Với một số người ở thời điểm đó, và nhiều người khác ở cuối mùa, có vẻ như Luis Enrique coi việc đến Roma giống như một dịp để tích lũy kinh nghiệm trước khi tiếp quản ghế nóng ở Barcelona hơn là một điều gì đó nghiêm túc.
Vào ngày 8 tháng 6 năm 2011, Luis Enrique chính thức trở thành HLV của Roma trong 3 năm sau khi chờ đợi trong vô vọng cơ hội được thay thế Pep Guardiola, một cơ hội sẽ không bao giờ đến sau khi Pep đưa Blaugrana đến cú đúp La Liga, Champions League của mùa giải đó.
Enrique được bổ nhiệm làm HLV của Barca B vào năm 2008. Với nhiều người, thậm chí là bản thân ông, Enrique dường như là cái tên hàng đầu cho chiếc ghế của Guardiola sau khi ông rời đi. Sau 3 năm chờ đợi, Pep quyết định ở lại Barcelona sau khi mùa giải 2010-2011 kết thúc, điều khiến Enrique thất vọng và quyết định ra đi.
Ông cho rằng nhiệm kỳ thứ 4 ở đội hai có thể khiến ông trì trệ và thiếu tham vọng. Enrique quyết định tự định đoạt số phận và xây dựng bản thân hơn là chờ đợi người ta đưa đến cho mình.
Với nhiều NHM Roma, đây giống như là một canh bạc chắc ăn. Nên nhớ, đây là thời kỳ thống trị của bóng đá Tây Ban Nha, thời kỳ mà bóng đá bán đảo Iberia đang ở đỉnh cao. 1 tháng trước khi Enrique cập bến Roma, Barca vừa giành được chức vô địch Champions League bằng một màn trình diễn tuyệt vời trước Man United trên sân Wembley.
Đây là chiến thắng thứ 3 của họ trong vòng 6 năm. Thêm vào đó là chức vô địch World Cup 1 năm trước đó của ĐT Tây Ban Nha và chức vô địch Euro vào năm 2008, chức vô địch mà TBN bảo vệ thành công 4 năm sau đó trên đất Ukraina. Tiki-Taka khi đó là triết lý thống trị thế giới bóng đá. Vì vậy, để thống trị bóng đá thế giới, một HLV thấm nhuần triết lý Barcelona chính là lựa chọn hợp lý.
Logic đó được nhấn mạnh bởi GĐTT của Roma khi đó là Walter Sabatini: "Chúng tôi chọn Enrique phần nhiều vì tính biểu tượng. Enrique thể hiện một tư tưởng bóng đá chúng tôi muốn đi theo, một tư tưởng bóng đá được truyền bá qua ĐT Tây Ban Nha và Barcelona."
Vào ngày 16 tháng 4 năm 2011, Thomas DiBenedetto, một doanh nhân người Mỹ giành được quyền kiểm soát CLB. Doanh nhân này ngay lập tức thấy được tầm quan trọng của thương vụ Enrique trong việc chuyển hóa một đội hình già cỗi kết thúc ở vị trí thứ 6 của Serie A trở thành một đội bóng có thể giành danh hiệu. Một ông chủ mới giàu tham vọng cùng 1 chiến lược gia mới, mọi thứ dường như mở ra cơ hội cho Roma, nhưng mọi thứ hóa ra lại không như mong chờ. Việc áp dụng một triết lý lạ lẫm vào một tập thể kém ổn định nhanh chóng đem lại hậu quả rõ ràng cho đội bóng thành Rome.
Ngay từ đầu, Luis Enrique đã mắc sai lầm khi đem về cựu cầu thủ Barcelona và Espanyol, Ivan de la Pena, một quyết định có phần vội vã của ông khi không xét đến việc "Tiểu Phật" từng thi đấu 2 năm với kình địch Lazio. Dù mối quan hệ này có phù hợp tới mấy với Enrique, rõ ràng ông đã khiến NHM Roma không hề vui vẻ gì khi đem về cầu thủ của đại kình địch.
Không rõ giới chủ Roma khi đó có trông đợi Enrique tới đâu trong việc áp dụng triết lý của mình vào môi trường của Calcio, nhưng giới báo chí Italia khi đó đã gọi Giallorossi là "BarcaRoma", cho thấy sự biến chuyển ở sân Olimpico có thể khá lớn. Ở thời điểm đó, cái tên BarcaRoma giống như một lời ngợi ca, nhưng về sau, nó dần trở thành một cái tên mang tính mỉa mai.
Enrique không tốn quá nhiều thời gian trong việc đem về những cái tên cần thiết. Ông ký hợp đồng với thủ môn Maarten Stekelenburg của Ajax, hậu vệ Jose Angel của Sporting Gijion, Gabriel Heinze từ Marseille và Simon Kjaer từ Wolfsburg bằng một bản hợp đồng cho mượn. Ở hàng tiền vệ, ông đem về Erik Lamela từ River Plate và Miralem Pjanic từ Lyon. Tiền đạo Bojan Krkic là cái tên hiếm hoi của lò La Masia được Enrique đem về. Thêm vào đó là những cái tên người Italia như Dani Osvaldo, Fabio Borini và Marco Boriello.
