Nguyễn Hữu Thắng: Câu chuyện giữa Sói già và Bầy cừu

Tác giả Phương GP - Thứ Tư 23/11/2016 10:39(GMT+7)

Nguyễn Dữ đã từng viết trong tác phẩm Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên rằng: “Than ôi! Người ta vẫn nói: "Cứng quá thì gẫy". Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gẫy hay không là việc trời. Sao nên đoán trước là sẽ gẫy mà chịu đổi cứng ra mềm ru!”
Nguyễn Hữu Thắng: Câu chuyện giữa Sói già và Bầy cừu
Nguyễn Hữu Thắng “cứng”, đó là điều mà ai cũng thừa nhận, nhưng để ghép cái chữ “sĩ” cho anh lại là một câu chuyện khác.
Từ thời cổ đại, chữ “sĩ” vẫn thường được dùng cho quân đội, vũ trang. Ấy thế mới có mấy từ mà giờ ta hay gọi là “sĩ quan” hay “binh sĩ”. Mà nói về quân đội, thì dĩ nhiên Hữu Thắng hoàn toàn có cái tính  cách nhà binh ấy. Máu lửa, nghiêm nghị và chính trực. Ngay từ cái thuở còn khoác quần đùi áo số quần thảo trên sân cỏ, chàng trai sinh ra tại Hà Tĩnh này đã từng khiến những cổ động viên trên sân Vinh mê mẩn bởi những pha…xoạc bóng “thừa sống thiếu chết”, thậm chí một cầu thủ “quái” như Huỳnh Đức cũng phải thừa nhận: anh ngại nhất là đối đầu với Hữu Thắng. Và ngay cả khi giã từ sự nghiệp cầu thủ để ngồi lên chiếc ghế huấn luyện của Sông Lam Nghệ An, cái tính nhà binh ấy vẫn được anh truyền vào huyết quản của các học trò.
“Chúng ta quyết tử chiến cho trận đấu này”, đó là lời nói mà những cầu thủ Sông Lam Nghệ An từng hô vang trong giờ nghỉ giữa hai hiệp trận đấu với Hà Nội T&T mùa V-league 2011, trận đấu quyết định hoàn toàn đến chức vô địch mùa giải năm ấy. “Tử chiến”, câu nói chỉ xuất hiện trong những trận chiến trên sa trường giờ vang vọng ở ngoài đường Pitch của sân Vinh. Cái chữ “sĩ” của Hữu Thắng nó hiện rõ và tỏa sáng như thế đấy.
Nhưng, theo dòng thời gian, chữ “sĩ” dần được hiểu theo lớp “văn nhân” nhiều hơn, nó được gán ghép cho những người có học thức, “đức cao vọng trọng”. Mà điều này, chính Hữu Thắng lại không có được. Anh từng có một tuổi học trò không mấy đẹp đẽ khi phải thường xuyên quay cóp để có thể hoàn thành những môn học. Và có lẽ chính cái suy nghĩ của một người không được “cao siêu” ấy mà Hữu Thắng từng phải “ngồi khám” 13 tháng khi dính vào nghi án “mua cúp” vào năm 2001. Cái bản án mà giờ khi nhìn nhận lại, chính bản thân cựu huấn luyện viên của Nghệ An cũng phải thừa nhận: phải chi anh đã khéo léo hơn trong việc hành xử với truyền thông.
Nguyễn Hữu Thắng bị cảnh cáo do chạy vào sân, phát ngôn không đúng trong trận đấu giữa SLNA và Hà Nội T&T năm 2014
Nói đến truyền thông, người viết bỗng nhớ đến một buổi chiều lang thang trong thư viện Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đến một chiếc kệ với hàng loạt những cuốn sách viết về thể thao trong đó, bên cạnh nào là giáo án huấn luyện bóng đá cho đến tự truyện của Alex Ferguson thì có một cuốn sách viết về những mảng đen trong giới bóng đá Việt cách đây hơn mười năm khi đại án Bacalod gây chấn động dư luận. Đó là tuyển tập những bài báo điều tra của một tờ báo (xin phép không nói tên), điều đặc biệt là cái tên Nguyễn Hữu Thắng nổi bật như nhân vật chính ở trong đó!
Từng trang giấy là từng mảnh đời trụy lạc của cầu thủ được bóc mẽ, nhưng điều đáng chú ý là trong khi những người khác được nói đến thật tế nhị thì Hữu Thắng bị nêu thẳng tên ra trong ba bốn bài viết liên tiếp. Họ nói anh là kẻ nắm quyền lực ngầm của giới cầu thủ, là người cầm đầu những cái tên xứ Nghệ đã bán độ như Văn Quyến, Quốc Vượng,… Họ cho rằng Hữu Thắng như là “đại ca” trong cái quần thể cầu thủ “xã hội đen” ấy.

