi sẽ trao cho Lauriente một cơ hội. Đặc biệt là khi mức phí chuyển nhượng cần bỏ ra sẽ chằng hề thấm tháp gì với sự giàu có của những đội bóng ở giải đấu này! 

Theo Ryan O’Hanlon, ESPN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Antonee Robinson: Hậu vệ cánh trái xuất sắc nhất Premier league hiện tại

Khi một hậu vệ trái có thể kiềm hãm được Bukayo Saka và Mohamed Salah trong 2 trận đấu liên tiếp ở Premier League, dĩ nhiên anh ta sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Khi anh ta không chỉ có một màn trình diễn khả năng phòng ngự xuất sắc mà còn có thêm 2 pha kiến tạo trước Liverpool trong một trận hòa 2-2 ở Anfield, hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra.

Cody Gakpo: Ổn định để tỏa sáng!

Vào đêm Boxing Day năm 2022, PSV Eindhoven đưa ra thông báo chính thức rằng CLB Hà Lan và Liverpool đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng tiền đạo Cody Gakpo.

Charles De Ketelaere: Gọi giấc mơ về xứ Bergamo

Sau những tháng ngày vỡ mộng tại kinh đô thời trang Milan hoa lệ, cuối cùng thì Charles De Ketelaere đã có thể tìm lại chính mình ở Atalanta, một đội bóng dù nhỏ nhưng lại đang mơ những giấc mơ lớn nhất trên hành trình chinh phục bóng đá Ý và châu Âu.

X
top-arrow