Đội hình này có phần khá lạ lẫm với truyền thống của Calcio. Xuyên suốt mùa giải, nhiều trong số những cái tên mới trở thành cầu thủ chính của đội hình một. Có thể thấy Enrique đã xác định sẽ xây lại mọi thứ từ đầu hơn là sử dụng những thứ sẵn có ở Roma.
Với một số người ở thời điểm đó, và nhiều người khác ở cuối mùa, có vẻ như tân huấn luyện viên coi việc đến Roma giống như một dịp để tích lũy kinh nghiệm trước khi tiếp quản ghế nóng ở Barcelona hơn là một điều gì đó nghiêm túc. Có cảm giác ông đem tất cả những gì mình học được ở La Masia đến thành Rome, sau đó nói với các cầu thủ dưới quyền mình đi theo hình mẫu Barcelona. Phương pháp này phù hợp với Roma theo nhiều cách khác nhau.
Enrique rốt cuộc cũng giành được chiếc ghế nóng ở Nou Camp, thậm chí giành được cú ăn 3 ngay ở mùa đầu tiên dẫn dắt Barca, nhưng nhiệm kỳ thất bại ở Roma khiến con đường đến Barcelona của ông như dài thêm, từ Galicia đến Vigo rồi mới tới Barcelona.
Trận đấu tiền mùa giải cuối cùng của Roma cho thấy tân HLV và đội bóng chắc chắn sẽ gặp rất nhiều thử thách trước mắt. Trận thua 3-0 trước Valencia trên sân Mestalla ở giải đấu Tropheo Naranja không đem lại được nhiều sự tự tin cho Roma khi Giallorossi không có được một đội hình đủ mạnh trên sân.
Những lo lắng dần hiển hiện khi 3 trận đầu tiên của mùa giải diễn ra. Roma khi đó thậm chí để thua Cagliari trên sân nhà ngay ở trận khởi tranh mùa giải. Đây là lần thứ 3 Roma bị đánh bại trên sân nhà ngay ở trận mở màn trong vòng 18 năm. Sau đó là một trận hòa trước Siena trên sân nhà. Trận thắng đầu tiên của họ đến trong trận gặp Parma khi Oslvado có bàn thắng duy nhất cho Giallorossi. Sau đó là chiến thắng trước 3-1 trước Atalanta.
Tất nhiên, không ai trông đợi HLV đem đến thành công ngay tức khắc ở mùa đầu tiên, nhưng rõ ràng Roma đã dần khởi sắc. Tuy vậy, mọi thứ nhanh chóng sụp đổ khi Roma để thua 2-1 trước Lazio, điều càng khiến cho Enrique và toàn đội thêm nhiều áp lực. Sau đó là 8 trận trồi sụt bao gồm 4 thất bại, 3 chiến thắng và 1 trận hòa. Ở thời điểm giữa tháng 12, một chuỗi thành tích khả quan cho thấy mọi thứ sẽ dần khá lên cho Roma.
Từ ngày 18 tháng 12 đến 19 tháng 2, Giallorossi thi đấu 8 trận, giành được 5 trận thắng và 2 trận hòa, trận thua duy nhất đó là trước Cagliari sau khi dẫn trước 2-1 để rồi bị thắng ngược với tỷ số 4-2 trước 9,500 khán giả trên sân Stadio Sant'Elia. Nếu người ta nghĩ Roma có thể nhanh chóng vượt qua trận thua này, họ đã nhầm. Trong 18 trận còn lại của mùa giải, họ chỉ thắng 7 trận, thua 7 trận, trong số đó có trận thua trước Lazio, và hòa 4.
Điều đó đồng nghĩa với vị trí thứ 7, cùng với đó là việc không được tham dự các giải đấu Châu Âu. Enrique nhanh chóng rút lui ngay cuối mùa giải. "Tôi có thêm 1 năm hợp đồng nữa, nhưng tôi cảm thấy mình không còn gì để cống hiến cho Roma nữa. Cơ hội này cho tôi thấy các chiến thuật khác nhau cũng như các chiến thuật khác nhau." Điều này cho thấy ông chấp nhận tình hình này, và rằng nhiệm kỳ này của ông đã giúp ông đạt được mục đích.
Điều mà cách đó vài tháng trước còn rất hiệu quả lại trở nên tệ hại, vậy nguyên nhân từ đâu ? Rõ ràng áp dụng các phương pháp mới cho một đội hình vốn đã quá quen với những phương pháp của lò đào tạo ngay từ khi còn bé là một chuyện, nhưng cố gắng áp dụng một phương pháp cho một nền bóng đá với một góc nhìn chiến thuật khác biệt lại là một điều khác. Roma không có được một cầu thủ bứt tốc giỏi như Andres Iniesta. Serie A được xây dựng trên nền tảng của sự kiên nhẫn, nền tảng chắc chắn và rình rập.