“Xin đừng gọi tôi là đại ca”- Nguyễn Hữu Thắng trả lời trong một câu hỏi bông đùa của nhà báo Phan Đăng. Thật ra câu hỏi cũng không liên quan gì tới bóng đá đâu, nhưng người viết thiết nghĩ, có lẽ nào cái từ “đại ca” ấy khiến anh có những cảm giác rùng mình. Chính cái từ “đại ca” đã khiến anh chịu án oan 13 tháng tù vì bị nghi “gây áp lực” lên cầu thủ Cảng Sài Gòn, để họ…đá hết mình mà thắng Nam Định qua đó gián tiếp giúp Nghệ An vô địch năm 2001. Và cái tội “bán nước” tại Philippines cũng liên quan đến từ hai chữ “đại ca” ấy vì đơn giản những “kẻ đầu têu” đều là học trò của anh trong những năm tháng Hữu Thắng còn dẫn dắt đội tuyển trẻ. 
Nguyễn Hữu Thắng khi còn là cầu thủ và khi trở thành HLV
Thật hư thế nào không ai biết. Chỉ biết rằng hai chữ “đại ca” rốt cuộc… “bẻ gẫy” cuộc đời của “kẻ sĩ” Hữu Thắng thành hai mảng đen trắng như thế đấy.
*********************
Một buổi tối tháng Mười mưa gió, đội tuyển Việt Nam tiếp Triều Tiên trên sân vận động Thống Nhất tại thành phố mang tên Bác. Đội bóng chúng ta đã giành chiến thắng oanh liệt với một kịch bản mà từ lâu những cổ động viên đã từng mơ ước. Thăng hoa với hàng công tài hoa, vững chãi với hàng thủ bản lĩnh. Đó chính là nơi Hữu Thắng đã chỉ ra được dấu ấn đậm nét mà chỉ vài tháng cầm quân anh đã đặt lên đội tuyển của nước nhà.
Để hình tượng hóa, người viết xin thất lễ so sánh các cầu thủ của chúng ta với bầy cừu. Người viết không có ý phủ nhận vì họ rõ ràng là những con người tài năng nhất hiện tại mà chúng ta có được. Tuy nhiên để so sánh về tài năng với lứa thế hệ vàng cách đây hai mươi năm thì thế hệ đàn em này vẫn cho thấy nhiều mặt hạn chế. Và nói về bản lĩnh thi đấu thì so với những con người từng đem về chiếc cúp vàng khu vực cách đây tám năm thì họ vẫn có gì đó thiếu sự già dặn.
Nhưng lý do chính cho phép so sánh này là vì các cầu thủ chúng ta thi đấu “mù quáng” theo một lối mòn được định sẵn. Nếu nhìn vào lực lượng đội tuyển, dễ dàng để ta thấy được hai trường phái tách biệt rõ rệt. Một bên là những cầu thủ gốc Sông Lam Nghệ An thi đấu bốc lửa nhưng nhiều lúc quá bản năng, và bên kia là những tài năng từ Hoàng Anh Gia Lai với những bước chạy tài hoa, tư duy chiến thuật bài bản nhưng lại thiếu sự quyết liệt và mạnh bạo trong tranh chấp. Để dễ hình dung hãy xem lại màn trình diễn của hai ngôi sao điển hình nhất trong hai nửa đối lập này trong trận đấu khai màn với Myanmar.
Nguyễn Hữu Thắng tập luyện cùng các cầu thủ Việt Nam
Trận đấu cách đây hai hôm, Xuân Trường là cái tên sáng nhất với sự điều tiết trận đấu tuyệt vời cùng nhãn quan chiến thuật hoàn hảo. Nhưng đó là trong thế trận tấn công của đội nhà. Ở những thời điểm đội tuyển cần phải phòng thủ, tiền vệ gốc Tuyên Quang lại cho thấy sự hụt hơi và thiếu táo bạo trong những pha tranh chấp với cầu thủ đội bạn. Thậm chí một lão tướng như Công Vinh, đôi khi phải lui về khá sâu để cướp bóng trong chân đối phương giúp Hoàng Thịnh bớt đi gánh nặng tuyến giữa. Còn ở mặt đối diện là Quế Ngọc Hải, cầu thủ mà theo người viết là cái tên đáng chờ đợi nhất đội tuyển năm nay với đẳng cấp đã được khẳng định, lại có nhiều pha bóng hơi nhiệt huyết quá. Anh đã có nhiều tình huống bị cuốn theo bóng mà bỏ Đình Luật lại bơ vơ ở trung tâm hàng phòng ngự, cái giá rõ ràng nhất chính là bàn thua của đội nhà khi anh bị cuốn vào đợt tấn công bên phải của đối phương mà khiến cho khu trung lộ trống rỗng, và tiền đạo Myanmar đã ngay lập tức chớp được cơ hội.
Nói ra điểm yếu của đội tuyển để thấy được huấn luyện viên Hữu Thắng là cái tên phù hợp như thế nào trong thời điểm hiện tại. Người hâm mộ đã từng thất vọng với cái tên Guillaume Graechen, và hờn giận Toshiya Miura. Một người thì quá bài bản mà thiếu bản lĩnh của người làm tướng, còn người kia thì thửa khả năng truyền nhiệt huyết nhưng lối đá lại không phù hợp với con người Việt Nam. Câu hỏi từ lâu đặt ra là làm sao dung hòa được hai điều này và có vẻ như huấn luyện viên người Nghệ An dần tìm được câu trả lời.
Ít ai biết rằng bên cạnh cái tên Sông Lam Nghệ An mạnh bạo, quyết liệt Hữu Thắng từng có thời gian lèo lái tại Hà Nội T&T, đội bóng nổi tiếng với lối chơi hào hoa, kỹ thuật bậc nhất V-league. Thậm chí phải nói người thầy xứ Nghệ này có công “tái sinh” đội bóng thủ đô khi giúp họ từ vị trí bét bảng lên đến thứ tư chung cuộc. Đó là mùa giải 2009, đoàn quân của huấn luyện viên Triệu Quang Hà như bước vào làn sương mờ và thậm chí bầu Hiển phải trảm “ái tướng” của mình ngay sau giai đoạn lượt đi, cầu thủ thì vẫn còn thương nhớ người thầy cũ. Và Nguyễn Hữu Thắng đã ra Hà Nội với muôn vàn khó khăn như thế nhưng bằng bản lĩnh của mình rốt cuộc anh đã lèo lái con tàu Hà Nội T&T ra khỏi cơn giông bão, để tiếp đó là bước đệm cho họ trở thành thế lực của bóng đá quốc nội về sau này.
Kể ra để biết rằng Hữu Thắng không chỉ là huấn luyện viên chỉ biết hét ra lửa mà còn là người có thể thích ứng với mọi tình huống đặt ra. Cần “cứng” thì sẽ cứng, cần “mềm” thì vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Anh như một con sói già vậy, có trái tim bùng cháy trong hành động nhưng ở cái đầu vẫn là một sự lạnh lùng trong suy nghĩ.
Nguyễn Hữu Thắng: Cần “cứng” thì sẽ cứng, cần “mềm” thì vẫn hoàn thành nhiệm vụ
“Tôi không muốn làm đại ca”, anh đã từng nói như vậy. Nhưng riêng người viết chỉ mong rằng Hữu Thắng hãy là chính mình, hãy vẫn cái cá tính sói già ấy, cái hình tượng “đại ca” đầy dữ dằn nhưng lạnh lùng ấy để dẫn dắt đội tuyển Việt Nam lần này. Trái tim nóng hãy thổi lửa vào những đôi chân nghệ thuật, cái đầu lạnh hãy kìm lấy bầu máu nóng nhiệt huyết. Chính cái sự già rơ ấy không phải là thứ mà thế hệ trẻ hiện tại đang cần thiết hay sao?
Trước mắt chúng ta là trận đấu với Malaysia, đối thủ đầy duyên nợ với đội tuyển áo đỏ. Xa hơn là Campuchia, đội bóng mà hiện tại đã khác xưa rất nhiều. Và dĩ nhiên tối thượng nhất là chiếc cúp vàng khu vực nơi mà vẫn còn những cái tên như Indonesia, Singapore hay đáng ngại nhất là Thái Lan vẫn đang mon men dòm đến. Trận ra mắt chúng ta vẫn có những lỗi đáng để lưu tâm nhưng quan trọng nhất là ba điểm thì đã có trong tầm tay, và hãy tạm xem như đó là sự khởi đầu may mắn cho một chiến dịch dài hơi còn ở phía trước. Chúc cho các cầu thủ sẽ ngày càng trưởng thành, bản lĩnh để chứng minh rằng tôi đã sai khi so sánh họ với bầy cừu. Và chúc cho huấn luyện viên Hữu Thắng sẽ vững tay chèo lèo lái con tàu Việt Nam, để chứng minh rằng tôi đã đúng khi chỉ ra trên băng ghế huấn luyện Việt Nam là một con sói già đích thực.