Thứ bóng đá mà Enrique dấn thân vào gần như khác hẳn với hình ảnh "BarcaRoma" mà HLV người Tây Ban Nha áp dụng. Kiểm soát bóng dường như trở nên vô giá trị ở đây nếu Roma không có được những cầu thủ cần thiết để áp dụng lối chơi này của Enrique.
Về mặt kiểm soát bóng, Roma chỉ đứng sau nhà vô địch Juventus với con số trung bình đạt 57,7% xuyên suốt cả mùa, nhưng thông số này chẳng đem lại lợi lộc gì cho Roma. Trong khi đó, Lão Bà thành Turin đã chuyển hóa con số áp đảo đó thành bàn thắng và những chiến thắng, điều Roma không làm được. Thêm vào đó, Giallorossi không có được một Lionel Messi, một thiên tài có thể đảo ngược tình thế, dù họ có được Francesco Totti, một cầu thủ thích hợp với vị trí số 9 ảo.
Điều đó khiến việc Enrique thất bại trong việc áp dụng Tiki-Taka vào đội bóng của mình trở nên dễ hiểu. Họ không có được sự cơ động của Barcelona, không thể áp sát đối phương ở các tình huống mất bóng. Điều đó cũng đúng khi họ có bóng. Các mối dây liên lạc giữa các tuyến của họ dường như không có.
Có lẽ chỉ có Bojan, người vốn thấm nhuần triết lý của Barca, là người đồng điệu nhất với lối đá của ông thầy người TBN. Nhưng nếu chỉ có một người tuân thủ chiến thuật, thì chính người đó lại là người lạc lõng chứ không phải toàn đội. Lối chơi trên của Enrique rõ ràng không phù hợp với những cầu thủ thiên về cá nhân như Lamela hay Osvaldo khi nó làm giảm thiểu tối đa các pha phối hợp mạch lạc.
Bojan thậm chí phải nhận lãnh cơn thịnh nộ của NHM Roma khi dám cả gan "giành chỗ của huyền thoại Totti. Mọi lỗi anh mắc phải đều bị nhân đôi, mọi thứ anh làm đều bị chỉ trích. Chừng nào Totti còn chưa trở lại, chừng đó Enrique còn chưa yên với NHM Roma.
Enrique nhận ra kế hoạch của mình đã sụp đổ, ban lãnh đạo có lẽ cũng đã thấy được điều này. Kế hoạch "BarcaRoma" vì thế cũng nhanh chóng đi vào quên lãng khi người thay thế Enrique lại là một cái tên quen thuộc với Serie A: Zdenek Zeman.
GĐ Franco Baldini phát biểu: "Chiến lược này đã sập đổ. Chúng tôi muốn đi theo một trường phái bóng đá khác. Nếu nhìn vào thông số ở giải đấu, Roma là đội kiểm soát bóng nhiều hơn bất cứ ai, chỉ sau Juve và Milan về mặt chiếm lĩnh khoảng trống và số đường chuyền thành công. Điều này nói lên rất nhiều về chất lượng chuyên môn. Thất bại phần nhiều thuộc về việc chúng tôi thi đấu thế nào ở mùa giải, nhưng phong cách thi đấu này chính là thứ chúng tôi muốn ngay từ đầu."
Chắc chắn nhiều người sẽ phải tự hỏi liệu Baldini có yên lòng không khi phát biểu những lời đó. Có vẻ như đây là một lời an ủi lạnh lùng của người đứng đầu Roma khi đem những thông số trên sân để bào chữa cho một trong những mùa giải kém cỏi nhất lịch sử Roma.
Liệu thử nghiệm này có kết thúc quá nhanh ? Có vẻ như Roma đã quá tham vọng khi đề ra mục tiêu thay đổi cả truyền thống và tư duy của không chỉ một CLB mà còn cả một giải đấu trong một mùa. Có lẽ một nhiệm kỳ thứ 2, với nhiều bản hợp đồng hơn, có thể tạo nên khác biệt. Đây chính là lối tiếp cận mà Man City áp dụng cho Pep Guardiola. Tuy vậy, mọi con đường đều đầy rẫy rắc rối, nhất là khi có những lựa chọn khác được tính tới.
Dẫu vậy, sẽ thật thú vị nếu được chứng kiến những ảnh hưởng của triết lý Enrique lên Serie A về mặt lâu dài, thậm chí trở lại Barcelona với một bản CV hoành tráng hơn, điều sẽ giúp việc áp dụng tư duy của mình lên đội hình chính của ông trở nên dễ dàng hơn. Nếu được trao thêm thời gian, ông có thể sẽ thay đổi diện mạo cho Roma. Có thể nói, nếu thành Rome không thể được xây dựng trong một ngày, thì chắc chắn Roma không thể xây dựng lại trong một mùa.
Lược dịch từ bài viết: "If Rome wasn’t built in a day: Luis Enrique’s troubled season at Roma" của tác giả Gary Thacker đăng trên These Football Times.