PHƯƠNG GP(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Người hùng Alejandro Garnacho và cái duyên đặc biệt

Ngay từ khi còn trẻ, Garnacho đã cho thấy cái duyên với các giải đấu cúp, đặc biệt khi “đụng” đến hai chữ FA. Đó có lẽ là cầu thủ của những khoảnh khắc và sẽ còn hoàn thiện hơn nữa khả năng tỏa sáng ở những thời điểm then chốt, trong cả màu áo Man United lẫn ĐT Argentina.

Bruno Fernandes & Man United: Nên dừng lại hay tiếp tục?

Thất bại trước Crystal Palace và Arsenal cho thấy Manchester United có thể tệ đến mức nào nếu không có Bruno Fernandes. Chiến thắng 3-2 trước Newcastle, trong trận sân nhà cuối cùng của mùa giải, cho thấy họ có thể chơi tốt như thế nào với tiền vệ người Bồ Đào Nha.

Cơ hội cho Thibaut Courtois?

Thibaut Courtois vừa có trận đấu đầu tiên của mùa giải cách đây 2 tuần, khi anh trở lại khung gỗ bắt chính và giữ sạch lưới ở chiến thắng 3-0 của Real Madrid trước Cadiz, qua đó giúp đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha giành chức vô địch La Liga lần thứ 36 trong lịch sử.

Phil Foden: Hành trình vươn tới những vì sao của cậu bé nhặt bóng năm nào

“Các bạn là những người may mắn, tin tôi đi, vì các bạn là những người đã xem trận đấu đầu tiên của cậu ấy ở đội một tại Manchester City. Đã lâu rồi tôi chưa thấy điều gì như ngày hôm nay. Màn trình diễn của cậu ấy ở một đẳng cấp rất khác biệt. Cậu ấy trưởng thành từ Học viện, là một người hâm mộ Man City và yêu câu lạc bộ CLB này. Cậu ấy chính là một món quà tuyệt vời dành cho chúng tôi"

Bruno Fernandes: Dear United

"Tôi biết mọi thứ không suôn sẻ. Tôi biết đây không phải tiêu chuẩn của Man United. Nhưng chúng tôi đang trên đường tới Wembley. Hãy ở phía sau chúng tôi thêm một lần nữa nhé", Bruno Fernandes.

Sự vươn mình của Gianluca Scamacca và niềm hi vọng cho Azzurri!

Hình ảnh Mario Balotelli gồng mình ngạo nghễ trước người Đức 12 năm trước có thể được tái hiện ở EURO 2024, nếu ĐTQG Italia đặt niềm tin vào Gianluca Scamacca. Màn ăn mừng lạnh lùng trước Liverpool cùng những thể hiện trên hành trình lên ngôi Europa League, là trailer đáng chờ đợi cho viễn cảnh đó.